Dư luận quan ngại chỉ số CPI tăng nhanh

Tổng Cục Thống kê Việt Nam thông báo, chỉ số giá tiêu dùng cả nước (CPI) trong tháng 2 tăng 2,09% so với tháng trước.

0:00 / 0:00

Gây khó khăn cho người dân

Nhóm hàng có chỉ số giá tăng nhanh nhất là hàng ăn, dịch vụ ăn uống. Nhóm hàng may mặc, mũ nón, các dịch vụ văn hóa giải trí, du lịch cũng nhích giá lên.
Trong số hàng hóa cần thiết cho đời sống như thuốc Tây tăng từ 5% đến 10% và sữa bột cũng tăng từ 6% đến 20%. So với cùng kỳ năm 2010, CPI tăng trên 12% và so với tháng 12 năm ngoái, CPI tăng hơn 3,80%.

Giá cả tăng cao đang là vấn đề bức xúc của người dân, sẽ gây ra phản ứng không tốt cho đời sống nhân dân hiện nay.

Ô. Lê Văn Cuông

Ngoài chuyện điện tăng giá, xăng khan hiếm, đô la và vàng biến động bất thường, được báo chí loan tải mấy hôm nay. Báo Hà Nội Mới đưa tin giá thuốc leo thang theo giá vàng và đô la, cụ thể là giá một số mặt hàng nhập khẩu, nhất là thuốc kháng sinh và thuốc đặc trị tăng từ 5% tới 10%.

Báo Dân Trí cho hay, giá nhiều loại sữa bước vào đớt tăng mới, từ đầu tháng 3 này, các hãng sữa cho điều chỉnh giá mặt hàng sữa bột thêm từ 6% đến 20%.
Trước sự quan ngại và băn khoăn của dư luận, đặc biệt là từ phía người lao động có thu nhập kém, rồi đây cuộc sống của thành phần này còn khó khăn hơn, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ tịch Quốc hội tuyên bố với báo chí rằng, chủ trương ưu tiên của chánh phủ là chống lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội.

Qua phát biểu với RFA, một số chuyên gia kinh tế trong nước vẫn nói rằng, trong điều kiện lạm phát tăng cao, vượt quá hai con số như hiện giờ, sẽ gây khó khăn cho kinh doanh, sản xuất, ảnh hưởng đến kinh tế, gây khó khăn cho cuộc sống của người dân mà phần lớn là giới lao động và nhà nông.

Trước tình trạng vật giá ngày càng đắt đỏ hơn, ông Lê Văn Cuông, vị đại biểu quốc hội cuả tỉnh Thanh Hóa, tỉnh có số dân đông dân thứ 3 tại Việt Nam, với trên 3 triệu 4 trăm ngàn người, cho biết quan tâm cuả bản thân ông cũng như đồng viện:

MG_0327-250.jpg
Một gian hàng thịt bò tại chợ An Nhơn - TPHCM, ảnh chụp tháng 02-2011. RFA PHOTO.

“Chúng tôi là đại biểu quốc hội ở địa phương cũng hết sức quan tâm, theo dõi về giá cả cũng như tâm tư, nguyện vọng của người dân, nên rất lo lắng, trước hình gia tăng này. Tiền lương, thu nhập của người lao động chưa tăng, chất lượng cuộc sống ngày càng giảm sút. Ủy Ban Thường vụ quốc hội, với trách nhiệm của mình, đang chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 9 sắp tới, cũng rất quan tâm đến vấn đề này. Có nhiều ý kiến của Thường vụ quốc hội đề nghị chính phủ cần quan tâm hơn đến vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô, giảm trượt giá để đảm bảo đời sống của người dân, làm thế nào để tăng trưởng kinh tế gắn liền với nâng cao cuộc sống người dân.”

Ông Lê Văn Cuông trình bày những đề xuất đã được nêu ra tại nghị trường nhằm bảo đảm cuộc sống cho dân chúng:

Tháng ba này, sẽ tăng giá rất nhiều mặt hàng, điện tăng, xăng dầu tăng, chắc chắn là các mặt hàng sẽ tăng, cái gì cũng tăng, chứ không phải chỉ có thuốc và sữa.

