Ý thức bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển tại Việt Nam cần được nâng cao

0:00 / 0:00

Trong một cuộc phỏng vấn với báo mạng Ngày Nay vào hôm 14/9, chuyên gia đứng đầu Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam), Tiến sĩ Văn Ngọc Thịnh nhận định rằng, “Trong những thập niên vừa qua, Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong khu vực, nhưng kèm theo đó là cái giá phải trả cho môi trường vô cùng lớn”.

Từ khi Đảng CSVN tiến hành đổi mới sau Đại Hội 6 năm 1986, kinh tế Việt Nam đã tăng vọt, góp phần đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp. Theo Ngân hàng Thế giới, từ 2002 đến 2018, GDP đầu người tăng 2,7 lần, từ dưới 500 Mỹ kim năm 1986, đạt trên 2.700 Mỹ kim trong năm 2019.

Theo Ts Thịnh, giám đốc WWF-Việt Nam, có một số thay đổi về môi trường tự nhiên nhưng nhận thức chung trong vấn đề này của các tầng lớp trong xã hội chưa bắt kịp với thời đại.

Ông nói: "Những năm gần đây, tỷ lệ rừng bị mất đã tương đối ổn định, tuy nhiên nguyên nhân chủ yếu là do tăng cường công tác trồng rừng chứ không phải do phục hồi và tăng diện tích rừng tự nhiên. Các quần thể động vật hoang dã ở Việt Nam đã và đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do nhu cầu về thịt rừng và các sản phẩm từ động vật hoang dã khác. Phải nói rằng Việt Nam đang bước vào một giai đoạn chuyển đổi, giai đoạn mà sự đảo ngược của các xu hướng này có thể bắt đầu xảy ra."

Theo Ts. Thịnh nhận định, thì chính quyền đã có chính sách bảo vệ mạnh mẽ hơn đi kèm với hình phạt đã được đưa vào luật, là những dấu hiệu cho thấy việc thực thi, bắt giữ và truy tố đối với hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã đang gia tăng.

Một số nhà hoạt động vì môi trường mà Đài Á Châu Tự Do có dịp tiếp xúc, cũng thừa nhận là về luật pháp, chỉ đạo thì đúng là Việt Nam có đầy đủ.

Ts Phạm Quang Tùng, Chủ tịch sáng lập Viện Quản lý Bền vững Tài nguyên Thiên nhiên và Bảo tồn Đa dạng Sinh học, trực thuộc liên hiệp các hội khoa học tự thiện Việt Nam (VUSTA) từ Hà Nội chia sẻ:

"Ý kiến của ông Văn Ngọc Thịnh, giám đốc của WWF có lý khi cho rằng hiện nay Việt Nam là một đất nước đang phát triển, và đã thoát cảnh đói nghèo, vì vậy, tất cả các hoạt động phát triển thì phải suy nghĩ đến tính ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên Việt Nam chưa làm được công việc 'phát triển phải song song với bảo vệ môi trường'. Tôi cho rằng dù sao chính phủ sẽ ưu tiên phát triển kinh tế hơn là bảo vệ môi trường, bảo vệ các loài hoang dã”.

Ts Tùng đưa ra ví dụ điển hình qua một dự án mà gần đây ông thực hiện cho Trung tâm Nghiên cứu Kiến thức Bản địa và Phát hiện (CIRD) là điều tra, đo đếm số lượng các loài voọc ở Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.

“Phương pháp bọn anh đo đếm từng cá thể, quan sát từng nhóm, đến chỗ ngủ của loài voọc này. Đi đâu thì tối nó về hang của nó ngủ, nên buổi chiều, bọn anh ra trực, và đo đếm từng con, số liệu đo đếm chính xác”.

Những loài voọc đen Hà Tĩnh (vọoc đen gáy trắng)có nguy cấp tuyệt chủng này được phát hiện tại đây từ năm 2012. Công tác điều tra với con số 150 cá thể voọc đếm được có nhiều ý nghĩa trong việc bảo vệ động vật quý hiếm này. Ông Tùng nói, người dân địa phương nhận thức được nhu cầu bảo về quần thể này, thế nhưng không được sự hỗ trợ pháp lý từ chính quyền địa phương. Những nhà hoạt động vì đa dạng sinh học và dân địa phương đã tự nguyện lập nhóm chăm sóc, bảo vệ và tuần tra sinh cảnh.

“Ví dụ quần thể voọc ở trong Quảng Bình, bây giờ nhóm tình nguyện bảo vệ và người dân làm đơn, kêu cứu chính quyền xử lý các mỏ đá ở ngay trong khu bảo tồn này, nhưng mà kêu gọi chính quyền vài năm nay, nhưng xử lý rất là nhỏ giọt rất nhẹ, cho nên trong báo cáo của các anh ở đấy là tha thiết kêu gọi chính quyền địa phương nhảy vào cuộc để cứu lấy loài voọc ở Quảng Bình… Còn một mỏ đá còn đang hoạt động, một tuần nỗ mìn 3 ngày... Một trong những cái mà người dân rất quan tâm, kiến nghị chính quyền địa phương nhiều lần mà chính quyền chưa xử lý. Mà xử lý thì cũng chỉ phạt hành chính, rồi việc đâu cũng vào đấy, khai thác đá vẫn khai thác đá”.

