Chưa có nghị định cho Bộ luật Lao động 2019
Bộ luật Lao động sửa đổi của Việt Nam được Quốc hội thông qua, vào ngày 20/11/2019, với tỷ lệ tán thành gần như tuyệt đối tới 90,6% và có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.
Bộ luật Lao động 2019 có 17 chương, 220 điều và có 10 điều mới áp dụng cho người lao động và 6 điều cho các doanh nghiệp sử dụng lao động.
Giới lao động tại Việt Nam trông chờ vào Bộ luật Lao động 2019 được bắt đầu thực thi trong năm 2021, bởi vì điều luật mới theo Chương XIII, quy định về tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bên cạnh tổ chức Công đoàn Việt Nam, còn được gọi là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Mặc dù vậy, theo ghi nhận của Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam (VIU), một tổ chức công đoàn độc lập được thành lập ở Việt Nam hồi tháng 7/2020, thì luật mới chỉ quy định khung về tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, còn quy định chi tiết sẽ do Chính phủ ban hành.
Ông Bùi Thiện Tri, Chủ tịch của VIU, vào tối ngày 7/1 giải thích thêm với RFA liên quan thông tin này.
“Bộ luật Lao động 2019 lại không quy định chi tiết các thủ tục và điều kiện để thành lập tổ chức đại diện người lao động tại các doanh nghiệp, mà giao cho Chính phủ sẽ quy định chi tiết các việc đó. Nhưng cho đến thời điểm ngày 1/1/2021 khi Bộ luật Lao động có hiệu lực thì Chính phủ vẫn chưa ban hành những nghị định hướng dẫn điều kiện, thủ tục để thành lập tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Hiện nay, người lao động muốn thực hiện quyền đó của mình thì cũng chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện.”
Bộ luật Lao động 2019 lại không quy định chi tiết các thủ tục và điều kiện để thành lập tổ chức đại diện người lao động tại các doanh nghiệp, mà giao cho Chính phủ sẽ quy định chi tiết các việc đó. Nhưng cho đến thời điểm ngày 1/1/2021 khi Bộ luật Lao động có hiệu lực thì Chính phủ vẫn chưa ban hành những nghị định hướng dẫn điều kiện, thủ tục để thành lập tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Hiện nay, người lao động muốn thực hiện quyền đó của mình thì cũng chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện-Ông Bùi Thiện Tri, Chủ tịch VIU
Chủ tịch của VIU cho biết tổ chức này ghi nhận cho đến hết ngày 31/12/2020, số lượng văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Bộ luật Lao động 2019 được ban hành mới chỉ đếm được trên đầu ngón tay thay vì phải ban hành trên 20 văn bản theo kế hoạch. Thậm chí, nghị định quy định về tổ chức đại diện người lao động và một số nghị định khác còn chưa được công bố dự thảo để lấy ý kiến theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Chủ tịch của VIU cho rằng một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến việc Chính phủ Việt Nam ban hành các nghị định bị chậm trễ là do tận dụng những ưu đãi về thời gian theo cam kết trong hai Hiệp định Thương mại thế hệ mới gồm CPTPP và EVFTA.
“Trong cam kết của Việt Nam khi gia nhập CPTPP và EVFTA thì cũng cam kết thực hiện đầy đủ quyền của người lao động theo tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Tuy nhiên, trong các hiệp định ấy thì Việt Nam cũng được cho một khoảng thời gian để chuẩn bị. Ví dụ như theo EVFTA, Việt Nam cam kết đến năm 2023 mới tham gia Công ước 87. Và đối với CPTPP, Việt Nam có khoảng từ 3 đến 5 năm để Việt Nam sửa đổi và ban hành các luật của trong nước để phù hợp với các quy định quốc tế. Có thể Việt Nam đang vận dụng những ưu đãi này nên chưa ban hành kịp thời các quy định dưới luật để thực hiện các quy định theo Bộ luật Lao động quy định.”
Thành lập công đoàn cơ sở không cần phải chờ có nghị định
Trong khi đó, luật sư Đặng Dũng, từng công tác tại Sở Lao động- Thương binh-Xã hội TP.HCM, là người nghiên cứu về các vấn đề luật pháp liên quan thành lập tổ chức công đoàn độc lập tại doanh nghiệp, vào tối ngày 7/1 lên tiếng với RFA rằng quy định mới này được thực hiện ngay, kể từ ngày Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực vào ngày 1/1/2021 mà không cần chờ nghị định, thông tư hướng dẫn.
