Những thuận lợi trước mắt
Đà Nẵng, một địa danh với diện tích xấp xỉ 1300 km2 bao gồm đất liền và vùng quần đảo ở Biển Đông được Chính phủ Hà Nội vào năm 2011 đề ra quy hoạch phát triển trở thành thành phố đáng sống nhất Việt Nam tính từ mốc thời gian sau năm 2030 trở đi.
Đài RFA ghi nhận không ít ý kiến cho rằng Chính phủ chọn Đà Nẵng là thành phố đáng sống nhất của đất nước hình chữ “S” cũng phải lẽ, bởi vì đó là một thành phố gắn liền với lịch sử Việt Nam và có nhiều lợi thế về du lịch, kinh tế, kể cả lãnh vực bang giao quốc tế trong thương mại, chính trị và quốc phòng…
Đà Nẵng có dân số khoảng một triệu người hồi năm 2011 và đa số cư dân ở thành phố này tự hào chia sẻ rằng thành phố của họ rất đẹp với nhiều phong cảnh hữu tình, núi non hùng vĩ, biển cả mênh mông và thiên nhiên còn ưu đãi cho người dân Đà Nẵng hiền hòa được hưởng cuộc sống với nhiều ngành nghề nông, lâm, ngư nghiệp…
Đà Nẵng còn là thành phố “đất lành chim đậu” của đông đảo người dân nhập cư ở khu vực miền Trung, khi thành phố này là điểm đến thu hút khách du lịch hàng đầu tại Việt Nam, tạo ra nhiều công ăn việc làm trong lãnh vực dịch vụ.
Theo thống kế của Sở Du lịch thành phố, trong năm 2018, Đà Nẵng đón hơn 7,66 triệu du khách, đạt 102,5% kế hoạch và thu về hơn 24 ngàn tỷ đồng, tăng 23,3% so với năm 2017.
Phát triển không kiểm soát
Thế nhưng, song song với sự phát triển để trở thành thành phố đáng sống nhất Việt Nam, cư dân Đà Nẵng đang đối mặt với những vấn đề dường như là nan giải của quá trình đô thị hóa lẫn sự tấp nập, ồn ào của du khách đến từ mọi nơi.
<i>Nước thì nước mặn mà trời nắng quá đi. Hễ trồng cây gì thì chết hết trơn. Chừng nửa năm nay, từ tháng 2 đến giờ là cứ bị chết hết vậy đó. Còn sắp tới thì không biết sao. Năm nay trồng thì trồng nhưng không có gì để bán<br/>-Nông dân Đà Nẵng</i>
“Khi họ tới bất kỳ chỗ đâu thì họ luôn xưng hùng là ‘Tôi là người Trung Quốc’. Họ ăn to nói lớn và xúc phạm những người xung quanh và những người địa phương với những lời lẽ rất bất lịch sự. Đó là hiện tượng đang rất phổ biến ở Đà Nẵng hiện nay.”
Những hình ảnh như Đà Nẵng ngập chìm trong biển nước sau mưa, tình trạng ô nhiễm môi trường biển ngày càng bị báo động do nước thải của các nhà máy hay do dầu của các tàu thuyền đánh bắt, thậm chí do chính rác thải của du khách. Hay gần đây nhất là chuyện bãi rác Khánh Sơn quá tải hàng thập niên nhưng Chính quyền Đà Nẵng không thể giải quyết được. Và, tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong thành phố vừa diễn ra đầu tháng 8/2019 khiến nhiều người suy nghĩ: thành phố Đà Nẵng đang phát triển đúng theo mục đích ban đầu mà Chính phủ mong muốn là thành phố đáng sống nhất Việt Nam hay không?
“Nước thì nước mặn mà trời nắng quá đi. Hễ trồng cây gì thì chết hết trơn. Chừng nửa năm nay, từ tháng 2 đến giờ là cứ bị chết hết vậy đó. Còn sắp tới thì không biết sao. Năm nay trồng thì trồng nhưng không có gì để bán.”
Truyền thông quốc nội trong những ngày tháng 8 loan tin cuộc sống của người dân Đà Nẵng bị đảo lộn vì thiếu nước sạch. Tình trạng kéo dài 10 ngày thiếu nước sinh hoạt ở Đà Nẵng, trong đó có 3 ngày bị cúp nước liên tục là do công ty cấp nước giảm công suất vì nguồn nước thô bị nhiễm mặn.
Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, cựu Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế-Xã hội thành phố Đà Nẵng, cho Đài RFA biết ông là người được giao trách nhiệm soạn thảo Bộ tiêu chí của thành phố Đà Nẵng ngay sau khi Chính phủ ra quyết định sẽ phát triển Đà Nẵng thành thành phố đáng sống nhất sau năm 2030 và trình lên cho lãnh đạo Đà Nẵng hồi năm 2012. Tuy nhiên, Bộ Tiêu chí đầu tiên này đã không được Chính quyền thành phố Đà Nẵng triển khai hay thực hiện.
Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn cho biết thêm đến năm 2018, Chính quyền Đà Nẵng giao Sở Văn hóa-Thể thao Đà Nẵng phối hợp với Viện Nghiên cứu Kinh tế-Xã hội soạn thảo một Bộ Tiêu chí cho thành phố Đà Nẵng và mặc dù Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn đã thôi việc ở cơ quan nhưng ông vẫn được mời tham gia vào dự án soạn thảo mới này.
Tham dự một hội thảo về quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 được tổ chức trong tháng 8, Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn ghi nhận ý kiến của giới chuyên gia:
“Trong cuộc hội thảo cách đây 3 tuần thì chúng tôi có nói rằng một số tiêu chí ‘cứng’ như ô nhiễm không khí, mật độ giao thông, mật độ cây xanh thì Đà Nẵng có thể đạt được các tiêu chuẩn đó. Nhưng có những vấn đề mà càng ngày càng trở xấu đi, đó là tình hình an ninh-chính trị như tỉ lệ các vụ phạm tội trên địa bàn Đà Nẵng gia tăng hay một số vụ án liên quan ma túy và đánh bạc bị phát hiện nhiều hơn và những vụ ăn cắp vặt trên đường phố…Những vụ việc như thế này thì 10 năm trước đây chưa có xuất hiện cho nên vấn đề trị an trở nên không tốt. Thứ hai nữa là thành phố Đà Nẵng bây giờ bắt đầu bị tình trạng kẹt xe do người dân nhập cư đến ở đông. Và mục tiêu đặt ra sau năm 2030 thì Đà Nẵng có từ 2,2 triệu đến 2,5 triệu dân mà trong khi bây giờ mới khoảng độ từ 1 triệu cho đến hơn 1 triệu dân thôi, do đó bài toán hạ tầng sẽ giải quyết không được cho nên tôi cho rằng tình hình sẽ xấu đi. Thứ ba là tình trạng biến đổi khí hậu nước biển dâng làm cho nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền trong khi Đà Nẵng không có chính sách lâu dài để đảm bảo về nước sinh hoạt cho người dân.”
Theo hai nghị quyết 43 và 147 về tầm nhìn năm 2045, Đà Nẵng sẽ trở thành thành phố toàn cầu có bản sắc riêng “đáng sống-đáng nhớ”. Thế nhưng, cựu Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế-Xã hội thành phố Đà Nẵng, Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn còn nhấn mạnh rằng:
<i>Trong hội thảo vừa qua có một số nhà nghiên cứu, thậm chí có các cựu quan chức của thành phố Đà Nẵng đã cho rằng Đà Nẵng phát triển chỉ chú trọng bề nổi, mà không chú trọng cái bề sâu cho nên không giải quyết được các vấn đề căn bản đó, khiến cho các tiêu chí của một thành phố đáng sống không còn được lạc quan như ban đầu và bản thân tôi, một người làm công việc này nhận thấy đây là công việc rất là khó<br/>-TS. Trần Đức Anh Sơn</i>
“Trong hội thảo vừa qua có một số nhà nghiên cứu, thậm chí có các cựu quan chức của thành phố Đà Nẵng đã cho rằng Đà Nẵng phát triển chỉ chú trọng bề nổi, mà không chú trọng cái bề sâu cho nên không giải quyết được các vấn đề căn bản đó, khiến cho các tiêu chí của một thành phố đáng sống không còn được lạc quan như ban đầu và bản thân tôi, một người làm công việc này nhận thấy đây là công việc rất là khó.”
Phát triển theo “bề nổi” ở Đà Nẵng mà Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn vừa nhắc đến được một số cư dân ở Đà Nẵng cho rằng đó là trào lưu của nhóm lợi ích, tham nhũng quyền lực và đất đai trong quá trình quy hoạch và phát triển thành phố Đà Nẵng, khiến cho không ít người dân bỗng chốc trở thành nạn nhân không nhà cửa ngay trên thành phố “đáng sống” quê hương mình như ông Lý Việt Trung.
“Nếu nói là thành phố đáng sống thì tôi nghĩ rằng thì đó là theo quan điểm của một số người, họ có ăn chia, họ có quyền lợi về đất đai, thậm chí cuộc sống của họ đầy đủ...thì họ cho là tốt đẹp hơn những thành phố khác. Nhưng thực chất mà nói thành phố phát triển là nhờ vào lấy quỹ đất để làm hạ tầng, tuy nhiên phía sau đó là nhóm quyền lực-lợi ích thâu tóm và người dân thì càng khổ vì họ bị thu hồi đất.”
Trong những năm gần đây, với chiến dịch chống tham nhũng do Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát động, giới chức lãnh đạo thành phố Đà Nẵng ngay cả chủ tịch và bí thư cũng bị kỷ luật, tuy nhiên vẫn chưa có một thống kê chính thức nào ghi nhận có bao nhiêu hoàn cảnh người dân Đà Nẵng bị liên lụy do quy hoạch của Chính phủ. Cụ thể như trong trường hợp cả một xóm đạo Giáo xứ Cồn Dầu bị xóa sổ vài năm về trước do chủ trương phát triển đô thị để đưa Đà Nẵng trở thành thành phố đáng sống nhất Việt Nam.