Không cho người nước ngoài biên soạn sách tiếng Anh: sai luật, sai cả nguyên tắc giáo dục

0:00 / 0:00

Trước thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo không đồng ý để người nước ngoài tham gia biên soạn sách dạy tiếng Anh, một số chuyên gia về luật và giáo dục trong nước cho rằng quyết định này sai về mặt luật pháp và nguyên tắc giáo dục.

Trả lời truyền thông trong nước hôm 13/1 vừa qua, ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết Bộ đã phải tham vấn rất nhiều cơ quan, ban ngành về tính pháp lý, vấn đề bản quyền sách nếu có người nước ngoài tham gia biên soạn. Do đó, Bộ sẽ chỉ công bố, phê duyệt những cuốn sách giáo khoa Tiếng Anh của tác giả người Việt và tham khảo các nguồn tài liệu có liên quan đến tính pháp lý, sở hữu bản quyền của các nhà xuất bản khác đúng theo thông lệ quốc tế. Còn người nước ngoài tham gia biên soạn sách Tiếng Anh, chiếu theo tinh thần của Thông tư 33 sẽ không được chấp thuận.

Khi tôi đọc Thông tư 33 tôi thấy không có điều khoản nào cấm người nước ngoài tham gia biên soạn sách giáo khoa. - LS. Nguyễn Văn Hậu

Chúng tôi có trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam để tìm hiểu về nội dung Thông tư 33 cũng như quyết định của Bộ Giáo dục – Đào tạo. Luật sư Hậu nhận định:

“Thông tư 33 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 22/12/2017. Đây là một thông tin nói về tiêu chuẩn và quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa, tiêu chuẩn tổ chức cá nhân biên soạn sách giáo khoa, cũng như tổ chức hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa. Khi tôi đọc Thông tư 33 tôi thấy không có điều khoản nào cấm người nước ngoài tham gia biên soạn sách giáo khoa. Đội ngũ biên soạn sách giáo khoa phải đáp ứng những tiêu chuẩn theo như thông tư nói: có trình độ đại học, có chuyên môn, có đầy đủ quyền công dân, có phẩm chất đạo đức, tư tưởng tốt. Việc đầy đủ quyền công dân là đầy đủ thế nào cần phải giải thích rõ. Ở đây không có từ nào nói cấm người nước ngoài biên soạn sách giáo khoa. Chúng ta phải hiểu rõ tinh thần của quy định này, chỉ có một số từ ngữ trong thông tư này cần được giải thích rõ hơn.”

Bên cạnh đó, Luật sư Hậu cũng cho rằng phát biểu của ông Thái Văn Tài không đúng về mặt pháp lý và cả Thông tư 33 khi nhắc đến ‘thông lệ quốc tế’:

“Theo thông lệ quốc tế khi sử dụng tác phẩm của người khác mình phải xin phép, thậm chí phải trao đổi với họ khi mình sử dụng những cái mà họ là tác giả. Luật Việt Nam cũng có riêng Bộ luật sở hữu trí tuệ, tôi nghĩ cái này chẳng có gì tranh chấp. Thậm chí như ở Singapore, đặc biệt là sách giáo khoa, nếu anh đến hỏi họ còn tạo điều kiện để anh đưa những kiến thức của mình về cho bản xứ của họ học. Tôi cho rằng nói như vậy là không hiểu tinh thần chính xác của Thông tư 33 và chẳng có gì tranh chấp pháp lý về sở hữu bản quyền vì Việt Nam có luật riêng này rồi, vấn đề chỉ cần xử lý đúng luật là xong.”

