Đào tạo tiến sĩ: số lượng càng cao, chất lượng càng thấp!

0:00 / 0:00

Nhiều đề tài khoa học tại Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam kém chất lượng, chỉ tiêu đào tạo dưới 100 người nhưng đăng ký đào tạo hàng ngàn giáo sư, tiến sĩ và thạc sĩ. Điều này dẫn đến chất lượng tiến sĩ thấp nhất trong khu vực.

Bản kết luận thanh tra Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm KHXH VN) vừa được Thanh tra Chính phủ công khai sau gần hai năm thanh tra, cho thấy nhiều sai phạm trong công tác quản lý tài chính cũng như công tác đào tạo cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ giai đoạn 2015 - 2019. Qua đó, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được phát hiện kém chất lượng hoặc không có đóng góp gì cho khoa học xã hội.

Viện Hàn lâm không khoa học…

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Viện Hàn lâm KHXH VN đã ban hành các quy chế quản lý khoa học với nội dung có nhiều điểm không hợp lý, qui trình thực hiện nhiều đề tài không đúng quy định của luật Khoa học và công nghệ cùng nhiều bất thường trong nghiệm thu đề tài khoa học.v.v.

Hiện nay, so với các nước trong khu vực thì số lượng các bằng phát minh được đăng ký mới về khoa học, công nghệ, hàng hóa… thì Việt Nam hiện nay đứng vào hàng kém nhất mặc dù tính trên số lượng tiến sĩ hiện nay đang có cũng như kế hoạch phát triển tiến sĩ của Việt Nam thì vô cùng lớn. - Giáo sư Đặng Hùng Võ

Từ những kết luận vừa được công bố của Thanh tra Chính phủ về những vi phạm tại Viện Hàn lâm KHXH, Giáo sư Đặng Hùng Võ nêu quan điểm của ông với RFA:

"Sự thực nó không vó tác dụng mấy trong giáo dục mà đây là câu chuyện về chất lượng các đề tài khoa học của Việt Nam. Hiện nay, so với các nước trong khu vực thì số lượng các bằng phát minh được đăng ký mới về khoa học, công nghệ, hàng hóa… thì Việt Nam hiện nay đứng vào hàng kém nhất mặc dù tính trên số lượng tiến sĩ hiện nay đang có cũng như kế hoạch phát triển tiến sĩ của Việt Nam thì vô cùng lớn.

Điều này thể hiện quá trình đào tạo ra những người có năng lực khoa học có vấn đề; không đào tạo ra những con người có thực chất.

Tôi là một người làm chuyên làm khoa học, tôi thấy Hội đồng chấm tiến sĩ rồi các buổi nghiệm thu các đề tài khoa học không có những phản biện gay gắt để mổ xẻ chất lượng. Ngay bản thân một cái luận án tiến sĩ nhiều khi tôi phản biện, tôi đặt vấn đề là tác giả chỉ cho tôi xem cái gì là cái mới, nhỏ thôi cũng được, nhưng mãi không chỉ ra được. Ví dụ như thế.”

Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho biết, từ năm 2017 đến nay, Viện Hàn lâm KHXH VN đã tổ chức thực hiện được 3.000 đề tài nhiệm vụ, trong đó có 500 đề tài khoa học cấp Bộ, cấp Nhà nước. Mỗi năm đơn vị này đào tạo được trên 200 tiến sĩ, trên 1.000 thạc sĩ các ngành, chuyên ngành.

Theo số liệu được Bộ Giáo dục - Đào tạo tổng hợp mấy năm qua, mỗi năm Việt Nam có hơn 1.500 tiến sĩ, hơn 36.000 thạc sĩ tốt nghiệp. Số liệu này không tính các trường khối quốc phòng, an ninh, quốc tế.

