Tính đến ngày 21 tháng 10 năm 2020, theo cơ quan chức năng Việt Nam, đã có 111 người thiệt mạng và 20 người khác mất tích tại khu vực các tỉnh miền Trung sau mấy tuần lũ lụt và lở núi do mưa lớn kéo dài gây nên.
Trước nhiều ý kiến dư luận cho rằng, lũ lụt ở miền Trung những ngày qua có một phần nguyên nhân là do phá rừng..., Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, ông Nguyễn Quốc Trị, khi trả lời truyền thông nhà nước Việt Nam hôm 21 tháng 10 năm 2020, cho rằng nói lũ lụt ở miền Trung do phá rừng là không đúng, mà do biến đổi khí hậu.(!?)
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, thuộc Đại học Cần Thơ khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do liên quan vấn đề này hôm 21 tháng 10 năm 2020, giải thích:
“Biến đổi khí hậu là sự thay đổi khí hậu mang tính toàn cầu, nó sẽ dẫn đến những vấn đề thiên tai cực đoan xảy ra nhiều hơn. Nhưng một khi thiên tai cực đoan xảy ra nhiều hơn mà có yếu tố phá rừng, như việc người ta làm thủy điện, chặt cây rừng... thì lúc có mưa bão nhiều, đất sẽ bị ngậm nước nhão đi, không có bộ rễ giữ lại thì sẽ sạt lở... Tóm lại có hai nguyên nhân là biến đổi khí hậu, thiên tai cực đoan, cộng thêm yếu tố phá rừng thì nó làm cho sạt lở trở nên nặng nề và đột ngột, ngoài kiểm soát của con người.”
Có hai nguyên nhân là biến đổi khí hậu, thiên tai cực đoan, cộng thêm yếu tố phá rừng thì nó làm cho sạt lở trở nên nặng nề và đột ngột, ngoài kiểm soát của con người.<br/>-PGS. Lê Anh Tuấn
Tại các tỉnh miền Trung Việt Nam, đã có gần 200 ngàn người phải sơ tán vì lũ lụt. Thống kê của Hội Chữ Thập Đỏ và Trăng Lưỡi Liềm Đỏ cho thấy có khoảng 178 ngàn ngôi nhà bị ngập lụt. Trong khi đó, lực lượng cứu hộ vẫn đang tiếp tục nỗ lực tìm cách đưa lương thực và nước uống đến cho những khu vực còn bị cô lập.
Một người dân ở Quảng Nam nói với Đài Á Châu Tự Do về thiệt hại tại địa phương mình sau bão lũ:
“Nước mưa dập xuống mạnh quá, nên rau mất hết, nằm bèo hết, còn đất cát thôi, bay hết rồi, không còn cái chi. Thành ra khó khăn rồi, rau sạch hết rồi. Họ sống bằng vườn rau, mà vườn rau hư hết rồi, phải chịu thôi, nói chung là toàn bộ dân ở đây đều bị chứ không phải một mình mình. Thường thường mưa chừng mấy tiếng đồng hồ là hết, còn nay nó mưa tầm tã luôn, mưa quá nhiều nên rút không kịp.”
Đang có mặt tại Huế, Thạc sĩ lâm nghiệp Nguyễn Huỳnh Thuật, một chuyên gia về môi trường, người sáng lập Rừng Gọi và Nhóm Yêu Quí Động Vật Cát Tiên ở Đồng Nai, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 21 tháng 10 năm 2020, cho biết tình hình thực tế tại Huế:
“Hiện giờ tại đây nước lụt cũng bớt, mưa cũng chững... trong Từ Hiếu thì mấy bữa nước ngập lên, bây giờ thì nước cũng đã rút, đường đi được rồi.”
Liên quan đến phát biểu của Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị, rằng lũ lụt ở miền Trung do biến đổi khí hậu, không phải do phá rừng, Thạc sĩ lâm nghiệp Nguyễn Huỳnh Thuật cho biết ý kiến của mình:
“Tôi là người bây giờ không còn phán xét, so sánh, đánh giá đúng sai... Tôi chỉ nói những gì tôi thấy, cũng như những lần tôi có ý kiến với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hay Chủ tịch nước trước đây, xuyên suốt một quá trình em làm việc với các chuyên gia quốc tế như UNESCO, IUCN (International Union for Conservation of Nature), hoặc tổ chức CIFOR Center for International Forestry Research ở Indonesia... thì với tư cách là một chuyên gia tôi thấy rừng có khả năng giữ nước, có khả năng bảo vệ đất, nhất là rừng ở trên vùng núi cao, đỉnh núi, đỉnh đồi... bây không còn rừng thì mưa xuống sẽ thấm vào, không có bộ rễ giữ đất với nhau, làm nhão đất thì sụp đổ, đó là chuyện tất nhiên.”
Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, phá rừng, xây thủy điện là nguyên nhân của lũ quét, sạt lở đất... Từ năm 2010 đến 2019 đã xảy ra 260 trận lũ quét, sạt lở đất ảnh hưởng tới các vùng dân cư, làm chết và mất tích 910 người, thiệt hại về kinh tế ước tính hàng chục nghìn tỉ đồng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), chỉ hơn 5 năm từ 2012-2017, diện tích rừng tự nhiên bị mất do xây dựng các dự án được phê duyệt chiếm 89%; còn lại là do phá rừng trái pháp luật làm mất 11% diện tích rừng. Bộ NN&PTNT cho rằng, chính việc xử lý không kiên quyết, né tránh trách nhiệm, làm ngơ... đã tiếp tay cho những kẻ phá rừng. Chỉ riêng khu vực Tây Nguyên, thời gian qua đã mất đến hơn 130.000 ha rừng.
Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, trong 4 năm từ 2016-2019, diện tích rừng bị thiệt hại đã lên tới 7.283ha, mặc dù diện tích rừng bị thiệt hại giảm 270ha/năm. Như vậy, trung bình mỗi năm Việt Nam mất đi 2.430ha rừng.
Nếu chúng ta phá hủy nó là sẽ mang tội, và sẽ phải gánh chịu. Gánh chịu này không phải trực tiếp người phá rừng gánh chịu, mà cả một hệ thống, đất nước, nhân loại gánh chịu...<br/>-Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, nhận định thêm:
“Năm nay tôi cho là rủi ro sạt lở lũ lụt nặng nề hơn năm trước rất là nhiều, đây là hệ quả của việc khai thác thủy điện quá mức. Tất cả những hệ thống thủy điện đó không có khả năng điều tiết nước, cộng thêm yếu tố phá rừng nhưng không tái tạo kịp, có những nơi ráng trồng rừng, nhưng rừng trồng không thể nào so sánh được với rừng tự nhiên. Lúc đó cấu trúc địa chất của những đồi núi không chịu nổi, nó thay đổi bản chất vật lý trong đất, gây ra mất ổn định và sạt lở xảy ra. Năm nay sạt lở xảy ra đột ngột bởi vì nó cộng thêm nhiều yếu tố như mưa bão tới một cách dồn dập.”
Trả lời báo chí trong nước, Giáo sư Nguyễn Ngọc Lung, một chuyên gia lâm nghiệp cho biết, rừng phát huy hiệu quả trong việc chắn gió, cản sức nước và góp phần làm suy yếu sức mạnh của gió tại các vùng mà bão đi qua. Mặt khác, rễ của cây cũng sẽ góp phần hút nước lũ. Hậu quả của việc phá rừng là tình trạng biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính làm trái đất ấm dần lên, hạn hán, nước biển dâng cao, ô nhiễm môi sinh, đói kém…
Còn theo Thạc sĩ lâm nghiệp Nguyễn Huỳnh Thuật, Việt Nam có những vùng hứng chịu gió bão, đó là điều không may mắn, nhất là người dân miền Trung. Đó cũng là lý do vì sao ông mong muốn mọi người cùng nhau tỉnh thức, cùng nhau san sẻ tình yêu thương đến mọi người, nhất là đồng bào miền Trung, khúc ruột của Việt Nam đang bị tổn thương do bão lũ... Ông nói tiếp:
“Cái gốc của vấn đề là tôi thấy mình phải gìn giữ màu xanh, gìn giữ nền tản của môi trường đang giúp chúng ta, đang nuôi sống chúng ta. Nếu chúng ta phá hủy nó là sẽ mang tội, và sẽ phải gánh chịu. Gánh chịu này không phải trực tiếp người phá rừng gánh chịu, mà cả một hệ thống, đất nước, nhân loại gánh chịu... Nên tôi mong mọi người hãy cùng nhau tỉnh thức.”
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho rằng, bây giờ chính phủ Việt Nam phải tìm cách khôi phục lại tự nhiên càng nhiều càng tốt, tránh chuyện cho phép khai thác thiên nhiên quá mức. Theo ông, để thực hiện điều này đòi hỏi một sự nỗ lực rất lâu dài và tốn kém rất nhiều. Đồng thời chính phủ cũng phải xem xét vấn đề bố trí lại dân cư trong những vùng chịu rủi ro thiên tai nhiều... Theo ông, điều này cũng đòi hỏi một sự nỗ lực rất lâu, chứ không thể giải quyết một sớm một chiều.