Bộ Ngoại giao Trung Quốc vừa gửi công hàm thông báo sẽ tăng cường quản lý, siết chặt việc nhập cảnh tại các cửa khẩu biên giới với Việt Nam để kiểm soát dịch COVID-19. Theo đó, cửa khẩu đường sắt Bằng Tường, cửa khẩu Thủy Khẩu, cửa khẩu Ái Điểm, cửa khẩu Động Trung, lối mở Pò Chài, lối mở Lũng Vài, cầu phao tạm km3+4, lối mở Nà Ráy chỉ duy trì chức năng thông quan hàng hóa. Các cửa khẩu, lối mở khác tạm thời đóng để thực hiện phòng chống dịch.
Trước đó, hôm 3 tháng 4 năm 2020, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc ra Công điện gửi các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới phía Bắc thông tin về việc Bộ Ngoại giao Trung Quốc có Công hàm thông báo phía Trung Quốc sẽ tăng cường quản lý, áp dụng các biện pháp siết chặt, hạn chế nhập cảnh tại khu vực biên giới giữa hai nước trong thời gian tới để phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc nhận xét:
“Lý do Trung Quốc hạn chế mở các cửa khẩu phụ là do khi họ tuyên bố dập xong ổ dịch ở Vũ Hán thì mấy ngày qua Trung Quốc lại xuất hiện những ca bệnh mới và họ cho đó là từ nước ngoài mang về.
Nhưng không vì điều đó mà hai bên lại không đồng bộ trong chính sách giao thương với nhau. Điều này sẽ gây khó khăn cho vấn đề biên mậu giữa hai nước.
Sau thời kỳ dịch bệnh thì Trung Quốc cũng rất cần nhập khẩu, do đó hai nước phải tính toán cách tốt nhất để duy trì thông thương nhưng vẫn phòng dịch tốt nhất trong khả năng hiện có.”
Trong khi đó, phía Việt Nam, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề nghị Bộ Công thương phối hợp Bộ Y tế hướng dẫn địa phương mở lại các cửa khẩu phụ trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
Tại cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương sáng ngày 10 tháng 4, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đề nghị tháo gỡ các vướng mắc, bất cập để tạo thuận lợi cho thông quan hàng hóa hai nước tại các cửa khẩu hai nước.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban biên giới của chính phủ Việt Nam cho rằng đây là việc cần làm và ông tin hai nước sẽ làm tốt. Ông giải thích:
“Về mặt lý thuyết thì cửa khẩu chính là nơi khách quốc tế có thể qua lại, còn cửa khẩu phụ là nơi cho dân cư các huyện, các xã vùng biên giới qua lại. Đường mòn lối mở để có sự giao thương.
Hiện nay hai nước đều có sự căng thẳng vì dịch nên mở cửa khẩu chính hay phụ thì việc kiểm duyệt cũng rất chặt chẽ. Họ sẽ bố trí lực lượng để đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe.
Tất nhiên trong hoàn cảnh bây giờ thì mức độ lây lan của hai nước đã ở mức thấp, Việt Nam kiềm chế cũng tốt, nhưng quan hệ kinh tế hai nước cũng rất quan trọng. Phải vừa đảm bảo khống chế dịch không cho lây lan rộng nhưng cũng phải bảo đảm kinh tế. Qua kinh nghiệm vừa rồi thì chắc cả hai nước đều có thể làm tốt việc này.”
Chuyện đóng, mở cửa khẩu hay biên giới không phải là chuyện Việt Nam tự quyết định mà phải có sự đồng ý của phía Trung Quốc. Quy định này được chính ông Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao phát biểu tại cuộc họp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do coronavirus gây ra, được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì chiều 30 tháng 1 rằng: “Việt Nam và Trung Quốc có ký kết hiệp ước, nếu liên quan an ninh và dịch bệnh thì có thể đóng cửa nhưng phải có thỏa thuận giữa hai bên chứ Việt Nam không thể đơn phương”.
Lúc bấy giờ, ông Đinh Đức Long, Trung tá Quân đội nhận định với RFA rằng có thể Việt Nam đã đánh mất chủ quyền và là một nước chư hầu, thuần phục Trung Quốc. Ông nói:
“Trong trường hợp cụ thể này thì vẫn có thể đóng cửa biên giới nhưng thực tế họ không làm điều đó. Không biết vô tình hay cố ý, ông Phạm Bình Minh tiết lộ một điều mà xưa nay chúng ta chưa biết, hoặc họ có tình giấu, tức là Việt Nam mất độc lập chủ quyền quốc gia, mất độc lập về việc đóng cửa biên giới”.
Đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng kinh tế toàn cầu. Làm sao để vừa phát triển kinh tế vừa phòng chống dịch là mục tiêu của tất cả các quốc gia trên thế giới hiện nay. Việt Nam không là ngoại lệ.
Sáng 12 tháng 3, tại buổi làm việc với các tập đoàn kinh tế tư nhân nhằm huy động hiến kế sáng tạo, chủ động và đóng góp cho kinh tế tư nhân đối với sự phát triển đất nước trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lây lan trên toàn cầu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần phải có thắng lợi kép, vừa chống dịch thành công, vừa giữ vững kinh tế - xã hội, chuẩn bị mọi điều kiện để phát triển.
Ông Đinh Kim Phúc cho rằng đây là chuyện nan giải mà rất khó có nhà hoạch định chính sách nào tìm được biện pháp tối ưu để giải quyết. Riêng Việt Nam, ông có ý kiến:
“Cái khó khăn nhất là hàng nông sản thực phẩm của Việt Nam không thể xuất bằng đường biển vì tốn thời gian và chi phí cao so với xuất biên mậu ở các cửa khẩu biên giới Việt Trung.
Nếu không xuất khẩu được thì hàng hóa sẽ ùn ứ và nhà sản xuất sẽ phá sản. Còn nếu xuất hàng ồ ạt đông đúc ở các cửa khẩu biên giới thì sẽ tạo điều kiện lây lan dịch bệnh. Chính vì vậy mà các cơ quan chức năng yêu cầu mở các cửa khẩu phụ."
Theo ông Đinh Kim Phúc, để tiếp tục xuất khẩu hàng hóa nông sản mà vẫn bảo đảm phòng chống dịch Covid-19 thì thứ nhất là phải tuân thủ tốt các biện pháp phòng dịch ở biên giới. Thứ hai là nhà nước nên nhanh chóng lập ra đầu mối để đứng ra xuất khẩu cho các doanh nghiệp. Qua đầu mối này sẽ giảm số người tập trung ở các cửa khẩu biên giới và nhanh chóng giải phóng số hàng tồn đọng.