“Tăng học phí làm rào cản vào đại học: Giáo dục VN không những lạc đường mà còn ngược đời!”

0:00 / 0:00

Dùng học phí làm rảo cản học sinh vào đại học

Truyền thông Nhà nước Việt Nam đồng loạt đăng tải phát biểu của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) - Giáo sư Lê Quân tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, diễn ra vào sáng ngày 25/7.

Hiện là Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, ông Lê Quân kiến nghị cần phải đảm bảo học phí cũng là rào cản kỹ thuật để tránh việc học sinh lao vào đại học và trở thành “học đại”. Đồng thời, ĐBQH Lê Quân cũng nhấn mạnh rằng cần có chính sách thật tốt để con em nhà nghèo, học giỏi có thể tiếp cận được học bổng, đảm bảo quyền học đại học.

Mặc dù vậy, đề nghị vừa nêu của ĐBQH vấp phải nhiều lời phê phán và chỉ trích từ dư luận.

Đài RFA ghi nhận qua trang fanpage của báo giới chính thống trong nước, rất nhiều ý kiến cho rằng phát biểu của ĐBQH Lê Quân không đại diện cho tiếng nói của người dân. Đề nghị lấy học phí làm rào cản kỹ thuật là không hợp lý.

Bạn trẻ Minh Nguyễn, vào ngày 26/7, chia sẻ với RFA suy nghĩ cá nhân sau khi đọc được thông tin về phát ngôn của ĐBQH Lê Quân:

“Theo em thấy đề xuất tăng học phí đối với sinh viên thì không được hợp lý và cũng không được hợp tình. Tại vì nhiều gia đình có thu nhập dưới trung bình và ví dụ như có đông con nữa thì khi tăng học phí sẽ làm cho các gia đình đó lâm vào hoàn cảnh khó khăn hơn nữa. Với lại, tăng học phí sẽ làm cho các bạn trẻ nhà nghèo mà hiếu học bị mất cơ hội vào đại học.”

Theo em thấy đề xuất tăng học phí đối với sinh viên thì không được hợp lý và cũng không được hợp tình. Tại vì nhiều gia đình có thu nhập dưới trung bình và ví dụ như có đông con nữa thì khi tăng học phí sẽ làm cho các gia đình đó lâm vào hoàn cảnh khó khăn hơn nữa. Với lại, tăng học phí sẽ làm cho các bạn trẻ nhà nghèo mà hiếu học bị mất cơ hội vào đại học-Sinh viên Minh Nguyễn

GS-TS. Nguyễn Đăng Hưng cũng chia sẻ quan điểm của ông trên tài khoản Facebook về đề nghị gây tranh cãi của ĐBQH Lê Quân.

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, người từng có đóng góp cho ngành giáo dục Việt Nam trong hơn 20 năm qua, cho rằng ĐBQH Lê Quân là một vị lãnh đạo của một trường đại học được xếp vào hàng lớn nhất tại Việt Nam mà có ý nghĩ với đề xuất như vậy thì gây nên sự kinh ngạc trong giới chuyên môn. Trao đổi với RFA vào tối ngày 26/7, GS. Nguyễn Đăng Hưng nhấn mạnh:

“Tôi nhìn thấy rất rõ ông ĐBQH này có tư duy của thời đại tư bản hoang dã. Tôi không thể ngờ được trong thời đại bây giờ, ngay năm 2021, mà một vị Giám đốc của một trường đại học và là ĐBQH lại có tư duy giáo dục kiểu như vậy? Nói thật, tôi cũng thấy cộng đồng mạng chỉ trích gắt gao phát biểu này. Thật là ngoài sự tưởng tượng của chúng tôi.”

215595494_1039257156883472_294480070549544363_n.jpg
Courtesy: Ảnh chụp màn hình vtc.vn

Dư luận chỉ trích nặng nề

Facebooker Thái Hạo, đăng tải ý kiến liên quan đề xuất lấy học phí làm rào cản vào đại học của ĐBQH Lê Quân. Bài viết của ông Thái Hạo được lan tỏa trên cộng đồng mạng tại Việt Nam với sự đồng thuận rằng vấn đề của giáo dục không phải là “cản” người ta đi học, mà là chọn lựa.

Facebooker Thái Hạo viết, chúng tôi xin được trích nguyên văn:

“Ngành giáo dục phải thiết kế ngành giáo dục sao cho chọn được người giỏi và đào tạo ra người giỏi chứ không phải chỉ là lấy đủ chỉ tiêu về số lượng. Dùng tiền để “cản”, không cho họ “lao vào đại học” là một hạ sách cực kỳ nguy hiểm, vì nó hoàn toàn bỏ quên các yếu tố và mục đích khác – trong khi, đó lại là những mục đích quan trọng nhất của ngành này.”

