Tranh cãi xung quanh việc thành phố Hồ Chí Minh muốn đặt lại tên 19 tuyến đường

0:00 / 0:00

Thành phố Hồ Chí Minh có 38 tuyến đường với tên không chính xác, trong đó 19 tuyến được đưa vào đợt sửa tên kỳ này. Việc sửa tên đường khiến nhiều người dân thành phố e ngại sẽ có thêm thủ tục hành chính rắc rối hơn.

Truyền thông trong nước hôm 25/9 dẫn lời Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Trung Hoa, nhà nghiên cứu Địa Danh học, Ủy viên thường trực Hội Đồng đặt tên đường TP HCM, rằng tên đường bị đặt sai một phần do những người làm bảng tên đã phát âm không đúng nên in bảng tên theo cách hiểu của họ, hoặc do chính Hội Đồng đặt tên đường nhầm lẫn và đặt không đúng. Những tên đường không đúng, ông nói, cần phải sửa lại như một cách thể hiện sự tôn trọng đối với lịch sử và nhân vật được đặt tên.

Thí dụ điển hình là đường Đinh Tiên Hoàng dài hơn 2 km, bắt đầu từ đoạn giao với đường Lê Duẩn, quận Một , chạy qua cầu Bông đến điểm cuối là đường Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh. Theo đề xuất mới thì đoạn từ cầu Bông đến Phan Đăng Lưu sẽ đổi thành Lê Văn Duyệt, tên gọi trước năm 1975.

Trả lời RFA, Giáo sư - Tiến sĩ Lê Trung Hoa, Uỷ viên thường trực Hội Đồng đặt tên đường TP.HCM, nói:

"Ông Lê Văn Duyệt có cái đúng mà cũng có cái sai. Cái đúng là ông đã theo Nguyễn Ánh nhưng cái sai là chống lại nhà Tây Sơn. Nhưng ông lại là người có công với đất Sài Gòn nên người ta đề nghị khôi phục lại.

Nói chung nhân vật nào cũng có ưu điểm và khuyết điểm cho nên phải xem xét từng trường hợp cụ thể. Còn nhiều vấn đề chưa giải quyết được và chưa biết bao giờ xong".

Trong lúc còn nhiều vấn đề chưa giải quyết được và chưa biết bao giờ xong như vị ủy viên thường trực Hội Đồng đặt tên đường Lê Trung Hoa khẳng định, người dân thành phố có vẻ không hào hứng mấy trước tin sửa lại tên đường đang nóng trở lại từ hôm 25/9:

"Khó khăn chứ, đi làm giấy tờ người ta bắt đi làm sổ hộ khẩu theo cái tên đường mới, mà đường mình bữa giờ đổi lần này là lần thứ ba rồi đó"

“Mỗi lần thay đổi là đổi giấy tờ rồi phải ký đủ thứ hết.Còn nhiều thứ phải thay đổi nhưng mà tôi nghĩ tên đường xá không cần thiết không quan trọng lắm đâu…”

“Sợ là sợ thủ tục rườm rà chứ không sợ gì hết…”

Nói chung nhân vật nào cũng có ưu điểm và khuyết điểm cho nên phải xem xét từng trường hợp cụ thể. Còn nhiều vấn đề chưa giải quyết được và chưa biết bao giờ xong - Giáo sư - Tiến sĩ Lê Trung Hoa

Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Khắc Thuần, từng là ủy viên Hội Đồng đặt tên đường TPHCM trong nhiều năm, cho biết:

"Trước hết tên đường ở TPHCM trước 1975 có nhiều cái khác với ngày nay. Đó là sự khác biệt tất nhiên. Với không khí chính trị lúc bấy giờ thì có những tên đường mà chính quyền sau 1975 không đồng ý. Chuyện thứ hai là trước 1975 thì Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định là 3 đơn vị hành chính khác biệt nhau, mỗi đơn vị có quyền đặt tên đường phố theo cách của mình. Nếu ở quận Bình Thạnh có đường Bùi Hữu Nghĩa thì ở quận Năm, Chợ Lớn, cũng có đường Bùi Hữu Nghĩa. Sài Gòn có đường Nguyễn Huệ thì Gò Vấp có đường Quang Trung…và còn nhiều cái khác nữa. Đặt tên như vậy không sai bởi một đơn vị hành chính độc lập có quyền đặt theo cách của họ. Sau này TPHCM có nhiều tên đường trùng với nhau, tên đường sai cũng tương đối nhiều chứ không ít đâu. Bây giờ nên tinh giảm nó lại".

