Kết thúc phép thử về biểu tình?

Sau hai tháng rưỡi tiến thoái lưỡng nan về làn sóng biểu tình chống Trung Quốc, chính quyền Hà Nội hôm 18/8 đã chính thức ra thông báo nghiêm cấm hoạt động tự phát này.

0:00 / 0:00

Chính quyền Hà Nội đưa ra lệnh cấm này mặc dù hai tuần trước Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh còn khẳng định “không có chủ trương trấn áp người biểu tình yêu nước.”

Thông điệp răn đe?

Hầu hết báo chí Nhà nước đã nhanh chóng đưa lên mạng thông điệp răn đe của Ủy ban Nhân dân TP. Hà Nội. Theo Tuổi Trẻ Online, thông báo của Hà Nội cho rằng, những cuộc biểu tình xuất phát từ sự bức xúc và lòng yêu nước của người dân đang bị điều gọi là các thế lực thù địch chống đối Nhà nước Việt Nam trong và ngoài nước lợi dụng. Những thế lực này đang kêu gọi, kích động, hướng dẫn quần chúng biểu tình, tuần hành gây mất an ninh trật tự ở thủ đô.

LS Lê Quốc Quân, một nhà hoạt động dân chủ nhân quyền từng bị giam giữ nhiều lần, phát biểu từ Hà Nội:

Chính quyền bảo là có sự lợi dụng của các thế lực thù địch, tôi nghĩ là như vậy chính quyền đã nhìn nhận nhân dân như những thế lực thù địch rồi.

LS Lê Quốc Quân

“Chính quyền bảo là có sự lợi dụng của các thế lực thù địch, tôi nghĩ là như vậy chính quyền đã nhìn nhận nhân dân như những thế lực thù địch rồi…bởi vì hầu hết những người tham gia biểu tình, như tôi được biết là những công nhân viên chức, sinh viên, những nhà khoa học đã và đang làm việc trong chính phủ này, ở đất nước này, ngay tại Hà Nội và họ có lòng yêu nước rất mạnh mẽ.”

TS Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển, một trong những nhân vật tham gia biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội nói với chúng tôi vào tối 18/8 là, trong những lần biểu tình tự phát vừa qua ông không thấy dấu hiệu sự lợi dụng của các thế lực thù địch chống Nhà nước. TS Nguyễn Quang A nhận định:

“Nếu mà 10 cuộc vừa rồi người ta biểu tình mà không hề gây rối trật tự công cộng, không hề có cản trở giao thông…nếu không gây ra những chuyện ấy thì có lý do gì để mà cấm…Tôi nghĩ rằng một thông báo như vậy là hoàn toàn trái luật, không đúng với luật, không đúng với hiến pháp, không đúng với thủ tục ban hành các văn bản hành chính và một văn bản như thế không có giá trị.”

Opens in new window

Video: Chuyện gì sẽ xảy ra ở Hà Nội cuối tuần này?

Ông Lê Dũng, công dân Hà Nội nhiều lần tham gia biểu tình và ký tên trong thư chất vấn Giám đốc Công An Hà Nội về việc trấn áp biểu tình tự phát, ông Dũng đã phản ứng mạnh mẽ đối với thông báo ngày 18/8 của Thành phố Hà Nội:

“Văn bản pháp luật phải có Sở tư pháp duyệt xem có đúng pháp luật hay không, nếu Nhà nước cấm thì nó phải đúng luật đúng hiến pháp, quan điểm của tôi là như thế. Tôi là người dân yêu cầu lãnh đạo Ủy ban thi hành nhiệm vụ của Hội đồng Nhân dân mà Hội đồng Nhân dân là đại diện cho chúng tôi, các anh phải làm đúng pháp lý chứ, tại sao lại tự động cấm được, theo luật thì Uỷ ban không có thẩm quyền. Tôi cũng được học về luật và thường đi họp Hội đồng nhân dân ở chỗ tôi. Tôi hiểu là Ủy ban chỉ được làm những gì mà Hội đồng Nhân dân cho phép ra nghị quyết, hơn nữa ra một văn bản gì thì phải có Sở Tư pháp duyệt xem có đúng trình tự pháp lý không.”

Ảnh hưởng quan hệ ngoại giao?

Người ta biểu tình mà không hề gây rối trật tự công cộng, không hề có cản trở giao thông…nếu không gây ra những chuyện ấy thì có lý do gì để mà cấm…

TS Nguyễn Quang A

Theo VnExpress, thông báo của Ủy ban Nhân dân TP.Hà Nội cho rằng những cuộc tụ tập, biểu tình, tuần hành tự phát đã gây ảnh hưởng xấu đến trật tự xã hội, hình ảnh thủ đô, tiềm ẩn các yếu tố gây mất ổn định chính trị, tác động tiêu cực tới việc thực hiện đường lối quan hệ ngoại giao của Đảng và Nhà nước. Văn bản của TP. Hà Nội còn xác định rằng biểu tình tự phát đã bị các thế lực thù địch lợi dụng để chống đối Đảng, Nhà nước. kích động hằn thù dân tộc, chia rẽ quan hệ Việt-Trung và về điều gọi là tập hợp lực lượng gây mất ổn định chính trị.

