Nghịch lý: người vi phạm được thăng chức!
Nhiều cán bộ huyện, tỉnh Bắc Giang có sai phạm liên quan đến Dự án Di dân tái định cư xây dựng Trường bắn Quốc gia khu vực 1 vào năm 2011 vẫn được thăng chức.
Cụ thể, dù đã có kết luận sai phạm của Thanh tra chính phủ đối với các cán bộ thực hiện dự án từ năm 2012, nhưng ông Bùi Văn Hạnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện dự án của tỉnh lúc bấy giờ lại được thăng chức Phó chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang; còn ông La Văn Nam vào năm 2011 giữ chức Phó chủ tịch UBND huyện, kiêm Trưởng Ban Bồi thường hỗ trợ huyện Lục Ngạn hiện làm Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn.
Trong khi đó, những người dân do không được bồi thường thỏa đáng nên đã trở về đất cũ trồng cây, canh tác do có xô xát với người đến đào vàng và lực lượng chức năng nên đã bị bắt giữ, xử lý hình sự và kết án tù về tội Gây rối trật tự công cộng.
Trao đổi với RFA vào tối ngày 12/5, Nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang nhận xét như sau:
“Chuyện này ở Việt Nam bình thường, nhiều lắm, sai phạm mà cứ thăng chức vèo vèo. Cán bộ khác mà, ngay ông Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ đã nói rồi: ‘dân sai dân chịu trách nhiệm trước pháp luật, cán bộ sai phải rút kinh nghiệm’. Ông có sai mà lên chức cũng không là chuyện đáng ngạc nhiên ở Việt Nam. Cũng có những trường hợp bị xử lý thật sự. Dù sao so với người dân vẫn không nghiêm khắc lắm, vẫn nhẹ, giơ cao đánh khẽ thôi.”
Dưới góc nhìn luật pháp, Luật sư Ngô Anh Tuấn lại cho rằng:
“Thực tế pháp luật không có ưu tiên với người nào cả, mọi công dân đều ngang bằng như nhau dù là quan chức hay nguời dân. Tuy nhiên có những cái lệ mà ta không vượt qua được, thêm nữa là những quy định riêng đặc biệt đối với đảng viên. Từ những điều đó khiến người ta có phân biệt đối xử đối với các bị can bị cáo hoặc các đối tượng tình nghi trong việc này khi họ đương chức, đương nhiệm hoặc là đảng viên thì có sự ưu ái nhất định. Chứ pháp luật, Bộ luật Hình sự hoặc các luật khác không có quy định nào riêng biệt, không có ưu tiên nào.”
Các cử tri ở TPHCM hôm 12/5 đã đề nghị cần sớm kỷ luật, không nương tay, bao che những sai phạm của cựu Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải và cựu Phó Bí thư Thường trực Tất Thành Cang.
Trong đó, ông Lê Thanh Hải, cựu chủ tịch UBND TPHCM nhiệm kỳ 2001- 2006, được xem là người khởi đầu cho những sai phạm nghiêm trọng trong quá trình triển khai thực hiện dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm mà gần 20 năm qua vẫn chưa giải quyết ổn thỏa cho người dân nơi đây.
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2006 – 2016, phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy.
Kết luận vừa nêu nhận được nhiều đồng tình từ phía công luận, tuy nhiên cần có biện pháp mạnh hơn đối với sai phạm mà ông Lê Thanh Hải gây ra, như lời nhà báo Võ Văn Tạo:
“Trường hợp ông Lê Thanh Hải theo quan điểm của tôi không chỉ là kỷ luật, phải lôi ông ra tòa truy tố vì tội ông gây ra là rất lớn đối với người dân Thủ Thiêm. Tôi không hiểu vì sao đến giờ phút này ông Hải chưa bị khởi tố hình sự về chuyện sai phạm trong quản lý đất đai nhà nước, ông Hải đã đành, còn một loạt ông khác cũng liên quan. Tôi thấy đó là chuyện lạ lùng.”
Còn theo Luật sư Ngô Anh Tuấn, việc ông Lê Thanh Hải chưa bị khởi tố có thể là do phía thành phố muốn để ông Hải hoặc những người sai phạm cùng ông khắc phục hậu quả.
“Đến lúc này trên thực tế ông bị vô hiệu hóa một số công việc ông làm thì vấn đề xử lý ông chỉ là vấn đề thời gian chứ chắc chắn không tránh khỏi. Nói như dân gian thì có khả năng bị ‘vào lò’ rồi. Vấn đề sớm muộn thôi chứ trường hợp này quá lộ, quá rõ rồi không thể không xử lý được. Việc khởi tố hình sự chỉ là sớm hay muộn thôi.”

Dưới quan điểm cá nhân, Nhà hoạt động đất đai Cấn Thị Thêu với kinh nghiệm bản thân từng 2 lần bị tù vì đứng lên đòi hỏi quyền lợi cho dân oan Dương Nội cho rằng việc xét xử kể cả sai phạm của các quan chức nhà nước trong Dự án Di dân tái định cư xây dựng Trường bắn Quốc gia ở Bắc Giang hay trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm đều chỉ mang tính hình thức:
“Hiện tại luật pháp Việt Nam phải nói là vô pháp chứ không phải tuân theo luật pháp gì. Tất cả sự việc liên quan đến quyền lợi của dân thì các quan chức cứ tự do cướp bóc, khi người dân đứng lên bảo vệ quyền lợi của mình thì thường bị quan chức đàn áp, ghép vào tội gây rối, chống phá hoặc chống người thi hành công vụ rồi họ bắt tù, tra tấn, đàn áp rất nhiều để họ cướp đi tư liệu sản xuất của người dân. Còn quan chức cứ tự do cướp bóc của dân nhưng khi sự việc vỡ lở thì tất cả hệ thống công quyền bao che cho nhau rất nhiều, nương nhẹ. Ở Việt Nam thật sự không có công bằng, thiệt thòi, bất công là người dân phải gánh chịu.”
Nhận xét về thực trạng các quan chức sai phạm bị xử lý trong thời gian gần đây, Luật sư Ngô Anh Tuấn cho rằng tất cả chỉ là một số nhỏ trong phần nổi của tảng băng:
“Những người bị xử lý thường là những người sắp không còn chức quyền hoặc đi ngược lại, trái với nhóm lợi ích hoặc không nằm trong nhóm lợi ích mới bị xử lý. Còn thực trạng vi phạm vẫn tràn lan khắp nơi. Nhưng sau khi bị xử lý thì các đối tượng vi phạm sẽ thay đổi phương án làm việc, cách thức vi phạm sẽ khác đi, sẽ khôn ngoan hơn và có tính tổ chức, kỷ luật cao hơn. Tôi thấy việc xử lý không làm giảm, xử lý như chúng ta là kiểu bắt cóc bỏ dĩa nên không xử lý được căn nguyên căn bệnh nên chỉ chuyển từ hình thức vi phạm này sang hình thức khác chứ không giải quyết triệt để vấn đề.”
Trong phiên họp thứ 12 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tại Hà Nội vào ngày 31/7/2017, ông Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lúc bấy giờ thể hiện quyết tâm chống tham nhũng qua chiến dịch ‘đốt lò’ được ông lần đầu nhắc đến.
Trong những năm qua, hàng loạt các phiên xử những quan chức cấp cao đã diễn ra và được báo chí thông tin rộng rãi đến công chúng.
Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát tình hình trong nước bày tỏ lo ngại chiến dịch này đang có diễn biến chậm lại thời gian gần đây.
Vì vậy, nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu chiến dịch chống tham nhũng vẫn đang cầm chức mà tình trạng vẫn như thế thì ai dám chắc rằng sắp tới ông nghỉ do lớn tuổi mà người kế nhiệm có thể duy trì được tinh thần đó?
“Tôi thấy nhất định tương lai việc xử lý không nghiêm túc, không đầy đủ, có người bị xử, có người không bị xử, xử nhẹ hoặc không xử chắc chắn sẽ vẫn còn, không thể hết được, thậm chí còn nặng hơn bây giờ!”
Trong những ngày này, công luận tiếp tục phản đối hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân Dân Tối Cao khi y án tử tù Hồ Duy Hải dù thừa nhận có sai sót trong quá trình điều tra. Theo người dân, những người ‘cầm cân, nảy mực’ không vì công lý, sự thật thì khó ngăn chặn được sự vi phạm của viên chức thực thi pháp luật, những người có chức quyền trong xã hội.