Ngành giáo dục Việt Nam gặp khó trong việc bù kiến thức cho học sinh nghỉ tránh dịch!

Trong thời gian học sinh các cấp nghỉ học để tránh lây lan dịch bệnh, những vấn đề thiếu vắng trong kiến thức học kỳ II năm học 2019-2020, sẽ được bù vào một hai tuần đầu năm học mới. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết thông tin vừa nêu tại cuộc họp trực tuyến hôm 10 tháng 4 năm 2020, với Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do liên quan vấn đề này hôm 10 tháng 4 năn 2020, Thầy Đỗ Việt Khoa, giáo viên giảng dạy môn Địa lý tại Trường Trung học Phổ thông Thường Tín, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội, nói:

“Về việc đầu năm học mới học bù kiến thức trong 2 tuần, quan điểm của tôi là việc này hơi vô lý. Nội dung kiến thức của năm học nào thì nên học ở năm học đó, năm học nào chưa xong thì ta kéo dài ra, xong lúc nào thì kết thúc năm học lúc đó. Kết thúc rồi thì thôi, không phải dây dưa đến năm học mới. Như vậy, nếu như mọi năm là ngày 31/5 kết thúc năm học, năm nay vì dịch covid-19 nghỉ học hết tháng, thì kết thúc ngày 31/7 đi, thậm chí muộn lúc nào ta kết thúc năm học lúc đó. Năm học mới có thể khai giảng muộn hơn, không bắt buộc cứ ngày 5/9 khai giảng, có thể kéo sang tháng 10, bao giờ hết dịch thì ta tiến hành năm học mới. Nên làm như thế.”

Về việc đầu năm học mới học bù kiến thức trong 2 tuần, quan điểm của tôi là việc này hơi vô lý. Nội dung kiến thức của năm học nào thì nên học ở năm học đó, năm học nào chưa xong thì ta kéo dài ra.<br/>-Thầy Đỗ Việt Khoa

Ngoài học sinh lớp 9 cấp Trung học Cơ sở và học khối lớp 12 cấp Trung học Phổ thông có đi học lại trong một thời gian ngắn rồi nghỉ tiếp, thì hầu như tất cả học sinh các cấp đều nghỉ học để đề phòng lây lan dịch COVID-19 từ kỳ nghỉ Tết nguyên đán đến nay, tức từ ngày 18 tháng 1 năm 2020 đến nay.

Với thời gian nghỉ học lâu như vậy, liệu hai tuần học bù trong năm học mới có đủ?

Một học sinh cấp Phổ thông Cơ sở ở quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh nói với Đài Á Châu Tự Do hôm 10 tháng 4 năm 2020:

“Đầu năm học mới học bù kiến thức trong 2 tuần thì... kiến thức của học kỳ 2 hơi dầy... con nghĩ là không đủ... con nghĩ phải 1 tháng mới đủ.”

Cũng tại cuộc họp với Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành chương trình tinh giản, giảm nhẹ nội dung học tập học kỳ II. Theo đó giữ lại những nội dung nền tảng, cốt lõi của chương trình học kỳ II...

Liên quan vấn đề này, Cô N, giáo viên một trường Trung học Cơ sở ở tỉnh Vĩnh Long, nhận định với Đài Á Châu Tự Do hôm 10 tháng 4 năm 2020:

“Bây giờ có chương trình dạy và học giảm tải, nhưng cũng không giảm nhiều. Nếu mà học bù chỉ hai tuần thôi thì tôi nghĩ cũng không đủ, vì một đơn vị bài chỉ giảm 1 tiết hay 2 tiết học. Vì dục bài đó 7 tiết, giảm 2 tiết thì cũng còn phải dạy 5 tiết.”

Cũng theo lời Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, trong thời gian học sinh nghỉ học, Bộ có quan điểm “học sinh ngừng đến trường, nhưng không dừng việc học”. Bộ đã đưa ra biện pháp cho học sinh học trực tuyến, học qua internet và học qua truyền hình…

Ảnh minh họa chụp tại Vĩnh Phúc hôm 13/2/2020.
Ảnh minh họa chụp tại Vĩnh Phúc hôm 13/2/2020. (AFP)

Thầy Đỗ Việt Khoa xác nhận, việc học trực tuyến Bộ giáo dục đã triển khai, bản thân ông và giáo viên trường ông cũng đã áp dụng từ một tuần qua. Tuy nhiên theo ông, dạy và học trực tuyến còn nhiều bất cập, nhưng vì dịch bệnh phải chấp nhận:

“Nó cũng có bất cập là khó quản lý học sinh, tính tự giác học ở Việt Nam nhìn chung là chưa cao. Ngoài ra, không phải phương tiện dạy học đối với thầy cô nào cũng thuận lợi đâu, có những thầy cô ở vùng sâu vùng xa không có sóng điện thoại, không có internet, thì không thể dạy trực tuyến, các em học sinh ở đó cũng không có phương tiện để học. Còn nhiều việc khó, như có những vấn đề cần viết lách nhiều, thì độ phân giải webcam không đủ cho các em thấy thông tin trên bảng... Việc kiểm tra cũng khó, phải gởi riêng mỗi em một đề rồi các em gởi đáp án đến thầy. Nhưng các em rất đông, việc thu bài chấm cũng khó... và việc đối phó của các em nữa, các em có thể tìm kết quả trên internet rồi ghi vào... như thế cũng có thể làm các em lười học hơn, chểnh mảng hơn một chút...”

Tin cũng cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh thành phố để thống nhất xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình học trực tuyến như thế nào, học trên truyền hình như thế nào, cách kiểm tra và tổ chức thế nào… Theo Nguyễn Hữu Độ, học sinh nghỉ học, nhưng học sinh vẫn đang học và các thầy cô giáo vẫn đang giảng dạy.

Tuy nhiên, trên thực tế, không phải tỉnh thành nào cũng có tổ chức học trực tuyến như lời ông Nguyễn Hữu Độ.

Cô N cho biết tình hình thực tế tại trường Cô công tác, cũng như các trường khác tại tỉnh Vĩnh Long:

“Hổm nay thì tỉnh Vĩnh Long không có dạy trực tuyến cho các khối khác, chỉ dạy cho khối 9 và khối 12 trên Đài truyền hình Vĩnh Long. Riêng học sinh lớp tôi thì nhà trường có cho lịch học trên Đài truyền hình Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, học cũng dạy trực tuyến nhưng chỉ có 3 môn chính là văn, toán, anh văn... một ngày dạy có 20 phút, thời lượng rất ít. Trường em thì hiệu trưởng cũng kêu soạn bài tập và đề cương rồi đưa kên trang web của trường để các em tải về làm, nhưng học trò cũng có em gọi tôi nói làm không được, lý do là nghỉ từ Tết đến giờ mà.”

Theo Cô N, ở tỉnh Vĩnh Long chưa có trường nào tổ chức giáo viên dạy trực tuyến qua internet. Ngay cả con của Cô, học lớp 9 trường điểm của tỉnh, mà cũng không thấy chương trình dạy trực tuyến qua internet, cùng lắm chỉ có giáo viên gởi bài tập qua Zalo, tải về và in ra làm.

Chẳng những không thống nhất về việc dạy và học trực tuyến giữa các tỉnh thành phố. Ngay tại thành phố Hồ Chí Minh, việc dạy và học trực tuyến cũng theo kiểu mạnh ai nấy làm.

Trường con không có học trực tuyến, chỉ có cho bài tập rồi làm nộp lại cho cô giáo. Con thấy mấy bạn con học trường Huỳnh Văn Nghệ, Nguyễn Du, với mấy trường trên quận 3, có tải app Zoom.<br/>-Một học sinh

Một học sinh cấp Phổ thông Cơ sở ở thành phố Hồ Chí Minh nói:

“Trường con không có học trực tuyến, chỉ có cho bài tập rồi làm nộp lại cho cô giáo. Con thấy mấy bạn con học trường Huỳnh Văn Nghệ, Nguyễn Du, với mấy trường trên quận 3, còn trường khác thì con không biết, có tải app Zoom, rồi cô gọi điện cho mình, cô giáo giảng rồi mình ngồi nghe chép bài giống bình thường. Trường con không biết sao không có dùng gì hết trơn, chỉ có cô giáo gởi bài, mình làm, cô chấm điểm, ghi vô sổ điểm... hết rồi.”

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng cho biết, nếu học sinh có thể trở lại trường trước ngày 15 tháng 6 năm 2020, cùng với việc học trực tuyến trên internet, học trên truyền hình trong thời gian nhà trường tạm đóng cửa... thì lịch thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông quốc gia năm nay vẫn diễn ra vào tháng 8 như đã định.

Thầy Đỗ Việt Khoa nhận định:

“Bộ giáo dục chưa có chủ trương bỏ kỳ thi quốc gia THPT, cho nên vẫn phải tổ chức kỳ thi này, nhưng chọn thời điểm nào là tương đối khó. Vì học sinh phải đủ kiến thức mới thi được, thứ hai là phải thi thì các trường đại học mới tuyển sinh được. Vấn đề này không hề dễ, vì dịch bệnh đang bùng phát mạnh trên thế giới, Việt Nam thì cũng chưa nói trước được khi nào công bố hết dịch. Vì vậy các phương án chỉ là dự phòng.”

Theo thầy Khoa, vẫn phải tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, còn muốn bỏ để giảm gánh nặng thi cử thì năm sau mới quyết, vì bây giờ bàn đến là không kịp. Tuy nhiên ông cho rằng, nên giao kỳ thi tốt nghiệp THPT cho các sở, các tỉnh tự tổ chức tùy theo tình hình tại địa phương mình.