Sau khi Chùa Liên Trì, một trong những cơ sở còn sót lại của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất từ trước 1975 bị san bằng vào ngày 8 tháng 9 vừa qua, hai cơ sở tôn giáo khác ở Quận 2 cũng đang nằm trong diện bị giải tỏa là Nhà thờ Thủ Thiêm và Tu viện Mến Thánh giá.
Hai cơ sở này rồi có như Chùa Liên Trì hay không?
Chưa có dấu hiệu bị thu hồi
Linh mục Đinh Hữu Thoại, thuộc Phòng Công lý Hoà Bình Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn là người đã cùng các chức sắc tôn giáo trong Hội đồng Liên tôn Việt Nam ký tên vào thư “Hiệp thông với Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm” gửi đến các tổ chức và cơ quan nhân quyền quốc tế trước đây.
Nói về khả năng liệu hai cơ sở tôn giáo của giáo hội Công giáo còn lại ở Thủ Thiêm có sẽ bị cưỡng chế như trường hợp của Chùa Liên Trì hay không, ông cho biết.
“Từ lâu nay rồi thì họ không đề cập đến vấn đề thu hồi hay giải toả hai cơ sở đó. Tôi nghĩ là chắc là họ rất ngại đụng đến tài sản của Giáo hội công giáo, tôi nghĩ vậy, chắc họ chưa đụng đến khu đó đâu.”
Linh mục Phạm Trung Thành, Giám tỉnh của Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam trả lời chúng tôi cho biết, ông và các chức sắc khác thuộc Hội đồng liên tôn Việt Nam đã liên đới với nhau, cùng cầu nguyện, và ra một thông báo để phản đối vụ việc Chùa Liên Trì. Còn đối với hai cơ sở còn lại là Nhà thờ Thủ Thiêm và Tu viện Mến Thánh giá thì sau những lần thăm viếng Linh mục quản xứ Lê Đăng Nghiêm, ông được biết:
Từ lâu nay rồi thì họ không đề cập đến vấn đề thu hồi hay giải toả hai cơ sở đó. Tôi nghĩ là chắc là họ rất ngại đụng đến tài sản của Giáo hội công giáo.
- Linh mục Đinh Hữu Thoại
"Tôi được biết lập trường của ngài là gìn giữ và bảo vệ nhà thờ. Còn trách nhiệm và câu trả lời chính thức là thuộc về ngài Tổng Giám Mục. Về Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm thì tôi được biết vừa rồi nhà nước có xâm phạm vào cái đất đó, nhưng cái đất đó là trường học thôi chứ không phải nhà dòng. Tôi biết chính xác là như vậy. Trường học đó sau năm 1975 thì bị nhà nước tiếp quản. sau đó họ đổi công năng là không làm trường học nữa mà làm Uỷ ban gì đó. và không làm Uỷ ban nữa thì họ giải toả, nhưng bên nhà dòng giữ lập trường của mình, là cơ sở đó thuộc về mình, bằng lòng giải toả nhưng phải có sự đền bù thoả đáng."
Sự việc lúc đó (tháng 10 năm 2015), Linh mục Phạm Trung Thành nói rằng vì nhà nước chưa đền bù nhưng đã can thiệp vào nên nhà dòng và các vị linh mục khác đã liên đới phản đối và gìn giữ mảnh đất đó.
Người đại diện Dòng mến Thánh giá Thủ Thiêm từng phát biểu với Đài RFA tiếp tục yêu cầu chính quyền thực hiện đúng qui định của Nhà nước; ngoài ra Nhà Dòng cũng trình bày vấn đề với Đấng Bản quyền trong Giáo Hội là Tòa Giám mục Sài Gòn.
Liên quan đến việc bồi thường và đền bù cho Chùa Liên Trì trong quyết định cưỡng chế, qua những lần trả lời phỏng vấn với đài Á Châu Tự Do, Thượng Toạ Thích Không Tánh cũng khẳng định chùa và các quí thầy không chấp nhận cơ sở do chính quyền đã dựng sẵn ở Cát Lái để đền bồi cho chùa.
Sự khác biệt?
