Không đồng ý với phương án bồi thường khi nhà nước thu hồi đất, bà Phạm Thị Đạt đã đi kêu cứu khắp nơi. Thế nhưng khi chưa thuyết phục được bà Phạm Thị Đạt nhận tiền bồi thường, thì phía Ban quản lý dự án hồ Suối Mỡ đã nhẫn tâm chặn dòng nước nhấn chìm ngôi nhà cùng toàn bộ tài sản của bà.
Đã không vì dân mà còn coi thường sinh mạng dân
Căn nhà nằm trên miếng đất diện tích khoảng 6.000 m2 của gia đình bà Phạm Thị Đạt ở thôn Bà Gò, xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang nằm trên con đường vào khu du lịch Suối mỡ, đây cũng là cửa hàng bán hàng của bà để nuôi con ăn học.
Năm 2008, UBND tỉnh Bắc Giang đã thu hồi đất để đầu tư xây dựng công trình hồ chứa nước Suối mỡ, thì tòan bộ nhà đất của bà Phạm Thị Đạt đều nằm trong khu vực phải giải tỏa mặt bằng. Dù không muốn chuyển đi nơi khác, vì sẽ ảnh hưởng đến việc kiếm sống của gia đình, nhưng bà Phạm Thị Đạt vẫn sẵn sàng tuân thủ các quy định của Nhà nước và pháp luật về giải phóng mặt bằng.
Hiện trạng bây giờ là nước ngập bên trên nóc nhà, toàn bộ nhà và đất ngập hết chẳng còn tý nào nữa bởi họ cho nhấn chìm hết. Ngập sâu trên nóc nhà 3 mét và tài sản cũng ngập hết rồi. Hiện tại nhà không có đất để ở...tôi phải làm tạm cái lều ở mép hồ để ở
bà Phạm Thị Đạt
Thế nhưng, theo văn bản quyết định phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì sự đền bù cho bà Phạm Thị Đạt với giá quá rẻ mạt so với giá thị trường. Cụ thể với giá hỗ trợ chỉ có 34.000 đồng/m2 đất, cho dù thửa đất đó có nguồn gốc hợp pháp, thuộc sở hữu của gia đình và là chỗ sinh sống duy nhất của hai mẹ con bà Đạt. Thế nhưng khi thu hồi đất, chính quyền địa phương đã không hề cấp một suất đất tái định cư nào hoặc hỗ trợ, tạo điều kiện giao cho bà Đạt một nơi ở, một chỗ sinh hoạt bình thường để ổn định cuộc sống theo đúng quy định của pháp luật.
Khi được hỏi về hoàn cảnh sống hiện tại của gia đình bà ra sao? Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Đạt cho biết:
“Hiện trạng bây giờ là nước ngập bên trên nóc nhà, toàn bộ nhà và đất ngập hết chẳng còn tý nào nữa bởi họ cho nhấn chìm hết. Ngập sâu trên nóc nhà 3 mét và tài sản cũng ngập hết rồi. Hiện tại nhà không có đất để ở, nhà cũng chẳng ra sao tôi phải làm tạm cái lều ở mép hồ để ở ”
Vì không đồng ý với phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, bà Phạm Thị Đạt đã phải vác đơn đi kêu cứu khắp nơi với mong muốn được giải quyết đúng những chính sách pháp luật về đất đai. Song từ năm 2008 đến nay, sau nhiều lần giải quyết, chính quyền địa phương chỉ đồng ý đền bù cho gia đình bà Đạt khoảng trên 300 triệu đồng theo mức giá đền bù năm 2008 và hoàn toàn không bố trí sắp xếp đất ở tái định cư theo quy định của pháp luật, mà để kệ gia đình bà Đạt tự thu xếp mua đất dựng nhà theo giá thị trường. Đáng tiếc là khi chưa thuyết phục được bà Phạm Thị Đạt nhận tiền bồi thường, phía Ban giải phóng mặt bằng, Ban Quản lý Dự án hồ Suối Mỡ đã nhẫn tâm cho chặn dòng nước với mục đích để nhấn chìm ngôi nhà và toàn bộ tài sản của hai mẹ con bà Đạt đang ở. Vì theo họ thì nếu khổ quá ở không được là phải chuyển đi nơi khác.
