COVID-19 ở Việt Nam: bất bình đẳng trong xử lý vi phạm

0:00 / 0:00

Từ khi đợt dịch COVID-19 tái bùng phát vào tháng Tư năm 2021, chính quyền Việt Nam tăng cường xử lý, thậm chí truy tố những người bị cho là đã vi phạm quy định chống dịch, làm lây lan COVID-19 ra cộng đồng. Việc xử lý này bị cho là nhằm răn đe, giúp mau kiểm soát dịch bệnh.

Gây chú ý khi đó là việc Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Gò Vấp hôm 29/5 đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội ‘làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người’ liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng. Cơ quan chức năng cáo buộc Hội thánh này trong quá trình sinh hoạt đã không tuân thủ quy định y tế về phòng chống dịch COVID-19 làm dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

Tuy nhiên, nhiều người trên mạng xã hội khi đó cho rằng thời điểm nảy sinh vụ việc, thành phố không có các quy định về giãn cách xã hội, các thành viên Hội thánh không biết mình bị nhiễm bệnh và khi biết thì họ cũng không rõ mình bị lây từ nguồn nào...

Hay vào đầu tháng tám, có 12 chủ tài khoản Facebook đã bị chính quyền Việt Nam xử phạt với cáo buộc cung cấp, chia sẻ và đăng tải thông tin sai, gây hoang mang trong nhân dân về công tác phòng chống dịch tại thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Vinh tỉnh Nghệ An.

12 người vừa nêu bị cho là vi phạm Nghị định 15, tuy nhiên Nghị định này lại bị các tổ chức nhân quyền chỉ trích vì cho rằng là công cụ đàn áp tiếng nói của người dân, đe doạ tự do bày tỏ ý kiến trên mạng xã hội.

Báo nhà nước khi đưa tin về những vụ xử phạt lan truyền thông tin sai sự thật phần lớn cũng không cho biết nội dung đã vi phạm quy định chống dịch mà người dùng mạng xã hội đã đăng tải là gì.

Theo mình thấy không chỉ chuyện chống dịch lần này mà từ trước đến giờ mỗi khi có vấn đề gì xảy ra đụng giữa quan với dân thì dân sẽ luôn là người chịu thiệt và bị xử lý đầu tiên. Còn khi đụng tới quan ở trên thì ông này chống lưng ông kia, đổ lỗi cho nhau.
-Chị Ngọc Bích

Chị Ngọc Bích, sống tại quận Bình Tân, TPHCM cho rằng từ trước đến nay người dân luôn phải chịu nhiều bất bình:

“Theo mình thấy không chỉ chuyện chống dịch lần này mà từ trước đến giờ mỗi khi có vấn đề gì xảy ra đụng giữa quan với dân thì dân sẽ luôn là người chịu thiệt và bị xử lý đầu tiên. Còn khi đụng tới quan ở trên thì ông này chống lưng ông kia, đổ lỗi cho nhau.

Còn nếu đụng về chính trị, lợi ích, tiền bạc của ai đó thì sẽ tìm người nào đó đứng ra giống như một con chốt hy sinh.

Một lãnh đạo của TPHCM cũng thành chốt thí là sau khi chống dịch không thành công theo những cam kết ban đầu của chính quyền là bị cách chức và đẩy đi liền. Hoàn toàn không nói gì đến chống dịch thiếu sót, không thành công hay gì hết.”

Với những cán bộ vi phạm chống dịch dù nghiêm trọng thì nhiều trường hợp cũng chỉ bị tạm ngưng công tác. Điển hình như trường hợp một nhóm cán bộ ở Bình Định đã đi đánh golf, trong khi tỉnh này đã tạm dừng mọi hoạt động thể thao, văn hóa theo chỉ thị 15 để chống dịch.

Hay vào đầu tháng tám năm 2021, Sở Y tế TPHCM, thành phố lớn nhất cả nước, chỉ trong một ngày ra ba văn bản, lại thu hồi hai... Cả ba văn bản này đều được nói có những sai sót nghiêm trọng nhưng vẫn không có thông tin gì về việc xử lý, kỷ luật ai.

