Việt Nam tiếp tục kế hoạch cắt giảm ngân sách trong tình hình thiếu hụt hiện nay. Lần này đến các đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực thông tin truyền thông.
Sắp xếp lại mạng lưới báo chí
Vào ngày 26 tháng 10 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký duyệt Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực thông tin truyền thông đến năm 2021, định hướng đến năm 2030.
Theo quy hoạch đề ra thì các đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực báo chí được sắp xếp theo lộ trình của Đề Án Quy Hoạch Phát triển & Quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Quy hoạch này được Bộ Chính Trị Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua và phấn đấu đến năm 2021 tức chỉ trong thời gian 3 năm có tối thiểu 10% đơn vị đơn vị tự chủ về chi thường xuyên và chi đầu tư. Đến năm 2025 có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư.
Trước kia có tờ báo nào thì đều tài trợ tờ báo đó hết. Đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam quan niệm đấy là hệ thống tuyên truyền của Đảng nên Đảng có trách nhiệm đem ngân sách nhà nước, tiền thuế nhân dân để tài trợ, để nuôi những tờ báo đó. - Nhà báo Võ Văn Tạo
Nhận xét về quy hoạch được nhắc đến như vừa nêu, nhà báo tự do Võ Văn Tạo cho biết chủ trương giảm tài trợ cho báo chí đã có từ trước chứ không phải bây giờ mới có, nhưng có vài điểm khác với trước kia:
“Trước kia có tờ báo nào thì đều tài trợ tờ báo đó hết. Đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam quan niệm đấy là hệ thống tuyên truyền của Đảng nên Đảng có trách nhiệm đem ngân sách nhà nước, tiền thuế nhân dân để tài trợ, để nuôi những tờ báo đó. Nhưng vì hệ thống phát triển báo chí không quy hoạch nên ngành nào, địa phương nào cũng muốn ra báo chí hết. Bây giờ trên toàn quốc có bao nhiêu tỉnh thì có bấy nhiêu đài truyền hình, phát thanh. Cho nên gánh nặng tài trợ rất nặng.”
Giải thích rõ hơn về việc cắt giảm kinh phí cho báo chí, nhà báo Trương Duy Nhất cho biết:
“Thực ra cắt giảm kinh phí là một phần trong kế hoạch sắp xếp lại mạng lưới báo chí. Quy hoạch báo chí của Bộ Thông tin – Truyền thông đã được Bộ Chính trị chấp thuận và phê duyệt từ năm 2015, nhưng giằng co mãi chưa thực hiện được. Những cái chưa thực hiện được thì hình như cũng là sự giằng xé trong nội bộ các phe nhóm ở trên thượng tầng của nền chính trị Việt Nam. Nhưng đến bây giờ, bắt đầu khi ổn định thì người ta xới lại cái chủ trương đã có và được Bộ Chính trị phê duyệt từ năm 2015.”
Nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền
Trong văn bản Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực thông tin truyền thông đến năm 2021, định hướng đến năm 2030 có nội dung cho biết nhà nước chỉ đầu tư, bảo đảm cho một số báo thực hiện đúng nhiệm vụ chính trị và tuyên truyền đối với các bài viết, chương trình phù hợp với yêu cầu về chính trị. Quỵ hoạch nêu rõ những ấn phẩm, chuyên mục, chương trình được đặt hàng phải phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị cụ thể trong từng giai đoạn và từng khu vực.
Theo nhà báo Võ Văn Tạo, những người ở trong ngành thì biết rằng đề xuất này dành cho những tờ báo trực thuộc cơ quan đảng, vì đa số những tờ báo không phải trực thuộc của Đảng thì đã bị cắt tài trợ từ lâu rồi.
Đồng quan điểm này, nhà báo Trương Duy Nhất cho biết thêm:
“Lâu nay chỉ vài cơ quan truyền thông nhà nước nhận nguồn sống nhờ nguồn kinh phí đó thôi. Ví dụ: báo Nhân Dân, báo Quân Đội Nhân Dân, Tạp chí Cộng Sản, Đài Tuyền hình Việt Nam VTV, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam. Còn tất cả các báo khác ví dụ như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Lao Động… mang tiếng vẫn là báo nhà nước, của các hội đoàn, cơ quan, nhưng họ đã tự hoạch toán kinh phí từ mấy chục năm nay rồi, họ không còn dựa hơi vào nhà nước nữa.”
Do đó, theo nhà báo Trương Duy Nhất, quyết định không hỗ trợ kinh phí không là gì đối với các báo độc lập, mà hướng đến một mục đích khác:
“Cơ bản là để siết chặt theo quy định mà người ta vừa công bố, thì sẽ dẹp bỏ và hợp nhất nhiều tờ báo, giảm bớt đầu mối, giảm bớt ấn phẩm để thống nhất tiếng nói, thống nhất chủ trương, không được lan man như thế này không quản được. Đó mới là mục tiêu chính.”
Tuy nhiên, về phía nhà nước, kế hoạch này là một phần trong nỗ lực tái cơ cấu lĩnh vực truyền thông báo chí của chính phủ Việt Nam với mục đích làm cho các cơ quan báo chí trở nên khắt khe hơn và vẫn đảm bảo đúng nhiệm vụ được giao.
Gần đây, tình trạng nhiều tòa báo, báo mạng bị xử phạt, đình bản ngày càng nhiều. Phần lớn lý do được đưa ra là do thực hiện không đúng tôn chỉ của nhà nước. Mới đây nhất, vào ngày 1 tháng 11, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cũng bị xử phạt 30 triệu đồng với lý do nêu trên, nếu không chấp hành xử phạt sẽ tiến hành cưỡng chế.
Cơ bản là để siết chặt theo quy định mà người ta vừa công bố, thì sẽ dẹp bỏ và hợp nhất nhiều tờ báo, giảm bớt đầu mối, giảm bớt ấn phẩm để thống nhất tiếng nói, thống nhất chủ trương, không được lan man như thế này không quản được. - Nhà báo Trương Duy Nhất
Nên cắt hết tài trợ
Theo khoản 2 điều 4 trong văn bản Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực thông tin truyền thông đến năm 2021, định hướng đến năm 2030 được nhà nước ký duyệt có mục quy định việc đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực thông tin truyền thông.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, nhà báo Võ Văn Tạo cho biết, hầu hết các tòa soạn không phải của đảng bộ, địa phương, trực thuộc tỉnh ủy hiện nay tự duy trì bằng hai cách chính là bán báo và nhận quảng cáo. Do đó, nếu không bán được báo và không xin được quảng cáo, thì tòa soạn buộc phải đóng cửa. Tuy nhiên, vẫn có những tòa soạn hoạt động theo cách lách luật:
“Báo chí có một uy lực nhất định với xã hội nên rất nhiều báo tồn tại một cách bất lương, dùng uy lực của mình để dọa dẫm các doanh nghiệp để lấy quảng cáo hoặc xin tài trợ.”
Nhà báo Võ Văn Tạo cũng cho rằng việc cắt giảm ngân sách cho báo chí là một xu hướng tốt, cần phải như thế và tiến tới sau này phải cắt hết, không tài trợ gì nữa vì theo ông, đa số ở các nước khác báo nào muốn sống thì tự kinh doanh chứ không có tài trợ từ ngân sách như ở Việt Nam hiện nay.