Khẩu trang y tế thiếu hụt nghiêm trọng ở nhiều nơi.
Tình trạng khan hiếm khẩu trang y tế đúng tiêu chuẩn được nhiều chuyên gia cho rằng do nhu cầu tăng cao đột biến và một yếu tố nữa là xuất khẩu lậu khẩu trang ra nước ngoài. Trong thời gia qua, rất nhiều vụ xuất khẩu lậu khẩu trang với số lượng tổng cộng lên đến hàng trăm ngàn cái, bị phát hiện cũng như bắt giữ trước khi các cửa khẩu đóng cửa hàng loạt để chống dịch covid-19.
Để tìm hiểu vì sao các nhà sản xuất vẫn không thể đáp ứng nhu cầu sử dụng mặt hàng này, RFA hôm 26 tháng 3 năm 2020 đã liên lạc chủ một doanh nghiệp sản xuất khẩu trang ở Sài Gòn, và được ông cho biết như sau:
“Khẩu trang thì hầu như nhập nguyên liệu của Trung Quốc, 70% từ Trung Quốc, còn 30% từ Châu Âu, Mã Lai, Indo gì đó... Nhưng từ lúc đó Trung Quốc đã không cho xuất, đúng ra là nói bán máy luôn cho mình để sản xuất gia công, phục vụ ngược lại cho nó. Điều này gây bất mãn, nó không bán máy, rồi không bán nguyên liệu cho mình. Vì trong khẩu trang 3 lớp có một lớp phải nhập của Trung Quốc. Mình không có nguyên liệu thì cháy hàng thôi.”
Khẩu trang vải thì có thể dùng đối với những người khỏe mạnh và không có dấu hiệu gì về nhiễm virus covid-19. Còn khẩu trang y tế thì dùng cho các cán bộ y tế dùng trong các cơ sở y tế.<br/>-PGS TS Nguyễn Thị Xuyên
Nhiều tỉnh thành đã phải 'cầu cứu' Bộ Y tế giúp đỡ mua mặt hàng này. Như trường hợp của Sở Y tế Nghệ An, các nhà thầu cung ứng mặt hàng khẩu trang y tế cho tỉnh này đã báo cáo không có hàng cung ứng, do các nhà sản xuất trên toàn quốc không có hàng để cung ứng cho nhà thầu.
Một y tá ở Sài Gòn không muốn nêu tên nói với RFA hôm 26/3/2020:
“Việt Nam thì có cái gì thì làm cái đó, bây giờ tôi ra ngoài mua cũng đâu có mặt nạ khẩu trang gì đâu. Hôm trước bệnh viện sợ thiếu nên phát mấy cái khẩu trang vải thì phải mang thôi. Đi ra mấy chỗ bán đồ bảo hộ lao động mấy cái mask 3M giờ không còn luôn, chỉ còn mấy cái mask phòng cháy chữa cháy, phòng khí độc. Nói chung bên đây vẫn có mask, nhưng toàn mask dỏm, có hai lớp mà bán tới một trăm mấy chục ngàn. Vừa rồi có người hỏi có mua xài không, thì họ mua dùm cho, mask 2 lớp, kêu là mask đểu đó, mà bán tới 150.000 đồng một hộp, nên đâu có mua làm chi, mang mask vải được rồi. Mask vải thì ngày nào trong bệnh viện cũng có xà bông sát trùng giặt, rồi chiều về phơi nắng cho nó diệt vi trùng. Cũng mệt nhưng mình làm ngành y thì phải chịu chứ làm sao bây giờ.”
Vì khan hiếm nêu nhiều cơ sở, cửa hàng kinh doanh trang thiết bị y tế vi phạm giá bán khẩu trang, các đơn vị quản lý thị trường đã liên tục xử phạt. Tuy nhiên đến nay, nhiều cá nhân vẫn rao bán giá cao ngất ngưỡng trên mạng.
Vậy người dân phải làm gì để tự bảo vệ mình, cũng như để khỏi bị xử phạt theo quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại các nơi công cộng có tập trung đông người như tại siêu thị, sân bay, nhà ga, bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng... có hiệu lực từ ngày 16 tháng 3 năm 2020.
