Chết bất minh trong đồn công an xảy ra ngay sau khi Việt Nam chối bỏ vấn nạn này trước LHQ

0:00 / 0:00

Truyền thông trong nước vào ngày 14 tháng 3 loan tin có thêm 1 trường hợp người dân bị chết bất thường trong đồn công an. Tuy nhiên chỉ hai hôm trước đó trong phúc trình tại khóa họp lần thứ 125 của Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc về Công ước Quốc tế Các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) lần thứ ba, phái đoàn Việt Nam phủ nhận hoàn toàn vấn nạn đó.

Thêm một trường hợp ở Nghệ An

Trường hợp mới nhất là ông Nguyễn Văn Tuấn, sinh năm 1977, sau 5 ngày bị bắt giữ ở đồn Công an huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An từ ngày 8 tháng 3, đã được đưa đến bệnh viện huyện, sau đó chuyển sang bệnh viện tỉnh và Bệnh viện Việt Đức, ở Hà Nội. Đến ngày 14 tháng 3, ông Tuấn tử vong.

Truyền thông quốc nội cho biết ông Nguyễn Văn Tuấn bị công an bắt giữ cùng với một nhóm người do liên đến hành vi đánh bạc. Vào sáng ngày 13 tháng 3, công an huyện Nam Đàn gọi điện thoại cho gia đình của ông Tuấn, yêu cầu đến trụ sở công an chở ông Tuấn đi khám bệnh vì có dấu hiệu ngủ nhiều, đánh thức không dậy. Tuy nhiên, khi gia đình đến nơi thì được thông báo rằng ông Tuấn đã được đưa đi bệnh viện. Bác sĩ cho gia đình biết trường hợp của ông Tuấn có thể không qua khỏi, do bị tụ máu dưới màng cứng não. Đến 5 giờ 35 sáng ngày 14 tháng 3, ông Tuấn mất tại nhà sau khi được đưa về từ bệnh viện. Thi thể ông Nguyễn Văn Tuấn trong cùng ngày được đưa vào nhà xác Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An để cơ quan chức năng tiến hành xét nghiệm tử thi.

Bà Nguyễn Thi Ái, một người dân địa phương kể lại với RFA những gì bà nghe thấy được:

“Hôm qua tôi nghe tin và đã đi đến nhà xác, nhưng không được cho vào. Tôi thấy có nhiều người nhà (của nạn nhân), họ khóc lóc, bảo là trên người (nạn nhân) có vết bầm, trên mặt bị tụ máu…và bệnh viện nói là bị tụ máu đông. Họ khóc và họ có xô xát với công an. Dân ở ngoài cũng ức chế, họ lấy gạch đá ném vào công an. Công an điều cơ động đến dẹp loạn. Tôi đứng nhìn, thấy tủi thân và khóc rồi tôi đi về.”

Truyền thông trong nước cũng loan tin lực lượng công an, Cảnh sát 113 đã có mặt tại hiện trường để ổn định tình hình an ninh trật tự. Công an tỉnh Nghệ An nói với báo giới rằng cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ về nguyên nhân gây ra cái chết đối với nạn nhân Nguyễn Văn Tuấn, nên không thể cung cấp thông tin chi tiết.

<i>Tôi thấy có nhiều người nhà (của nạn nhân), họ khóc lóc, bảo là trên người (nạn nhân) có vết bầm, trên mặt bị tụ máu…và bệnh viện nói là bị tụ máu đông. Họ khóc và họ có xô xát với công an. Dân ở ngoài cũng ức chế, họ lấy gạch đá ném vào công an. Công an điều cơ động đến dẹp loạn<br/>-Bà Nguyễn Thị Ái</i>

Thông tin mới nhất được Báo mạng Lao Động loan đi vào ngày 15 tháng 3, dẫn lời của thân nhân nạn nhân Nguyễn Văn Tuấn cho biết trích từ phần tóm tắt trong bệnh án tại thời điểm chuyển viện mà họ được bệnh viện cung cấp; chúng tôi xin được trích nguyên văn:

“Theo lời cán bộ Công an, bệnh nhân đang ở phòng tạm giam, cả tối qua tự đập đầu, người vào tường, đến khoảng 11h30 được phát hiện trong tình trạng hôn mê, sau đó được đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Nam Đàn cấp cứu.”

