Bộ phim “Ba chị em” của Hàn Quốc đang gây ra nhiều tranh cãi trong những người mê phim Hàn ở Việt Nam sau khi Chính phủ Việt Nam cáo buộc bộ phim xuyên tạc lịch sử và yêu cầu Netflix gỡ bỏ phim này.
Bộ phim có tên tiếng Anh là Little Women bị Cục phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử vào ngày 3/10 có văn bản yêu cầu gỡ bỏ khỏi nền tảng Netflix với cáo buộc có chi tiết không đúng với lịch sử trong sách giáo khoa của Nhà nước Việt Nam.
Trong phim, diễn viên có đoạn đối thoại: "Trong trận thắng lợi nhất, tỷ lệ giết so với tử vong là 20:1. Tức là một người lính Hàn Quốc giết 20 người Việt Cộng”.
Bộ phim đã bị gỡ bỏ khỏi Netflix vào ngày 6/10 nhưng ngay trước đó vẫn nằm trong danh sách các phim được nhiều người xem nhất ở Việt Nam trên Netflix.
Nhiều trang Fanpage trên Facebook của những người yêu phim Hàn Quốc đã đăng tải các dòng trạng thái về bộ phim này và kéo theo đó là hàng nghìn bình luận với các ý kiến khác nhau.
Bình luận của một người có tên Tâm Đức trên Fanpage BHD Giải Trí Hàn Quốc với hơn 1,5 triệu người theo dõi ngày 6/10 viết:
"Sau này đoàn phim hãy đến bảo tàng chiến tranh Việt Nam. Để nhìn những hình ảnh mà dân tộc chúng tôi phải gánh chịu… Và đất nước nào cũng trải qua như vậy thôi."
Một dòng trạng thái trên trang Facebook có tên DANET với hơn 600.000 người theo dõi chuyên điểm phim Hàn viết: ”Tẩy chay! Không coi phim này!” và kéo theo là nhiều bình luận hưởng ứng.
Nguyễn Thanh Thuỷ, một sinh viên ở Việt Nam, nói với đài Á Châu Tự Do qua điện thoại:
"Đối với mình thì mình sẽ không bao giờ ủng hộ những bộ phim như thế ở Việt Nam vì tại sao phải dành thời gian cho một bộ phim mà nó vừa xuyên tạc lịch sử mà còn làm hạ giá trị những anh hùng dân tộc."
Ở Việt Nam, sách giáo khoa và các ấn phẩm giáo dục do Nhà nước xuất bản gọi cuộc chiến Việt Nam đã khiến khoảng hai triệu người Việt Nam và 58.000 lính Mỹ bỏ mạng là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Mặc dù vậy, cách nhìn này có thể khác với cách nhìn của những người Việt Nam đã phải bỏ nước ra đi từ năm 1975 sau khi hai miền Nam và Bắc Việt Nam thống nhất.
Chị Lý Thị Hoa, người thường xuyên theo dõi các bộ phim Hàn Quốc, thì cho rằng những lời thoại của các diễn viên trong phim không đại diện cho lịch sử và ý kiến của người Hàn về Việt Nam.
"Cá nhân mình cảm thấy phát ngôn này trong phim nó xuất phát từ một nhân vật, không phải lời khẳng định hay là đại diện cho tất cả suy nghĩ của người Hàn Quốc. Mình thấy Chính phủ Việt Nam lúc nào cũng nhạy cảm với mấy cái nhỏ nhặt trong khi mấy chuyện lớn thì ngó lơ."
Những tác phẩm nghệ thuật, nhất là âm nhạc được sáng tác từ trước năm 1975 thường bị Chính phủ kiểm duyệt kỹ lưỡng câu từ vì lo lắng các bài hát, lời nói có thể sai lệch yếu tố lịch sử mà Chính phủ Việt Nam vẫn tuyên truyền trong sách vở và phim ảnh của mình.
Gần đây, hàng loạt chương trình của ca sĩ Việt Nam ở hải ngoại là Khánh Ly liên tục gặp khó khăn khi bà đang thực hiện một tour diễn xuyên Việt. Vào tháng 7, một đơn vị chủ quản sân khấu ở Đà Lạt đã bị phạt khi để bà hát bài ‘Gia tài của mẹ’ vì ca khúc này không có trong danh sách được cấp phép. Bài hát được cho là có ca từ gọi cuộc chiến Việt Nam là “nội chiến” trái ngược với cách gọi tên cuộc chiến Việt Nam của Chính phủ.
Việc Chính phủ Việt Nam cấm phim cũng khiến nghệ sĩ hài Nguyễn Phúc Gia Huy với nghệ danh Dưa Leo nổi tiếng trên kênh YouTube có hơn 830.000 người đăng ký theo dõi, đăng một video bình luận về bộ phim lên kênh YouTube của mình.
Trong video với hơn 127.000 views chỉ trong vòng ba ngày, Dưa Leo đưa ra các thông tin trên mạng với các ý kiến trái ngược với nhận định của Chính phủ. Ví dụ như việc tỷ lệ đối chọi giữa lính Nam Hàn và lính Việt Cộng có thể được giải thích qua hình thức chiến tranh nhân dân mà Việt Nam áp dụng trong cuộc chiến Việt Nam, tức là sử dụng quân đông để đối chọi với kẻ thù.
Một số bình luận sau đó trên Facebook về video của nghệ sĩ Dưa Leo đã tỏ ra đồng tình với ý kiến của nghệ sĩ mà họ cho là khách quan.