Quốc hội Việt Nam thông báo rằng trong kỳ họp thứ 6 đang diễn ra ở Hà Nội các đại biểu sẽ phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương – CPTPP mà Việt Nam đã ký kết với 10 quốc gia khác.
Trong khi đó lại có tin Trung Quốc và Đài Loan ngỏ ý muốn tham gia CPTPP.
Điều này được các chuyên gia kinh tế nhìn nhận thế nào?
Ý muốn hay ý đồ của Trung Quốc?
Tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng vào ngày 11 tháng 10 có bài viết cho biết Bắc Kinh đang tìm kiếm cơ hội tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương – CPTPP.
Nếu như Trung Quốc tham gia vào đấy thì sẽ là một sức ép để Việt Nam phải cải cách mạnh mẽ hơn và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình để có thể cạnh tranh với những sản phẩm của Trung Quốc. - TS. Lê Đăng Doanh
Trước đây trong một chương trình Diễn Đàn Kinh tế của Đài Á Châu Tự Do, Chuyên gia Kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa nhận định rằng hiện nay nền kinh tế Trung Quốc vẫn lệ thuộc nhiều vào xuất khẩu, lên tới 20% của Tổng sản lượng nội địa - GDP, và dù có tìm ra thị trường khác thay cho thị trường Hoa Kỳ thì cũng bị thất thu trong nhiều năm tới.
Nhiều quan điểm cho rằng đó cũng chính là nguyên nhân thúc đẩy Trung Quốc tham gia CPTPP, như nhận định của Tiến Sĩ Lê Đăng Doanh:
"Việc Trung Quốc tham gia CPTPP là một biểu hiện mới sau khi Trung Quốc phải đối mặt với những biện pháp của Tổng thống Donald Trump trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Việc Trung Quốc tham gia CPTPP sẽ làm cho hiệp định thương mại này có quy mô lớn hơn. Đồng thời cũng tạo ra cả cơ hội lẫn thách thức với Việt Nam, bởi vì nền kinh tế Trung Quốc có những mặt hàng cạnh tranh với Việt Nam, ví dụ như là mặt hàng dệt may, da giày, hay đồ gỗ mỹ nghệ. Nếu như Trung Quốc tham gia vào đấy thì sẽ là một sức ép để Việt Nam phải cải cách mạnh mẽ hơn và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình để có thể cạnh tranh với những sản phẩm của Trung Quốc."
Vẫn theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, đây là một tác động tích cực đến Việt Nam.
Tuy nhiên, theo bài phân tích của ông Trần Đức Mậu, nguyên Vụ trưởng Vụ Chính Sách Đối Ngoại, Bộ Ngoại giao Việt Nam tại Đức trên báo điện tử Soha, thì việc Trung Quốc muốn tham gia CPTPP chỉ là “tung hỏa mù” để tập hợp lực lượng và phân rẽ các đối tác với Hoa Kỳ chứ Bắc Kinh không thật sự có ý định tham gia.
Đồng ý với quan điểm vừa nêu, Tiễn sĩ Nguyễn Quang A từ Hà Nội nhận định:
“Tôi nghĩ rằng CPTPP là mở. Nếu nó là mở thì việc Trung Quốc tham gia là có khả năng, thế nhưng có thực tiễn hay không lại là chuyện khác. Nếu Trung Quốc mà chấp nhận những điều kiện như thế để tham gia thì là điều tốt, nhưng tôi cũng đồng ý như vậy khả năng cao là đánh hỏa mù. Bởi vì nếu Trung Quốc chấp nhận và thực hiện đúng những điều kiện như thế thì có lẽ là một Trung Quốc khác chứ không phải Trung Quốc như bây giờ.”
Ở góc nhìn khác, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng:
“Việc Trung Quốc tham gia CPTPP cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để cho công cuộc cải cách của Trung Quốc có thể tuân thủ các quy tắc và những cam kết quốc tế minh bạch hơn, tránh các điều mà phía Mỹ đã nêu lên, tức là trợ cấp quá nhiều cho các doanh nghiệp và tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các sản phẩm Trung Quốc và sản phẩm các nước khác.”
Theo nội dung trong bản tin của báo mạng Asia Times, hiện tại Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã mở lời mời đến Vương quốc Anh tham gia CPTPP, trong khi Tổng thống Chile thì gợi ý Trung Quốc có thể gia nhập.
Hiện tại, vẫn chưa có tin tức chính thức gì từ phía quan chức Bắc Kinh xác nhận Trung Quốc có ý muốn tham gia vào CPTPP hay không.
Đài Loan cũng cho biết nước này đã sẵn sàng để tham gia CPTPP, với mục đích nhằm giảm thiểu ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, cũng như đối phó với nỗ lực thu hồi Đài Bắc của Bắc Kinh.
Vào tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Đài Loan Lại Thanh Đức trả lời với truyền thông nước này cho biết chính phủ đảo quốc này đã thành lập một nhóm đàm phán để có thể đàm phán gia nhập CPTPP khi Hiệp định thông qua việc mở rộng thành viên.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, việc Trung Quốc hay Đài Loan tham gia CPTPP đều mang lại lợi ích cho Việt Nam. Tuy nhiên, ông nghĩ rằng việc tham gia Hiệp định định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương của Bắc Kinh cũng chẳng dễ dàng:
Trung Quốc tham gia thì lúc đó 11 nước đã ký chắc sẽ cân nhắc và cuộc đàm phán nếu có xảy ra thì cũng là chuyện gay go chứ không đơn giản. - TS. Nguyễn Quang A
“Trung Quốc tham gia thì lúc đó 11 nước đã ký chắc sẽ cân nhắc và cuộc đàm phán nếu có xảy ra thì cũng là chuyện gay go chứ không đơn giản.”
Có đánh giá cho rằng việc Trung Quốc tham gia CPTPP sẽ gây nên nhiều xáo trộn, mà quan trọng nhất là việc đi ngược lại với mục đích ban đầu khi Tổng thống Obama thành lập TPP là nhằm giảm thiểu phụ thuộc của các nước thành viên vào nền thương mại Hoa Lục.
CPTPP
Hiệp định CPTPP được soạn thảo thay thế cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP khi Tổng thống Hoa Kỳ quyết định không tham gia vào tháng 1 năm 2017.
11 nước vừa ký Hiệp định CPTPP vào ngày 19 tháng 3 vừa qua tại Chile gồm Nhật, Úc, Canada, Chile, Brunei, Mexico, New Zealand, Malaysia, Peru, Singapore, và Việt Nam.
Được biết, Hiệp định CPTPP chỉ có hiệu lực sau 60 ngày khi hơn 6 nước hoàn thành phê chuẩn tại nước họ. Hiện tại, Úc, Mexico, Nhật Bản, và Singapore đã thông qua. Nếu Quốc hội Việt Nam đồng ý phê chuẩn hiệp định này, thì CPTPP chỉ cần thêm một quốc gia phê chuẩn để hoạt động.
Vào ngày 19/7 vừa qua, các nhà đàm phán chính từ 11 nước vừa nêu đã nhất trí bắt đầu đàm phán mở rộng thêm các thành viên mới tiềm năng vào năm 2019, khi hiệp định này có hiệu lực.