TS Nguyễn Thị Kê

“Trong nhiều kỳ họp, quốc hội đã lưu ý chính phủ và có nhiều giải pháp để đảm bảo mức tăng trưởng bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, đó là một trong những vấn đề mà hiện quốc hội rất quan tâm. Phải có chính sách an sinh xã hội đối với những đối tượng có thu nhập thấp, nhà nước phải hỗ trợ như thế nào để bù đắp cho họ. Có một số mặt hàng gọi là “tát nước theo mưa” lợi dụng vào hoàn cảnh khó khăn này để tăng giá, cơ quan quản lý nhà nước phải kịp thời phát hiện và ngăn chặn những biểu hiện đó, làm ảnh hưởng đến mặt bằng giá cũng như cuộc sống của người dân. Giá cả tăng cao đang là vấn đề bức xúc của người dân, sẽ gây ra phản ứng không tốt cho đời sống nhân dân hiện nay.”

Bài toán khó tìm đáp số

Một trí thức khác tại Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Thị Kê, nguyên Viện trưởng Viện Vaccine và Sản phẩm y tế, nguyên Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang, cũng cho biết những cố gắng của chánh phủ, đối với những người nghèo khó, thu nhập thấp, trước tình trạng y dược cùng những mặt hàng cần thiết khác đang đồng loạt tăng giá:

“Nhà nước có hỗ trợ cho những đối tượng gặp khó khăn, như đồng bào dân tộc ít người, người thuộc diện xóa đói, giảm nghèo, hoặc đối với trẻ em, từ một đến sáu tuổi, được điều trị miễn phí hoàn toàn. Tháng ba này, sẽ tăng giá rất nhiều mặt hàng, điện tăng, xăng dầu tăng, chắc chắn là các mặt hàng sẽ tăng, cái gì cũng tăng, chứ không phải chỉ có thuốc và sữa, thuốc với sữa thì có liên quan đến ngành y tế, liên quan đến trẻ em, đến người tiêu dùng, chắc chắn là sẽ có ảnh hưởng đến cuộc sống nhất là những đối tượng nghèo.”

MG_0326-250.jpg
Một tiệm ăn ở TPHCM. RFA PHOTO.

Theo bà thì việc bình ổn giá chính là một trong các chủ trương hàng đầu của chánh phủ, tuy nhiên làm thế nào để thực hiện được mục tiêu đó, đây là một bài toán khó tìm ra đáp số:

“Nếu kềm chế được lạm phát thì giá cả sẽ ổn định hơn, chứ khó khăn thì lúc nào cũng có, bắt đầu năm nay thì khó khăn nhiều hơn. Hy vọng thì có, nhưng giải quyết thỏa đáng thì rất khó, không tránh khỏi những bức xúc của người dân trong khi giá cả tăng vọt như vậy. Nhà nước có những hỗ trợ để bình ổn giá, với điều kiện là nhà nước mình giàu, chứ hiện nhà nước đang có những khó khăn, cho nên đó cũng chỉ là những biện pháp tức thời, chứ không thể hỗ trợ mãi mãi được, vì đâu có quỹ cho sự hỗ trợ đó, gây khó khăn cho nhà nước. Hy vọng là nhà nước sẽ có những biện pháp tốt để bình ổn giá.”

Về mục tiêu tập trung kiềm chế lạm phát, báo chí tường thuật về phiên họp tại trụ sở chánh phủ hôm thứ ba, 22 tháng 2, dưới sự chủ trì của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia để thảo luận về các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô cấp bách.

Một số đề nghị được đưa ra trong đó có việc xử lý nghiêm khắc tình trạng đầu cơ, sốt giá. Đó cũng là ước mơ và nguyện vọng chung của người dân để cuộc sống của họ được ổn định.

Theo dòng thời sự: