Sông Tranh 2: Đánh cược tính mạng người dân

Tính mạng và tài sản của hàng chục ngàn người dân đang bị đánh cược với báo cáo của Bộ Công thương gởi chính phủ đề nghị cho tích nước vận hành Thủy điện Sông Tranh 2 bất chấp động đất tiếp diễn.

0:00 / 0:00

Thảm họa chực chờ...

Trả lời phỏng vấn của Nam Nguyên tối 10/9/2012, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, phó chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Thủy lợi khoa xây dựng thủy lợi - thủy điện Đại học Bách khoa Đà Nẵng nhận định rằng nếu như quyết định tích nước vào hồ thủy điện Sông Tranh 2 được đạt tới trong bối cảnh hiện nay thì chẳng khác nào tính mạng và tài sản của người dân Bắc Trà My đang bị đặt cược.

Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng khuyến cáo chính phủ không nên quyết định theo báo cáo và cơ sở đề nghị của Bộ Công thương. Ông nói:

GS Nguyễn Thế Hùng

“Đánh cược như thế là rất nguy hiểm, nếu công trình xảy ra sự cố thì sẽ phải qui rõ trách nhiệm cụ thể những ai là người quyết định cho tích nước.

Thí dụ một người mà đưa ra quyết định làm chết hàng ngàn người, thì dù có tử hình họ đi chăng nữa cũng không thể đánh đổi được.

Tôi nghĩ Nhà nước và cơ quan có thẩm quyền cao hơn cần phải có sự can thiệp.”

Tối 10/9 đang có mặt tại Quảng Nam trong đợt khảo sát đánh giá tình hình động đất đang diễn ra liên tục hiện nay ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2 Bắc Trà My, Tiến sĩ Lê Huy Minh, Phó viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu nói về vấn đề tích nước mà nhiều báo điện tử đưa tin. Ông nói:

“Tôi đang ở trong này, chưa thấy có tích nước gì cả đâu. Hôm trước có hội đồng đánh giá là đập an toàn và cho tới giờ thì chưa có mưa nên chưa có hoạt động tích nước. Vừa rồi có xảy ra một loạt động đất nên Viện chúng tôi đang khảo sát, xin nói rõ là chưa có tích nước gì đâu.”

Nhận định về khả năng có quyết định tích nước trong tình hình và những diễn biến hiện nay ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2, huyện Bắc Trà My tỉnh Quảng Nam, Tiến sĩ Lê Huy Minh phát biểu với tư cách cá nhân:

“Theo tôi nghĩ nếu có tích nước thì phải theo một trình tự dần dần chứ không thể nào lập tức tích nước đưa lên mức cao nhất. Hội đồng đánh giá an toàn về đập người ta xem xét… tôi nghĩ rằng phải lường trước tất cả mọi chuyện chứ không thể làm một điều gì mạo hiểm. Cá nhân tôi nghĩ như vậy.”

Đập thủy điện Sông Tranh 2. File photo.
Đập thủy điện Sông Tranh 2. File photo.

Tiến sĩ Lê Huy Minh cảnh báo rằng động đất ở vùng thủy điện Sông Tranh 2 sẽ còn tiếp diễn chưa ngừng và có thể sẽ có cường độ mạnh hơn.

Ông nhắc lại rằng, thời gian chưa có thủy điện Sông Tranh 2, Bắc Trà My không xảy ra động đất nhưng nay động đất xảy ra nhiều làm người dân hoang mang và đã đến lúc phải tiên liệu nhiều vấn đề khác như thiết lập kịch bản giả thiết bị vỡ đập để đối phó. Ông nói:

“Tôi nghĩ rằng bây giờ chúng ta phải xem xét đến cả những kịch bản ấy, chứ không thể bỏ qua, bây giờ là lúc phải xem xét tất cả mọi thứ.

Bắt đầu thì có hai trận động đất 3,4 độ richter, tháng ba vừa rồi có trận động đất 3,1 độ và từ đầu tháng 9 này có hai trận có cường độ lớn hơn 4 và tần suất cũng lớn hơn.