Luật sư Đặng Đình Mạnh từ Sài Gòn cho rằng:

“Rõ ràng có sự bất bình đẳng giữa khu vực chính quyền và khu vực tư nhân. Người dân khi bị cho rằng có vi phạm lập tức bị chế tài, bị phạt nhưng ở khu vực công, tức chính quyền có những việc làm được rút lại, có nghĩa có sự sai sót nhưng không hề được thông báo có chế tài gì.”

Tuy nhiên, LS. Mạnh cũng nêu ra điểm tích cực cần ghi nhận trong việc chính quyền điều chỉnh sai sót. Dù vậy, các chính sách sai lầm vẫn gây ra những xáo trộn nhất định:

“Những quy định, chính sách mà để áp dụng thường xuyên bị thay đổi, sửa chữa. Chính bản thân điều đó cũng gây ra sự hoài nghi của người dân đối với công tác của chính quyền. Dường như họ rất lúng túng với việc có những chính sách đúng đắn. Do lúng túng mới đưa đến tình trạng lúc đóng, lúc mở rồi lại đóng lại.”

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Thanh Vân - Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách, vào ngày 9/8/2021 cho rằng việc kiểm tra và cấp giấy đi đường của người dân thủ đô Hà Nội, TPHCM và một số tỉnh khác có nhiều bất cập. Việc soát xét giấy tờ ở một số chốt khiến những nơi này trở thành điểm tụ tập đông người, mâu thuẫn với quy định về giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Trong đó ‘người cách ly với người’ là nội dung quan trọng nhất, thì ở các chốt kiểm soát lại diễn ra cảnh ùn ứ.

Không chỉ vậy, việc cấp giấy cũng gây nguy hiểm cho người dân khi quá nhiều người tập trung xin giấy. Chưa kể thủ tục rườm ra khiến nhiều người chờ hơn bốn tiếng đồng hồ vẫn chưa có giấy.

Vậy dịch bệnh lây lan trong số hàng ngàn người chờ xét giấy, ai sẽ bị xử phạt, truy tố? Nhà báo Nguyễn Vũ Bình khi trả lời RFA hôm 31/8 nói:

“Đối với các nước cộng sản nói chung và nhà cầm quyền Việt Nam nói riêng, thì chính sách của họ đề ra là không bao giờ họ nhận sai. Mặc dù đi vào thực tế thì rất bất cập, và rõ ràng sai rất nhiều. Bây gờ mạng xã hội phát triển và người dân cũng nói lên được nhiều ý kiến, hợp tình hợp lý và sát thực tế.

Trong khi những chính sách sai của nhà nước thì họ không nhận mà chỉ thay bằng chính sách khác, nhưng khi người dân vi phạm chính sách của họ thì họ xử lý rất khắc nghiệt, đó là truyền thống xưa nay của họ.

Cho nên khi chống dịch cũng như thế, thực tế rất khắc nghiệt đối với người dân. Còn đối với nhà cầm quyền, cán bộ nếu có sai lầm thì chỉ rút kinh nghiệm, từ xưa đến nay họ vẫn vậy.”

2021-08-22T130148Z_1604264692_RC28AP97DXM6_RTRMADP_3_HEALTH-CORONAVIRUS-VIETNAM-960.jpg
Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội ngày 22 tháng 8 năm 2021. REUTERS.

Còn Nhà báo Võ Văn Tạo khi trả lời RFA từ Nha Trang hôm 31/8, thì cho rằng do người dân đã quen cam chịu với sự kiểm soát của chính quyền:

“Dưới thiết chế chính trị của nhà nước cộng sản thì luôn luôn kỷ luật sắt, dân thì lo sợ, chính quyền thì không tôn trọng nhân quyền, người dân cam chịu cũng quen rồi... cho nên họ chỉ dùng biện pháp hành chính giãn cách để ngăn cản độ lây lan dịch bệnh.

