Có gì khác khi Lực lượng tác chiến không gian mạng về Bộ Quốc phòng?

0:00 / 0:00

Bình mới rượu cũ?

Việt Nam có động thái tập trung đầu mối trong biện pháp được gọi là ‘tác chiến không gian mạng’ về cho quân đội. Động thái này được giới quan tâm đánh giá ra sao?

Tại Hội nghị Đại biểu thảo luận về Luật An ninh mạng diễn ra vào ngày 4 tháng 4 tại Hà Nội, đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tuyên bố “Phòng chống chiến tranh mạng và tác chiến không gian mạng phải do Bộ Quốc phòng chủ trì”.

Giải thích về tuyên bố của mình, Ông Đỗ Bá Tỵ cho rằng, Bộ Quốc phòng có đầy đủ chiến lược về tác chiến, khi có chiến tranh không gian mạng xảy ra thì tất cả thành phần trong tổ hợp chung phải do Bộ Quốc phòng chủ trì, chứ không phải chỉ có vấn đề liên quan đến quân sự thì Bộ Quốc phòng mới chủ trì, còn đối tượng khác do Bộ Công an đảm nhiệm.

Sở dĩ có chồng chéo này là trước đây Việt Nam từng thành lập nhiều bộ phận an ninh mạng công khai lẫn bí mật. Cho đến cuối năm 2017, đầu năm 2018 chính phủ Việt Nam công khai thừa nhận những đơn vị như Cục An ninh Mạng thuộc Bộ Công an, Bộ tư lệnh tác chiến không gian mạng hay Lực Lượng 47 thuộc Bộ Quốc phòng thành lập với quân số tới 10.000 người.

Nhận định về việc Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng chính thức về trực thuộc Bộ Quốc phòng , nhà báo Võ Văn Tạo, một người am hiểu tình hình Việt Nam cho biết:

Theo mình quan sát thì mình thấy đây là một cái cách tạm gọi là bình mới rượu cũ thôi, cái chuyện họ đưa lực lượng tác chiến không gian mạng do bộ công an quản lý hay bộ quốc phòng quản lý cũng như nhau thôi.<br/>-Hoàng Ngọc Diêu

“Chưa thấy chi tiết nào cho thấy tập trung hết đầu mối về bên quân đội, lâu nay thì bên công an cũng làm từ trước rồi. Tôi cho rằng đây chẳng qua là tăng cường thêm cho phía quân đội thôi, chứ còn công an người ta vẫn làm chức năng lâu nay của người ta.”

Ngoài việc đàn áp các tiếng nói đối lập trên mạng internet, các cơ quan an ninh mạng này cũng đã phá nhiều vụ án lớn như vụ phát hiện đường dây đánh bạc trên internet với quy mô lên tới hàng ngàn tỷ đồng do hai ông Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương cầm đầu. Vụ án này khiến ông Phan Văn Vĩnh, nguyên Trung tướng Tổng cục trưởng Cảnh sát thuộc Bộ Công an bị khởi tố và bắt tạm giam về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và ông Nguyễn Thanh Hóa, nguyên Thiếu tướng Cục trưởng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao C50 cũng bị bắt và khởi tố về tội tổ chức đánh bạc.

Tuy nhiên, chính phủ Việt Nam cũng thừa nhận gặp nhiều khó khăn trong việc đối phó tội phạm mạng. Theo Bộ Công an Việt Nam, chỉ trong nửa đầu 2017, toàn lãnh thổ Việt Nam có hơn 4.600 trang web bị tin tặc tấn công hoặc chiếm quyền điều khiển. Nếu tính tổng cộng tất cả các cuộc tấn công mạng trong nam 2017, Việt Nam bị tổn thất gần 543 triệu đô la Mỹ.

Cuối tháng 7 năm 2017, hãng Vietnam Airlines bị tấn công tin tặc với màn hình ở các sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất bị mất quyền điều khiển giao diện và hiển thị nội dung đả kích Việt Nam và Phillipines.

Ảnh minh họa tin tặc.
Ảnh minh họa tin tặc. (AFP PHOTO)

Hiện có rất ít thông tin về, nhiệm vụ, phương thức hoạt động… của Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng. Nhận xét về cơ quan này, ông Hoàng Ngọc Diêu, một chuyên gia công nghệ thông tin sống tại Úc, từng làm việc tại Việt Nam cho biết:

“Theo mình quan sát thì mình thấy đây là một cái cách tạm gọi là bình mới rượu cũ thôi, cái chuyện họ đưa lực lượng tác chiến không gian mạng do bộ công an quản lý hay bộ quốc phòng quản lý cũng như nhau thôi. Bởi vì mục tiêu họ đưa ra rất là rõ là họ chuẩn bị tác chiến với những kẻ chống lại đảng và nhà nước, thì nó mang tính chất chính trị của nội bộ của nước Việt Nam, chứ nó không cùng tính chất tác chiến trên mạng để chống tin tặc như những quốc gia khác như Hoa Kỳ, Úc Đại Lợi, Canada hay Tân Tây Lan… Cho nên mình thấy cái đó mang tính hình thức hơn là thực chất.”

