Lãnh đạo cấp cao nghỉ hưu có là chỗ dựa vững chắc cho đảng?

Tại Hội nghị cán bộ lãnh đạo cấp cao nghỉ hưu do Ban bí thư Trung ương Đảng tổ chức tại trụ sở Trung ương Đảng sáng 29/3, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu rằng các lãnh đạo cấp cao về hưu là chỗ dựa hết sức vững chắc cho Đảng.

Nhận xét về câu nói trên của ông Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước, ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng, Ban Dân vận Trung ương ĐCS , nhận xét rằng ông Trọng quên cái luận điểm lấy dân làm gốc:

" Ông Trọng đã không thuộc bài. Ngay cả cái chủ nghĩa Mác Lênin mà ông ấy ca tụng cũng đặt vấn đề là quần chúng nhân dân mới là cái gốc cái rễ, là chỗ dựa vững chắc của tất cả mọi chính quyền. Xưa nay họ nói như thế và cái đạo lý của dân tộc Việt cũng nói như vậy. Ông Trọng quên cái đại hội 6 phải quay trở lại luận điểm lấy dân làm gốc.

Cách nói của ông Trọng rất phong kiến. Vua quan dựa vào vua quan là chuyện ngày xưa, chuyện cũ rích rồi. Bây giờ ông nói vậy là nịnh cái đám cầm quyền chóp bu nhưng ông không thấy rằng đó là một đám tham lam, dốt nát, tàn bạo thì làm sao mà là chỗ dựa được!”

Tại buổi hội nghị, ngoài sự tham gia của Thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Xuân Phúc, ông Nguyễn Phú Trọng là chủ trì thì còn có sự tham dự của nhiều vị lãnh đạo cấp cao đã nghỉ hưu như các ông nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Trương Tấn Sang; nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng...

Ông Đinh Đức Long, người có học vị tiến sĩ - bác sĩ, cũng là một cựu chiến binh trong Quân đội nhân dân Việt Nam cho rằng câu nói của ông Trọng là câu thường dùng của các cán bộ lãnh đạo khi gặp các cán bộ về hưu:

“Đấy là một câu động viên. Xưa nay thì không những lãnh đạo cấp cao nghỉ hưu mà cả cựu chiến binh, những người đã từng tham gia công tác và về hưu thì phần lớn họ vẫn là đảng viên, và vẫn là chỗ dựa của đảng. Họ lấy những người đó ra để làm gương hoặc dùng những người đó tạo chỗ dựa chính trị, đặt những người đương nhiệm lên, kế thừa nhau. Nói thẳng ra là ‘con ông cháu cha’. Hai bên nịnh nhau.

Đó là câu thường dùng của các cán bộ lãnh đạo khi gặp các cán bộ về hưu. Vừa là tuyên dương công trạng, vừa là để tôn vinh họ.”

Theo nhận xét của giới quan sát thì điều ông Nguyễn Phú Trọng nói chỉ đúng một phần, bởi những lãnh đạo cao cấp về hưu mà phản biện hay phản kháng là họ lập tức bị khai trừ ra khỏi đảng. Tiếng nói của họ không được tôn trọng dù họ đưa ra những ý kiến có lợi cho dân cho nước.

Ông Đinh Dức Long nêu ý kiến rằng những người về hưu nhưng vẫn chấp hành nghị quyết của đảng, vẫn ca ngợi đường lối chủ trương thì hai bên hợp nhau.

“Còn những người về hưu như Tướng Trần Độ, hoặc Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi ba bức thư phản biện về bauxite Tây Nguyên thì họ khó chịu, thậm chí không thèm trả lời, và vô hiệu hóa trên thực tế.”

Trung tướng Trần Độ là nhà quân sự và chính trị gia. Do bất đồng chính kiến với một số lãnh đạo cao cấp khác của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông bị khai trừ khỏi Đảng ngày 4 tháng 1 năm 1999 khi đã 58 năm tuổi đảng.

Trong lá thư phản kháng đề ngày 22/7/1999, được ông gửi cho các cấp lãnh đạo đảng và nhà nước, có đoạn viết: "Tôi là đảng viên bị khai trừ. Tôi bị khai trừ là phải. Nếu không khai trừ tôi, có lúc tôi phải xin ra khỏi cái đảng này.Tôi không thể chấp nhận và thừa nhận cái đường lối nhiều mâu thuẫn nửa vời, lằng nhằng, nặng chất giáo điều, bảo thủ, khó cho đất nước phát triển… Đó là một phương thức độc tôn, toàn trị chuyên chế, phản dân chủ."

Ông Nguyễn Khắc Mai cho rằng muốn là chỗ dựa vững chắc cho đảng thì ít nhất đội ngũ cán bộ cao cấp phải trở thành rường cột. Với cái cách hiện nay của ông Trọng thì cá nhân ông không tin được sự trong sạch, sáng suốt, tài trí và thao lược của họ. Ông cho rằng Đảng cộng sản muốn có vị thế trong lòng dân tộc hiện nay thì phải làm lại, phải xóa ván cờ cũ bày ván cờ mới tử tế hơn, nhân văn hơn, tiến bộ hơn. Đấy là vấn đề rất lớn. Ông nói thêm về phát biểu của ông Trọng rằng lãnh đạo cao cấp nghỉ hưu là chỗ dựa cho đảng:

“Thật ra thì gần đây tôi không quan tâm lắm đến những cái phát biểu của đám lãnh đạo vì họ nói linh tinh là chính. Nói chẳng đâu vào đâu cả. Hiện nay cá nhân tôi đánh giá là từ Trọng cho đến Phúc cho đến Ngân…không ai là thao lược cả. Đặc biệt là những tướng lĩnh ở các địa phương, ở tất cả các ngành thì tôi thấy không có khuôn mặt nào đáng là người thao lược cả. Muốn có người thao lược làm chỗ dựa cho đất nước thì đội ngũ đó phải hết sức quan trọng.”

Tiến sĩ Đinh Đức Long nhận định thêm rằng thông thường ít khi tổng bí thư gặp cán bộ về hưu cao cấp, chỉ dịp Tết có đến nhà riêng một số vị chúc Tết thôi. Nếu TBT gặp nhiều cán bộ hưu trí cao cấp một lúc, tại nơi trang trọng thì có thể hiểu đây là một cuộc họp, như kiểu hội nghị “Diên Hồng” thời nay, để tranh thủ sự đồng thuận của các “bô lão” trước khi đưa ra quyết định quan trọng:

"Có mấy việc cần tham khảo các cụ là khả năng xoay trục sang Mỹ của Việt Nam; đối sách với TQ ở Biển Đông, từ chỗ im lặng nhún nhường tới lúc công khai phản đối, lên án; bàn về chuyến đi Mỹ sắp tới của TBT, CTN Nguyễn Phú Trọng, liệu họ có nâng quan hệ đối tác toàn diện Việt Mỹ lên mức đối tác chiến lược toàn diện không; vấn đề chống tham nhũng, chỉnh đốn đảng.

Có tin nói ông Trọng không thèm bắt tay ông Dũng trong hội nghị này, nếu đúng thì đây là dấu hiệu cho thấy phe ông Dũng tiếp tục bị cho vào lò, bản thân ông Dũng sẽ bị hạ nhục nếu chưa bị cho vào lò."