Tự sản xuất vaccine
Giới chức Y tế Việt Nam mới đây cho biết việc sản xuất vaccine ngừa COVID-19 của Việt Nam bước đầu đã có những kết quả khả quan.
Phát biểu tại hội thảo về sản xuất vaccine COVID-19, do Bộ Y tế tổ chức sáng 22 tháng 7 năm 2020 tại Hà Nội, quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nói:
“Với COVID-19, trong nước hiện có bốn nhà sản xuất, nghiên cứu phát triển vaccine gồm: VABIOTECH (Công ty TNHH một thành viên Vaccine và Sinh phẩm số 1), IVAC (Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế), POLYVAC (Trung tâm sản xuất Vaccine và Sinh phẩm y tế) phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và Công ty NANOGEN. Mỗi nhà sản xuất đi theo hướng khác nhau, bước đầu đều đã cho kết quả khả quan.”
Đến hôm 13 tháng 8, Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch VABIOTECH cho báo chí biết công ty này đã thử nghiệm vaccine COVID-19 trên động vật. Kết quả cho thấy kháng nguyên của vaccine đáp ứng miễn dịch, đảm bảo tính an toàn và hiệu quả, phòng được COVID-19 do virus SARS-CoV-2. Hiện các đơn vị nghiên cứu phát triển vaccine COVID-19 trong nước đang tối ưu quy trình, chuẩn bị cho tiêm thử nghiệm trên người và quy mô sản xuất lớn. VABIOTECH mong muốn rút ngắn được thời gian sản xuất vaccine và đang nỗ lực thúc đẩy quá trình nghiên cứu vì điều đó.
Bộ Y tế nêu việc sản xuất vaccine trong nước là hướng ưu tiên để bảo đảm tính chủ động, đồng thời mở ra cơ hội hợp tác, xuất khẩu vaccine với các nước.
Bác sĩ Phạm Nhật An, nguyên Phó giám đốc kiêm trưởng Khoa Truyền Nhiễm Bệnh Viện Nhi Trung ương, cho biết:
“Hiện nay đang có bốn công ty sinh học của Việt Nam tham gia việc này. Trong đó có hợp tác với Hoa Kỳ, gửi một số lô sang để kiểm định. Hiện đang trong quá trình thử nghiệm, kết quả chưa biết được nhưng Việt Nam có công nghệ vector sản xuất vaccine rút ngắn được thời gian.”
Tôi nghĩ tất cả các nhà khoa học Việt Nam cũng tuân thủ quy định của WHO cũng như tập quán nghiên cứu của thế giới. Còn việc báo chí đăng tin thì đó là việc của báo chí.- Bác sĩ Võ Xuân Sơn
Bác sĩ Võ Xuân Sơn, hiện làm việc tại Phòng Khám Quốc Tế EXSON ở Sài Gòn tin tưởng các nhà khoa học Việt Nam đủ khả năng hiểu việc sản xuất vaccine theo kiểu đốt cháy giai đoạn sẽ nguy hiểm như thế nào, không nghiên cứu hay sản xuất theo kiểu chạy đua. Ông nói thêm:
“Tôi nghĩ tất cả các nhà khoa học Việt Nam cũng tuân thủ quy định của WHO cũng như tập quán nghiên cứu của thế giới. Còn việc báo chí đăng tin thì đó là việc của báo chí. Tôi thì không có đủ thông tin về viêc đó, chỉ có thông tin trên báo chí nên không biết độ chính xác đến đâu. Tôi tin tưởng các nhà tư vấn về y khoa của Việt Nam có đủ khả năng để hiểu được vấn đề.”
Theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện VABIOTECH đang phối hợp với Trường Đại học Briston của Anh nghiên cứu sản xuất vaccine theo công nghệ vector virus; IVAC cũng đang phối hợp với Mỹ để sản xuất vaccine này trên cơ sở quy trình sản xuất vaccine cúm mùa và cúm đại dịch; POLYVAC và NANOGEN cũng đang trong quá trình nghiên cứu, bước đầu đã cho thấy kết quả khả quan. Cả bốn công ty cố gắng đến cuối năm 2020 sẽ đưa vào thử nghiệm lâm sàng.