Trong cuộc phỏng vấn của Mặc Lâm Đài Á Châu Tự Do, Giáo sư Ngô Đức Thọ chuyên gia nghiên cứu Hán Nôm phản ứng về việc TP. Hà Nội ra lệnh cấm biểu tình yêu nước phản kháng Trung Quốc lấn chiếm biển đảo của Việt Nam. GS Ngô Đức Thọ nói:

“Ở Việt Nam họ rất ngại người dân có thái độ chính trị, họ không thích điều này, họ chỉ thích một thái độ chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam được cho là đại diện cho toàn bộ nhân dân. Theo tôi điều đó là không thể chấp nhận được, trong thế giới này bây giờ không như thế được. Cái gì cũng muốn đi đều bước mọi người đều một ý như Đảng thì không được. Đảng và Chính phủ có cách của họ nhưng người dân có ứng xử của người dân, theo tôi đó là điều lãnh đạo Việt Nam nên coi đó là một hình thức biểu thị sức mạnh của dân tộc mình, nhưng ngược lại tôi cho là mấy ông lãnh đạo làm việc thất sách và mất đi một thứ vũ khí của mình. Đây là một hình thức ngoại giao nhân dân nhưng không phải là ngoại giao bắt tay mà là ngoại giao phản đối.”

Picture-15-250.jpg
Người dân biểu tình ôn hòa chống Trung Quốc tại Hà Nội hôm 12/06/2011. Courtesy NguyenXuanDien.

Trang mạng Vietnamplus trực thuộc Thông tấn xã Nhà nước nói rõ hơn về việc áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ trật tự công cộng theo Nghị định số 38/2005 của chính phủ.
Luật Sư Trần Vũ Hải ở Hà Nội từng giải thích với chúng tôi là nghị định 38/2005 của chính phủ về vấn đề tụ tập đông người nơi công cộng không mang bất cứ ý nghĩa nào về biểu tình thể hiện ý kiến chính trị và một nghị định của chính phủ không thể đi ngược lại Hiến pháp hiện hành. Điều 69 Hiến pháp 1992 qui định: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật." LS Trần Vũ Hải nói:

“Chưa có luật biểu tình, tuy nhiên có nghị định của chính phủ năm 2005 có nói về vấn đề tụ tập hội họp đông người, từ 5 người trở lên thì phải có giấy phép. Nghị định này căn cứ vào luật tổ chức chính phủ chứ không căn cứ vào hiến pháp, và nghị định này do Bộ Công An đề xuất, tức là nhằm làm nhiệm vụ để giữ gìn trật tự. Tôi cho rằng đây là vấn đề trật tự, không phải là biểu tình. Biểu tình là có mục đích chính trị rõ ràng là để ủng hộ hay phản đối ai, hoặc là chính sách hay hành vi, cho nên Nghị định của chính phủ năm 2005 không nằm trong phạm vi, không thể đồng nhất với biểu tình.”

Ở Việt Nam họ rất ngại người dân có thái độ chính trị, họ không thích điều này, họ chỉ thích một thái độ chính trị của Đảng CSVN được cho là đại diện cho toàn bộ nhân dân.

GS Ngô Đức Thọ

Báo chí Nhà nước đã không tường thuật về 10 cuộc biểu tình tự phát diễn ra vào mỗi sáng Chủ nhật ở Thủ đô để phản kháng Trung Quốc lấn chiếm chủ quyền Biển Đông. Phải đến ngày 2/8 khi Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh Giám đốc Công an Hà Nội họp báo để xoa dịu dư luận về việc công an giải tán biểu tình bằng vũ lực, thì lúc đó báo chí mới đưa tin chi tiết qua cuộc họp báo. Nhưng sau đó với các cuộc biểu tình lần thứ 9 thứ 10 báo chí lại trở lại thái độ im lặng như trước. Tuy nhiên với thông báo cấm người Hà Nội yêu nước biểu tình tự phát thì tất cả báo đài đã nhanh chóng phổ biến trên phạm vi toàn quốc.

Ở TP.HCM đã diễn ra được 1 lần biểu tình tự phát của nhân sĩ trí thức và người dân vào ngày 5/6/2011, qui mô biểu tình lần đó ở Saigon được cho là lớn chưa từng có ít nhất hơn 1 ngàn người. Còn 10 lần biểu tình ở Hà Nội từ lần thứ nhất ngày 5/6 đến lần 10 ngày 14/8 thì số người tham gia giảm từ 300 xuống vài chục người, theo báo chí Nhà nước trích lời Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh II Bộ Công An, kiêm Giám Đốc Công an TP.Hà Nội.

Theo các chuyên gia am hiểu thời sự chính trị, thật là ngạc nhiên khi Nhà nước Việt Nam đã dành một khoảng thời gian khá dài hơn 10 tuần lễ, để có đáp án về một phép thử liên quan tới xu hướng chính trị của người dân.

Opens in new window

Video: Hà Nội ra lệnh cấm biểu tình