“Thông thường đã có đạo luật như vậy rồi thì Việt Nam sẽ có những nghị định điều chỉnh về vấn đề đó. Nếu như trong Bộ luật Lao động mà có câu ghi trong đó rằng ‘Việc người lao động sẽ được chi tiết vào một nghị định khác’ thì mới chờ theo nghị định. Còn nếu không kèm theo câu đó thì đạo luật này có giá trị theo pháp luật ngay. Tức là có câu ghi trong bộ luật về điều đó là ‘sẽ có nghị định điều chỉnh về quan hệ trong việc thành lập công đoàn độc lập’…thì phải chờ nghị định, chờ thông tư thi hành. Còn nếu không có câu đó thì phải hiểu rằng là đạo luật có hiệu lực pháp luật ngay từ khi có hiệu lực pháp luật.”
Luật sư Đặng Dũng cho biết thêm liên quan vấn đề này thì các cơ quan hữu quan của Nhà nước Việt Nam đã được tập huấn và sẵn sàng phối hợp làm việc với đại diện của các tổ chức công đoàn độc lập cơ sở.
“Chúng ta phải hân hoan và cùng với nhà nước để làm tốt công việc này. Đừng có tự phát làm rồi tuyên bố không đúng đắn thì không hay. Đầu tiên thì tôi nghĩ cần có một luật sư hiểu biết về vấn đề này rồi đến làm việc với cơ quan chức năng và đơn vị nào mà họ muốn có điều đó. Họ nên gặp luật sư phải hiểu biết pháp luật đến nơi đến chốn, nên gặp sở lao động. Và, tôi nghĩ rằng họ đang chờ chúng ta để họ có thể làm việc về vấn đề này ở những sở lao động các tỉnh hoặc ở quận, huyện của các địa phương.”
Thông thường đã có đạo luật như vậy rồi thì Việt Nam sẽ có những nghị định điều chỉnh về vấn đề đó. Nếu như trong Bộ luật Lao động mà có câu ghi trong đó rằng ‘Việc người lao động sẽ được chi tiết vào một nghị định khác’ thì mới chờ theo nghị định. Còn nếu không kèm theo câu đó thì đạo luật này có giá trị theo pháp luật ngay. Tức là có câu ghi trong bộ luật về điều đó là ‘sẽ có nghị định điều chỉnh về quan hệ trong việc thành lập công đoàn độc lập’…thì phải chờ nghị định, chờ thông tư thi hành. Còn nếu không có câu đó thì phải hiểu rằng là đạo luật có hiệu lực pháp luật ngay từ khi có hiệu lực pháp luật-Luật sư Đặng Dũng
Tổng cục Thống kê Việt Nam, vào hôm 6/1, tổ chức họp báo và công bố trong năm 2020 Việt Nam có hơn 32 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc hoặc luân phiên, giảm giờ làm và giảm thu nhập do tác động bởi đại dịch COVID-19 gây ra. Số người không có việc làm tổng cộng trong năm ngoái là 1,3 triệu người. Riêng Quý IV, có khoảng 1,2 triệu người thất nghiệp, tăng gần 137 ngàn người so với cùng kỳ năm 2019. Thu nhập bình quân của người lao động tại Việt Nam trong năm 2020 ở mức 5,5 triệu đồng/tháng, giảm 2,3% so với năm 2019.
Đài RFA nêu câu hỏi với VIU rằng tình trạng người lao động ở Việt Nam gặp khó khăn do dịch COVID-19 trong năm 2020, theo số liệu thống kê như vừa nêu, nhận được sự giúp đỡ nào từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, là cơ quan đại diện duy nhất của người lao động hiện nay hay không. Ông Bùi Thiện Tri cho biết:
“Tôi nghĩ ở mức độ nào đấy thì Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam có những hoạt động để giúp đỡ cho người lao động trong việc gặp khó khăn do dịch bệnh. Tuy nhiên, việc hỗ trợ đấy cũng chỉ mới dừng lại ở một phạm vi nhất định nào đó chứ còn khó khăn của người lao động thì họ vẫn bị gặp phải rất nhiều như chúng tôi vẫn nhận được những phản ánh về họ bị nợ lương hay bị mất việc mà không theo quy định của pháp luật và họ cũng không nhận được sự trợ giúp kịp thời từ phía các công đoàn cơ sở, cũng như cơ quan quản lý lao động địa phương.”
Riêng về VIU, là tổ chức công đoàn độc lập được thành lập với mục đích hỗ trợ cho người lao động trong việc thực hiện các quyền được quy định trong pháp luật, cho nên cũng bị hạn chế trong công việc hỗ trợ cho người lao động trong thời gian dịch bệnh xảy ra trong năm 2020.
Ông Bùi Thiện Tri nói với RFA rằng VIU không phải là phải là đối tượng thuộc “tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở” và bởi do trong luật còn bỏ ngỏ những quy định về hoạt động của tổ chức này. Do đó, chưa có điều kiện để đăng ký hoạt động hợp pháp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Việt Nam.