Nhiều vụ việc gần đây cho thấy đối tượng chính trong giáo dục là các em học sinh bị xúc phạm, bị đối xử không công bằng trong môi trường học đường. Trách nhiệm một lần nữa bị cho là do các cấp lãnh đạo.
Mới đây, mạng xã hội xôn xao thông tin một số phụ huynh có con em học lực yếu, kém đang học lớp 9 tại Hà Nội đã bị giáo viên chủ nhiệm yêu cầu phải chuyển trường hoặc làm cam kết không dự thi vào lớp 10. Sáng 20 tháng 4, Phòng GD-ĐT Cầu Giấy báo cáo kết quả xác minh: “Các trường không có chủ trương yêu cầu các học sinh học không tốt phải chuyển trường và không thi vào lớp 10 THPT”.
Theo truyền thông Nhà nước, vào thời điểm học sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi lớp 10 hàng năm, nhiều phụ huynh lại khiếu nại chuyện bị giáo viên vận động, ép buộc không cho con mình được dự thi vào lớp 10. Thậm chí có năm, theo thống kê, có tới hơn 500 học sinh tốt nghiệp THCS ở một quận không tham gia thi. Sở GD-ĐT Hà Nội năm 2016 đã phải ra quy định, nếu không đăng ký dự thi vào lớp 10 thì cần có đơn tự nguyện của cha mẹ học sinh. Để đối phó, giáo viên khuyên phụ huynh viết đơn xin tự nguyện cho con không tham gia thi vào lớp 10 công lập mà chuyển sang trường nghề.
Thầy cô giáo là những tấm gương để tụi nhỏ học theo. Nếu thầy cô giáo cư xử không đúng mà tụi nhỏ học theo lại nghĩ là đúng thì rất nguy hiểm. Là phụ huynh, tôi hoàn toàn không đồng ý cách dạy trẻ như vậy. Tôi nghĩ những thầy cô này không nên tồn tại trong môi trường giáo dục nữa. - Bà Phương, phụ huynh
Bà Phương, một phụ huynh có con học lớp 8 nói với RFA quan điểm của bà:
“Tôi có một đứa con. Theo tôi, học sinh là những đứa trẻ tâm hồn non nớt nên nó sẽ học từ những chuyện xảy ra chung quanh nó hàng ngày, đặc biệt trong trường lớp. Thầy cô giáo là những tấm gương để tụi nhỏ học theo. Nếu thầy cô giáo cư xử không đúng mà tụi nhỏ học theo lại nghĩ là đúng thì rất nguy hiểm. Đó là chuyện thứ nhất. Chuyện thứ hai, thầy cô tát học sinh là dạy cho trẻ bạo động, hiếp đáp người yếu và xúc phạm trẻ. Trẻ ra đời cũng sẽ cư xử vậy với người khác. Là phụ huynh, tôi hoàn toàn không đồng ý cách dạy trẻ như vậy. Tôi nghĩ những thầy cô này không nên tồn tại trong môi trường giáo dục nữa.”
Chuyện ngăn cản học sinh thi vào lớp 10 chưa nguôi thì lại có chuyện một phó hiệu trưởng ở Cà Mau phát hiện học sinh lớp 12 mang thức ăn vào lớp học nên yêu cầu ra ghế đá ngoài sân ăn. Trên đường đi ra ghế đá, hai học sinh nam quăng thức ăn đi và bị thầy hiệu phó bắt lượm lại ăn. Trước đó, một thầy giáo ở Trà Vinh xin tạm ngưng đứng lớp do bị tố xâm hại nhiều nam sinh; một thầy giáo ở Trà Vinh dùng hai tay tát liên tiếp vào mặt, vào đầu một học sinh lớp 7 trong giờ học…
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa nói với RFA:
“Tôi có theo dõi các vụ việc này. Thực sự mà nói, những chuyện đó đúng là đã xảy ra, và có những vụ việc nghiêm trọng hơn nữa nhưng báo chí không biết hoặc là cơ quan chức năng né tránh hoặc trả lời sai sự thật.
Vụ không cho học sinh học lực yếu hoặc trung bình thi vào lớp 10 hoặc thi đại học từng xảy ra rất lâu. Nó xuất phát từ nguyên nhân thi đua của lãnh đạo sở hoặc từ các phòng giáo dục. Đáng lẽ phải xử lý từ khâu thi đua, tuy nhiên, nhà giáo giẫm đạp lên quyền lợi của học sinh, dồn học sinh vào đường cùng một cách rất tàn bạo chỉ vì những cái thi đua đó. Các nhà giáo đó rất tồi về mặt nhân cách.
Vụ ở Cà Mau thì thầy giáo chỉ nên nhắc nhở học sinh chứ không nên hành xử một cách sỉ nhục học sinh. Như vậy là quá đáng. Nó xuất phát từ các cấp lãnh đạo, cho nên nếu lãnh đạo nghiêm minh thì tệ nạn sẽ hết, còn nếu cứ trí trá, bảo vệ nhau thì cái xấu, cái ác vẫn tồn tại."