Nếu cho rằng nguyên nhân là động đất kích thích thì biên độ nó phải giảm dần, thế nhưng bây giờ chúng ta chưa quan sát thấy như vậy và dự đoán trong tương lai động đất lớn hơn có thể xảy ra.”

Người dân hoảng loạn

Người dân Quảng Nam ở vùng hạ lưu đập thủy điện Sông Tranh 2 đặc biệt là huyện Bắc Trà My đã trải qua những thời gian hoảng loạn khi đất rung chuyển ầm ầm sau những tiếng nổ lớn như bom.

Ngay khi trận động đất xảy ra vào 9g30 sáng ngày 7/9 một trong những trận động đất điển hình suốt tuần lễ từ Thứ hai đến Chủ nhật, Ông Đặng Phong, chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My nói rằng, ngồi ở trụ sở làm việc, ông nghe rõ tiếng la hét thất thanh của hàng nghìn học sinh trung tiểu học ở thị trấn Bắc Trà My. Nỗi sợ hãi của người dân trên địa bàn huyện giờ đây đã lên tới đỉnh điểm.

Một số Nhà cửa, trường học ở Bắc Trà My đã bị nứt tường sụt đất theo hình ảnh được công bố trên mạng. Tình hình có thể tồi tệ hơn, nhưng cho đến nay Tập đoàn điện lực Việt Nam các bộ ngành hữu quan chưa bao giờ đề cập tới khả năng đối phó trong trường hợp vỡ đập, dù là trong tình huống gỉa định.

Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng trưởng Bộ môn Kỹ thuật Thủy lợi khoa xây dựng thủy lợi - thủy điện Đại học Bách khoa Đà Nẵng phát biểu:

TS Lê Huy Minh

“Trước đây trong cuộc họp đoàn đại biểu Quốc hội họ có mời tôi và GS Vũ Trọng Hồng, chúng tôi đã đề nghị phải có kịch bản đánh giá, phải có bình đồ vùng hạ lưu đập Sông Tranh cũng như mực nước trong hồ và xây dựng những kịch bản vỡ đập theo các kiểu khác nhau, để biết được sóng lũ tràn xuống hạ lưu như thế nào, vùng nào ngập bao nhiêu thì mình sẽ biết được.

Nhưng rất tiếc đề nghị của chúng tôi người ta nghe và chẳng chú ý gì hết. Ở các nước tiên tiến với các công trình quan trọng người ta đều có những kịch bản như thế, còn ở Việt Nam thì chưa làm, tôi không biết mức độ họ quan tâm ra sao… chính quyền các cấp chưa thúc đẩy chủ đầu tư công trình thuê tính toán để khi xảy ra tình huống thì có các kịch bản ứng phó, như thế thiệt hại sẽ giảm nhiều.”

Công trình thủy điện Sông Tranh 2 ở Bắc Trà My đã hoạt động từ cuối năm 2010, tổng vốn đầu tư gần 5.200 tỷ đồng, công suất 190 MW, có hồ chứa nước dung tích 730 triệu mét khối và được thiết kết trên độ cao 100 mét so với hạ lưu.

Thân đập vừa qua bị rò rỉ nước khá nghiêm trọng và được báo cáo là đã sửa chữa xong vào cuối tháng 8.

Cùng với những trận động đất đang làm người dân Bắc Trà My hoảng sợ, các nhà khoa học trong nước liên tiếp trình bày ý kiến ngược lại với Bộ Công thương, Bộ Xây dựng và chủ đầu tư EVN.

Giờ đây các chuyên gia độc lập cho rằng, một công trình như thủy điện Sông Tranh 2 không thể được thiết lập trên một vùng địa chất có hoạt động kiến tạo mạnh lại tiếp giáp một họng núi lửa cổ, giao điểm của bốn đứt gãy sâu.

Các chuyên gia nêu lên ý kiến là cần nghiên cứu thêm về vấn đề động đất kiến tạo và động đất kích thích ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2, kiểm tra kết cấu của thân đập.

Việc tích nước vào lòng hồ trong bối cảnh hiện nay là hết sức nguy hiểm có thể gây ra thảm họa khôn lường.

Theo dòng thời sự: