Nên hay không nên bỏ trường chuyên là nội dung bài viết của tiến sĩ Lê Hồng Sơn, nguyên cục trưởng Cục Kiểm Tra Văn Bản, Bộ Tư Pháp, sau khi tham khảo ý kiến trước đó của chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành đề nghị đóng của trường chuyên Amsterdam ở Hà Nội.
Đây là trường chuyên nổi tiếng mà nhiều người quen gọi cho gọn là AM, nằm trong số 19 trường tăng học phí/năm cao hơn 400.000 Đồng so với niên học 2019-2020.
Trao đổi với RFA hôm 29/6, tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, nguyên viện trưởng Viện Nghiên Cứu Kinh Tế và Chính Sách Đại Học Quốc Gia Hà Nội, giải thích:
"Quả là tôi có nói đóng cửa, tôi viết trên facebook của tôi là nên dừng lại mô hình hiện nay để có thể chuyển sang hình thức hoạt động khác. Căn bản đấy là chuyển sang trường tư, tên vẫn như cũ, tất nhiên nằm trong khuôn khổ luật pháp Việt Nam. Hiện nay thì trường Hà Nội Amsterdam, cũng như nhiều trường chuyên khác, vẫn là trường công do Nhà Nước tài trợ về ngân sách, chi phí, cơ sở vật chất…. tức là mức ngân sách qui định".
"Vấn đề tôi muốn trao đổi ở đây là trường chuyên, đại diện như trường Amsterdam này, được cấp ngân sách nhiều hơn với kỳ vọng một nền giáo dục tốt đẹp hơn cho những học sinh giỏi. Xem xét lại thì tôi thấy nó không đạt được kỳ vọng đó trong khi ngân sách vẫn trội hơn so với những trường công khác. Việc trường AM có chất lượng tốt vì được đầu tư nhiều cho nên mọi người phải cạnh tranh rất khốc liệt để được vào. Vào đó là những người ở những gia đình khá giả, có điều kiện và đơn giản phải có tài năng, có năng lực đặc biệt. Tất cả những điều đó khiến tôi thấy việc sử dụng ngân sách của những người không được hưởng những cái lợi của Amsterdam thì vô hình chung là chúng ta sử dụng ngân sách hay tiền thuế từ những người khó khăn hơn để chỉ phục vụ cho một nhóm ưu việt hơn"
Điều quan trọng cần nhìn ra, tiến sĩ Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh, là chưa có bằng chứng cho thấy nhóm ưu việt này có thể phục vụ lại hoặc là mang lại lợi ích nào lớn hơn cho những người đã tài trợ cho hoạt động của trường chuyên như trường Amsterdam này:
"Quan điểm của tôi là nếu trường AM này, là trường có giáo dục tốt mà ngân sách cũng như các trường bình thường khác, thì không có gì để bàn cãi. Có một phương án tốt nhất là tư nhân hóa, tôi gọi là chuyển đổi sở hữu, tức là bán trường AM cho một cá nhân hay một tập thể đa dạng hơn, miễn sao tăng được tính quản trị tốt hơn thôi. Ý kiến của tôi có thể tóm gọn như vậy".
Việt Nam, cũng như các nước trên thế giới, có những trường chuyên ngữ, chuyên sư phạm, chuyên toán, chuyên hóa, chuyên văn. Ngoài Hà Nội, các tỉnh phụ cận đều có một hai trường như trường chuyên Vĩnh Phúc, trường chuyên Lam Sơn Thanh Hóa, trường chuyên Huế. Trong Nam thì có trường chuyên Lê Hồng Phong, trường Phổ Thông Năng Khiếu ở thành phố Hồ Chí Minh vân vân… Đây là những trường chuyên được ngân sách chính phủ tài trợ.
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, giám đốc công ty sách Thái Hà, bày tỏ niềm tự hào của người từ Thái Bình lên trường chuyên ở Hà Nội:
"Tôi vô cùng biết ơn giáo sư Tạ Quang Bửu, người đã lập ra trường chuyên. Không có trường chuyên thì không có Nguyễn Mạnh Hùng ngày hôm nay, bởi vì nếu tôi học Cấp 3 ở Thái Bình mà không lên trường chuyên ở Hà Nội thì khả năng hết 99% là tôi không đủ điểm để có học bổng đi du học mà cùng lắm là đỗ đại học thôi. Trường chuyên nói thật là rất bài bản. Tôi học chuyên ngữ, tức là chuyên Ngoại Ngữ thuộc Đại Học Sư Phạm Hà Nội, được cái chế độ rất tốt, thầy cô giáo rất là giỏi, rất yêu học trò. Hết Cấp 3 thì lớp tôi hình như không có ai trượt đại học, 30 người thì 10 người được học bổng đi nước ngoài, nhiều người cũng rất là thành đạt. Bây giờ trường chuyên ấy vẫn còn".
Tuy nhiên dưới mắt tiến sĩ Lê Hồng Sơn, một cựu học sinh trường chuyên, biến tướng là hiện tượng đang xảy ra tại các trường chuyên ngày nay. Mô hình trường chuyên hiện giờ, ông nói, chỉ là một trong khá nhiều vấn đề cần phải xem xét lại trong ngành giáo dục - đào tạo của Việt Nam.
Ông cho rằng nhìn nhận một cách khách quan, toàn diện trong hệ thống giáo dục - đào tạo của Việt Nam hiện nay, thì dư luận đã đặt vấn đề, nêu lên khá nhiều những bất cập, thậm chí nhiều tiêu cực, hạn chế.
