Bệnh viên kín chỗ, bệnh nhân nằm la liệt gắn với máy trợ thở hoặc bình ô-xy, người người kêu cứu vì có thân nhân qua đời hoặc đang là F0, F1 và cần trợ giúp…. Những thông tin này được loan truyền rộng rãi trên mạng xã hội ở Việt Nam trong mấy tuần qua cho thấy tình hình dịch bệnh bùng phát thật đáng lo. Thế nhưng, nếu một người chỉ xem TV hoặc đọc báo Nhà nước thì dịch bệnh lại không hề đáng sợ như vậy.
Trong chương trình thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam, hoặc trên các mặt báo lớn, thông tin đăng tải về dịch bệnh COVID-19 chủ yếu là các con số cập nhật ca nhiễm mới, số ca khỏi bệnh, và gần đây lại không đề cập số ca tử vong mỗi ngày.
Truyền thông Nhà nước cũng chú trọng đưa tin về các chỉ đạo của cơ quan Nhà nước, và nếu có đề cập đến ảnh hưởng của dịch bệnh thì chủ yếu chỉ khai thác những vấn đề kinh tế, xã hội.
Điều mà nhiều người theo dõi tin tức thông qua truyền thông quốc doanh ở Việt Nam nhận thấy, đó là sự thiếu vắng khuôn mặt người dân, những bệnh nhân COVID-19 và thân nhân của họ, hoặc những người vì dịch bệnh mà mất đi miếng cơm manh áo, hoặc rơi vào cảnh khốn cùng.
Thậm chí, hôm 27 tháng 7, báo Tuổi Trẻ đưa tin về việc TP. Hồ Chí Minh phải lập thêm bốn bệnh viện để điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19, và gọi đó là “tin tốt”.
Trong khi đó, trên mạng xã hội Facebook, thông tin về dịch bệnh lại không hề tích cực như cách mà báo chí Nhà nước phác hoạ.
Nhóm Facebook Giúp Nhau Mùa Dịch, một diễn đàn được lập ra bởi các y bác sĩ với mục đích được mô tả là “giúp các bạn đang hoạt động trong ngành y tế như bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên có thời gian nhàn rỗi, có thể hỗ trợ bệnh nhân từ xa hoặc tại nhà”. Chỉ trong một thời gian ngắn đã có gần 400 ngàn người tham gia, và những thông tin thường thấy là các lời kêu cứu.
“Hôm nay bác sĩ có nói với anh trai em rằng tình trạng của ba em đang xấu đi nhưng không có bệnh viện chữa trị nào chịu nhận, do ba e ở đây không được uống thuốc và chỉ thở ô-xy thôi do bệnh viện không phải là bệnh viện điều trị .
Bây giờ có cách nào không mọi người ơi, ba em có bệnh nền là cao huyết áp, hai ngày nay bác sĩ đã cố đẩy ô-xy lên cao nhưng lúc nào đo cũng chỉ 80 và ba em bắt đầu tức ngực khó thở.”
Một người phụ nữ có Facebook tên Thanh Di đăng nội dung trong nhóm.
Những lời kêu cứu như thế này xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội, người thì kêu cứu vì có thân nhân nhiễm COVID-19 và trở nặng nhưng không được nhập viện, người thì kêu cứu vì lạc người thân trong bệnh viện, hoặc có những người than thở vì cảnh sống khốn khó trong các khu bị phong toả.
Thậm chí, đến ngay cả cựu quan chức Nhà nước như ông Đoàn Ngọc Hải, người nổi tiếng vì chiến dịch dọn vỉa hè khi còn đương chức Phó Chủ tịch Quận 1 của TP. HCM, cũng phải đăng lời ai oán trên mạng xã hội. Trong bài đăng, ông kể về trải nghiệm xảy ra hôm 27 tháng 7, khi chứng kiến một người phụ nữ 54 tuổi ở TP. HCM qua đời nghi là do COVID-19, nhưng không được cấp cứu kịp thời.
Lý giải về hiện tượng truyền thông Nhà nước đưa tin né tránh về tình hình dịch bệnh, ông Nguyễn Ngọc Vinh, nhà báo kỳ cựu từng có 30 năm làm việc cho báo Tuổi Trẻ, cho biết:
“Điều đó là đương nhiên, bởi vì trong hoàn cảnh dịch dã này là báo chí theo tôi thì chắc chắn được sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo để đưa nhiều tin tích cực.
Chứ trong lúc này dịch dã mà đưa tin tiêu cực như là mạng xã hội thì mấy ổng sợ nó gây ra nguy cơ tâm lý không tốt trong dư luận.”
Ông Vinh cũng giải thích thêm về cách mà Nhà nước định hướng cho giới truyền thông quốc doanh.
“Họ chỉ đạo nhiều khi bằng miệng hoặc bằng văn bản, thông thường là thông qua Ban Tuyên giáo, chứ họ không kiểm duyệt. Ví dụ, họ chỉ đạo trước về vấn đề đó, sự kiện đó nên được đưa như thế nào, đưa bao nhiêu phần trăm sự thật, đưa nặng hay là đưa nhẹ, nên đưa tin tích cực nhiều hơn hay tin tiêu cực nhiều hơn, thì họ có chỉ đạo hết.
Với những vấn đề không nhạy cảm thì họ để cho báo chí thoái mái, nhưng nếu mà báo chí đi quá đà chút, thì họ thổi còi liền!”
Vậy, câu hỏi đặt ra là trong bối cảnh dịch bệnh nguy hiểm thế này, thì người dân cần được cung cấp thông tin ra làm sao?
Ông Nguyễn Tâm, một người dân đang sống trong vùng dịch ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho RFA biết quan điểm của ông:
"Mình muốn có thêm nhiều góc nhìn, không chỉ những cái bệnh nhân COVID không mà các bệnh nhân khác nữa, các sinh hoạt bình thường khác nó đang như thế nào. Để một người dân, khi họ có vấn đề thì họ ít nhiều có thông tin để họ đánh giá và điều chỉnh cái hướng giải quyết.
Ví dụ như một người nào đó, gia đình họ bệnh thì bây giờ taxi không có, các bệnh viện đang quá tải hay gì đó, thì các thông tin trên cần phải được đưa ra để người ta lường trước được. Còn hơn là khi mình muốn quyết định cái gì, mình hoàn toàn bị thụ động vì không biết thông tin nó như thế nào”.
Còn ông Nguyễn Ngọc Vinh thì kêu gọi Nhà nước công bố sự thật về tất cả những gì liên quan đến dịch bệnh, để người dân biết và chuẩn bị tinh thần, cũng như tham gia chống dịch.
Không chỉ dừng lại ở việc định hướng báo chí tránh viết tiêu cực về dịch bệnh, chính quyền còn trừng phạt những người dân đưa tin hoặc bày tỏ quan điểm về tình hình dịch bệnh.
Một vụ được nhiều người biết đến là vụ MC Trác Thuý Miêu bị Sở Thông tin và Truyền thông của TP. Hồ Chí Minh phạt 7,5 triệu đồng sau khi phát ngôn trên Facebook về việc đoàn tình nguyện viên từ Hải Dường vào Sài Gòn chống dịch.
Mới đây nhất, ngày 27 tháng 7, Sở Thông tin và Truyền Thông TP. HCM cũng đưa giấy mời, yêu cầu bà Nguyễn Thị Hằng đến làm việc vì một bài đăng của bà trên Facebook liên quan đến việc Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội.