Lãnh đạo cần làm gương công khai tài sản và để dân giám sát!

0:00 / 0:00

Nghị định số 130/2020 của chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức nhà nước ban đầu dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 20/12/2020. Nhưng theo ông Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Pháp chế cho báo chí biết, vì tính chất phức tạp của nghị định, nên chưa thể hoàn thành vào cuối năm 2020, mà sẽ bắt đầu từ ngày 1/1 và hoàn thành trong quý 1 năm 2021.

Những quy định mới trong Nghị định 130 sẽ cho phép ‘xác minh ngẫu nhiên với bất cứ người nào và không vì lý do gì’.

Ông Đinh Văn Minh giải thích nghị định này sẽ hỗ trợ rất lớn cho công tác phòng chống tham nhũng, vì cho phép các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ một cách ngẫu nhiên. Bất cứ người nào cũng có thể bị xác minh, vào bất cứ lúc nào và không vì lý do gì. Ông Minh cho rằng đây là cảnh báo cho tất cả những người muốn che giấu tài sản bất minh.

Ông Lê Văn Triết, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do từ Sài Gòn hôm 5/1, cho biết ý kiến của mình:

“Nói vậy chứ có làm được gì đâu, có ai kê khai gì, lâu lâu có chỗ nổi cộm thì lại lôi ra... rồi lập hồ sơ, mở phiên tòa, rồi lại kết luận gây hậu quả nghiêm trọng do kém ý thức tổ chức... chứ có giải quyết gì đâu. Theo tôi muốn giải quyết vấn đề này phải nghiêm minh từ bên trong, từ trên xuống, nghiêm tức trong tổ chức thực hiện. Chứ không phải muốn nói gì thì cứ nói đại một cái, đưa ra văn bản này, văn bản nọ, nói thế thì ai nghe, ai làm, chả đi đến đâu, họ hết việc làm rồi...”

Theo tôi muốn giải quyết vấn đề này phải nghiêm minh từ bên trong, từ trên xuống, nghiêm tức trong tổ chức thực hiện. Chứ không phải muốn nói gì thì cứ nói đại một cái, đưa ra văn bản này, văn bản nọ, nói thế thì ai nghe, ai làm, chả đi đến đâu, họ hết việc làm rồi...
-Ông Lê Văn Triết

Theo ông Lê Văn Triết, nếu kê khai mà tài sản bị tẩu tán hay che giấu không khai sự thật, vi phạm quy định, nghị định về kê khai tài sản... thì phải bị xem xét để xử lý, như vậy mới công bằng trong xã hội, mới nghiêm minh trong việc kê khai tài sản và minh bạch trong việc sở hữu tài sản.

Việc xác định cán bộ phải kê khai tài sản theo Vụ trưởng Pháp chế Đinh Văn Minh, sẽ được thực hiện theo hình thức bốc thăm, chứ không phải tất cả cán bộ sẽ lần lượt phải kê khai tài sản. Điều này khiến dư luận lo ngại nghị định này cũng sẽ đi theo vết xe đổ của việc hô hào kê khai tài sản cán bộ trước đây.

Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Ban Dân vận Trung ương, hiện là thành viên nhóm Lập quyền dân, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 5/1, nhận định:

“Vấn đề kê khai tài sản cán bộ được đặt ra từ lâu, nhưng làm một cách hời hợt, không nhất quán, kiểu như làm cho có chuyện... Thành ra dân không tin, bởi vì kê khai tài sản bất minh tỷ lệ rất thấp, chỉ có một hai trường hợp kê khai không đúng, người ta cho rằng đấy là trò tào lao đánh lừa dân. Bở vì bây giờ ai cũng thấy quan chức lãnh đạo từ huyện, từ xã đến tỉnh thì họ giàu kinh khủng, nhưng cách kê khai của họ làm dân không tin vào chuyện này. Họ cho rằng việc này là bày ra cho có vẻ là minh bạch rõ ràng, nên người ta không tin lắm vào biện pháp này.”

1b3cc813-0b0b-4bf3-a1ef-05188da3b0ac.jpg
Ảnh minh họa. AFP PHOTO.

