Nút giao nối cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi tại khu vực đoạn đường xuống cảng Dung Quất bị lún quá thiết kế được duyệt và ban lãnh đạo nhà đầu tư dự án (VEC) khẳng định sự cố này không phải do chất lượng công trình.
Ban lãnh đạo VEC nhấn mạnh hiện tượng lún hơn 1m tại khu vực này là độ lún trong quá trình thi công nằm trong giải pháp kỹ thuật xử lý nền đất yếu và hiện nay đang trong quá trình đắp và gia cố nền đường.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường bác bỏ ngay giải thích đó vì theo ông là hoàn toàn không chính xác:
“Bởi vì muốn hay không muốn khi làm con đường người ta phải khảo sát địa chất rất kỹ lưỡng sau đó giải pháp gia cố nền đường như thế nào thì cũng phải có giải pháp cụ thể, từ đấy nó đảm bảo anh thi công như thế nào thì nó đảm bảo đường sẽ không bị sụt lún tiếp. Cho nên cách giải thích tình trạng như vậy là hoàn toàn không đúng.”
Đồng ý với ý kiến của giáo sư Đặng Hùng Võ, anh tài xế Huỳnh Long người từng lên tiếng mạnh mẻ về vấn đề Trạm thu phí BOT Cai Lậy có ý kiến:
<i>Bởi vì muốn hay không muốn khi làm con đường người ta phải khảo sát địa chất rất kỹ lưỡng sau đó giải pháp gia cố nền đường như thế nào thì cũng phải có giải pháp cụ thể.</i>
<i>-GS. Đặng Hùng Võ</i>
“Dự án trước khi thực hiện đều có khảo sát địa chất. Nên đổ cho nền đất yếu là vô lý. Bạn nhìn mặt nơi mặt đường bị bong tróc hoàn toàn không có dấu hiệu của sự sụt lún. Mặt đường vẫn phẳng”
Vụ hư hỏng trên cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi chưa kịp lắng xuống, thì tin tức lại cho biết khu bờ kè Cầu Rạch Miễu, Tiền Giang được đầu tư hơn 400 tỷ đồng nhưng khi vừa đưa vào sử dụng thì xảy ra tình trạng sụt lún nền đất nghiêm trọng.
Sau khi có phản ánh của người dân, ban lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh đến kiểm tra và ra kết luận rằng, nguyên nhân là do một doanh nghiệp trong quá trình đào hố móng không có biện pháp che chắn cát, nên khi mưa lớn cát lấp nền tại vị trí này bị chảy xuống hố tạo hàm ếch gây lún nền bê tông, chứ không phải do chất lượng công trình thi công.
"Ngụy biện...Nguyên tắc làm nền phải được lèn chặt, tạo độ nén cao. Khi độ nén đạt chuẩn thì làm sao mà lún được. Hơn nữa, nơi bờ kè là đất liền thì cát chảy vào hố nào???"Anh tài xế Huỳnh Long người trực tiếp tới nơi xảy ra sụt lún tại khu vực này khẳng định lời giải thích này chỉ là ngụy biện.
Anh Huỳnh Long cho biết thêm, sau khi kiểm tra phát hiện dấu hiệu rút ruột công trình diễn ra thật sự nghiêm trọng, khi dùng cây bạch đàn có đường kính chỉ khoảng 30-40cm làm trụ chống đà cả bờ kè.
Giáo sư Đặng Hùng Võ cũng cho rằng điều đó không thể chấp nhận được: "Đối với những nơi có thể gây ra tình trạng sụt lún dưới chân thì chắc chắn anh phải có giải pháp. Cột phải làm bằng betong thì chắn chắn nó mới lâu dài được, còn cọc gỗ không thể nào đảm bảo được điều đó."
Tại thành phố Cần Thơ, kè Khai Luông với tổng mức chi phí hơn 32 tỷ đồng nhưng sau hai năm đưa vào sử dụng cũng bị sụt lún, hư hỏng.
