Khi dịch bệnh COVID-19 xuất phát từ Trung Quốc bắt đầu lan ra toàn cầu, chính phủ Trung Quốc buộc phải phong tỏa nhiều thành phố, gây ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế của nước này. Cũng như dịch bệnh COVID-19, ảnh hưởng kinh tế trong Trung Quốc cũng đã dấn sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.
<i>Trong bối cảnh Trung Quốc bị dịch COVID-19 thì giao thương với Trung Quốc bị hạn chế. Vì thế nguyên liệu đầu vào không có khả năng cung cấp đầy đủ, nên nếu cứ tiến triển vậy trong thời gian tới thì các doanh nghiệp phải tạm đình chỉ sản xuất.-PGS.TS Ngô Trí Long</i>
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam (Lefaso) hôm 25/2 cho RFA biết khoảng 60-70% nguồn nguyên liệu nhập từ nước ngoài cho ngành này là từ Trung Quốc.
"Rõ ràng dịch bệnh từ Trung Quốc vừa rồi đình đốn sản xuất của họ và ảnh hưởng tới nguồn cung ngành sản xuất da giày Việt Nam, đặc biệt là xuất khẩu. Qua tháng 3, nếu tình hình không cải thiện, thì chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phải đóng cửa từng phần."
Theo bài được đăng vào ngày 4-2 trên báo Vinanet của Trung Tâm Thông Tin Công nghiệp và Thương Mại - Bộ Công Thương Việt Nam, số liệu năm 2019 từ Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy gần 30% hàng nhập khẩu vào Việt Nam đến từ Trung Quốc.
Từ thông tin của báo Bloomberg ngày 24-2, tình hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam hiện đang ở mức 5.96%; nếu so sánh với số liệu GDP từ World Bank, thì đây là mức tăng trưởng thấp nhất nhất trong 6 năm trở lại đây, khi vào năm 2014 mức tăng trưởng GDP của Việt Nam là 5.98%.
Trong cuộc phỏng vấn với RFA ngày 24-2, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, trưởng bộ môn Quản trị Tài chính quốc tế của Học viện Tài chính Việt Nam, nhận định tăng trưởng kinh tế của Việt nam đã giảm sút so với năm 2018 và 2019.
"Tăng trưởng Kinh Tế của Việt Nam trong năm 2020 không thể cao như năm 2019 và 2018, lúc đó là vào khoảng 7% một năm. Nhưng với mục tiêu phấn đấu là 6.8% thì vẫn có thể đạt được, nhưng mà nếu nó kéo dài tới tháng 6 thì rất là khó."
Trích lời từ báo South China Morning Post đăng ngày 23-2, ông Adam McCarty, kinh tế gia trưởng tại Mekong Economics ở Hà Nội, cho biết: “Việt Nam đang chịu thiệt hại về kinh tế, nhưng ít hơn Trung Quốc. Các trường học vẫn đang đóng cửa, khách du lịch thì quá ít, và có thể khoảng 20% công nhân đang thiếu việc làm do sự giảm sút về cung cầu và nhập khẩu từ Trung Quốc do dịch bệnh.”
Theo South China Morning Post, một nhà máy sản xuất giày dép ở tỉnh Thanh Hóa phải cho gần 12.000 công nhân nghỉ 2 ngày vào tuần trước vì công ty không có nguyên liệu thô để tiếp tục quy trình sản xuất.
Trong cuộc phỏng vấn với RFA ngày 24-2, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả của Bộ Tài Chính, nhận định:
"Đầu vào nguyên liệu phụ kiện đối với một số ngành xuất khẩu Việt Nam là dựa vào nguyên liệu Trung Quốc. Trong bối cảnh Trung Quốc bị dịch COVID-19 thì giao thương với Trung Quốc bị hạn chế. Vì thế nguyên liệu đầu vào không có khả năng cung cấp đầy đủ, nên nếu cứ tiến triển vậy trong thời gian tới thì các doanh nghiệp phải tạm đình chỉ sản xuất."
Hôm 21-2, Bộ Công thương cho hãng tin Reuters biết rằng Samsung, nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam, cũng phải chịu ảnh hưởng, vì phần lớn phụ kiện cho dây chuyền sản xuất hai loại điện thoại mới của hãng này đều nhập từ Trung Quốc.
Còn theo ông Đinh Trọng Thịnh, hàng nông sản thực phẩm ở Việt Nam đang bị ứ đọng ở biên giới Trung Quốc:
"Về phía hàng xuất nhập khẩu với Việt Nam, thì các hàng nông sản thực phẩm ở Việt Nam thì bị ứ đọng ở biên giới lên tới 700-800 xe chở hàng xuất khẩu nông sản thực phẩm tại Trung Quốc, cũng như các hàng công nghiệp, kể cả những mặt hàng đã ký chuẩn bị chính thức bị kiểm duyệt quá lâu. Họ đóng cửa biên giới để phòng dịch và kiểm dịch động thực vật lâu quá, cho nên lượng thông quan nó rất ít. Nên nó cũng gây trở ngại sản xuất kinh doanh, cũng như xuất nhập khẩu ở Việt Nam."