Trong năm ngoái thì biện pháp này được cho là hay trong hoàn cảnh Việt Nam... nhưng năm nay thì không hiệu quả hoặc hiệu quả rất ít. Các nhà khoa học và người dân đều biết tập trung đông người là dễ lây lan dịch bệnh.... thì dịp 30/4 vừa qua nhà nước lại khuyến khích tổ chức lễ, đi chơi mà không có động thái cảnh báo, ngăn chặn.”

Theo Nhà báo Võ Văn Tạo, sai lầm nghiêm trọng là những quyết sách không đúng như xét nghiệm tập trung đông người, chích ngừa cũng tập trung đông người, rồi chặn đường làm ùn tắt đông người, hay chặn dân về tỉnh rồi lại thả cho về gây khó cho dân... Ông nói tiếp:

“Những quyết sách vụng về như thế thì đúng là xử lý cán bộ không nghiêm, nhưng cũng không hoàn toàn nhẹ dù nhà nước không nói ra.

Chẳng hạn ông Nguyễn Thành Phong bị chuyển công tác, nhưng ai cũng hiểu đây là bị cách chức. Hay ông giám đốc Sở Y tế TPHCM bị bay chức và ông phó lên thay.

Có xử lý như thế nhưng rõ ràng là không nghiêm, sự trừng phạt đó rất nhẹ nhàng so với hậu quả gây ra khiến hàng nghìn người ở TPHCM tử vong vì dịch bệnh.”

Đây là một cơ hội tốt và hy vọng sự quan tâm của người dân sẽ giữ ngay khi cơn dịch đi qua vì nếu người dân quan tâm sâu sát mọi hoạt động của chính quyền thì chắc chắn sẽ có tác động chính quyền tích cực hơn.
-Luật sư Đặng Đình Mạnh

Vào ngày 20/8, truyền thông Nhà nước Việt Nam đồng loạt đăng tải thông tin Bộ Chính trị đảng CSVN quyết định cho ông Nguyễn Thành Phong thôi giữ chức Phó Bí thư Thành ủy nhiệm kỳ 2020-2025 và Chủ tịch UBND TP.HCM nhiệm kỳ 2021-2026.

Sau đó, báo chí nhà nước cũng loan tin ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TPHCM sẽ nghỉ hưu, và cấp phó là ông Tăng Chí Thượng lên thay.

Tuy nhiên chính quyền Việt Nam không hề công bố lý do điều chuyển hai quan chức này. Dư luận cho rằng, hai vị lãnh đạo này bị mất chức vì không thể kiểm soát dịch bệnh tại TPHCM.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ khi nói về vụ Đồng Tâm tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ ngày 4/5/2017 đã khiến nhiều người không khỏi bất ngờ với phát biểu: "Nếu ta sai, ta sẽ xin lỗi dân. Nếu dân sai thì dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật".

Đây có thể coi là lập trường của Nhà nước Việt Nam cho rằng luật pháp chỉ áp dụng đối với dân chúng.

Hiện trạng thực tế cũng chứng minh cho phát biểu này từ xưa đến nay. Do đó, với những quan sát từ phía nhân dân đến chính quyền đặc biệt tăng nhanh trong thời gian chống dịch vừa qua mà nguyên nhân được cho rằng do người dân chủ động tìm kiếm thông tin trên mạng để bảo đảm sức khỏe cho gia đình, cũng như theo dõi đường hướng chống dịch của lãnh đạo, nhiều ý kiến cho rằng đây sẽ là bước khởi đầu thúc đẩy chính phủ Hà Nội hoàn thiện hơn.

Đồng quan điểm vừa nêu, Luật sư Mạnh nhận định:

“Đây là một cơ hội tốt và hy vọng sự quan tâm của người dân sẽ giữ ngay khi cơn dịch đi qua vì nếu người dân quan tâm sâu sát mọi hoạt động của chính quyền thì chắc chắn sẽ có tác động chính quyền tích cực hơn.”

Bên cạnh những ý kiến lạc quan như trên, nhiều người vẫn lo ngại rằng dù dân có giám sát hay không thì những vị lãnh đạo đất nước vẫn luôn có cách đối phó, "vì trong thực tế dân không có quyền làm chủ bất kỳ chuyện gì," như lời chị Ngọc Bích nói với RFA.