Hiệu quả hoạt động?

Ông Hoàng Ngọc Diêu cũng cho biết độ bền vững của cơ sở hạ tầng của không gian mạng hiện nay của Việt Nam rất là yếu kém, vì vậy theo ông, nếu chuyển cho quân đội hay công an nắm giữ thì cũng không khác biệt gì.

Nhà báo Võ Văn Tạo cũng cho rằng Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng chưa chắc sẽ hoạt động hiệu quả, ông nói thêm:

“Việc thành lập lực lượng tác chiến trên không gian mạng của Bộ Quốc phòng thì nó sẽ chẳng hiệu quả bao nhiêu đâu. Vì thường anh em bộ đội, dư luận viên nhiều khi không có trình độ, phát biểu ba lăng nhăng, tôi cho rằng nhiều khi còn phản tác dụng. Nhưng mà ở Việt Nam, có một cái khá phổ biến là các ngành, các cấp lâu lâu vẽ ra cái này cái khác để chủ yếu moi tiền ngân sách, tiền dân nộp thuế.”

Ở Việt Nam, có một cái khá phổ biến là các ngành, các cấp lâu lâu vẽ ra cái này cái khác để chủ yếu moi tiền ngân sách, tiền dân nộp thuế.<br/>-Võ Văn Tạo

Tuy nhiên blogger Trương Duy Nhất lại có suy nghĩ khác về việc này:

“Bộ Quốc phòng thành lập Bộ tư lệnh, một binh chủng đàng hoàng. Cái đó cho thấy một cuộc huy động bắt đầu tổng lực. Chính quyền đang lo lắng có sự bất an nào đó trong không gian mạng và huy động tổng lực không chỉ trên mặt trận tư tưởng trước đây mà kể cả Bộ Quốc phòng và Bộ Công an cũng vào cuộc để tấn công.”

Ông Hoàng Ngọc Diêu cho biết thêm:

“Nếu xét về mặt kỹ thuật thì bên quân đội họ được huấn luyện có vẻ kỹ lưỡng hơn bên công an. Nhưng mà nếu xét về mục tiêu họ đối phó đúng theo tin thần của những bài báo là họ đối phó với những lực lượng chống đảng và nhà nước, thì phần lớn những người tạm gọi là “chống phá” lại là những người bên phía dân sự, những người bất đồng chính kiến cũng là phía dân sự. Thí dụ như họ bắt giữ một người “chống phá” đảng nhà nước thì làm sao đem quân đội để bắt một cá nhân dân sự được, họ chỉ có thể dùng công an để bắt người bên dân sự.”

Chính quyền Việt Nam tăng cường kiểm soát internet, kêu gọi kiểm soát chặt chẽ hơn các mạng xã hội và xóa bỏ nội dung mang tính công kích. Trước lo ngại về việc ngăn cản các tiếng nói phản biện trên mạng internet khi lực lượng tác chiến an ninh mạng về bộ quốc phòng, ông Võ Văn Tạo nói:

“Tôi nghĩ rằng sẽ có ảnh hưởng chứ, họ sẽ sử dụng các biện pháp kỹ thuật có thể gây khó khăn cho các nhà hoạt động, các cây bút phản biện. Ví dụ như họ dùng các kỹ thuật như ‘report’, làm giả những người phản đối và họ rất đông, trong khi mạng xã hội phổ biến hiện nay như facebook thì rất máy móc, cứ nhiều người báo cáo thì họ ngắt cái trang của người bị báo cáo. Thế thì bây giờ họ tăng cường lực lượng thì nó cũng sẽ có tác dụng chút đỉnh.”

Ông Hoàng Ngọc Diêu thì cho rằng việc này chỉ mang tính răn đe:

“Thay vì để cho Bộ công an quản lý thì chuyển cho Bộ quốc phòng quản lý để làm cho ra vẻ to lớn, nghiêm trọng và thật sự mang tính răn đe cho người dân trong nước đặt biệt là những người dân không biết được cái tính chất ở bên trong như thế nào? Họ có thể sẽ nghĩ nâng tầm lên Bộ quốc phòng chắc là ghê gớm lắm.”

Một bạn trẻ không muốn nêu tên cũng nói lên suy nghĩ của mình về việc này:

“Theo tôi nghĩ nếu từ công an qua quân đội thì nó sẽ lên một cấp bậc mới cao hơn, thì chắc chắn nó sẽ khó hơn nữa, nó sẽ làm khó mình hơn nữa. Với người thân của tôi ở Việt Nam thì họ im lặng để cho qua chuyện, không ai muốn phiền phức.”

Theo ông Hoàng Ngọc Diêu, những tiểu xảo của chính phủ Việt Nam để kiểm soát người dân sử dụng mạng xã hội, hoặc ngăn cản những tiếng nói phản biện, thì sẽ không thật sự làm thay đổi mà chỉ mang tính răng đe, làm cho những người không nắm rõ thông tin cảm thấy e dè mà thôi.