Mở rộng đầu vào hay thả nổi chất lượng?

0:00 / 0:00

Việc vào đại học từng được ví như “cá chép vượt vũ môn hóa rồng”, thể hiện nghị lực, sự cố gắng của các thí sinh trong cuộc đua với nhiều bạn đồng trang lứa để chọn ra những thành phần ưu tú nhất bước vào bậc học cuối cùng.

Tuy nhiên năm 2018 Bộ Giáo dục Đào tạo chính thức bỏ quy định điểm sàn tuyển sinh. Điều này gây lo ngại các trường sẽ “vơ bèo, vạt tép”; liệu việc giáo dục từ tiểu học đến phổ thông trung học đã được chuẩn bị đủ cho việc bỏ điểm sàn như thế chưa?

Lợi bất cập hại?

Bộ Giáo dục Đào tạo vừa công bố Dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy và tuyển sinh nhóm ngành đào tạo giáo viên trong năm 2018. Trong đó đáng chú ý là việc chính thức bỏ điểm sàn đầu vào, hạ điểm ưu tiên, chỉ giữ điểm sàn sư phạm, thay đổi cách làm tròn điểm, bắt buộc công bố tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm...

Thời gian qua, việc giữ hay bỏ điểm sàn đã gây nhiều tranh cãi. Các trường đại học dân lập thì đề nghị bỏ điểm sàn vì thiếu sinh viên theo học. Trong khi các trường đại học công lập có uy tín lại vẫn muốn giữ việc giới hạn chất lượng đầu vào vì cho rằng điểm sàn sẽ là “bộ lọc” cần thiết nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đại học.

Tuy còn nhiều tranh cãi nhưng vào trung tuần tháng ba, Bộ Giáo dục Đào tạo đã chính thức bỏ quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tức bỏ điểm sàn. Nhận xét về việc này, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Giảng viên chuyên ngành giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết:

Tôi nghĩ việc bỏ cái chuẩn đầu vào có thể cũng có những điểm lợi. Vì nó tạo điều kiện cho tất cả các em có cơ hội để tham gia vào cái hệ thống học tập.<br/>-TS Trần Thành Nam

“Việt Nam hiện nay đang đối sánh với các nước trong khu vực ASEAN và Việt Nam hiện cũng rất quan tâm chuẩn đầu ra thì tôi nghĩ việc bỏ cái chuẩn đầu vào có thể cũng có những điểm lợi. Vì nó tạo điều kiện cho tất cả các em có cơ hội để tham gia vào cái hệ thống học tập.”

Tuy nhiên từ Hà Nội, Nhà giáo Phạm Toàn lại không đồng tình với giải pháp bỏ điểm sàn tuyển sinh đại học:

“Những giải pháp bây giờ thì người ta luôn luôn đưa ra giải pháp khiên cưỡng, một trường đại học thì nó phải xếp hàng ngang với thời đại, chứ không thể như trường trung học hay tiểu học được. Một nền trung học hay tiểu học phải có tầm tư tưởng để rèn luyện đào tạo con người lâu dài. Còn nền đại học thì nó đào tạo con người tức khắc, vì thế nếu cái gì cũng hạ, cái gì cũng bớt thì là một cách để gật đầu, nháy mắt với nhau nói ‘tạm thế, tạm thế’…”

Cùng quan điểm với nhà giáo Phạm Toàn, thầy Đỗ Việt Khoa, một giáo viên tâm huyết có nhiều kinh nghiệm giảng dạy tại các trường trung học phổ thông tại Hà Nội cho rằng việc bỏ điểm sàn tuyển sinh đại học thể hiện sự bất lực trong chuyện nâng cao chất lượng đầu vào đại học. Ông nói thêm:

“Việc bỏ điểm sàn đại học có hai mặt, mặt trái nó thể hiện sự bất lực trong chuyện nâng cao chất lượng đầu vào đại học, tức là chất lượng học sinh phổ thông có vấn đề khi mà trung bình chỉ hơn 3 điểm một môn mà đỗ đại học thì đó là chuyện lạ của thế giới, chứng tỏ học sinh phổ thông được đào tạo không tốt. Mặc khác, nó lại giải quyết được công ăn việc làm, tránh lãng phí cơ sở hạ tầng của thời kỳ bùng nổ các trường đại học kéo dài chừng hơn chục năm nay, dẫn đến nhiều trường đại học được xây dựng, thành lập mà không có sinh viên vào.”

