Dưới chế độ Cộng sản, nhiều quyền cơ bản của phụ nữ Việt Nam còn hạn chế. Bất bình đẳng giới tính về mặt kinh tế, chính trị, giáo dục, và y tế là những thiệt thòi phổ biến mà nhiều phụ nữ Việt Nam còn đang phải gánh chịu.
Đây là thông điệp chính của một buổi hội thảo trực tuyến với đề tài Nữ quyền dưới chế độ Cộng sản Việt Nam, được tổ chức bởi Liên minh Việt Nam Dân chủ (Alliance for Vietnam's Democracy) nhân ngày Quốc tế Dân chủ 15/9 với sự tham gia của những đại diện văn phòng các dân biểu Mỹ và những người quan tâm đến vấn đề nhân quyền trong nước.
Chủ tọa cuộc hội thảo, luật sư Nguyễn Linh, đưa ra nhận xét về nữ quyền tại Việt Nam:
"Nhân ngày dân chủ quốc tế, chúng ta nhớ ra rằng 100 triệu người Việt Nam không hề tự do, vì Việt Nam không cho phép bầu cử tự do và công bằng. Hệ thống đóng kín này gây ra nhiều bất công với phụ nữ. Để gây tác động lớn nhất đến vấn đề này và thúc đẩy một nền dân chủ trên toàn cầu, chúng ta cần tập trung các nỗ lực ngoại giao để hỗ trợ các tổ chức độc lập trong việc giáo dục phụ nữ về các quyền và cơ hội của họ."
Bà Christina Tạ, hiện đang là luật sư hành chính cho công ty Winstead P.C., đã trình bày nhiều yếu tố bất bình đẳng giới tính trong bộ máy chính trị nhà nước Việt Nam. Theo bà Christina Tạ, mặc dù Quốc Hội nước Việt Nam có 27% đại biểu nữ — nhiều hơn 10% của Nhật Bản, 19% của Hàn Quốc, và 23% của Mỹ, Việt Nam vẫn không có một hệ thống đa đảng như các nước phương Tây. Vì vậy, tất cả các quyền ra quyết định đều đi từ trên xuống (cụ thể là Đảng Cộng sản) nên trên thực tế, Quốc hội, đặc biệt các đại biểu nữ, không hề có quyền lực để tác động đến các quyết định của Đảng Cộng sản.
Tiến sĩ Nguyễn Chữ là một lãnh đạo của bộ phận Phân tích và Dự báo Kinh tế tại hệ thống ngân hàng Federal Home Loan Banks. Ông đã giải thích trong cuộc hội thảo rằng Chỉ số Cách biệt giới tính toàn cầu (Global Gender Gap Index) về mặt kinh tế của Việt Nam vào năm 2022 đứng thứ 31 trong số 146 quốc gia được đề cập trong nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum). Điều này có nghĩa là những cơ hội về mặt kinh tế dành cho phụ nữ của Việt Nam vào năm 2022 chỉ đứng sau 30 quốc gia. Tuy nhiên, ông Nguyễn Chữ cho rằng phụ nữ Việt Nam vẫn chịu nhiều bất công trong luật thuế thu nhập doanh nghiệp và luật bảo hiểm xã hội, và theo một nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế, họ vẫn nhận nhiều thiệt thòi trong lương bổng và chịu rủi ro thất nghiệp cao. Ngoài ra, ông Nguyễn Chữ còn nói rằng vì những con số thống kê trong báo cáo nêu trên đều do Đảng Cộng sản cung cấp nên có khả năng không đáng tin cậy.
Giáo sư Phan Thông Hưng là Chủ tịch Hội đồng Quản trị ngày Nhân quyền Việt Nam 11/5, đồng thời là cố vấn và Nguyên Chủ tịch Hội đồng Điều hành Liên đoàn các cộng đồng người Mỹ tại Hoa Kỳ. Ông trích dẫn một nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội cho rằng, nhìn chung tại Việt Nam, đàn ông thường học lên cao hơn vì phụ nữ phải đổi mặt với nhiều tiêu chuẩn xã hội bất công như việc lập gia đình, nuôi dạy con và chăm lo việc nhà, vì theo những tiêu chuẩn này, phụ nữ phải đặt gia đình lên hàng đầu.
Bà Nguyễn Văn Nhã là một thành viên của Liên minh Việt Nam Dân chủ có kinh nghiệm trong việc cung cấp các dịch vụ sức khỏe tâm lý cho trẻ em tuổi học sinh, dân nhập cư, dân tị nạn, và các tù nhân chiến tranh. Bà Nhã cho biết, hơn 90% trong số 7.500 nạn nhân buôn người từ năm 2012 đến năm 2017 là phụ nữ. Những nạn nhân này thường bị bán đi các nước Châu Á khác tại biên giới Việt Nam – Trung Quốc; vào năm 2019, trung bình 164 trẻ em đã bị quấy rối tình dục mỗi tháng; hiện tại, 5,3% trẻ em từ 5 – 17 tuổi đang bị cưỡng bức lao động, hơn một nửa trong số đó đang làm việc trong những môi trường đầy nguy hiểm.
Trước khi kết thúc cuộc hội thảo, bà Nguyễn Linh đã đưa ra phương án giải quyết các vấn nạn này:
"Bằng cách áp dụng những bộ luật hiện hành, như Đạo luật Magnitsky toàn cầu, chúng ta cần trao quyền cho phụ nữ qua việc đồng cảm với cuộc đấu tranh của họ, và thúc đẩy vai trò của họ trong bộ máy chính quyền để bảo vệ quyền lợi họ."
Đạo luật Magnitsky toàn cầu là một dự luật lưỡng đảng được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua và được Tổng thống Barack Obama ký thành luật vào tháng 12 năm 2012, cho phép chính phủ Hoa Kỳ trừng phạt các quan chức chính phủ ngoại quốc trên toàn thế giới có hành vi vi phạm nhân quyền, đóng băng tài sản của họ và cấm họ nhập cảnh vào Hoa Kỳ.