Trao đổi với RFA sáng 14 tháng 8 về việc nghiên cứu và sản xuất vaccine COVID-19 trong nước, TS-BS.Đinh Đức Long nói rằng, nếu có vaccine sẽ cứu được rất nhiều người. Có vaccine càng sớm càng tốt vì vaccine giúp nâng cao khả năng kháng bệnh của cơ thể. Khi chủng ngừa, vaccine kích thích cơ thể tạo nên miễn dịch bảo vệ cơ thể chống lại bệnh. Vấn đề đặt ra ở đây là vaccine của Việt Nam có đảm bảo đúng theo quy trình của Tổ chức Y tế thế giới chưa. Ông lo ngại các đơn vị nghiên cứu phát triển vaccine COVID-19 trong nước đang tối ưu quy trình. Ông nói:
“Tối ưu hóa quy trình nghĩa là có thay đổi quy trình. Thay đổi như vậy thì cuối cùng vaccine có đảm bảo chất lượng hay không? Cũng như vaccine ở Nga tuyên bố là nước đầu tiên trên thế giới có, nhưng rất nhiều các nhà khoa học, thậm chí như tôi, khi nghe nói cũng có cảm nghĩ là sản xuất nhanh như thế thì có đảm bảo chất lượng hay không. Thế giới có quy trình sản xuất vaccine thống nhất. Nếu đốt cháy giai đoạn thì chất lượng trở thành may rủi. Nếu nó tốt thì không sao. Nếu không tốt thì ai chịu hậu quả đây?
Đánh giá một loại thuốc thì tác dụng trước mắt thấy rõ nhưng phản ứng lâu dài thì cần phải có thời gian chứ không thể nói rút ngắn thời gian được. Bây giờ để dập dich họ nói vậy thì mình biết vậy thôi!”
Mua vaccine từ Nga
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 sáng 14 tháng 8, quyền bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam có đặt mua vaccine ngừa COVID-19 do Nga sản xuất. Đây là loại vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên công bố ra mắt trên thế giới.
Việt Nam và Nga đã trao đổi về số lượng vaccine Việt Nam có thể đặt dao động trong khoảng 50 - 150 triệu liều, trong đó có một phần là phía Nga tặng, một phần là phía Việt Nam trả tiền.
Hôm 11 tháng 8, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo Nga đã đăng ký vaccine phòng COVID-19 đầu tiên trên thế giới có tên SputnikV.
Việc Nga phê duyệt vaccine ngừa COVID-19 chỉ sau chưa tới hai tháng thử nghiệm trên người khiến nhiều nước quan tâm và khuyến cáo thận trọng.
Ngay tại Nga, GS. Alexander Chucalin đã rời Bộ Y tế sau khi cố gắng ngăn chặn việc Nga công bố vaccine SputnikV nhưng bất thành. Ông cáo buộc hai đồng nghiệp đã vội vàng đưa vaccine vào sản xuất hàng loạt khi chưa được kiểm tra kỹ lưỡng về độ an toàn.
Các chuyên gia y tế châu Âu nói nếu không có dữ liệu thử nghiệm đầy đủ sẽ rất khó để tin tưởng vào vaccine do Nga phát triển. Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spaln thì cho rằng mục tiêu có một sản phẩm an toàn còn quan trọng hơn việc trở thành nơi đầu tiên có vaccine tiêm cho mọi người.
Nói về việc Việt Nam đặt mua vaccine của Nga, Bác sĩ Võ Xuân Sơn nêu nhận xét:
“Đó là thông tin trên báo chí thôi chứ thứ nhất là có mua không hay chỉ là đặt hàng? Có thể đấy là một món quà miễn phí của phía Nga (ví dụ thế). Mình đâu có biết được nội tình ở bên trong như thế nào, nhưng tôi tin chắc Việt Nam sẽ không để vaccine chưa được xác thực về tính an toàn và hiệu quả để cho người Việt Nam dùng. Đó là điều tôi vẫn tin cho đến giờ phút này.”
TS-BS. Đinh Đức Long cho rằng đây là trò chính trị trước đại hội đảng 13. Ông giải thích:
“Họ đưa những khẩu hiệu đắc nhân tâm, nhất là sắp đại hội đảng. Họ làm để được lòng dân chứ thực chất mua hay không thì thỏa thuận còn chưa xong, mua đắt hay rẻ, chất lượng đến đâu, Nga chưa sản xuất đủ cho dân họ thì họ chưa bán cho dân mình…thiếu gì lý do.
Nếu Việt Nam tuyên bố đặt mua thì thứ nhất họ tỏ ra quan tâm đến người dân. Rất tốt về mặt chính trị. Thứ hai họ có cơ sở để xuất một khoản ngân sách mua vaccine phục vụ nhân dân. Thế còn đằng sau nó là cái gì thì người ta biết hơn mình.”
Hiện vẫn chưa rõ lúc nào Việt Nam sẽ chính thức đặt mua và tiếp nhận vaccine COVID-19 của Nga. Giá bán mà Nga áp dụng cho Việt Nam hiện cũng chưa được thông báo.