“Kinh tế như hôm nay, văn hóa như ngày xưa”: mơ ước viển vông?

0:00 / 0:00

Tại buổi Hội nghị lấy ý kiến các Hội đồng tư vấn của Mặt trận Tổ quốc đối với các dự thảo văn kiện Đại hội XIII diễn ra sáng 28/10, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa Xã hội của Mặt trận Tổ quốc cho rằng trong tình hình đổi mới kinh tế phát triển hiện nay, chính trị ổn định, nhưng văn hóa thì “chưa tương xứng”.

Cụ thể, theo thông tin được báo Nhà nước Việt Nam trích dẫn từ nội dung buổi hội nghị, ông Nguyễn Viết Chức đưa ra ví dụ về những hệ quả do tác động của con người gây ra như môi trường thiên nhiên bị hủy hoại, lũ lụt miền Trung dữ dội. Bên cạnh đó, ông còn nêu lên tình trạng bạo lực gia đình, trong nhà trường, hiếp dâm trẻ em, cờ bạc, nghiện hút, tham nhũng tràn lan, suy thoái đạo đức, lối sống...

Từ những thực tế vừa nêu, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa Xã hội của Mặt trận Tổ quốc cho rằng việc này đã làm cho nhiều người bi quan, ngán ngẩm và mong “kinh tế như hôm nay, văn hóa như ngày xưa”.

Nhận xét về mong ước vừa nêu của Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, nhà báo độc lập, blogger Nguyễn Ngọc Già từ Sài Gòn đưa ra quan điểm của ông như sau:

“Ước muốn của ông Nguyễn Viết Chức “kinh tế như hôm nay, văn hóa như ngày xưa” phản ánh tiếc nuối về quá khứ mà ông Chức ngỡ rằng bình an nhưng quá khứ đó là quá khứ gì? Quá khứ đói nghèo, lạc hậu, ngu dốt, an phận thủ thường và dễ nhồi sọ. Về văn hóa thì văn hóa ngày xưa đặc trưng của nó là nhồi sọ và sùng bái cá nhân, văn hóa ngày nay cũng là nhồi sọ và sùng bái cá nhân nhưng ở mức độ cao hơn, tinh vi hơn và lắc léo hơn so với ngày xưa.”

Vẫn theo nhà báo Nguyễn Ngọc Già, về lý thuyết thì văn hóa xưa và nay không có gì thay đổi nhưng trong thực tế thì văn hóa Việt ngày càng tệ hại hơn và được phơi bày rõ hơn nhờ công nghệ:

“Đặc trưng văn hóa xưa và nay có điểm thấy rõ hơn là văn hóa nô lệ nhưng ngày xưa vì chưa có internet nên người ta chưa biết được những khuất lấp, khuất tất của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đối với nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc trong vấn đề biên giới, lãnh thổ cho tới nhân sự, hoàn toàn lệ thuộc Trung Quốc. Ngày hôm qua nhờ internet nên những quá khứ bị bộc lộ, phơi bày khá nhiều.”

Đồng quan điểm cho rằng nhờ vào sức mạnh công nghệ nên người dân có thể biết nhiều hơn về mọi mặt, nhưng chưa chắc văn hóa ngày xưa đã tốt hơn ngày nay, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự từ Hà Nội, cho rằng đối với văn hóa, cần phải có nghiên cứu rất nghiêm túc, còn chỉ nhìn sơ sơ một vài sự kiện rồi đưa ra đánh giá như ông Chức là hơi hời hợt.

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng cho rằng phát biểu của ông Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa Xã hội của Mặt trận Tổ quốc chỉ mang tính chất phản ánh những bất bình của ông Chức đối với những suy đồi như bây giờ, hoàn toàn không có tính thuyết phục vì những lý do sau:

Hình minh hoạ. Cựu Phó chủ tịch TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Tài trước toà ở TP Hồ Chí Minh
Hình minh hoạ. Cựu Phó chủ tịch TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Tài trước toà ở TP Hồ Chí Minh (Pháp Luật)