Theo ông Nguyễn Khắc Mai, đầu tiên hết phải kê khai tài sản của những người thuộc Bộ Chính trị, những người này phải làm gương công khai rõ ràng, thì người dân mới tin được. Ông nói tiếp:

“Thứ hai nữa, trong kê khai tài sản thì dấu hiệu bất minh rất rõ, một chủ tịch huyện mà có thể làm một tòa lâu đài nguy nga thì phải biết là tiền ở đâu? Bố mẹ anh có mỏ vàng để lại, hay anh có tài sản gì để có thu nhập như thế... thì cần làm cho rõ. Những việc kiểm tra tài sản lâu nay theo tôi là làm không tốt, làm một cách rất là trớt chát, như vị ở Yên Bái chẳng hạn... Tôi nghĩ phải làm một cách nào đó để dân có thể giám sát, nếu dân chỉ ra tài sản bất minh thì phải điều tra nghiên cứu đến nơi đến chốn nguồn gốc tài sản ở đâu...”

Việc ông Nguyễn Khắc Mai lo ngại không phải là không có căn cứ khi Nghị định 130 quy định việc xác minh ngẫu nhiên phải kê khai tài sản vẫn phải căn cứ theo kế hoạch. Theo ông Đinh Văn Minh, ví dụ năm nay Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống tham nhũng xác định một số lĩnh vực có nhiều sai phạm, tham nhũng... thì chỉ những cán bộ, công chức làm việc trong lĩnh vực đó phải kê khai. Quy định này được cho là có thể bỏ sót người phạm tội.

Để tìm hiểu thêm về Nghị định 130, RFA hôm 5/1 liên lạc Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam, và được ông giải thích:

“Nghị định 130 của chính phủ ban hành để thực hiện Luật chống tham nhũng. Trước đây việc kê khai tài sản ‘nặng tính hình thức’. Trình tự, thủ tục lúc nào cũng rất đúng, mọi người kê khai rất đầy đủ, đúng thời gian, năm nào cũng 99%. Tuy nhiên, qua việc kê khai để phát hiện ra những dấu hiệu bất thường, bất minh, từ đó xử lý thu hồi tài sản thì rất ít. Và tôi thấy nghị định này ra đời sẽ là cơ sở pháp lý để xác định sự không trung thực và phải chịu chế tài đối với bất kỳ người nào.

Tôi nghĩ phải làm một cách nào đó để dân có thể giám sát, nếu dân chỉ ra tài sản bất minh thì phải điều tra nghiên cứu đến nơi đến chốn nguồn gốc tài sản ở đâu...
-Ông Nguyễn Khắc Mai

Việc xác minh tài sản thu nhập có mục đích quan trọng nhất là đánh giá người kê khai trung thực hay không. Nếu người kê khai bị kết luận là không trung thực thì theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng và nghị định mới, họ có thể bị kỷ luật cảnh cáo chứ không còn khiển trách như trước.

Từ đó, người vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, nếu người đó đang được quy hoạch thì bị bỏ ra khỏi quy hoạch, đang ứng cử thì bị gạch tên khỏi danh sách ứng cử, đang được dự kiến bổ nhiệm sẽ không được bổ nhiệm... Đó là những hình thức xử lý rất nghiêm khắc.”

Trong khi cần công khai minh bạch tài sản để có thể xác minh, thu hồi khi có vi phạm tham nhũng, thì vào đầu tháng 6 năm 2020, Bộ Tư pháp lại đưa ra dự thảo quy định số liệu thu hồi tài sản tham nhũng là ‘danh mục tối mật’. Theo Bộ này giải thích, dự thảo căn cứ theo quy định tại khoản 14 Điều 7 của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018. Trong đó, nội dung về thông tin về hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng được xác định thuộc phạm vi bí mật nhà nước.

Ông Nguyễn Khắc Mai cho biết thêm ý kiến của mình:

“Đây là một vấn đề lớn hiện nay, liệu chính quyền có dám để cho dân giám sát? Mà với cung cách, thể chế chính trị như hiện nay thì không có giám sát, vì phủ bên phủ, huyện bênh huyện... Và như thế nó chứng tỏ một sự yếu kém của năng lực quản trị đất nước hiện nay.”

Còn về vấn đề kê khai tài sản nói chung, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng cần phải sửa lại những quy định của pháp luật. Trước khi một người được bổ nhiệm chức vị, có liên quan người có chức vụ và quyền hạn, thì phải kê khi tài sản một cách trung thực, như vậy sẽ rất minh bạch và sẽ được người dân đồng tình.