Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Hạn hán mất mùa ở Việt Nam là một trong các nguyên nhân khiến cà phê robusta tăng giá kỷ lục trên cả hai thị trường quốc tế và quốc nội. Đây có phải là tin vui cho người trồng cà phê ở Tây Nguyên hay không.
Giá cà phê Robusta trên thế giới lên cao đến mức kỷ lục trong vòng 5 năm qua. Theo Bloomberg.com trang thông tin thương mại điện tử, hôm thứ sáu 11 tháng 3, giá cà phê Robusta giao tháng 3 trên sàn giao dịch Luân Đôn lên tới mức 1.050 đô la một tấn. Còn giá giao tháng 5 là 1.070 đô la và giá giao tháng 7 tới 1.095 đô la một tấn.
Theo thông tin này giá cả leo thang nhanh chóng do hạn hán kéo dài ở Việt Nam gây mất mùa cà phê Tây Nguyên.
Tin vui cho nông dân?
Trước tình hình vừa nói, giá thu mua cà phê robusta nhân loại 2 ở các tỉnh Cao Nguyên Trung Phần như Đắc Lắc Lâm Đồng cũng tăng vọt tới 15 ngàn 1 kg, so với tháng 2 chỉ khoảng dưới 10 ngàn. Giá cà phê đạt mức cao như vậy chắc hẳn phải là tin vui cho nhà vườn trồng cà phê.
Tuy nhiên thực tế lại không hẳn như vậy, một chủ vườn cà phê ở Tây Nguyên cho chúng tôi biết: "Giá tăng thì vui mừng lắm chứ…hiện nay thu 15 ngàn một kí…nhưng tất cả chúng tôi làm gì còn cà phê để mà bán…Chúng tôi đã bán hết ngay sau khi thu hoạch lúc đó gía mới 9 ngàn, 9 ngàn rưởi… Đâu có trữ lại được phải bán hết để trang trải nợ nần."
Giá tăng thì vui mừng lắm chứ…hiện nay thu 15 ngàn một kí…nhưng tất cả chúng tôi làm gì còn cà phê để mà bán…Chúng tôi đã bán hết ngay sau khi thu hoạch lúc đó gía mới 9 ngàn, 9 ngàn rưởi… Đâu có trữ lại được phải bán hết để trang trải nợ nần.
Đáp câu hỏi rằng vậy thì ai có thể trữ cà phê và được hưởng lợi vào lúc này, cũng như chuyện giá cả hiện nay đã trở lại thời kỳ vàng son hay chưa.
Chủ vườn cà phê nhận định: "Thương lái, những người thu mua, ai có tiền vốn nhiều thì có thể trữ chờ giá cao, nông dân thì không. Giá cả hiện nay thì cách đây 4 năm cũng có một lần lên tới 15 ngàn/kg, nhưng 15 ngàn bây giờ và 15 ngày trước khác nhau xa, vì vật giá leo thang."
Mất mùa vì hạn hán
Hạn hán trầm trọng kéo dài khiến cho vụ cà phê 2004/2005 dự kiến đạt 14-15 triệu bao, nhưng trên thực tế sẽ chỉ đạt ở mức 12 triệu bao, mỗi bao 60kg. Tuy vậy, niên vụ tới bắt đầu tháng 10/2005 cũng sẽ chịu nhiều tổn thất, như cảnh báo của ông Đoàn Triệu Nhạn, phó chủ tịch hiệp hội cà phê cacao Việt Nam:
"Sẽ mất luôn vụ thứ hai vì thiếu mưa việc ra hoa và đậu quả cho vụ tới rất khó. Và muốn khắc phục được cái đó thì phải tưới, nhưng mà đáng tiếc là nguồn nứơc ngầm, nguồn nước mặt của tây nguyên năm nay cũng cạn kiệt so với trước nhiều, người ta tính là có nhiều hồ chứa không đạt được 50% dung tích thiết kết. Và thứ hai nữa là giá xăng dầu lên cao, năm nay đối với cà phê Việt Nam có nhiều khó khăn, xăng dầu phân bón lên cao ảnh hưởng rất lớn cho việc đầu tư vào vườn cà phê."
Vùng tôi hiện nước vô cùng khan hiếm, chỉ có một số ít vườn ở đầu suối chặn được nứơc để tưới. Nhưng tưới mà không đủ lượng chẳng khác tự làm hại mình . Tưới ít, hoa ra nếu đậu quả cũng rụng hết.
Giới chức Hiệp Hội đưa ra cái nhìn bao quát, trên thực tế người trồng cà phê đối phó thế nào với hạn, họ chỉ tứơi khi thực sự đủ nứơc tưới, vì tưới cầm chừng là lợi bất cập hại. Chủ vườn cà phê ở Tây Nguyên phát biểu:
"Vùng tôi hiện nước vô cùng khan hiếm, chỉ có một số ít vườn ở đầu suối chặn được nứơc để tưới. Nhưng tưới mà không đủ lượng chẳng khác tự làm hại mình . Tưới ít, hoa ra nếu đậu quả cũng rụng hết.”
Việt Nam là nước trồng nhiều cà phê Robusta nhất nhì thế giới, phân nửa tổng sản lượng cà phê Robusta xuất khẩu trên toàn cầu có xuất xứ Việt Nam. Tuy nhiên Robusta là loại cà phê giá trị kém, chuyên dùng để sản xuất cà phê hoà tan, công nghiệp sản xuất cà phê hoà tan hiện nay nằm trong tay khoảng 5 đại công ty ở châu Âu và Bắc Mỹ.