Voọc đen gáy trắng tại Quảng Bình
Voọc đen gáy trắng tại Quảng Bình (Phạm Quang Tùng, Viện Phát triển Bền vững Tài nguyên Thiên nhiên và Bảo tồn Đa dạng Sinh học)

Ts Tùng nói, chính phú trung ương rất quan tâm, và có tất cả luật pháp, nhưng khi triển khai ở các cấp dưới thì những biện pháp trừng phạt sẽ nhẹ dần, trong khi các tổ bảo tồn ở cấp xã được thành lập thì không làm hiệu quá. Ông nói, họ chỉ làm việc cưỡi ngựa xem hoa thôi:

“Chính phủ cũng rất dứt khoát, quan tâm đến bảo tồn các loài động vật hoang dã, nhưng khi triển khai thực hiện nghị quyết, chỉ định, thì không được như ý. Chính phủ làm quyết liệt, nhưng càng xuống dưới thấp, anh nghĩ vì lý do kinh tế, nó sẽ nhẹ dần”.

Trong bài phỏng vấn với Ngày Nay, Ts Văn Ngọc Thịnh cũng nêu ra tác động sâu sắc đối với các quần thể hoang dã bởi nạn ăn thịt rừng và sự phổ biến của các sản phẩm từ động vật hoang dã như ngà voi, sừng tê giác, hoặc vảy tê tê.

Đối với nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, người quan tâm môi trường và động vật hoang dã, đặc biệt loài chim, thì ngay cả ở cấp cao nhất của chính quyền, các công chức cũng thiếu ý thức về môi trường thì việc tạo cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên hầu như không có thể.

<i>Nhiều quan chức nhà nước, lại thêm chuyện ăn uống loại động vật hoang dã làm thú vui, và phá rừng đem gỗ về nhà chưng, làm nội thất, cho nên cái tàn phá thiên nhiên Việt Nam nó khủng khiếp lắm. - Ông Huỳnh Ngọc Chênh</i>

Ông nói: "Khi mà đất nước phát triển thì đô thị phát triển, rồi nhà cửa phát triển, thì không gian cho chim, thú hoang dã sống nó thu hẹp dần. Nếu như nhà nước hiểu biết, chuyện phát triển đó, họ sẽ gây tác động cho thiên nhiên nó ít hơn, có tổ chức hơn. Nhưng mà nhà nước này thì ít hiểu biết, cho nên phá tung hết. Chính sách nhà nước cũng không đúng, rồi cán bộ nhà nước thi hành cũng sai. Nhiều quan chức nhà nước, lại thêm chuyện ăn uống loại động vật hoang dã làm thú vui, và phá rừng đem gỗ về nhà chưng, làm nội thất, cho nên cái tàn phá thiên nhiên Việt Nam nó khủng khiếp lắm. Vừa sai lầm về chính sách, vừa dân trí thấp. Vì người ta mưu sinh, người ta giết thú rừng, xâm phạm đến thiên nhiên".

Theo ông thì ba yếu tố gây nguy hại cho môi trường là: chính sách nhà nước quá chú trọng đến phát triển kinh tế, dân trí chưa được nâng cao và cuộc sống của nhiều người quá đói khổ mong mưu sinh sống còn; bên cạnh đó là nền giáo dục chưa truyền đạt được giá trị của thiên nhiên.

Lâu nay, một số nhà hoạt động vì môi trường trong nước, những tổ chức hải ngoại chuyên về đa dạng sinh học tham gia giải quyết phần nào những bất cập đó. Chị Lê Thị Trang, phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn Đa dạng Sinh học Nước Việt (Green Việt) trình bày:

" Khoảng năm 2012, khi mà Green Việt bắt đầu hoạt động ở TP Đà Nẵng, thì mặc dù bán đảo Sơn Trà rất gần với người dân, chỉ có cách 2-3 cây số, và mọi người vẫn thường xuyên lên thăm quan, nhưng mọi người không nắm được thông tin về đa dạng sinh học ở Sơn Trà có gì, dẫn đến người dân không nhận ra được là giá trị, thực tế ở khu vực này như thế nào đối với cuộc sống của họ. Nên họ không quan tâm. Đồng thời họ cũng không quan tâm đến những quyết định liên quan đến bán đảo Sơn Trà. Thì từ khi mà có những hoạt động của Green Việt với cộng đồng ở khu vực này để tin này đến với người dân tốt hơn, thông qua kênh truyền thông mở như Facebook, thì mọi người tiếp cận tốt hơn, và khi đó người dân có ý kiến, quan điểm, tham gia những thảo luận, đồng thời gửi kính nghị gửi lên thành phố hoặc chính quyền để họ có cơ sở tham mưu và ra quyết định tốt hơn".

Còn đối với ông Huỳnh Ngọc Chênh, giải pháp triệt để để thực sự ngăn chặn thảm họa suy thoái môi trường, sinh cảnh cho động vật, là phải thay đổi từ trên, thay đổi chính quyền, để từ đó làm lại chương trình giáo dục với những giá trị tôn trọng môi trường xung quanh.