Trao đổi với Đài Á Châu tự Do, Thạc sĩ Đinh Gia Hưng, giảng viên môn tiếng Anh tại Đại học Đà Nẵng cho biết ông không đồng ý với chủ trương này của Bộ Giáo dục:

Học sinh đọc sách lớp 1.
Học sinh đọc sách lớp 1. (RFA)

“Nguyên tắc việc soạn một chương trình ngoại ngữ là phải đảm bảo văn hóa nước đó, nước mà chúng ta học ngôn ngữ. Đặc thù chương trình ngoại ngữ như vậy cần được kết hợp bằng chương trình hỗn hợp giữa chuyên gia trong nước và nước ngoài. Nguyên tắc để biên soạn chương tình ngoại ngữ phù hợp với Việt Nam và phù hợp với thế giới phải đảm bảo những yếu tố về văn hóa, ngôn ngữ, những đặc điểm khác nên không thể thờ ơ, không thể thiếu sự tham gia của người bản địa nước ngoài.”

Ông Thái Văn Tài vào ngày 13/1 vừa qua cũng cho biết thêm rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chuẩn bị những bước cuối cùng để công bố những sách giáo khoa tiếng Anh không có tác giả là người nước ngoài.

Theo đó, trong số 6 bản mẫu sách giáo khoa tiếng Anh lớp 1 được đánh giá đạt trong đợt đầu tiên, chỉ một mẫu sách có tổng chủ biên, chủ biên là người Việt Nam. Cuốn sách này nằm trong bộ “Cùng học để phát triển năng lực” do Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển giáo dục Hà Nội, một đơn vị thành viên của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thực hiện.

Theo Thạc sĩ Đinh gia Hưng, sách giáo khoa là là công cụ truyền tải kiến thức đến học sinh, đặc biệt là sách dạy ngôn ngữ mới cho trẻ em tiểu học. Vì vậy, ông cho rằng việc sách do người Việt biên soạn chưa chắc đã đáp ứng được việc thẩm thấu ngôn ngữ cho người học nhỏ tuổi:

"Tôi nghĩ bậc tiểu học rất nhạy cảm với việc tiếp nhận ngôn ngữ. Ngay trình độ ban đầu tất nhiên các em sẽ học được tiếng Anh, ngôn ngữ, văn hóa, phong cách ngôn ngữ, cách suy nghĩ, quan niệm của người Anh ngày trong những giáo trình tiếng Anh đó. Nếu những năm đó các em học chương trình tiếng Anh người Việt soạn không thì các em khó thẩm thấu ngôn ngữ mình đang học, theo tôi nó rất thiếu thốn và ảnh hưởng rất lớn đến việc tiếp nhận tiếng Anh cao hơn ở bậc sau này."

Triết lý dạy ngoại ngữ là dạy văn hóa của ngoại ngữ, ngoài những kỹ thuật thì còn phải dạy linh hồn của ngoại ngữ, chính là yếu tố người bản ngữ đặt vào các giáo trình ngôn ngữ. - ThS. Đinh Gia Hưng

Do đó, Thạc sĩ Đinh Gia Hưng cho rằng đối với những thay đổi liên quan đến sách giáo khoa, những người lãnh đạo Bộ Giáo dục – Đào tạo cần phải suy xét kỹ:

“Các vị thực hiện chương trình này phải lắng nghe công luận và lắng nghe đội ngũ nhà giáo cũng như những chuyên gia khác trước khi có thể đưa ra quyết định cuối cùng bởi vì ảnh hưởng tới một quốc gia chứ không phải vài trường hoặc một vài địa phương. Mà triết lý dạy ngoại ngữ là dạy văn hóa của ngoại ngữ, ngoài những kỹ thuật thì còn phải dạy linh hồn của ngoại ngữ, chính là yếu tố người bản ngữ đặt vào các giáo trình ngôn ngữ.”

Được biết, sách tiếng Anh trong bộ “Cùng học để phát triển năng lực” thuộc đề án ngoại ngữ quốc gia, và được thực hiện bằng ngân sách nhà nước. Việc sử dụng sách này đã khiến dư luận dấy lên câu hỏi về khẳng định đã hoàn toàn xã hội hóa việc làm sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo trước đây. Vậy đưa sách này vào chương trình học có trái với nội dung Bộ đề ra trước đó?

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Thái Văn Tài giải thích rằng sách giáo khoa Tiếng Anh của đề án ngoại ngữ chỉ có từ lớp 3 đến lớp 12, còn sách lớp 1 là do đơn vị tư nhân tự biên soạn.