Tứ giác kim cương và Carl Vinson không bảo vệ được Cá Rồng đỏ của Việt Nam

0:00 / 0:00

Đầu tháng 3 năm 2018 tàu sân bay Carl Vinson của Mỹ thăm cảng Đà Nẵng.

Cuối tháng 3/2018 tàu khu trục Mỹ đi sát đá Vành Khăn Trung Quốc đang chiếm giữ ở Trường Sa.

Hầu như cùng lúc, do áp lực từ phía Trung Quốc Việt Nam phải hủy bỏ kế hoạch thăm dò dầu khí tại mỏ Cá Rồng đỏ.

Chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông, Thạc sĩ Hoàng Việt cho biết những ý kiến của ông xung quanh những diễn biến này.

Thạc sĩ Hoàng Việt: Biển Đông chưa bao giờ không căng thẳng cả, chẳng qua là vừa rồi các bên hết sức kềm chế, và có những mối bận tâm khác trên thế giới thu hút dư luận quốc tế, chứ còn Biển Đông lúc nào cũng căng thẳng.

Kính Hòa: Liên quan tới Việt Nam thì vừa qua tàu sân bay Mỹ ghé Đà Nẵng, còn từ thời ông Obama tới ông Trump, Mỹ liên tục thực hiện chiến dịch tự do hàng hải, nhưng sau hai sự kiện Việt Nam phải rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của mình, thì có vẻ như sự hiện diện của cường quốc Hoa Kỳ không thể làm giảm sự gia tăng lấn át của Trug Quốc đối với Việt Nam?

Tổng thống Trump nói thì mạnh nhưng chưa làm gì nhiều. Những nhà nghiên cứu Hoa Kỳ cho rằng chỉ những đoàn tuần tra biển Đông, thì không giải quyết gì nhiều cho chuyện làm căng thẳng giảm bớt.<br/>-Thạc sĩ Hoàng Việt.

Thạc sĩ Hoàng Việt: Trước đây Hoa Kỳ còn can dự mạnh mẽ hơn với chính sách quay trở lại châu Á của ông Obama. Ông Trump thì tập trung vào những vấn đề khác. Mặc dù ông Trump tuyên bố rất là mạnh, nhưng những gì ông làm thì không có bao nhiêu. Nội các của ông ấy có nhiều rối loạn, chính sách đối ngoại lại không rõ ràng. Trung Quốc biết điều đó và khai thác rất triệt để. Ngay cả đối với Hoa Kỳ, thì từ năm ngoái năm kia, có những nhà nghiên cứu Hoa Kỳ cho rằng chỉ những đoàn tuần tra biển Đông, thì không giải quyết gì nhiều cho chuyện làm căng thẳng giảm bớt.

Đặc biệt sau hai sự kiện tháng 7/2017, và gần đây là 23/3/2018, tin cho biết rằng Việt Nam đã cho công ty Repsol rút khỏi mỏ dầu Cá Rồng đỏ, năm ngoái là mỏ Cá Kính nâu. Điều đó cho thấy Việt Nam đang ở thế khó, với tình thế trên thế giới thì Việt Nam có vẻ đang cô đơn rất nhiều. Việt Nam rất mong nhiều quốc gia, không chỉ riêng Hoa Kỳ mà cả Ấn Độ, và các quốc gia khác cùng tàu chiến đi vào xung quanh khu vực này. Nhưng mà điều đó cũng không đủ kềm chế Trung Quốc, mà các quốc gia trên thế giới phải mạnh mẽ hơn. Chứ còn với tình thế bây giờ, đặc biệt các quốc gia ASEAN thay đổi thái độ rất nhiều, đặc biệt là Philippines, làm cho Trung Quốc khai thác điều đó rất mạnh.

Kính Hòa: Cái mà người ta gọi là Tứ giác Kim cương, là Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, và Mỹ, đã họp ở Manila trùng thời gian thượng đỉnh APEC ở Việt Nam hồi năm ngoái, có hiệu quả gì hay không?

Thạc sĩ Hoàng Việt: Tứ giác Kim cương đóng vai trò kềm chế Trung Quốc, mặc dù chính thức thì họ không nói như thế. Nhưng họ lo ngại Trung Quốc lớn mạnh và đe dọa an ninh khu vực, nên họ tìm cách ngăn ngừa chuyện đó. Thế nhưng mà liên minh này mới chỉ hình thành, chưa có gì cụ thể cả, mới chỉ là ý tưởng, chưa đi vào hành động. Mà Trung Quốc rất là tranh thủ. Họ bồi đắp các đảo nhân tạo rồi, gia tăng sự bồi láp ấy và sự hiện diện quân sự.