Trong cùng ngày 13 tháng 3, thời điểm công dân Việt Nam là ông Nguyễn Văn Tuấn, ở Nam Đàn, Nghệ An được chuyển từ đồn công an địa phương đến bệnh viện cấp cứu thì tại Hoa Kỳ, Bộ Ngoại Mỹ công bố Phúc trình Thực thi Nhân quyền Thế giới năm 2018. Trong đó, phần báo cáo về tình hình nhân quyền Việt Nam, Bộ Ngoại Giao Mỹ ghi nhận tính đến cuối tháng 11 năm 2018, có ít nhất 11 nạn nhân bị chết trong đồn công an, mà phía chính quyền chỉ cung cấp rất ít thông tin về việc điều tra liên quan những cái chết đầy khuất tất đó; thậm chí gia đình các nạn nhân còn bị sách nhiễu và hăm dọa khi yêu cầu chính quyền trả lời cho những thắc mắc của họ về cái chết của người thân.

Chính phủ Việt Nam phản đối

Ông Nguyễn Khánh Ngọc (bên trái), trưởng đoàn Việt Nam tại phiên điều trần trước UN hôm 11/3/2019
Ông Nguyễn Khánh Ngọc (bên trái), trưởng đoàn Việt Nam tại phiên điều trần trước UN hôm 11/3/2019 (Courtesy of UN)

Bà Nguyễn Thị Ái, vào ngày 14 tháng 3 đi đến nhà xác Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh Nghệ An để tận mắt theo dõi vụ việc nạn nhân Nguyễn Văn Tuấn bị chết khuất tất trong thời gian bị tạm giữ ở đồn công an, không phải vì tò mò hay hiếu kỳ mà bà Ái là mẹ của anh Phạm Ngọc Nhung, cũng là một nạn nhân bị chết trong đồn công an hồi tháng 1 năm 2017.

Anh Phạm Ngọc Nhung bị bắt giữ tại đồn Công an phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh vào sáng ngày 15/01/17, do bị tình nghi về tội đánh nhau với người khác. Đến sáng hôm sau, anh Nhung bị nôn mửa, tiểu ra quần và ngất xỉu. Người bị bắt giữ cùng vụ việc, tên Lâm, đập cửa phòng giam kêu cứu và anh Nhung được đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Sài Gòn. Sau đó, anh Nhung được chuyển qua Bệnh viện 115 và tử vong lúc 22 giờ 50 phút, tối 16/01/17.

Vào khi anh Nhung bị công an bắt giữ, anh Nhung là nhân viên kỹ thuật của trường Cao đẳng Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Sau 3 ngày mất liên lạc với anh Nhung, bạn bè và đồng nghiệp đến trình công an và được thông báo rằng anh Nhung đã chết do té ngã và bị chấn thương sọ não.

Mẹ của anh Nhung thắc mắc về nguyên nhân cái chết của con trai sau khi được nghe công an đọc kết quả xét nghiệm tử thi.

Một tháng sau biến cố đứa con duy nhất bị chết oan khuất, bà Nguyễn Thị Ái nói RFA rằng bà mang đơn từ đến rất nhiều cơ quan chức năng có thẩm quyền, cầu cứu xem xét trường hợp tử vong của nạn nhân Phạm Ngọc Nhung; thế nhưng không một cơ quan nào thụ lý đơn giải quyết. Bà Ái chỉ nhận được một thông tin vỏn vẹn là Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh (PC 44) điều tra vụ việc liên quan cái chết của con trai bà.

Vào tối ngày 15 tháng 3, bà Nguyễn Thị Ái cho Đài Á Châu Tự Do biết bà đã làm thủ tục nhận xác con trai vào hạ tuần tháng 2 năm 2018, trước sự cam kết của các nhân viên điều tra PC 44:

“Ông Phiệt cam kết với tôi rằng vụ án này là vụ án hình sự giết người, sẽ điều tra, sẽ xét xử. Họ cam kết với tôi như vậy mà bây giờ họ lại lật lọng.”