Gia đình tôi chưa chấp nhận một cái gì cả, vừa rồi gia đình có làm đơn gửi sang Tòa án nhưng chưa được giải quyết gì cả. Khi thông báo tháo nước vào họ chỉ bảo là nếu bà không chuyển thì chúng tôi cứ cho tháo nước vào...họ bảo cứ cho tháo nước vào, khổ quá ở không được là phải chuyển
bà Phạm Thị Đạt
Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Đạt nói:
“Gia đình tôi chưa chấp nhận một cái gì cả, vừa rồi gia đình có làm đơn gửi sang Tòa án nhưng chưa được giải quyết gì cả. Khi thông báo tháo nước vào họ chỉ bảo là nếu bà không chuyển thì chúng tôi cứ cho tháo nước vào. Người ta cũng đe dọa sẽ cưỡng chế, nhưng vì họ không đủ điều kiện cưỡng chế nên họ bảo cứ cho tháo nước vào, khổ quá ở không được là phải chuyển.”
Về pháp lý lẫn tình cảm đều bất hợp lý
Trả lời báo chí trong nước, ông Đặng Văn Nhàn - Phó Chủ tịch huyện Lục Nam thừa nhận sự việc nêu trên là đúng thực tế. Khi được hỏi về việc tại sao chính quyền địa phương lại đưa ra một quyết định có ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng người dân như thế thì ông Đặng Văn Nhàn cho biết lý do "do chỉ còn một mình nhà bà Đạt không nhận tiền nên Phòng NN&PTNT huyện đã chặn dòng để tiến hành thi công khu chứa nước hồ Suối Mỡ". Với lý do trên có thể thấy, lãnh đạo huyện Lục Nam đã phớt lờ sự an nguy đối với cuộc sống của người dân sống ngay giữa lòng hồ. Việc thẳng tay chặn dòng nước dẫn đến hậu quả toàn bộ diện tích đất nhà ở và vườn của bà Đạt bị phủ ngập trong biển nước là một hành động vô nhân đạo không thể chấp nhận được.
Chúng tôi trao đổi vấn đề này, với LS. Nguyễn Hữu Nghĩa, thuộc VP luật sư Minh Tâm, LS. Nguyễn Hữu Nghĩa cho rằng, nếu dựa trên những quy định của pháp luật về chính sách hỗ trợ, bồi thường, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất thì việc làm của UBND huyện Lục Nam đối với gia đình bà Đạt là chưa đúng. Đặc biệt, trong điều kiện hoàn cảnh gia đình nhà bà Đạt chỉ có chỗ ở duy nhất và thuộc diện gia đình có hoàn cảnh khó khăn thì việc không bố trí tái định cư là vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật. Trao đổi với chúng tôi, LS. Nguyễn Hữu Nghĩa nói :
Việc bồi thường, hỗ trợ và xử lý của UBND huyện Lục Nam vừa qua là chưa thỏa đáng và chưa đúng pháp luật...Xét về cả góc độ pháp lý, lẫn góc độ tình cảm đều chưa đúng và hoàn toàn bất hợp lý.
LS. Nguyễn Hữu Nghĩa
“Việc bồi thường, hỗ trợ và xử lý của UBND huyện Lục Nam vừa qua là chưa thỏa đáng và chưa đúng pháp luật . Đặc biệt, trong điều kiện hoàn cảnh gia đình nhà bà Đạt chỉ có 01 chỗ ở duy nhất, thuộc diện gia đình có hoàn cảnh khó khăn, lại đang nuôi con ăn học thì việc không bố trí tái định cư là vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật. Xét về cả góc độ pháp lý, lẫn góc độ tình cảm đều chưa đúng và hoàn toàn bất hợp lý.”
Cho dù vô vọng, song đến nay bà Phạm Thị Đạt cho biết gia đình bà sẽ tiếp tục khiếu nại để đòi hỏi sự công bằng để yêu cầu chính quyền địa phương phải giải quyết cho bà theo đúng trình tự và các quy định của pháp luật, trong việc giải quyết đền bù cho công dân trong trường hợp thu hồi đất để phục vụ cho các nhu cầu phát triển kinh tế và xã hội. Tuy nhiên theo bà Đat việc của gia đình bà không được xem xét giải quyết thỏa đáng, thậm chí còn bị đùn đẩy trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Trao đối với chúng thôi, bà Phạm Thị Đạt cho biết:
“Tôi sang Tòa thì họ bảo để ra Tết họ sẽ xem xét có giải quyết được hay không rồi sẽ trả lời. Họ bảo nếu mà không nhận tiền đền bù thì họ sẽ gửi tiền đền bù vào Ngân hàng theo giá đền bù từ năm 2008, vì thế gia đình tôi vẫn không chịu.”
Một chính quyền thực sự của dân, do dân, vì nhân dân thì không thể vô trách nhiệm và thờ ơ với sinh mệnh và tài sản của người dân. Việc làm thiếu trách nhiệm đẩy gia cảnh hai mẹ con một phụ nữ nghèo đến đường cùng, không có chỗ tá túc nương thân chắc chắn không phải là chính sách nhân đạo, vì dân của một nhà nước đối với những người có hoàn cảnh khó khăn bị thu hồi đất.