Băn khoăn về việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 theo dịch vụ

0:00 / 0:00

Việt Nam đã nhận được lô vaccine COVID-19 đầu tiên gồm 117.000 liều từ Công ty AstraZeneca vào ngày 24 tháng Hai, trước thời điểm triển khai chương trình tiêm chủng dự kiến từ tháng tới.

Bộ Y tế Việt Nam đã sắp xếp 11 nhóm người được tiêm vaccine COVID-19 đầu tiên theo mức độ ưu tiên tình huống dịch và trong bối cảnh nguồn vaccine hạn chế tại Việt Nam, gồm: nhân viên y tế, nhân viên tham gia phòng chống dịch (Ban chỉ đạo các cấp, nhân viên của các khu cách ly, phóng viên...), nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh, lực lượng quân đội, lực lượng công an, giáo viên, người trên 65 tuổi; Nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước..., những người mắc các bệnh mạn tính, người có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài, người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ.

Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, bên cạnh nhóm ưu tiên trên, khi nguồn cung vaccine tăng lên sẽ có hình thức tiêm dịch vụ. Lúc đó, người dân có nhu cầu có thể yêu cầu được chích với tiêu chí công khai, minh bạch về chi phí, hiệu quả.

Dân thì chả có đối tượng nào ưu tiên cả, phải bỏ tiền ra là chuyện chắc chắn rồi. Chỉ có bỏ nhiều hay ít mà thôi, tức là bỏ 100% hay bỏ một phần, Nhà nước chịu một phần thì cái đó chưa có câu trả lời. - Bs Đinh Đức Long

Khái niệm ‘dịch vụ’ trong lĩnh vực y tế được hiểu là trả tiền thì sẽ được khám, chữa bệnh mà không phải chờ đợi lâu, và không dành cho người nghèo. Trong trường hợp đại dịch như hiện nay, nếu ai không nằm trong diện ưu tiên mà muốn chích ngừa sớm thì phải bỏ tiền ra mua. Đó là quy luật thị trường. Vậy liệu có chuyện tiêu cực xảy ra, tức số thuốc để chích cho những người ưu tiên bị cắt ra cho các phòng tiêm dịch vụ hay không?

Bác sĩ Đinh Đức Long cho rằng, không thể xảy ra chuyện tiêu cực đó vì các nơi tiêm dịch vụ họ sẽ tìm nguồn vaccine riêng chứ không ‘đụng’ vào nguồn vaccine dành cho 11 thành phần ưu tiên ở trên. Bác sĩ Long nói thêm:

“Người ta đưa ra 11 trường hợp ưu tiên. Về mặt lý thuyết thì chắc chắn họ sẽ được chích miễn phí. Mà vaccine thì trước mắt chưa có đủ cho 100 triệu dân. Nhà nước cũng chưa nói rõ là chích miễn phí cho toàn dân hay không, còn chuyện chích dịch vụ là chuyện bình thường xưa nay rồi. Ngoài đối tượng ưu tiên ra thì ai cũng như nhau.

Tiêm dịch vụ thì chắc chắn là trước sau gì cũng có rồi. Chỉ có đối tượng ưu tiên thì chắc chắn được chích trước. Dân thì chả có đối tượng nào ưu tiên cả, phải bỏ tiền ra là chuyện chắc chắn rồi. Chỉ có bỏ nhiều hay ít mà thôi, tức là bỏ 100% hay bỏ một phần, Nhà nước chịu một phần thì cái đó chưa có câu trả lời.

Trong một cuộc họp báo cách đây khoảng vào tuần thì ông Nguyễn Xuân Phúc có nói đại ý là Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Nhân dân sẽ phải trả tiền một phần tùy theo đối tượng. Còn ông Nguyễn Phú Trọng thì nói là lấy ngân sách ra mua vaccine cho dân. Ổng chỉ nói lấy ngân sách chứ ổng không nói là khi tiêm thì dân phải trả tiền hay không. Tức là hai ông nói có khác nhau và ông Trọng thì nói ‘khôn ngoan’ hơn.”