Thứ hai là họ lấn tới yêu cầu các quốc gia có khai thác trong khu vực đường lưỡi bò của họ thì phải ngưng.

Điều đó để làm gì? Để sắp tới Trung Quốc có thể ngồi vào bàn đàm phán, đưa ra một cái COC (Qui tắc ứng xử), từ đó có thể thực hiện trên thực tế tham vọng của mình thông qua cái đường lưỡi bò trước đây bị quốc tế phản đối quyết liệt.

Kính Hòa: Cuối tháng rồi Trung Quốc và Philippines có họp riêng với nhau về Scarborough, còn ngày hôm nay thì máy bay tuần thám của Phi do Nhật Bản cung cấp bay trên Scarborough, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc. Ông đánh giá thế nào về Philippines?

Thạc sĩ Hoàng Việt: Tổng thống Duterte và nội các của ông xoay trục về Trung Quốc rất rõ. Tuy nhiên vẫn còn những nhóm khác trong nền chính trị đa dảng của Phi, cho nên có những luồng ý kiến khác, trong đó có một số nhân vật Bộ Quốc phòng, cũng như một số thẩm phán của tòa tối cao, thái độ của họ khác, cũng như một bộ phận lớn dân chúng Philippines không tin là Trung Quốc tốt với họ. Điều đó phản chiếu cái gọi là xung đột nội bộ về chính sách đối ngoại, cũng như lợi ích dân tộc bên trong Philippines. Điều đó tác động nhiều đến Biển Đông. Phải chờ xem sắp tới Tổng thống Duterte sẽ xử lý như thế nào. Nhưng riêng tôi thì tôi cho rằng suốt nhiệm kỳ của ông, ông vẫn giữ chính sách thân Trung Quốc.

Kính Hòa: Trong cái gọi là Tứ giác Kim Cương, ngoài Mỹ là một siêu cường hầu như duy nhất, trong ba quốc gia còn lại có vẻ như Nhật Bản là nước cảm thấy sức ép nhiều nhất nếu Trung Quốc làm bá chủ Biển Đông?

Nhật Bản thấy là nếu Trung Quốc khống chế được Biển Đông, thì họ sẽ tiếp tục lấn tới (trong tranh chấp với Nhật) tại Senkaku, Biển Hoa Đông. Sớm muộn thì Trung Quốc sẽ đe dọa Nhật Bản.<br/>-Thạc sĩ Hoàng Việt.

Thạc sĩ Hoàng Việt: Vâng. Nhật Bản đóng một vai trò rất quan trọng. Nhật Bản thấy là nếu Trung Quốc khống chế được Biển Đông, thì họ sẽ tiếp tục lấn tới (trong tranh chấp với Nhật) tại Senkaku, Biển Hoa Đông. Sớm muộn thì Trung Quốc sẽ đe dọa Nhật Bản.

Vì thế Nhật rất tích cực thúc đẩy những quan hệ để kềm chế Trung Quốc. Trong những quan hệ này có cả những quan hệ chiến lược, những đồng minh chiến lược trong Tứ giác Kim cương, bên cạnh đó xốc lại hiệp định kinh tế của khu vực này. Một việc quan trọng mà trước đây chính quyền Obama muốc là thúc đẩy những nước như Việt Nam phát triển để có thể tự trang bị quân sự cho mình, tránh sự lệ thuộc vào Trung Quốc, từ đó tác động đến sự ảnh hưởng của Trung Quốc. Đó chính là hiệp định TPP (thải thuận thương mại xuyên Thái Bình Dương gồm 12 quốc gia không có Trung Quốc.) Sau này khi Tổng thống Trump rút ra, thì Nhật đi đầu trong việc hồi phục TPP, bây giờ có tên là CP TPP (gồm 11 quốc gia) và gần đây được ký kết.

Điều đó cho thấy rằng Nhật Bản là một quốc gia rất mạnh mẽ và trong tương lai Nhật Bản là một yếu tố quan trọng trong khu vực châu Á này, mà các quốc gia cần gắn kết với Nhật Bản để ngăn ngừa những ảnh hưởng xấu từ Trung Quốc.