Tự chủ đại học ở Việt Nam chỉ mang tính hình thức!

0:00 / 0:00

Chiều ngày 31 tháng 7 năm 2020, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM công bố quyết định đình chỉ sinh hoạt cấp ủy thời hạn 90 ngày đối với ông Lê Vinh Danh - Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng do có một số sai phạm trong công việc.

Theo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM kết luận những vi phạm của ông Lê Vinh Danh đã gây hậu quả nghiêm trọng làm giảm sút vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của đảng ủy trường, ảnh hưởng đến hoạt động của trường đến mức phải xem xét kỷ luật. Ngoài chức danh Hiệu trưởng, ông Lê Vinh Danh còn là Bí thư Đảng ủy của trường ĐH Tôn Đức Thắng.

Ngay sau khi bị đình chỉ công tác, ông Lê Vinh Danh gửi đơn khiếu nại tới Thủ tướng, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và gửi đơn kêu cứu tới Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Ngoài ra, ông Danh còn gửi đơn kiện đến Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc bị đình chỉ. Tòa trả lại đơn kiện về cho ông Danh do thấy quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông là quyết định mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức, không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa.

Đại học Tôn Đức Thắng là đại học công lập, đào tạo đại học, sau đại học và hoạt động khoa học công nghệ hoạt động theo hình thức tự chủ.

Tự chủ đại học được hiểu là quyền tự do của nhà trường đại học trong việc quyết định những công việc của chính mình. Những công việc này hiện được quan tâm chủ yếu ở bốn lĩnh vực: học thuật, tài chính, tổ chức và nhân sự.

Theo Luật Giáo dục năm 2012 và Luật Giáo dục đại học sửa đổi số 34, với cơ sở giáo dục đại học công lập thì các tổ chức đảng và đảng viên, đoàn thể sẽ thực hiện theo quy định của đảng.

Nhà nước khuyến khích xu hướng tự chủ về tài chánh, tự chủ về cán bộ, tự chủ về tổ chức. Tất cả là tự chủ hết nhưng cái tự chủ này nó hoàn toàn không phải là tự trị đại học. - Ông Đinh Kim Phúc

Ông Đinh Kim Phúc, từng là giảng viên Trường Đại học Mở bán công TP.HCM cho biết, khuynh hướng tự chủ đại học là khuynh hướng tích cực. Nhà nước không bao cấp nữa và mở rộng quyền của hiệu trưởng, của Hội đồng nhà trường, của Hội đồng khoa học. Tuy vậy, tự chủ vẫn phải chịu sự lãnh đạo của đảng. Ông nói thêm:

“Nhà nước khuyến khích xu hướng tự chủ về tài chánh, tự chủ về cán bộ, tự chủ về tổ chức. Tất cả là tự chủ hết nhưng cái tự chủ này nó hoàn toàn không phải là tự trị đại học. Tự trị đại học như các trường đại học trước 1975 là tối kỵ đối với nhà nước này bởi tự trị đại học là tách rời sự lãnh đạo của đảng, tự do học thuật.

Cái mô hình tự chủ đại học hiện nay nó rất hay. Nó phát huy cái sáng tạo và tìm được người giỏi để lãnh đạo trường. Nhưng ngươc lại nó có hiện tượng ‘băng nhóm’ đưa vào lãnh đạo vì thu nhập rất cao.”

Giáo sư Phạm Minh Hoàng,từng giảng dạy tại Đại học Bách khoa Hà nội, nói về vấn đề tự chủ đại học ở Việt Nam:

“Nói về tự chủ đại học thì nó có nhiều yếu tố. Tự chủ về tài chính, tự chủ về nhân lực, tự chủ về cách giảng dạy. Tôi nghĩ về tài chính thì họ tự chủ được. Còn về những vấn đề khác thì đừng quên trong tất cả các trường học ở Việt Nam, dù trường tư hay trường công, đều có bí thư đảng ủy. Tức họ bị ràng buộc bởi đảng. Cho nên đối với tôi, tự chủ đại học ở Việt Nam chỉ mang tính tương đối thôi.