Nhà thờ Thủ Thiêm và Tu viện Mến Thánh giá là hai cơ sở tồn tại ở Thủ Thiêm hơn một thế kỷ qua. Vào tháng 10 năm 2015, một cơ sở giáo dục được các nữ tu dòng Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm xây dựng từ thập niên 1960. Thế nhưng sau đó thì chính quyền quyết định “tạm ngưng tháo dỡ”.
Nói về quyết định “tạm ngưng tháo dỡ” thì chính Chùa Liên Trì, Thủ Thiêm, Thành Phố Hồ Chí Minh trước đây cũng từng nhận được thông báo cưỡng chế lần thứ nhất vào tháng 7 năm 2016. Sau thời gian “tạm ngưng” thì ngày 8 tháng 9 vừa qua đã bị nhà cầm quyền dùng vũ lực tháo dỡ và bị san lấp hoàn toàn.
Về “sự an toàn tạm thời” của hai cơ sở này so với quyết định cưỡng chế Chùa Liên Trì, linh mục Đinh Hữu Thoại cho biết vì sao cho đến thời điểm này, chưa có dấu hiệu gì cho thấy chính quyền Quận 2 muốn thu hồi hai cơ sở đó.
“Cái quyết tâm triệt hạ chùa Liên Trì là họ muốn xoá đi một ngôi chùa mà đối với họ là một cái gai. Nơi đó thầy Không Tánh đã làm rất nhiều việc cho dân oan, xã hội dân sự, thương phế binh Việt Nam Cộng Hoà, thuộc Giáo hội Việt Nam thống nhất nữa. đó là những yếu tố mà họ quyết tâm họ triệt hạ. Đối với bên Dòng Mến Thánh Giá và Nhà thờ Thủ Thiêm thì nó chỉ về giá trị vật chất, tài sản thôi. Cho đến bây giờ thì chưa thấy dấu hiệu gì cho thấy họ sẽ thu hồi hai nơi đó cả.”
Hòa thượng Thích Không Tánh đảm nhiệm chức vụ Phó viện trưởng Hội đồng Điều hành Tăng đoàn Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, kiêm Tổng ủy viên Từ thiện - Xã hội nên ông thường tiến hành những hoạt động từ thiện giúp đỡ cho thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Ông cũng thường giúp đỡ bà con dân oan, trẻ em ung bướu…
Trong thời gian qua, một số tổ chức xã hội dân sự cũng đến gặp nhau tại cơ sở chùa Liên Trì.
Cái quyết tâm triệt hạ chùa Liên Trì là họ muốn xoá đi một ngôi chùa mà đối với họ là một cái gai.
- Linh mục Đinh Hữu Thoại
Bên cạnh lý do như đã nói, thì theo Linh mục Đinh Hữu Thoại, còn có sự khác biệt giữa sự việc năm 2015 đối với Dòng Mến Thánh Giá và biến cố ngày 8 tháng 9 vừa qua của Chùa Liên Trì.
“Đó là vì cơ sở họ đã chiếm và họ muốn chuyển sang một mục đích khác. Cho nên các sơ phản ứng và không muốn họ đụng đến cơ sở đó. Không phải là vấn đề giải toả nhà dòng đang hiện hữu. Nó khác nhau. Đó là ngôi trường của các sơ, họ lấy làm trường. Sau đó không làm trường nữa nhưng không trả. Rồi vì vấn đề giải toả nên UBND cũng đi nên họ muốn chiếm khu đó làm chuyện khác nên họ đưa máy ủi vô. Các sơ ngăn chặn nên mới có biến cố tháng 10 năm ngoái.”
Những người quan tâm đất đai của những cơ sở tôn giáo còn lại tại Thủ Thiêm như linh mục Đinh Hữu Thoại đều hy vọng sẽ không có cưỡng chế, san bằng như vụ chùa Liên Trì vừa qua. Họ lập luận rằng ‘khu đô thị mới thì cũng cần những nơi dành cho tín đồ, giáo dân đến nguyện cầu, sinh hoạt sau những chuỗi ngày vất vả mưu sinh’.