Học sinh tan học tại một trường tiểu học ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Học sinh tan học tại một trường tiểu học ở Thành phố Hồ Chí Minh. (RFA)

Theo thầy Đỗ Việt Khoa, tình trạng tuyển sinh vô tôi vạ không phải là mới, mà nhiều năm trước nó đã âm ỉ diễn ra, nhiều trường đại học, nhất là đại học dân lập vì thiếu nguồn sinh viên nên không còn căn cứ vào điểm sàn nữa, điểm thấp họ cũng gởi giấy mời thí sinh nhập học. Nhiều khi học sinh không đăng ký cũng nhận được vài giấy mời nhập học của các trường đại học dân lập. Ông bày tỏ lo ngại khi bỏ điểm sàn đại học:

“Dự kiến trong thời gian tới người ta sẽ ‘vơ bèo vạt tép’, những em học sinh học lực yếu sẽ được rất nhiều trường đại học lấy.”

Còn nhiều thách thức

PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM trong một lần trả lời VNExpress cho rằng khi không có quy định điểm sàn tuyển sinh sẽ xảy ra tình trạng thí sinh không đạt được chuẩn ở trường trung học phổ thông khi vào đại học sẽ không thể theo nổi.

Tiến sĩ Trần Thành Nam dù thừa nhận bỏ điểm sàn tuy có điểm lợi nhưng cũng còn nhiều thách thức về chuẩn mực của các cấp học. Ông đưa ra nhận xét:

“Tôi nghĩ rằng đối với các em thì bỏ điểm sàn hay không cũng là một thách thức, vì bây giờ chúng ta muốn đào tạo theo chuẩn năng lực đầu ra. Ví dụ như là hết một cấp nào đấy thì các em yêu cầu phải đạt được một năng lực nhất định nào đấy. Từ bậc tiểu học cho đến cao đẳng nghề, rồi bậc đại học, sau đại học, thạc sỹ, tiến sỹ thì nó đều phải có cái mức và các bậc năng lực khác nhau theo tiêu chuẩn.”

Việt Nam hiện đã phổ cập tiểu học và đang chuẩn bị phổ cập phổ thông cơ sở. Tuy nhiên hiện nay chuẩn mực của các trường của các vùng miền vẫn không đồng đều, gây lo ngại về bỏ điểm sàn tuyển sinh đại học quốc gia. Nhận xét về việc này thầy giáo Đỗ Việt Khoa cho biết:

Theo tôi nghĩ thì cứ như cái nền giáo dục bây giờ thì chả cái cấp nào đạt cả, nói luôn thế cho nó gọn, cứ dạy và học như bây giờ thì chả cấp nào đạt cả. Có mấy trường đỗ này đỗ kia nhưng nó vẫn không phải là sản phẩm học sinh mà mình mong muốn.<br/>-Nhà giáo Phạm Toàn

“Những trường gần đô thị thì tôi nghĩ đạt chuẩn, nhưng vùng sâu vùng xa thì tôi nghĩ không đạt. Tôi cũng đi miền núi khá nhiều, tôi biết chất lượng (học tập) của các cháu thấp lắm. Mỗi lần thi tốt nghiệp các cháu phải sử dụng đủ mưu mẹo, quay cóp, thậm chí thầy cô phải làm bài đưa cho chép không thì rớt hết. Đây là tình trạng cực kỳ nghiêm trọng ở các tỉnh miền núi vùng sâu vùng xa.”

Nhà giáo Phạm Toàn thẳng thắn chia sẻ:

“Theo tôi nghĩ thì cứ như cái nền giáo dục bây giờ thì chả cái cấp nào đạt cả, nói luôn thế cho nó gọn, cứ dạy và học như bây giờ thì chả cấp nào đạt cả. Có mấy trường đỗ này đỗ kia nhưng nó vẫn không phải là sản phẩm học sinh mà mình mong muốn.”

Với bậc đại học, điểm sàn là ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, nói cách khác đó là mức mà các thí sinh phải đạt được mới có thể tiếp thu kiến thức. Việc bỏ điểm sàn sẽ khiến ngành Giáo dục quay trở lại gần giống những năm 2000, khi đó thí sinh thi 3 môn chỉ 7, 8 điểm vẫn trúng tuyển đại học và hậu quả là học không nổi, sản phẩm đầu ra không đảm bảo chất lượng…

Theo lời nhà giáo Phạm Toàn, một nền đại học không được phép tạm bợ, cũng như một nền giáo dục là phải làm gì đó cho muôn đời muôn kiếp.