Một tình nguyện viên được tiêm vaccine Nano Covax do công ty dược phẩm Nanogen của Việt Nam phát triển. Ảnh ngày 17/12/2020.
Một tình nguyện viên được tiêm vaccine Nano Covax do công ty dược phẩm Nanogen của Việt Nam phát triển. Ảnh ngày 17/12/2020.

Tại cuộc họp sáng 23 tháng Hai, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 cho hay, trong tương lai sẽ tiến tới Nhà nước đảm bảo người dân được tiêm miễn phí giống như tiêm chủng các vaccine phòng chống dịch bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng, bên cạnh đó vẫn có một phần nhỏ là vaccine dịch vụ dành cho những người có khả năng chi trả.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long hôm 19 tháng hai cho biết, Việt Nam sẽ nhận được 60 triệu liều vaccine phòng COVID-19 trong năm 2021, bao gồm khoảng 30 triệu liều theo cam kết trong chương trình COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Cô Tuyết Lan, một công nhân ở Tây Ninh tỏ ra bất bình với hình thức tiêm dịch vụ vaccine COVID-19. Theo cô, nếu những loại thuốc ngừa khác mà chích cũng được, không cũng chẳng sao thì mới nên có dịch vụ như vậy. Còn với đại dịch thì cách tổ chức phải khác. Cô nói:

“Em thấy không công bằng nếu cho chích dịch vụ. Đây là đại dịch, con virus đâu có chừa một ai. Dù giàu hay nghèo cũng nên được chích như nhau chứ.

Nếu có chích dịch vụ thì em nghĩ Nhà nước phải ngăn chặn lại vì đây là đại dịch, không phân biệt giàu nghèo. Nếu cho chích dịch vụ thì chính phủ Việt Nam không công bằng tí nào. Bao nhiêu người nghèo phải chịu chết hay sao? Mà nếu không được chích thì người nghèo sẽ bị lây đại trà.”

Nếu có chích dịch vụ thì em nghĩ Nhà nước phải ngăn chặn lại vì đây là đại dịch, không phân biệt giàu nghèo. Bao nhiêu người nghèo phải chịu chết hay sao? Mà nếu không được chích thì người nghèo sẽ bị lây đại trà. - Cô Tuyết Lan

Cô Trúc Khê, nhân viên văn phòng một công ty nước ngoài với mức lương tương đối khá, lại cho biết:

“Nếu chích miễn phí thì em chích còn không thì thôi. Em cũng có hỏi một số bác sĩ thì họ nói cơ thể mình khỏe mạnh thì cần gì phải chích. Chích vaccine là chích con virus vô người mình nên nó cũng không tốt. Mình để thuốc cho những người trong diện ưu tiên họ chích chứ thuốc đâu có đủ cho 100 triệu dân. Tuy nhiên, nếu mình đang ở vùng dịch bệnh thì mình cần, em sẵn sàng bỏ tiền ra chích, còn bình thường thì sẽ không chích.”

Điều cô Trúc Khê quan tâm hơn là chuyện có thể có ‘gian lận’ khi lên lịch chích cho những người trong diện ưu tiên. Theo cô, chuyện tiêu cực có thể xảy ra khi những người không thuộc diện ưu tiên được ‘phù phép’ xếp vào diện ưu tiên và đối tượng ưu tiên bị gạt ra ngoài. Chuyện đó thực tế có thể xảy ra.

Điều cô Trúc Khê nói tới khiến người ta nhớ tới câu chuyện những người nghèo không được nhận hỗ trợ từ đại dịch COVID-19, mà người được nhận lại có nhà lầu, xe hơi.

Tháng Năm năm ngoái, UBND huyện Yên Định (Thanh Hóa) phát hiện chín hộ cận nghèo ở xã Yên Thọ có nhà lầu, xe hơi lại được nhận tiền hỗ trợ dịch COVID-19 từ gói 62.000 tỷ đồng, do những hộ này có quan hệ họ hàng với cán bộ xã, thôn nên được đưa vào danh sách. Ngược lại, nhiều hộ kinh tế khó khăn, có mức sống dưới mức trung bình không có tên trong danh sách.