Tuy ngày xét xử các thanh niên chưa được công bố, nhưng thân nhân và dư luận tỏ ra quan ngại về khả năng có những bản án “bỏ túi” đối với những người này.
Luật sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho ba trong số 17 thanh niên Công giáo và Tin Lành ở tỉnh Nghệ An bị bắt, vừa có cuộc gặp với các thân chủ của mình vào ngày 16/11. Ông cho biết:
“Điều tra thì đã kết thúc rồi, bây giờ chuyển sang giai đoạn chuẩn bị xét xử. Bây giờ Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã có ủy quyền công tố cho tỉnh Nghệ An và hồ sơ đã được chuyển sang Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An.
Sáng hôm nay (16/11), tôi có vào trại tạm giam của Bộ Công An ở Hà Nội, hay gọi là Trại tạm giam B14 để gặp 3 người mà tôi nhận bảo vệ theo lời mời của gia đình thì có Trần Minh Nhật sau đó từ chối luật sư. Theo cáo trạng, người ta truy tố hai người mà tôi bảo vệ là ở Khoản 2 của Điều 79, tức là 5 – 15 năm tù.”
Theo thông tin từ LS Hà Huy Sơn, hôm 6/11 ông đã từ Hà Nội vào Vinh để xúc tiến các thủ tục xin biện hộ cho các thân chủ. Tuy nhiên, ông chỉ được cấp giấy bào chữa mà không sao chụp hay đọc hồ sơ của thân chủ được vì lý do vị chánh án giữ hồ sơ đi vắng.
Được biết, những hồ sơ đã được chuyển về tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An bao gồm hồ sơ của các thanh niên Hồ Đức Hòa, Đặng Xuân Diệu, Nguyễn Xuân Anh, Trần Minh Nhật, Nguyễn Văn Oai, Lê Sơn, Hồ Văn Oanh, Nguyễn Đình Cương và Thái Văn Dung. Những thanh niên trên đã bị bắt vào nhiều thời điểm khác nhau kể từ tháng 7 cho đến cuối năm 2011.
Ông Đỗ Văn Phẩm
Phiên tòa xử 4 thanh niên trong số này vào ngày 24/5 vừa qua đã kết án Đậu Văn Dương 42 tháng tù, Trần Hữu Đức 39 tháng tù, Chu Mạnh Sơn 36 tháng tù và Hoàng Phong 24 tháng tù treo theo điều 88 "Tuyên truyền chống nhà nước". Đã có rất nhiều giáo dân từ các giáo xứ trong giáo phận Vinh đã kéo đến để theo dõi những phiên tòa xét xử các thanh niên và cho rằng bản án mà tòa tuyên cho các thanh niên là những bản án bỏ túi, tức đã được định sẵn trước khi phiên tòa diễn ra.
Ông Đỗ Văn Phẩm, cậu của Paulus Lê Sơn, tỏ ra lo ngại điều này cũng có thể lặp lại với cháu mình. Ông nói:
“Chắc có lẽ Việt Nam mình theo như ngày trước xét xử mấy em Chu Mạnh Sơn là cũng bản án bỏ túi như vậy. Gia đình cũng biết là các em vô tội nên nguyện vọng cũng nói với luật sư là các em chả có tội tình gì cả, cũng như trường hợp của Lê Sơn.
Hy vọng nhà nước Việt Nam xét xử sao cho đúng người đúng tội, không có tội thì thả, chứ cứ không có tội gì mà giam giữ hơn một năm trời như thế thì oan ức quá.”
Quan ngại trên của ông Đỗ Văn Phẩm không phải là không có cơ sở khi gần đây, báo Công An Nhân Dân đã đăng một bài viết nhiều kỳ với tựa đề “Hành trình lừa đảo, khủng bố của Việt Tân”, trong đó cho biết lực lượng An ninh Bộ Công An đã phân nhóm các thanh niên bị bắt trên thành ba nhóm đối tượng cụ thể. Nhóm 1 do Hồ Đức Hòa cầm đầu, nhóm 2 là ba mẹ con của bà Đặng Ngọc Minh, và nhóm 3 là nhóm hoạt động nhỏ lẻ, trong đó có Paulus Lê Sơn.
Cũng theo báo Công An Nhân Dân, trong thời gian bị tạm giữ điều tra, Nguyễn Văn Oai đã “thốt lên những lời ân hận về hành trình tham gia Việt Tân” và từ lời khai của Nguyễn Văn Oai, cơ quan điều tra đã phát hiện thêm Nguyễn Đình Cương, Hồ Văn Oanh và Lê Sỹ Sáng.
Cách thức đưa tin quen thuộc kết tội dựa trên cáo trạng dành cho những người bất đồng chính kiến trước khi diễn ra phiên tòa xét xử đã khiến cho nhiều người suy đoán về bản án dành cho những người này. Tuy nhiên, theo LS Hà Huy Sơn, các thân chủ của ông trong buổi làm việc hôm 16/11 đã không đồng ý với cáo trạng.
“Tôi chỉ làm việc với hai người. Họ có trình bày là có một số điểm họ không đồng ý với cáo trạng cũng như không đồng ý với kết luận của cơ quan điều tra.”
LS Hà Huy Sơn cũng cho biết thêm mặc dù điều kiện trại giam không được tốt, nhưng tinh thần của hai thân chủ của ông là anh Hồ Văn Oanh và Nguyễn Đình Cương rất vững vàng.
Được biết, 17 người bị bắt vốn là những thanh niên khá năng nổ trong các sinh hoạt xã hội và tôn giáo. Vào ngày 28/8 vừa qua, Ban Công Lý và Hòa Bình thuộc giáo phận Vinh đã ra bản tuyên bố lên án việc bắt giữ nhóm thanh niên này là trái với luật lệ và Hiến pháp hiện hành của Việt Nam. Ngoài ra, bản tuyên bố cũng lên án việc chính quyền không cho phép người thân của các thanh niên trên được gặp mặt thân nhân của họ.
Nhiều chính phủ và tổ chức quốc tế cũng đã lên tiếng, trong đó có 12 tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế đã cùng ký tên chung vào một lá thư hôm 27/8 kêu gọi Việt Nam trả tự do vô điều kiện cho các thanh niên này.
Theo dòng thời sự:
- Kết quả phiên toà phúc thẩm xử 3 thanh niên Công giáo
- Một thanh niên Công giáo của GP Vinh bị bắt
- Niềm tin sau những chấn song
- Gia đình các thanh niên công giáo muốn đổi luật sư
- Đệ trình lên UNGWAD việc bắt giữ thanh niên công giáo
- 12 tổ chức NGO kêu gọi VN trả tự do cho các thanh niên Công giáo
- 12 tổ chức kiến nghị thả 17 thanh niên công giáo
- Việt Nam kết án tù các thanh niên công giáo
- Tin mới nhất về blogger Paulus Lê Sơn