Ngoài các ngành sản xuất, du lịch Việt Nam cũng bị ảnh hưởng không kém. Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, đợt bùng phát dịch lần này có thể gây ra tác hại lớn đối với ngành trong ngắn và trung hạn. Dân Trí trích nguồn tin từ Tổng cục Du lịch nhận định: “Trong vòng 3 tháng tới, thiệt hại trực tiếp mà ngành du lịch Việt Nam phải hứng chịu được ước tính dao động từ 3,5 đến 4 tỷ USD”.
Cũng theo báo cáo của Tổng cục Du lịch năm 2019, Trung Quốc có số lượt khách du lịch đến Việt Nam nhiều nhất, với 4.966.468 lượt, chiếm gần 1/3 tổng lượt khách quốc tế vào Việt Nam.
Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nhận định đây là thử thách và cũng là một cơ hội tiếp thêm động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam phải đa dạng hóa nguồn nhập khẩu của nước ngoài cũng như xuất khẩu.
"<i>Về mặt giá cả của các nguyên vât liệu từ các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Liên minh châu Âu, thì thường giá vẫn đắt hơn so với hàng hóa Trung Quốc, nhưng đẳng cấp và chất lượng của nó vẫn tốt hơn. Nhờ thế mà mới có thể sản xuất các mặt hàng đạt chuẩn quốc tế và đảm bảo được yêu cầu chất lượng cũng như về mặt kỹ thuật."-Ông Đinh Trọng Thịnh<br/> </i>
"Các doanh nghiệp Việt Nam đã ký hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với các quốc gia châu Á Thái Bình Dương, cũng như hiệp định thương mại EVFTA giữa Việt Nam với liên minh châu Âu. Vì thế, các cơ quan quản lý và các chuyên gia cũng có mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam phải tìm hiểu và thực thi các điều kiện của hiệp định CPTPP. Trong đó có yêu cầu các xuất xứ các nguyên liệu để tạo ra sản phẩm xuất khẩu sang các quốc gia trong CPTPP nó phải là nguyên vật liệu từ các nước trong hiệp định này."
Theo ông Thịnh, có rất nhiều quốc gia có thể thay thế Trung Quốc cho phần nhập khẩu nguyên liệu thô:
"Bộ Công thương cũng đã chỉ ra các hàng hóa có thể thay thế từ các quốc gia khác, như bông vải sợi từ quốc gia như Ấn Độ, hay các linh kiện điện tử từ Nhật Bản, Hàn Quốc, hay Đài Loan hoàn toàn có thể thay thế được nguồn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc."
Đồng quan điểm, ông Diệp Thành Kiệt cho biết một trong những phương án cho ngành giày da là lấy nguồn hàng từ các nước không có dịch bệnh như Thái Lan hay Ấn Độ.
Trong khi đó, ông Ngô Trí Long lại cho rằng, giải pháp này sẽ gặp phải khó khăn khi các doanh nghiệp Việt Nam đã quen nhập khẩu nguồn hàng có giá trị thấp từ Trung Quốc.
"Chi phí đầu vào phải thấp. Đối với ngành xuất khẩu, thì Việt Nam không có khả năng nhập các nguyên liệu đầu vào của các nước phát triển vì giá thành và chi phí của nó quá cao. Nên chỉ có thể tương đồng với các nước như Trung Quốc hay ở châu Á. Nhưng trong bối cảnh hiện nay thì Hàn Quốc cũng bắt đầu có dịch. Tìm nguồn thay thế thì trong nay hay ngày mai là có thể tìm được, nhưng ít nhất phải có tìm hiểu giao thương, ký kết hợp đồng, nên đòi hỏi phải mất thời gian. Vì vậy việc này không phải ngày một, ngày hai có thể giải quyết ngay được."
Đây sẽ là bài toán nan giải cho các doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng tiến sĩ Thịnh thì có cái nhìn khách quan hơn:
"Về mặt giá cả của các nguyên vât liệu từ các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Liên minh châu Âu, thì thường giá vẫn đắt hơn so với hàng hóa Trung Quốc, nhưng đẳng cấp và chất lượng của nó vẫn tốt hơn. Nhờ thế mà mới có thể sản xuất các mặt hàng đạt chuẩn quốc tế và đảm bảo được yêu cầu chất lượng cũng như về mặt kỹ thuật."
Cũng theo ông Thịnh, điều này sẽ góp phần đáp ứng các nhu cầu của người dân Việt Nam về mặt hàng chất lượng cao, vì thu nhập của người dân trong nước đang tăng lên rất nhanh. Nếu có thể nhập khẩu và xuất khẩu hàng tới các nước trong hiệp định Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cũng như hiệp định thương mại EVFTA giữa Việt Nam với liên minh châu Âu, thì điều đó đồng nghĩa rằng Việt Nam có thể xuất hàng ra toàn thế giới mà không phải dựa dẫm vào thị trường Trung Quốc.