Facebooker Thái Hạo kết luận ý kiến của ông qua chia sẻ:

“Tình yêu với tri thức và những giấc mơ tinh thần cao đẹp của con người với “giáo đường của tri thức” sẽ bị hủy hoại bởi cái quan niệm này của một lãnh đạo đang nắm giữ linh hồn một đại học lớn nhất nước.”

Một ngày sau khi phát biểu trước Quốc hội Việt Nam, ĐBQH Lê Quân, vào hôm 26/7, có cuộc trao đổi với Báo Pháp Luật TP.HCM.

GS. Lê Quân giải thích rõ thêm cho đề nghị của ông trước Quốc hội rằng chính sách học phí đại học hiện nay có nhiều bất cập vì vậy chất lượng đào tạo giảm sút. Cho nên, để nâng cao chất lượng đại học thì cần phải điều chỉnh chính sách học phí và hoàn thiện chính sách hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, học tốt.

Việt Nam ngày càng có chuyển biến trong ngành giáo dục càng tệ hại, biến thành một công cụ của một nhóm thiểu số trong khi chất lượng và nội dung đào tạo không có gì thay đổi. Lấy trường học, đặc biệt các trường đại học là cái chỗ để vơ vét thêm tiền. Cho nên nó trở thành công cụ lấy thêm tiền của dân, chứ không phải là chỗ để giáo dục dân-GS-TS. Nguyễn Đăng Hưng

GS. Lê Quân còn khẳng định rằng những quy định về miễn giảm học phí, cấp học bổng cho các đối tượng hiện tại đã khá “lạc hậu” so với thị trường và mức thu nhập chung của xã hội. Do đó, GS. Lê Quân cho rằng cần bàn thảo giải pháp để giải quyết các bất cập này hơn là tranh luận xem học phí phải ở mức cao hay thấp.

Trong khi đó, sinh viên Minh Nguyễn hiện đang du học tại Hoa Kỳ lên tiếng với RFA rằng bạn là một trong những người may mắn, có điều kiện về tài chính để theo đuổi giấc mơ học hành. Bạn trẻ Minh Nguyễn nói với RFA rằng Chính phủ Mỹ và nhiều trường đại học ở Hoa Kỳ hỗ trợ cho sinh viên bằng cách cắt giảm học phí và các khoản vay mượn đóng học phí của sinh viên để họ có thể phần nào giảm bớt khó khăn trong đại dịch COVID-19.

Bạn trẻ Minh Nguyễn cho là học sinh, sinh viên tại Việt Nam đang hằng mong đợi những ĐBQH như GS. Lê Quân đưa ra đề xuất giảm học phí, hay thậm chí miễn học phí trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành nghiêm trọng trên cả nước.

GS. Nguyễn Đăng Hưng bày tỏ với RFA rằng ông không mấy lạc quan về vấn đề học phí của học sinh, sinh viên:

“Tôi còn nghe về học phí ở Việt Nam càng ngày càng tăng. Tôi cũng còn nghe thông tin hình như có dự định tăng học phí ở các trường công. Cho nên là trường công là hệ thống trường được xây dựng và được điều hành từ tiền thuế của dân, thì bây giờ họ lại vơ vét thêm tiền của dân cho ngành giáo dục. Việc này đi ngược lại tất cả các tuyên bố chính thức là tận lực lấy ngân sách quốc gia cho giáo dục. Do đó mà Việt Nam ngày càng có chuyển biến trong ngành giáo dục càng tệ hại, biến thành một công cụ của một nhóm thiểu số trong khi chất lượng và nội dung đào tạo không có gì thay đổi. Lấy trường học, đặc biệt các trường đại học là cái chỗ để vơ vét thêm tiền. Cho nên nó trở thành công cụ lấy thêm tiền của dân, chứ không phải là chỗ để giáo dục dân.”

Hồi trung tuần tháng 4/2021, báo giới quốc nội cho biết nhiều trường đại học tại Việt Nam ra thông báo áp dụng tăng mức thu học phí mới, thậm chí gấp đôi mức học phí hiện hành.

GS. Nguyễn Đăng Hưng, kết thúc cuộc trò chuyện với RFA bằng câu nói ngậm ngùi “Ngành giáo dục ở Việt Nam không những đi lạc đường mà còn đi ngược đời hết.”