Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam hôm 6/4 cho biết đang giao Bộ Tư pháp nghiên cứu “cơ chế thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội”. Mục đính để nâng cao tỉ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng mà thực tế cho thấy còn thấp hiện nay.
Theo ông Đỗ Đức Hiển - Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự, hành chính, thuộc Bộ Tư pháp, các chuyên gia đang tập trung đánh giá về cơ chế thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội của một số quốc gia..., đồng thời xem xét các quy định hiện hành của Việt Nam về tịch thu tài sản, các biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế trong tố tụng... và từ đó sẽ nghiên cứu ban hành cơ chế phù hợp.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam, khi trả lời RFA hôm 7/4, cho biết, ông thấy đây là một cơ chế rất hay, để nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế... nhằm nâng cao tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng vẫn còn thấp như hiện nay. Ông nói tiếp:
“Như chúng ta biết, công tác phòng chống tham nhũng được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong việc phát triển đất nước. Trong đó vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát vẫn còn gặp nhiều khó khăn thách thức, tỉ lệ thu hồi tài sản chưa cao. Do đó liên quan tội phạm nói chung, tài sản tham nhũng nói riêng thì tôi thấy việc xác minh, thu thập chứng cứ và chứng minh mối liên hệ giữa tài sản và hành vi phạm tội... còn khó khăn không chỉ đối với các cơ quan tư pháp của Việt Nam mà còn của hầu hết các quốc gia.”
Việt Nam có những chuyện quy định thì hay nhưng thực tế thì ngược lại. Liệu việc chống tham nhũng có rơi vào tình trạng tương tự hay không?
-Luật gia Trần Đình Thu
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, những biện pháp tịch thu tài sản theo thủ tục tố tụng hình sự truyền thống, nghĩa là phải chờ đến khi có bản án, quyết định của tòa án, thì sẽ khó tránh khỏi việc thất thoát tiền, tài sản. Do đó ông Hậu cho rằng đây là một cơ chế rất hay, nó sẽ đồng bộ với cơ chế kiểm soát tài sản, cũng như thu thập về giao dịch các tài sản này.
Luật gia Trần Đình Thu ở thành phố Hồ Chí Minh, khi trả lời RFA hôm 7/4 cũng đánh giá cao về cơ chế này. Tuy nhiên ông bày tỏ lo ngại việc ra quy định thì rất hay nhưng khi thực hiện thì ngược lại:
“Tôi đánh giá rất cao cách làm này của Chính phủ Việt Nam. Đó là một cách làm mạnh mẽ không khoan nhượng với tham nhũng. Bọn tham nhũng có trăm phương ngàn kế để tẩu tán tài sản, nếu không có những biện pháp như thế này thì khó thu hồi tài sản.
Tuy nhiên, tôi cũng lo là cơ chế pháp luật là một việc còn có áp dụng vào thực tế hay không là việc khác. Hiện nay, theo tôi, ông Nguyễn Phú Trọng đã có những bước đi khá tốt, nhưng liệu ông Trọng có tìm được những người mạnh mẽ với tham nhũng để tiếp tục hay không là một câu hỏi lớn. Việt Nam có những chuyện quy định thì hay nhưng thực tế thì ngược lại. Liệu việc chống tham nhũng có rơi vào tình trạng tương tự hay không?”
Theo số liệu của Bộ Tư pháp về công tác thi hành án năm 2020, trong số 75 ngàn tỷ đồng tham nhũng phải thu hồi, đã xác định được gần 49 ngàn tỷ đồng có điều kiện thi hành án... nhưng chỉ thu hồi được 11 ngàn tỷ đồng, chỉ đạt 23%...
Trong khi cần công khai minh bạch tài sản để có thể xác minh, thu hồi khi có vi phạm tham nhũng, thì vào đầu tháng 6 năm 2020, Bộ Tư pháp lại đưa ra dự thảo quy định số liệu thu hồi tài sản tham nhũng là ‘danh mục tối mật’. Theo Bộ này giải thích, dự thảo này căn cứ theo quy định tại khoản 14 Điều 7 của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018.
Ý tưởng ‘tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội’ từng được nêu lên tại diễn đàn Quốc hội vào tháng 1 năm 2021. Khi đó, ông Nguyễn Duy Giảng - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cho biết, cơ quan chức năng đang nghiên cứu xây dựng quy định buộc đối tượng tình nghi phải chứng minh nguồn gốc hợp pháp của tài sản, nếu không chứng minh được sẽ tịch thu...
Luật sư Đặng Đình Mạnh, thuộc đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh khi trả lời RFA hôm 7/4 dù hoan nghênh nỗ lực chống tham nhũng của Chính phủ, nhưng ông bày tỏ lo ngại về phương diện pháp lý:
“Về phương diện chủ trương, chúng tôi rất hoan nghênh những nỗ lực mang tính cách chủ động hơn trong cuộc chiến chống tham nhũng từ phía Chính phủ.
Căn cứ pháp lý xác định tài sản bất hợp pháp chính là phán quyết của tòa án có thẩm quyền. Ngoài phạm vi ấy, thì mọi việc xử lý tài sản đều không có cơ sở pháp lý.
-Luật sư Đặng Đình Mạnh
Tuy vậy, về phương diện pháp lý thì tôi thật sự lo ngại chủ trương này không khả thi và thật sự không cần thiết vì những lẽ sau đây:
Không khả thi: Trong trường hợp chính quyền xử lý tài sản của công dân bằng tịch thu sung công, hoặc tiêu hủy (vì không còn giá trị sử dụng)... thì phải có căn cứ pháp lý xác định tài sản ấy là bất hợp pháp, chúng là tang, tài vật do thu lợi bất chính (từ hành vi tham nhũng). Căn cứ pháp lý xác định tài sản bất hợp pháp chính là phán quyết của tòa án có thẩm quyền. Ngoài phạm vi ấy, thì mọi việc xử lý tài sản đều không có cơ sở pháp lý.
Không cần thiết: Trong trường hợp có nghi vấn về tài sản của công dân có nguồn gốc bất hợp pháp, thì ngay vào thời điểm phát hiện, quy định tố tụng hình sự đã quy định sẵn về những biện pháp tư pháp về việc tạm thu giữ, quản lý tài sản để chờ phán quyết của tòa án. Tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định đó, thì người phạm tội cũng không còn có điều kiện để tẩu tán tài sản bất hợp pháp được.”
Luật sư Đặng Đình Mạnh dù đánh giá cao khía cạnh tích cực của chính quyền trong việc đề ra các chủ trương chống tham nhũng, nhưng vẫn lo ngại chúng đều mang tính cách chữa cháy “đằng ngọn”, chưa chạm đến được nguyên nhân mang tính cách “gốc rễ” của vấn đề chống tham nhũng. Đó là cần xây dựng một nền hành chính công minh bạch, hiệu quả mà người dân có thể kiểm tra, giám sát được.