"Có điều nhiều người họ ngại sửa đi rồi thì mất công làm lại hộ khẩu và chứng minh nhân dân, tôi nói rằng không có gì đáng bận tâm lắm đâu. Chúng ta sắp đổi chứng minh nhân dân thành căn cước thì lại phải đổi một lần nữa, mà lần này cả trăm triệu chứ ít ỏi gì. Chuyện cần làm thì phải làm thôi ".

Theo truyền thông trong nước, 38 tuyến đường đặt tên không chính xác được Sở Văn Hóa-Thể Thao chia làm 4 nhóm. Nhóm thứ nhất gồm 5 đường mà tên nhân vật trên bảng sai so với quyết định của UBND TP.HCM.

Nhóm thứ 2 gồm 6 tên đường sai họ tên nhân vật lịch sử do quyết định của UBND TP.HCM.

Nhóm thứ 3, gồm 8 tuyến đường mà tên không chính xác với họ tên của nhân vật lịch sử. Với 3 nhóm này, Sở Văn Hóa-Thể Thao đề xuất thực hiện đổi tên đường theo đúng nhân vật lịch sử.

Nhóm thứ 4, gồm 19 tuyến đường được đặt tên theo phương ngữ và lệ kỵ húy, hoặc đặt theo tên khác của nhân vật lịch sử. Sở Văn Hóa-Thể Thao đề nghị giữ nguyên nhóm này để tránh xáo trộn, thay đổi tên đường, ảnh hưởng đến người dân.

Mặc dù công nhận 38 tên đường bị đặt sai nhưng sau khi lấy ý kiến Hội Khoa Học Lịch Sử thành phố, Sở Văn Hóa - Thể Thao chỉ kiến nghị sửa lại 19 tên đường sai. Lý do là sự khác biệt giữa hai cái tên không làm sai nghĩa gốc của từ và không sai với sử sách.

Lấy thí dụ tên đường Kha Vạng Cân, với chữ “Vạng có g”, là một trường hợp cần phải chứng minh “ Vạn không g” mới là đúng. Hoặc chữ “Tôn” vì “Tông” Tông Đảng thay vì Tôn Đảng như hiện nay, là điều phải chứng minh cho bằng được với trình độ phương ngữ thuyết phục, phải căn cứ trên tục kỵ húy của tiền nhân.

Đây là công việc tế nhị, nhất là những con lộ mang dấu ấn hay nhân vật lịch sử qua từng thời đại, khẳng định của nhà nghiên cứu Ngữ học Hoàng Dũng:

"Sai mà sửa cho đúng thì đáng khen, còn sửa có đúng không là chuyện khác. Dễ dàng thấy là trường hợp Kha Vạn Cân, chữ "Vạn không có g" mới đúng. Ví dụ ông Trương Quốc Dụng chứ không thể là Trương Quốc Dung, ai rành chữ Hán thì biết chữ "Dụng"' và chữ "Dung" rất khác nhau, chẳng qua người thực hiện tên đường tắc trách và ghi sai thôi".

“ Ngày xưa ở miền Nam có ông Đặng Thúc Liêng, “Liêng có g”, trong khi chữ Hán “Liên” là “Sen” thì không có “g”. Về mặt Ngữ học thuần túy thì ông Liêng sai và người chỉ rõ cái sai đó là ông Phan Khôi”

“Tuy nhiên tên là một sản phẩm cá nhân, tên của tôi sai hay đúng là chuyện của tôi. Tôi đã chấp nhận Liêng có “g” thì anh bắt buộc phải nghe, phải tôn trọng. Giả sử ông Kha Vạn Cân, chữ Vạn hoàn toàn không có “g”, mà gia đình ông ngày xưa đi làm hộ tịch và ghi Vạng có “g” thì sao? Mỗi trường hợp phải có bảng thuyết minh khá là kỷ lưỡng. Để tránh sai lầm thì nên công bố bảng thuyết minh đó ra để giới học thuật và người hiểu biết họ góp ý. Sau khi góp ý, trường hợp nào hợp lý mới sửa, trường hợp nào có thể tồn nghi thì tạm để đó mới là hợp lý hơn”.