Theo nhà giáo Đỗ Việt Khoa, để chấm dứt những vụ việc vô đạo đức từ chính những người trong ngành giáo dục thì có nhiều biện pháp. Nhưng thực sự ở Việt Nam, có những vụ phải hàng trăm bài báo, hàng ngàn bài viết lên tiếng thì mới xử lý được tệ nạn nào đó. Điều đó chứng tỏ sự ngang ngược, thách thức dư luận, thách thức sự thật, thách thức công lý của các cấp lãnh đạo.
Luật sư Đặng Trọng Dũng nhận định:
“Tôi nghĩ cái nền giáo dục của Việt Nam với những biểu hiện muôn hình muôn vẻ xấu xí như hiện nay, không năm nào, không tháng nào không có những vụ việc xảy ra làm đau lòng cho những người trong và ngoài nước quan tâm đến giáo dục. Đây rõ ràng là lỗi về nền đạo đức của xã hội xuống cấp.
Không một ông bộ trưởng giáo dục nào, không một thầy cô giáo muốn thấy như vậy cả. Nó vi phạm về mặt đạo đức, vi phạm về chính sách, đường lối, cả cách đối xử giữa con người với nhau, với đối tượng chính trong giáo dục là các em học sinh. Việc để cho một nền giáo dục suy sụp đến mức thấp nhất từ trước đến nay cho thấy sự tùy tiện và coi thường luật pháp, kỷ cương, đạo đức con người của các nhà quản lý.
Đối với xã hội này, phải nói là những người quản lý giáo dục là những người làm hỏng nền giáo dục rất nhiều. Phải xem xét lại họ vì họ là những người nhận lệnh của cấp trên rồi đặt ra những chỉ tiêu để thi đua lập thành tích. Nó làm hỏng môi trường giáo dục rất nhiều. Thành ra, tôi đề nghị trong kỳ họp sắp tới, đại biểu Quốc hội phải mang vấn đề giáo dục ra mổ xẻ tận gốc.”
Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo hiện nay là ông Nguyễn Kim Sơn. Hai ngày sau khi được bổ nhiệm chức vụ này, ông Sơn có thư gởi tới các thầy cô giáo, công chức viên chức, người lao động trong ngành giáo dục trong cả nước. Ông Sơn cho rằng đường lối đổi mới do Đảng lãnh đạo và chỉ hướng đã thật rõ ràng, vấn đề là cách làm. Ông mong mọi người cùng nhau chung sức, tập hợp trí tuệ, đồng tâm hiệp lực để làm cho giáo dục ngày càng tốt thêm lên.
Tôi nghĩ cái nền giáo dục của Việt Nam với những biểu hiện muôn hình muôn vẻ xấu xí như hiện nay. Không năm nào, không tháng nào không có những vụ việc xảy ra làm đau lòng cho những người trong và ngoài nước quan tâm đến giáo dục. Đây rõ ràng là lỗi về nền đạo đức của xã hội xuống cấp. Thành ra, tôi đề nghị trong kỳ họp sắp tới, đại biểu Quốc hội phải mang vấn đề giáo dục ra mổ xẻ tận gốc. - Luật sư Đặng Trọng Dũng
Trước đây, khi ông Nguyễn Thiện Nhân lên nắm chức Bộ Trưởng Bộ Giáo dục, ông Nhân tuyên bố chống bệnh thành tích nhưng bệnh thành tích ngày càng nặng nề hơn. Ông nói chống tiêu cực trong ngành giáo dục thì tiêu cực ngày càng nặng hơn.
Theo một số chuyên gia trong ngành giáo dục, với một thể chế như hiện nay thì một bộ trưởng có tâm huyết cũng không thể làm được gì mà cần phải có sự đồng lòng của cả một hệ thống. Suy cho cùng, đó là việc của Đảng vì cả hệ thống giáo dục phải nghe theo sự chỉ đạo của Đảng. Đây là lỗi của cả hệ thống nên khó có thể quy trách nhiệm cho một cá nhân nào đó.
PGS-TS Hoàng Dũng từng nhận định với RFA”
“Với một thể chế như thế này thì chỉ có thể làm việc tốt hơn một chút, chứ còn để nó trở thành một bước ngoặc để thay đổi nền giáo dục rõ ràng thì cái đó là chuyện khó lắm. Đó là việc cả một đảng phải lo mà làm, chứ không phải việc của riêng ông Giáo dục.
Một mặt họ tuyên bố rằng phải dạy sao cho học trò mài sắc được tư duy phản biện, nhưng một mặt thì lại đưa Chủ nghĩa xã hội vào như là một cái bắt buộc phải giảng dạy, bắt buộc phải thấm nhuần. Những cái đó mâu thuẫn nhau mà muốn gỡ thì Bộ trưởng không gỡ được.”
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn từng thừa nhận, giải quyết những vướng mắc trong giáo dục hiện nay không thể một sớm một chiều mà phải cần thời gian, tất cả phải làm cùng lúc, hài hòa. Đó chính là thách thức. Kỳ vọng đối với giáo dục là một áp lực rất lớn.