Tôi khuyến khích tự chủ đại học vì đại học đâu phải con nít mà cứ đi theo canh chừng, dắt mũi. Càng để tự chủ càng để cho họ có cơ hội phát triển. Nhưng ở Việt Nam, lúc nào họ cũng nói họ khuyến khích tự chủ nhưng vẫn phải tự chủ dưới sự lãnh đạo của đảng.”

GS. Hoàng nói thêm rằng,không chỉ trường học mà tất cả các lĩnh vực hành chính ở Việt Nam đều có đảng. Phải nói đó là cái chân lý của đảng cộng sản từ mấy mươi năm nay rồi. Nghĩa là bên cạnh ông giám đốc trong công xưởng hay ông hiệu trưởng trong trường học đều có bí thư đảng. Bí thư đảng thường giữ chức phó. Chỉ nội chuyện phòng bí thư đảng ủy nằm bên cạnh phòng hiệu trưởng cho thấy sự chi phối của đảng rất là nhiều.

Một số các trường đại học công lập ở TP.HCM hoạt động theo xu hướng tự chủ có thể kể là Trường Đại học Bách Khoa; Trường Đại học Kinh tế - Luật; Trường Đại học Tài chính - Marketing; Trường Đại học Kinh tế; Trường Đại học Tôn Đức Thắng…

Trong đó, Trường Đại học Tôn Đức Thắng là trường đại học duy nhất tại Việt Nam được vào bảng xếp hạng Academic Ranking for World Universities (ARWU) và được xếp ở Top 701-800. Nằm trong danh sách 800 trường đại học xuất sắc nhất toàn thế giới năm 2020.

Tôi khuyến khích tự chủ đại học vì đại học đâu phải con nít mà cứ đi theo canh chừng, dắt mũi. Nhưng ở Việt Nam, lúc nào họ cũng nói họ khuyến khích tự chủ nhưng vẫn phải tự chủ dưới sự lãnh đạo của đảng. - GS. Phạm Minh Hoàng

Qua sự việc Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng bị đình chỉ chức vụ, Tiến sĩ Phạm Đình Quý, giảng viên của trường bị bắt khẩn cấp, Giáo sư Phạm Minh Hoàng nêu ý kiến của ông:

“Tôi chưa bao giờ tiếp xúc với Trường Đại học Tôn Đức Thắng nhưng tôi biết đây là một trường công nhưng họ giữ hình thức tự chủ. Vừa qua họ lọt vào danh sách 800 trường đại học nổi tiếng thế giới. Đây là chuyện mà Đại học dạy Quốc gia TP.HCM và Đại học Quốc gia Hà Nội chưa làm được. Dĩ nhiên người ta xếp hạng theo một cái tiêu chuẩn nào đấy nhưng việc lọt vào danh sách này là điều tốt cho giáo dục nước nhà.

Tôi mong rằng việc này nó không ảnh hưởng đến vấn đề tự chủ của trường. Sớm giải quyết mọi việc để học sinh và thầy cô ổn định để tiếp tục công việc giáo dục và phát triển của trường.”

Từ nhiều năm nay, Bộ Giáo dục và Nhà nước Việt Nam luôn nói đến xu hướng tự chủ đại học bởi tự chủ là bản chất của đại học. Có tự chủ trường mới phát triển được. Khi tự chủ, trường tự biết nên và không nên mở ngành gì. Bộ Giáo dục- Đào tạo chỉ đóng vai trò kiểm soát, giảm dần vai trò cơ quan chủ quản. Tuy vậy, chuyện tự chủ đại học không đơn giản vì vẫn phải chịu sự chi phối của đảng. Mà ở Việt Nam thì đảng cộng sản lãnh đạo toàn diện.

Hôm 15 tháng 11 năm 2019, Hội thảo khoa học "Tự chủ đại học thời kỳ hội nhập" do Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông và Trường Đại học Tôn Đức Thắng được tổ chức tại TP.HCM.

Ông Vũ Ngọc Hoàng - cựu phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương, nhận định việc tự chủ của các trường có cái khó khăn là không được tự chủ.

Ông Lê Vinh Danh - hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng, lúc đó cũng cho rằng tự chủ chỉ có được khi người ta cho tự chủ. Nếu đã cho phép tự chủ phải cho đồng bộ từ trên xuống dưới.