Cán bộ, công chức, viên chức đang điều trị bệnh hiểm nghèo, mất khả năng nhận thức, bệnh nặng đang điều trị nội trú tại bệnh viện... thì sẽ chưa bị xem xét kỷ luật, khi để xảy ra sai phạm
Đó là nội dung Nghị định 112 về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, được truyền thông nhà nước Việt Nam đăng tải hôm 23 tháng 9 năm 2020.
“Hoàn toàn vi hiến”
Luật sư Đặng Đình Mạnh, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 24 tháng 9 năm 2020 qua tin nhắn liên quan nghị định này, nhận định:
“Tôi hết sức bất ngờ khi được biết Nghị định số 112/2020, về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, ban hành ngày 18/09/2020 lại có điều khoản quy định một số trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật, gồm : Cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian điều trị bệnh hiểm nghèo hoặc đang mất khả năng nhận thức; bị ốm nặng đang điều trị nội trú tại bệnh viện có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền (khoản 2, điều 3).
Về phương diện pháp lý, nội dung quy định này đã hoàn toàn vi hiến khi phủ nhận nguyên tắc mang tính cách hiến định rằng : "Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật" (điều 16 Hiến pháp hiện hành).<br/>-LS. Đặng Đình Mạnh
Về phương diện pháp lý, nội dung quy định này đã hoàn toàn vi hiến khi phủ nhận nguyên tắc mang tính cách hiến định rằng : “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” (điều 16 Hiến pháp hiện hành). Theo đó, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải được xử lý như nhau, không phân biệt sang hèn, công tư, nghề nghiệp, địa vị xã hội...”
Về phương diện nội dung, theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, tồn tại một quy định phân biệt như vậy là mặc nhiên xác định địa vị pháp lý hạng hai của công dân so với cán bộ, công chức, viên chức chính quyền. Chưa kể theo ông, có khả năng tạo môi trường cho cán bộ, công chức, viên chức sẽ lạm dụng quy định này để trốn tránh sự xử lý hành vi vi phạm pháp luật. Thế nên, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết, ông mong rằng điều luật này cần phải được chính phủ xem xét cho sửa đổi hoặc hủy bỏ trước khi văn bản có hiệu lực pháp luật.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 24 tháng 9 năm 2020, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS, đã tự giải thể, cũng đồng tình với Luật sư Đặng Đình Mạnh, rằng quy định này có thể bị lợi dụng nhằm chạy tội:
“Chắc chắn... chắc chắn... bởi vì có những người rất là khỏe mạnh, nhưng khi bị bắt thì lập tức có hết bệnh này đến bệnh kia. Cái đấy bây giờ là một hình mẫu rất phổ biến, đặc trưng của cán bộ cộng sản Việt Nam.”
Ngoài những quy định về việc chưa xử lý kỷ luật cán bộ, công chức có sai phạm, Nghị định 112 của Chính phủ cũng quy định những trường hợp công chức được miễn trách nhiệm kỷ luật. Đó là những cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan có thẩm quyền xác nhận tình trạng mất năng lực hành vi dân sự khi có hành vi vi phạm. Hay do phải chấp hành quyết định của cấp trên theo quy định tại khoản 5 điều 9 Luật cán bộ, công chức.
Để tìm hiểu thêm về Nghị định 112/2020, Đài Á Châu Tự Do hôm 24 tháng 9 năm 2020 liên lạc Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam và được ông nói rõ hơn về nghị định này:
“Đây là nghị định nói về hướng dẫn thi hành luật sửa đổi bổ sung Luật công chức và viên chức, được ban hành vào ngày 25/11/2019. Đối với cán bộ công chức khi bị xử lý kỷ luật, thì có quy định những trường hợp nào chưa bị xem xét kỷ luật, thí dụ như người đó nghỉ phép năm, nghỉ theo chế độ, thì không xử lý. Thứ hai, là cán bộ công chức đang điều trị bệnh hiểm nghèo, thí dụ như bệnh ung thư hay bệnh mà cái sống và cái chết đang gần kề. Hoặc mất khả năng nhận thức như bệnh tâm thần chẳng hạn, họ không nhận thức được hành vi của mình thì chưa xem xét kỷ luật. Hay những người bị ốm nặng, đang điều trị nội trú tại bệnh viện và có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền, thì những người này được dừng lại việc kỷ luật, chứ không phải là sẽ không kỷ luật.”
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, nội dung nghị định này là làm rõ hơn luật công chức, viên chức được quốc hội thông qua năm 2019.
Không chỉ quy định những trường hợp chưa xử lý kỷ luật, trong nghị định 112, Chính phủ cũng quy định các hình thức kỷ luật với công chức, viên chức khi vi phạm là : khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc.