Dư luận trong nước gọi các viện đào tạo tiến sĩ là “lò ấp” tiến sĩ bởi số tiến sĩ được đào tạo quá nhanh và quá nhiều hàng năm. Một số chuyên gia giáo dục lo ngại quy chế tuyển sinh, đào tạo tiến sĩ mới được ban hành năm 2021 với chuẩn tiến sĩ thấp có thể gây nhiều hệ lụy. Theo đó, quy chế mới cho phép người hướng dẫn không cần có công bố quốc tế, chỉ cần có hai công bố trong các tạp chí trong nước loại trung bình trong năm năm cuối, còn thấp hơn cả chuẩn đầu ra ba công bố cùng loại của nghiên cứu sinh.

Truyền thông Nhà nước dẫn lời của GS Ngô Việt Trung, Nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam rằng: "Như vậy, tiến sĩ tốt nghiệp xong có thể đào tạo tiến sĩ mới gần như ngay lập tức, chỉ cần sau một năm giảng dạy. Với chuẩn đầu ra thấp như thế này thì sau vài năm liệu có còn "thầy giỏi" để đào tạo ra "trò giỏi"?".

Chạy theo tiến sĩ … “giấy”

000_Hkg10144539.jpg
Ảnh minh họa. AFP

Khoảng cuối năm 2017, Bộ Giáo dục Đào tạo Việt Nam đưa ra dự thảo chi 12.000 tỷ đồng để đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ từ năm 2018 đến năm 2025. Dự thảo gây ra rất nhiều phản ứng trái chiều từ dư luận lúc đó với quan điểm cho rằng, số lượng tiến sĩ ở Việt Nam đã quá nhiều mà chất lượng thì không xứng đáng với tấm bằng được trao.

Ngay sau khi dự thảo được đưa ra, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đã tỏ ra lo ngại. Theo ông, để đóng góp cho sự phát triển của xã hội thì cần chất lượng chứ không cần số lượng theo chỉ tiêu:

“Trong xã hội theo tôi có nhiều người có vị trí rất quan trọng nhưng không cần đến bằng cấp mà cần đến năng lực và kỹ năng khác. Trước đây chúng ta đã đào tạo hàng vạn tiến sĩ nhưng dư luận vẫn rất băn khoăn về vấn đề đó. Và rất nhiều người được đào tạo đó trở nên lãng phí khi mà những tri thức đó không ứng dụng vào đời sống được bao nhiêu.

Cá nhân tôi nghĩ rằng đối với các thầy cô ở bậc cao học thì việc phải có bằng cấp là cần thiết, cũng là theo quy chuẩn chung có nhiều nền giáo dục. Nhưng nếu các quan chức ông nào cũng thêm chữ Tiến sĩ hay Giáo sư thì tôi cho rằng đó là điều lãng phí lớn.”

Nhắc lại dự thảo năm 2017, Giáo sư Đặng Hùng Võ lo ngại:

“Không nên đưa ra con số bao nhiêu vì cái đó không nói lên được điều gì cả. Một anh thạc sĩ làm được việc thì còn hơn một anh tiến sĩ mà không làm được gì cả. Đừng bao giờ đưa ra chỉ tiêu số lượng tiến sĩ là bao nhiêu, bởi càng đưa ra cao thì chất lượng nó càng thấp đi thôi.

Điều quan trọng bây giờ là làm thế nào để đẩy chất lượng tiến sĩ lên cao. Trong bất kỳ lĩnh vực gì, không chỉ khoa học, nó cần có những người đứng ở phía trên là những người có đạo đức, có năng lực thật. Chứ bây giờ, những đội ngũ chấm tiến sĩ cũng chỉ chờ nhận phong bì là chính thì làm gì có chất lượng được.

Việt Nam đã trót dại đi vào con đường mở rộng đào tạo tiến sĩ trong nước quá lớn thì nó dẫn đến một cái đội ngũ mà đã là tiến sĩ chất lượng kém thì chấm ra những tiến sĩ chắc chắn cũng rất kém.”

Bộ Giáo dục-Đào tạo từng thực hiện Đề án 911, với mục tiêu đặt ra là đào tạo bổ sung ít nhất 20.000 tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020 góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam. Tuy nhiên sau năm năm thực hiện Đề án 911 được đánh giá đã không đạt được kế hoạch, chỉ có 3.800 nghiên cứu sinh đã và đang được đào tạo tính đến thời điểm năm 2016.