“Tôi không hiểu văn hóa như ngày xưa là ông ấy hiểu ngày xưa là ngày xưa nào bởi vì nói như thế rất mông lung. Những câu như thế cần phân tích rất kỹ lưỡng là bối cảnh ông nói là như thế nào, văn hóa thời chiến tranh, thời bao cấp, thời phong kiến nó khác. Văn hóa là một thực tế giống bản thân con người, không thể có chuyện quay lại văn hóa như ngày xưa. Nếu ông ấy nói như thế thì bây giờ văn hóa bị sa sút về văn hóa con người từ chuyện tham lam, chạy theo tiền, hút sách, bao nhiêu tệ nạn xã hội. Không thể quay lại thời xưa được mà vấn đề phải làm thế nào để góp phần xây dựng văn hóa phù hợp với thời nay, phải làm sao để cho những điều tốt của thời xưa được phát huy lên, và những điều dở của thời xưa cũng như thời nay bớt đi mới có thể có lý và có logic được.”

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng mong muốn của ông Nguyễn Viết Chức về “kinh tế như hôm nay, văn hóa như ngày xưa” là một điều rất phản khoa học nếu đứng dưới góc độ triết học vì quan trọng nhất của triết học là tính vận động thì với phát biểu này, ông Chức đã chống lại triết học.

“Mong muốn đó không những phản khoa học mà rất viễn vông và nên được loại bỏ ra khỏi đầu tất cả những người cộng sản hiện nay. Tại sao ông Chức chỉ nhìn thấy bề nổi, tức ông thấy văn hóa bây giờ sao thê thảm quá, con người sống với nhau kinh khủng quá nhưng đó là hậu quả của văn hóa nhồi sọ và sùng bái cá nhân mà đến ngày hôm nay càng hiện rõ mồn một. Nó không phải ở đâu trên trời rớt xuống, càng không phải do Đế quốc Mỹ hay Thực dân Pháp đưa vô mà chính do đặc trưng nhồi sọ và sung bái cá nhân đã chi phối toàn diện văn hóa và làm cho văn hóa người Việt Nam hiện nay thê thảm như vậy.”

Câu hỏi nhà báo Nguyễn Ngọc Già đưa ra cũng được ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam nhắc đến khi trao đổi với RFA tối 28/10.

Ông Mai cho rằng ông Nguyễn Viết Chức chỉ nhìn được một chút sự thật nhưng không dám đi đến tận cùng sự việc. Ông nói:

“Dám chỉ ra nguyên nhân tại sao như thế không? Bây giờ chấn chỉnh thế nào? Cách bắt mạch thì có những chỗ có thể nhìn thấy được vấn đề nhưng tìm ra nguyên nhân vì sao có bệnh, suy đồi văn hóa trở thành phổ biến trong mọi lãnh vực thì đó là vấn đề cần truy nguyên vì sao văn hóa Việt Nam hiện nay đang suy đồi đến kì cục như vậy. Nếu chỉ tìm thấy nguyên nhân suy đồi thì không giải quyết vấn đề gì hết. Vì sao suy đồi, vì chính quyền thế nào, vì đường lối lệch lạc của đảng thế nào, vì bản thân đảng thế nào, tạo ra tiền đề để làm suy thoái xã hôi như vậy? Đấy là vấn đề phải tìm thấy để tìm những giải pháp chấn chỉnh.”

Phát biểu tại buổi hội thảo ngày 28/10, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa Xã hội cho rằng quan điểm của Đảng về văn hóa hoàn toàn đúng đắn, có tính xuyên suốt các thời kỳ cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, tính hiệu quả của giải pháp khi thực hiện thế nào mới là mấu chốt vấn đề.

Ông Nguyễn Viết Chức cho rằng cần cách nhìn mới, tư duy và cả hành động mới để thay đổi văn hóa, nhưng không thể không bài bản không hệ thống vì nếu không có kế hoạch cụ thể mà chỉ thấy gì làm nấy lợi sẽ bất cập hại và hậu quả khôn lường.

Còn theo ông Nguyễn Khắc Mai, thay đổi để cải thiện văn hóa là cần thiết, nhưng đảng cộng sản Việt Nam phải nhìn vào thực tế hiện nay:

“Tôi cho rằng đầu mối là phải chấn chỉnh, thay đổi từ thượng tầng, tạo ra chuyển hóa văn hóa, văn minh từ thượng tầng và nếu cần có thể giải thể bộ phận quá đáng, hư hỏng mà thay thế. Không phải thay thế chi tiết mà thay thế từng khúc một, từng mảng lớn một có thể sẽ có thay đổi.”