Chức sắc tôn giáo bất đồng bị sách nhiễu

0:00 / 0:00

Nhiều chức sắc tôn giáo không theo phái nhà nước tại Việt Nam lâu nay bị sách nhiễu, bị đàn áp.Và tình trạng đó tiếp tục diễn ra.

Trường hợp mới nhất được ghi nhận là đối với ông Hứa Phi, Chánh trị sự Trưởng Khối Nhơn Sanh Cao Đài Chơn Truyền tại Lạc Dương, Lâm Đồng. Ông này cho biết bị đấu tố, bị ép lên gặp công an làm việc vào những ngày đầu năm 2018 vừa qua với lý do sau:

“Chung qui là do đạo Cao Đài quốc doanh do đảng cộng sản dựng lên để điều khiển đạo Cao Đài, nên tôi phản đối, họ đưa ra đấu tố tôi khiếm diện.”

Theo Chánh trị sự Hứa Phi, từ ngày 12 tháng 1 năm đến ngày 28 tháng 1 năm 2018, ông đã nhận tổng cộng 7 giấy mời và giấy triệu tập yêu cầu ông lên gặp công an để trả lời việc đã “xúc phạm dân tộc và cung cấp tin tức không đúng sự thật”, nhưng ông đã từ chối không đi gặp vì cho rằng lý do họ nêu trên tất cả các giấy mời là sai.

Không dừng lại ở đó, họ dùng hình thức ép buộc ông phải lên công an làm việc:

“Tôi thấy sai vì người ta nói tôi phát ngôn xúc phạm dân tộc Việt Nam. Tất cả các giấy (mời) đều ghi như vậy.

Đến ngày 29 tháng 1 năm 2018, công an huyện Đức Trọng đem taxi đến buộc tôi phải lên công an làm việc. Tôi là một công dân nên người ta áp lực quá tôi phải đi. Lên trên đó thì họ nói tôi đã trả lời trên phương tiện truyền thông quốc tế 29 lần, gặp gỡ các phái đoàn quốc tế 26 lần nên tôi phải làm việc với ông.”

Ông cũng cho biết thêm là trong buổi làm việc có 8 công an tỉnh, 4 công an huyện, và một số công an xã. Một mình ông phải làm việc với chừng đó công an nên ông cảm thấy rất áp lực, và ông đã bị xỉu, họ lập tức dùng xe taxi đưa ông trở về nhà.

Chúng tôi gọi điện thoại liên lạc với công an huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng để hỏi sự việc như trình bày của ông Hứa Phi. Tuy nhiên điện thoại bị chuyển sang chế độ nhận fax. Hai lần sau đó thì bên phía công an không nghe máy.

Bên cạnh chuyện chức sắc đạo Cao Đài không theo phái nhà nước lập nên bị đàn áp, sách nhiễu như trường hợp ông Hứa Phi tại Lạc Dương, Lâm Đồng; một số vị thuộc các tôn giáo khác cũng gặp đối xử tương tự. Đơn cử như các mục sư Hội Thánh Tin Lành tư gia và ngay cả chức sắc những giáo hội Phật Giáo, Công Giáo nếu họ công khai lên tiếng về các vấn đề xã hội, chính sách của Đảng và Nhà Nước.

Tình trạng đàn áp đôi khi cũng nhằm vào các dịp lễ của đạo. Ông Nguyễn Văn Điền, một cư sĩ Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Túy ở An Giang cho biết:

“Khi mà trong đạo có những ngày hội họp hoặc ngày lễ thì họ mới thẳng tay đàn áp, còn bình thường thì cũng không có gì.”

Và cách đàn áp của chính quyền có thể là "bắt bớ, ngăn chặn không cho mình đi lại, có thể họ bao vây nhà cửa hoặc dùng vũ lực để đánh đập. Những điều đó thường xuyên xảy ra."

Dù bị đàn áp, bị đánh đập nhưng qua cách nói chuyện, chúng tôi không hề cảm nhận sự hận thù nơi họ, mà điều họ mong ước là một ngày mai tốt đẹp hơn cho người Việt Nam trên đất nước Việt Nam như lời trần tình của Chánh Trị Sự Hứa Phi:

“Chủ thuyết cộng sản là chủ thuyết vô thần. Mặc dù hôm nay chúng tôi bị đàn áp nhưng chúng tôi tin tưởng rằng Đấng thiêng liêng sẽ phù hộ cho tất cả những người đấu tranh cho lẽ phải. Và Đức Chúa, Đức Phật, Đức Kito sẽ ban bố hồng ân cho những người cộng sản cảnh tỉnh quay về với dân tộc Việt Nam để dân tộc Việt Nam bớt đau khổ.”

Hiến Pháp Việt Nam qui định người dân có quyền tự do tín ngưỡng. Quan chức Việt Nam khi phát biểu trước cộng đồng quốc tế luôn thừa nhận điều đó; tuy nhiên trong thực tế nếu bất cứ ai không thuận theo Nhà Nước thì quyền tự do hành đạo của họ sẽ bị xâm phạm với những cáo buộc mà người trong cuộc cho là ngụy tạo.