Ông Hoàng Dũng, nhà nghiên cứu Ngôn Ngữ Học, nhìn nhận trường chuyên là nơi thiết kế, tập hợp những con em có năng lực để mà đào tạo riêng, thế nhưng :
“Nhưng khó lòng mà chấp nhận cái đặc quyền đặc lợi của trường chuyên. Trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, trường chuyên bị biến tướng đi rất nhiều .Có một anh học trường chuyên nói với tôi rằng một tỷ lệ xuất sắc lọt được vào trường chuyên là có, nhưng bên cạnh đó cũng có một tỷ tỷ lệ đáng kể những người do quan hệ, do quyền thế, do tiền bạc vào những trường đấy”.
"Thành ra giống như mọi chuyện ở Việt Nam, trường chuyên cũng có những vấn đề về mặt nguyên tắc mà khi thực hiện thế nào cũng bị bóp méo đi. Những lời của những người từng học trường chuyên nói tôi tin là đúng chứ không phải không".
Một phụ huynh ở Hà Nội, có con theo trường chuyên Ngoại Ngữ, Đại Học Sư Phạm, cho biết tiêu cực rõ nhất ở trường chuyên là tính cách thi tuyển không sòng phẳng do việc mua điểm hay chạy điểm. Thứ hai là áp lực đối với cha mẹ và cả con cái về giờ giấc, học hành, thi đua rồi thì những khoản phụ phí trôi nổi cũng là điều đáng chú ý.
Cô Ngọc, xuất thân từ một trường chuyên khá nổi tiếng ở Sài Gòn, cũng đồng ý rằng mua điểm là vấn đề của trường chuyên ngày nay:
"Ngày trước tôi cứ nghĩ phải học thật giỏi mới vào được nhưng thật sự vẫn còn một cánh cửa khác là mua điểm để vào những trường chuyên đó chứ không nhất thiết phải giỏi".
Đây là trường hợp những trường chuyên của Nhà Nước, cô Ngọc cho biết tiếp, còn trường chuyên dân lập do tư nhân điều hành, thí dụ trường Nguyễn Khuyến, thì không phải vậy:
"Trường chuyên Nguyễn Khuyến theo tôi biết rất khó vào. Thứ nhất là phải có tiền vì học phí rất đắt, thứ hai là phải học giỏi. Học sinh ở Nguyễn Khuyến là hệ bán trú và nội trú luôn, nói chung lịch học rất căng. Đó là những điều mà tôi biết".
Ngay từ đầu nhiều người còn nghĩ trường chuyên các cấp chỉ là nơi làm đẹp học bạ, tập cho học sinh căn bệnh thành tích, tính khí kiêu ngạo, phách lối không nên có.
Đó là một trong những vấn đề được coi như những căn bệnh mãn tính, khó khắc phục, là nhận định của tiến sĩ Lê Hồng Sơn trong bài viết nên hay không nên bỏ trường chuyên của ông.
Dù có thế nào thì trường chuyên vẫn là môi trường giáo dục tốt, kỷ luật cao, còn hành vi tự mãn hay phách lối nơi học sinh là vấn đề mà nhà trường và cha mẹ phải khắc phục, là khẳng định của ông Hiếu, đang chuẩn bị cho con vào Cấp 1 trường chuyên ở Hà Nội:
"Trường chuyên đấy vẫn có những xuất học bổng dành cho các cháu gọi là nghèo mà học tốt và có năng khiếu, miễn là cháu có thi vào được hay không. Thế còn chuyện con cái học ở đấy kiêu căng kiêu ngạo thì một phần là do chính người bố người mẹ nghĩ sai lệnh rằng con mình đẻ ra là thiên tài khác người, hoặc là con ông cháu cha nữa, thì tôi thấy chuyện đó sai"
Cũng không thể vì tiêu cực, hạn chế mà bỏ đi những trường chuyên nói chung và trường Amsterdam nói riêng, là góp ý của tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng:
"Tôi cũng từng đến trường chuyên Amsterdam ở Hà Nội nhiều lần, các em ở đó học hành rất tốt . Trường Amsterdam có nhiều em nhận được học bổng từ các trường danh tiếng trên thế giới. Đối với tôi trường chuyên là môi trường sàng lọc những học sinh xuất sắc để đào tạo, cá nhân tôi luôn ủng hộ và muốn duy trì trường chuyên".
Đáng tiếc là hàng loạt vấn đề nêu trên dù được nói đến từ rất lâu rồi, nhưng biện pháp giải quyết chưa đạt kết quả mong muốn, tiến sĩ Lê Hồng Sơn trình bày tiếp trong bài viết.
Bộ mặt giáo dục của các trường chuyên tại các địa phương, ông nói, đang bị nhạt nhòa, mất giá trị thực tiễn ban đầu. Tiêu cực khiến học sinh có thực tài, có năng lực mà thiếu điều kiện thì không thể vào được, trong lúc học sinh bình thường, không có khả năng gì đặc biệt nhưng dư thừa điều kiện thì lọt vào trường chuyên là chuyện dễ dàng.
Chính vì thế, tiến sĩ Lê Hồng Son kết luận, hệ thống trường chuyên như vậy là một thực tế phù phiếm mà người quan tâm phải suy ngẫm để tìm cách giải quyết cho ổn thỏa.