Nhiều người dân sống quanh khu vực cho báo chí biết, sau khi hoạt động được vài tháng là đã có sụt lún nghiêm trọng rồi và người dân cũng đã báo cáo phản ánh với chính quyền nhưng từ đó đến nay vẫn không có gì khả quan hơn.
Mới đây, công trình cầu dây văng Bạch Đằng tại Quảng Ninh với tổng mức vốn đầu tư lên tới 7.300 tỷ, sau hai tháng thông xe đã xảy ra hiện tượng lún võng, dập dềnh khiến các xe qua lại không được thuận tiện.

Nhiều tài xế qua lại cầu phản ứng cho rằng, biển báo tốc độ cho phép 100 km/h nhưng chỉ dám chạy với tốc độ 50-60km/h vì mặt cầu lượn sóng.
Ông Nguyễn Tiến Oánh, phó giám đốc chủ đầu tư cầu Bạch Đằng giải thích rằng hiện tượng lún võng này đã được phát hiện từ trước khi công trình hợp long nhưng cần thời gian theo dõi khi khai thác rồi mới tiến hành sửa chữa. Ông khẳng định các tài xế có thể chạy qua cầu với tốc độ 120km/h vẫn an toàn.
Tài xế Huỳnh Long lấy kinh nghiệm cầm lái nhiều năm cho biết: "Mặt cầu không bằng phẳng, lượn sóng do bị vênh giữa các khớp nối(chưa biết được do chất lượng công trình hay trình độ kỹ thuật thấp gây nên) làm cho bề mặt cầu bị mặt uốn lượn, nếu phương tiện di chuyển tốc độ cao từ 80km trở lên rất dễ bị lệch tay lái."
Còn theo giáo sư Đặng Hùng Võ khẳng định rằng đây là một vấn đề thiếu trách nhiệm: "Bởi vì tất cả những chuyện đó nó rất quan trọng đối với hệ thống giao thông và nhất là đối với cầu thì nó lại càng rất quan trọng. Đối với tình trạng này là do người ta không tính toán hết, nguyên nhân chính là do khảo sát không tốt vì vậy giải pháp kỹ thuật đưa ra không đủ. Không thể giải thích giải pháp kỹ thuật là do các này cái kia đưa ra chúng ta phải chịu như thế là không đúng."
Ngoài ra, vị giáo sư còn chia sẻ thêm tất cả mọi quy trình để thực hiện một công trình dự án lớn đều có đầy đủ để đảm bảo tất cả mọi việc phải quy về chất lượng. Theo ông đối với các trường hợp như vừa nêu đã hoàn toàn sai về quy trình thực hiện.
" Tất cả những điều đó thứ nhất là khi phê duyệt thiết kế kỹ thuật là không đủ trình độ để phê duyệt nên nó tạo ra tình trạng như hiện nay. Thứ hai là kiểm tra chất lượng cũng không đạt yêu cầu bởi vì khi đó đơn vị kiểm tra chất lượng phải phát hiện ra được vấn đề này, thì đây là một điểm rất yếu của Việt Nam."
Còn anh Long thì cho rằng tất cả nằm ở sự minh bạch:
“Trong khi hầu hết các công trình này không qua đấu thầu công khai để chọn nhà thầu có năng lực mà toàn là chỉ định thầu. Nên chất lượng công trình thấp là điều đương nhiên.”
Anh còn chia sẻ thêm đây không phải là những công trình mới bị phát hiện mà rất nhiều công trình trước đây cũng có tình cảnh tương tự nhưng tất cả đều được khẳng định không phải do chất lượng công trình.
Trong khi đó một điển hình công trình có chất lượng bảo đảm dù sau 16 năm được đưa vào sử dụng là Cầu Mỹ Thuận nối tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long. Cầu này do nhà thầu Australia làm chủ đầu tư kiêm giám sát.