Hình minh hoạ. Người dân tại các quán bán nước ven đường ở TP Hồ Chí Minh hôm 4/6/2019
Hình minh hoạ. Người dân tại các quán bán nước ven đường ở TP Hồ Chí Minh hôm 4/6/2019 (Reuters)

Tiếp lời nhà nghiên cứu Ngữ học Hoàng Dũng, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Khắc Thuần, nhiều năm ngồi trong Hội Đồng đặt tên đường TPHCM, phân tích thêm:

"Trước năm 1975 cũng có vài tên đường theo tôi là đúng nhưng về sau không hiểu sao lại là sai. Ví dụ Lê Thánh Tôn chứ không phải Lê Thánh Tông, Trần Nhân Tôn chứ không phải Trần Nhân Tông. Thực ra chữ "Tôn" và chữ "Tông" trong tiếng Việt khác nhau nhưng ngày xưa các cụ nói trong chữ Hán nó là 1 mà 2 âm khác nhau. Có điều đọc là "Tôn" chính xác hơn, giữ đúng cái chất cái nghĩa hơn".

Về tên đường Trương Quốc Dung ở Phú Nhuận, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Khắc Thuần đồng ý với lập luận “Dung-Dụng” của nhà Ngữ học Hoàng Dũng, đồng thời trưng ra thí dụ khác về đường Nguyễn Văn Tráng ở quận Một:

“Trong lịch sử thì rõ ràng có hàng ngàn người tên Nguyễn Văn Tráng. Nhưng nhân vật xứng đáng để đặt tên đường thì không ai tên Nguyễn Văn Tráng cả mà chỉ có ông Phạm Văn Tráng, đã tham gia cuộc khởi nghĩa Ba Đình ở Thanh Hóa”.

“Về đường Ngô Thời Nhiệm người ta cũng cho là sai, bảo phải Ngô Thì Nhậm mới đúng, mà quên rằng vua Tự Đức lại có tên Nguyễn Phúc Hồng Nhậm. Vì kỵ húy ông Tự Đức, và từ “Thì hay Thời” giống nhau, nên không đọc là Ngô Thì Nhậm mà trại ra là Ngô Thời Nhiệm, không có gì khác cả. Tên Thoại Ngọc Hầu tưởng là sai mà thực sự là đúng. Cùng một chữ nhưng người Bắc đọc là “Thụy”, người Nam đọc là “Thoại”. Mỗi nơi một cách thôi”.

Từ tháng 7/1976, Quốc Hội Việt Nam đưa ra Nghị Quyết chính thức đổi tên Sài Gòn - Gia Định ra thành Hồ Chí Minh. Tiếp đó, hàng loạt con đường bị đổi hẳn tên, thí dụ đường Công Lý trở thành Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đường Tự Do trở thành Đồng Khởi, đường Cộng Hòa trở thành Nguyễn Văn Cừ…

Đặc biệt đường Alexandre de Rhodes từ năm 1955, bị đổi tên thành đường Thái Văn Lung năm 1985, 10 năm sau được phục hồi lại tên Alexandre de Rhodes và giữ từ đó đến giờ.

Nay với đề xuất đổi hoặc chỉnh sửa tên 19/38 con đường bị cho là đặt tên sai hoặc không chính xác, Phó GS.TS Lê Trung Hoa cho hay vẫn còn nhiều khúc mắc trong Hội Đồng đặt tên đường vì mỗi người một ý, người bảo có công, kẻ bảo có tội. Có khi chính những người trong hội đồng tư vấn không có khả năng, trình độ hiểu biết về những nhân vật lịch sử.

Một lần trao đổi với báo chí trong nước, TS Nguyễn Khắc Thuần, nhận định việc đặt lại toàn bộ tên đường không tốn nhiều thời gian nếu đừng bày vẽ họp lên họp xuống. Ông nói chỉ cần giao cho một người soạn thảo và trình cơ quan có thẩm quyền thông qua để ra quyết định là quá đủ.

Còn với RFA gần đây, ông nói dứt khoát:

"Chúng ta nên giữ gìn những gì đáng trân trọng. Trên cơ sở tham khảo ý kiến của nhiều người thì có những điều cần chấn chỉnh lại . Hy vọng mọi sự diễn ra theo chiều hướng tốt đẹp, còn đúng hay không lại là chuyện khác".

Việc đặt mới và sửa đổi những tên đường không hợp lý được Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM giao cho Trung Tâm Nghiên Cứu Đô Thị và Phát Triển, phối hợp cùng Sở Văn Hóa - Thể Thao từ năm 1988, gọi là Công tác đặt, đổi tên đường, Công trình công cộng - Khảo sát thực trạng và giải pháp đến năm 2020.

Đề án quy tụ hàng chục nhà khoa học, nhà nghiên cứu có uy tín cùng tham gia khảo sát và nghiên cứu nhưng đến giờ vẫn chưa triển khai thực hiện được.