Anh Thái, một người dân tại Sài Gòn khi trả lời RFA hôm 26 tháng 3 năm 2020, cho biết về tình hình thiếu hụt khẩu trang y tế ở địa phương anh, và giải pháp thay thế của anh:
“Tôi thấy thiếu khẩu trang bắt đầu khan hiếm nên mới chạy ra Chợ thuốc sỉ ở đường Nguyễn Giản Thanh, quận 10, thì có đến mấy chục điểm để bảng không bán khẩu trang và nước rửa tay. Lúc tôi ra đã thấy con buôn đứng lố nhố thu gom trước rồi, ai gom được trước thì bán lại với giá gấp hai, gấp ba. Tôi mới dùng giải pháp thay thế mà chợ nào cũng bán, siêu thị nào cũng bán... nhưng chỉ cực cho mình, đó là dùng tả em bé, tả trẻ sơ sinh. Chỉ 1 ngàn một cái, về bấm dây thun vô hai bên, cực nhưng cái đó xài vi vu, cái này thì ít ai làm vì họ không biết. Mấy cô hay dùng cái vải che nắng trùm hết đầu, đàn ông thì khẩu trang che nắng nhỏ hơn.”
Chị Nguyễn Lai từ Nha Trang nói với RFA hôm 26/3:
“Hiện nay khẩu trang y tế khắp nơi đều thiếu. Các tiệm thuốc tây không còn khẩu trang y tế để bán. Người dân phải may khẩu trang vải để trang bị cho mình.”
Hiện nay người dân và nhân viên y tế nhiều người phải dùng khẩu trang vải, trên thị trường cũng có bán loại khẩu trang này, tuy nhiên không phải loại khẩu trang nào cũng đạt được những tiêu chuẩn về khẩu trang vải kháng khuẩn mà Bộ Y tế mới đưa ra.
Khẩu trang vải thì phải 4 lớp mới tránh được vòi bắn, nhưng đó là không phục vụ bệnh nhân có virus covid-19. Những người không ở trong bệnh viện thì có thể dùng được.<br/>-BS Tô Quang Định
RFA hôm 26/3/2020 liên lạc Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, để trao đổi về vấn đề này và được bà cho biết như sau:
“Tôi cũng đã có lần nói trên vô tuyến về khẩu trang vải như thế nào và khẩu trang y tế như thế nào. Khẩu trang vải thì có thể dùng đối với những người khỏe mạnh và không có dấu hiệu gì về nhiễm virus covid-19. Còn khẩu trang y tế thì dùng cho các cán bộ y tế dùng trong các cơ sở y tế. Thứ hai thì khẩu trang y tế dùng cho những người có vấn đề như cúm hay viêm phổi...”
Khi được hỏi có nên nhập khẩu thêm khẩu trang y tế hay không? Bà nói:
“Cái đó là chủ trương của chính phủ... chắc là họ cũng làm thôi... cái đó thì cứ trao đổi với lãnh đạo Bộ Y tế... nhé.”
Đài Á Châu Tự Do nhiều lần liên lạc qua số điện thoại đường dây nóng của Bộ Y tế Việt Nam, nhưng mọi cố gắng đều không thành công.
Để tìm hiểu thêm, RFA hôm 26/3 liên lạc Bác sĩ Tô Quang Định, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Hội Tai Mũi Họng Việt Nam, hiện là Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tai Mũi Họng Đà Nẵng - Tây Nguyên, và được ông cho biết ý kiến của mình:
“Khẩu trang vải thì phải 4 lớp mới tránh được vòi bắn, nhưng đó là không phục vụ bệnh nhân có virus covid-19. Những người không ở trong bệnh viện thì có thể dùng được, không việc gì. Nói chung đến bây giờ chưa phải là thiếu khẩu trang, nhưng nếu kéo dài thêm chừng 10 ngày nữa thì sẽ khan hiếm khẩu trang. Nhưng tất cả các nơi hiện đang ổn định, mình có thể có khoảng 30 triệu khẩu trang hiện đang sản xuất, không việc gì đâu... nếu hơn 1 nghìn ca thì mới phải suy nghĩ.”
Theo Cổng thông tin Chính phủ, Bộ Công thương cho biết, dự kiến trong nửa đầu tháng 4 năm 2020, các doanh nghiệp sẽ sản xuất và cung ứng ra thị trường trên 30 triệu khẩu trang vải kháng khuẩn và khẩu trang vải kháng giọt bắn.
Cũng theo Bộ Công thương Việt Nam, trong tuần qua, công ty dệt may Vinatex đã đưa ra dòng sản phẩm khẩu trang vải kháng giọt bắn, kháng khuẩn 3 lớp. Nhưng theo Bác sĩ Tô Quang Định, khẩu trang vải thì phải 4 lớp mới tránh được vòi bắn, nhưng đó là không phục vụ bệnh nhân có virus covid-19. Chỉ những người không ở trong bệnh viện thì mới có thể dùng được.