Phân biệt đối xử
Lâu nay tại Việt Nam, với thể chế chính trị độc đảng toàn trị, không chỉ có sự phân biệt đối xử trong tố tụng giữa người dân và cán bộ đảng viên, ngay cả những người trong bộ máy chính quyền khi vi phạm bị đưa ra xét xử cũng mỗi nơi mỗi khác. Có người khi bệnh rất nặng vẫn phải ra tòa, nhưng có người với lý do sức khỏe không ổn, dù không rõ lắm về bệnh lý vẫn được hoãn miễn ra tòa.
Đơn cử như trường hợp Thiếu tướng Công an Trần Văn Thanh, nguyên Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng, bị truy tố vì cho rằng đã phát tán Công văn số 73 và 77 của Viện Kiểm sát, ở nhiều địa điểm ngay trước bầu cử Quốc hội khóa XII; trong đó có nội dung báo cáo về việc Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khi đó là ông Nguyễn Bá Thanh đã nhận hối lộ trong các công trình xây dựng Cầu Sông Hàn và đường Bắc Nam ở Đà Nẵng.
Vào ngày 20 tháng 7 năm 2009, mặc dù ông Trần Văn Thanh bị tai biến và có hai bệnh viện của công an xác nhận không đủ sức khỏe để dự phiên tòa, nhưng vị thiếu tướng công an vẫn bị đưa đến tòa trên xe cứu thương trong tình trạng hôn mê, thở ôxy và phải truyền dịch...
Phải chăng, người ký nghị định đấy muốn làm an tâm cho những người sắp về hưu. Hay để làm an tâm những người đang đương chức, nhằm nhận sự hỗ trợ, ủng hộ về mặt chính trị nào đấy cho chính mình chẳng hạn.<br/>-TS. Nguyễn Quang A
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho biết những thông tin liên quan vụ việc này mà ông có được:
“Cái vụ ông Thanh, tướng công an ở Đà Nẵng, rất là nổi bật với việc ổng nằm trên cáng, có những ống thở và được đưa vào phòng xử, thì hóa ra đấy là một sự dàn dựng... ông ấy thật sự không có bệnh gì cả, ổng khỏe thôi, nhưng hai phe nó đánh nhau thì phe của ông Thanh dàn dựng lên một cảnh thương tâm như vậy để đánh lại phe bên kia. Đấy là chuyện chí ít tôi được nghe giải thích lại về sau là như vậy.”
Còn chuyện đó có phải là thật như thế, là sự phân biệt đối xử giữa người này với người kia hay không? Thì theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, đó cũng là chuyện rất là bình thường đối với đảng cộng sản Việt Nam. Ông nói tiếp:
“Phe nào đang nắm quyền, thì người ta sẽ xử phe ngược lại, hoặc là các phe ngược lại... còn phe của mình thì phải tìm mọi cách để mà bao che. Ngay cái nghị định 112 vừa mới được công bố, cũng không thể tránh khỏi người bên ngoài, như tôi chẳng hạn, đặt một dấu hỏi là tại sao lại đưa ra nghị định đó bây giờ? Phải chăng, người ký nghị định đấy muốn làm an tâm cho những người sắp về hưu. Hay để làm an tâm những người đang đương chức, nhằm nhận sự hỗ trợ, ủng hộ về mặt chính trị nào đấy cho chính mình chẳng hạn. Thì đấy là một cái suy luận mà những người từ bên ngoài nhìn vào có thể đặt ra những câu hỏi như vậy.”
Điều Tiến sĩ Nguyễn Quang A lo ngại trong quá khứ từng bị nhiều người nghi ngờ. Như trường hợp ông Lê Thanh Quang, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa vào tháng 10/2019, chưa bị xem xét, xử lý kỷ luật do đang mắc bệnh hiểm nghèo. Dù ông Quang đã để xảy ra nhiều vi phạm trong công tác quản lý đất đai trong việc giao đất, cho thuê đất... gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.
Mặc dù trước đó đã đi nước ngoài điều trị, nhưng vị Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa khi đó vẫn lý giải rằng, từ ngày điều trị đến nay, sức khỏe ông có đỡ hơn nhưng không khỏe hẳn, hiện bản thân vẫn phải dùng thuốc điều trị theo phác đồ của bác sĩ. Tuy nhiên cá nhân ông, lẫn cơ quan chức năng đều không cho biết ông mắc bệnh hiểm nghèo gì.(!?)
Gân đây nhất là vụ ông Nguyễn Đức Chung, nguyên chủ tịch thành phố Hà Nội, sau khi bị bắt vì những vi phạm trong thời gian công tác thì gia đình làm đơn xin cho được tại ngoại để chữa bệnh ung thư.