Bà Ái trần tình rằng bà nói công an “lật lọng” là vì suốt thời gian qua bà thỉnh thoảng liên lạc với ông Phiệt, nhân viên của PC 44 để cập nhật diễn tiến vụ việc điều tra và được ông lập đi lập lại rằng “khi nào có kết quả sẽ thông báo” và sau khi ông Phiệt ký giấy cam kết thì ông đã không bắt máy điện thoại khi bà gọi đến.

Trường hợp anh Phạm Ngọc Nhung chỉ là một trong hơn cả chục nạn nhân khác bị chết khuất tất trong đồn công an.

<i>Sau khi Việt Nam phủ nhận hết, nói rằng những người chết (trong đồn công an) là do họ trầm cảm, họ ăn năn hối hận về những lỗi lầm của họ, chết vì bệnh hoạn…Bên Ủy ban Kiểm điểm, có một số thành viên đã nêu ra đích xác những trường hợp cụ thể như trường hợp tín đồ Phật giáo Hòa Hảo là Nguyễn Hữu Tấn và họ hỏi những câu hỏi bao gồm đã điều tra như thế nào, ai là bộ phận điều tra, kết quả ra làm sao, có giảo nghiệm tử thi độc lập hay không và thân nhân phản đối lại bị đàn áp hăm dọa…Họ nêu ra rất rõ. Thế nhưng, phía Việt Nam hoàn toàn không trả lời gì hết, im luôn<br/>-TS. Nguyễn Đình Thắng</i>

Ủy ban Cứu người Vượt biển BPSOS là tổ chức vận động cho dân chủ nhân quyền ở Việt Nam, đã đệ trình các trường hợp công dân bị chết khuất tuất trong đồn công an ở Việt Nam lên Quốc Hội Hoa Kỳ và những cơ quan chịu trách nhiệm về chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc. Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch của BPSOS thuật lại với RFA rằng phái đoàn Việt Nam không thể trả lời những câu hỏi ở phiên phúc trình tại khóa họp lần thứ 125 của Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc về Công ước Quốc tế Các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) lần thứ ba, diễn ra trong hai ngày ngày 11 và 12 tháng 3, ở Geneve, Thụy Sĩ.

“Sau khi Việt Nam phủ nhận hết, nói rằng những người chết (trong đồn công an) là do họ trầm cảm, họ ăn năn hối hận về những lỗi lầm của họ, chết vì bệnh hoạn…Bên Ủy ban Kiểm điểm, có một số thành viên đã nêu ra đích xác những trường hợp cụ thể như trường hợp tín đồ Phật giáo Hòa Hảo là Nguyễn Hữu Tấn và họ hỏi những câu hỏi bao gồm đã điều tra như thế nào, ai là bộ phận điều tra, kết quả ra làm sao, có giảo nghiệm tử thi độc lập hay không và thân nhân phản đối lại bị đàn áp hăm dọa…Họ nêu ra rất rõ. Thế nhưng, phía Việt Nam hoàn toàn không trả lời gì hết, im luôn.”

Trong Bản Phúc trình Thực thi Nhân quyền Thế giới năm 2018 của Hoa Kỳ vừa công bố hôm 13 tháng 3, Bộ Ngoại Giao Mỹ cáo buộc Việt Nam duy trì chế độ “công an trị” để điều hành quốc gia. Vào ngày 15 tháng 3, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng lên tiếng cho rằng Bản phúc trình của phía Mỹ liên quan tình hình nhân quyền Việt Nam "vẫn chứa đựng một số nhận định thiếu khách quan".

Trong khi đó, một số thân nhân của các nạn nhân bị chết bất minh trong đồn công an, như bà Nguyễn Thị Ái thì kêu gọi cộng đồng trong và ngoài nước, các chính phủ nước ngoài và các tổ chức nhân quyền thế giới giúp đỡ vì lời kêu oan của họ được chính quyền các cấp tại Việt Nam đáp lại chỉ bằng sự im lặng.