Công khai kết quả đánh giá có thực sự cải thiện chất lượng cán bộ?

0:00 / 0:00

Từ ngày 20/8, Nghị định 90 được thay thế hai nghị định 56 và 88 của Chính phủ bắt đầu có hiệu lực với những thay đổi được nói giúp cải thiện việc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.

Một trong những thay đổi được nhiều quan tâm nhất là việc công khai, minh bạch đánh giá cán bộ và công nhân viên chức.

Cụ thể, Luật và nghị định trước đây quy định kết quả đánh giá chỉ được gửi đến người được đánh giá, nhưng từ ngày 20/8 trở đi, cấp quản lý ngoài thông báo bằng văn bản cho cán bộ, phải thông báo công khai về kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi cán bộ công tác. Tuy vậy, hình thức công khai do lãnh đạo các cơ quan quyết định.

Ông Nguyễn Tư Long - Phó vụ trưởng Công chức, Viên chức thuộc Bộ Nội vụ, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo khi trao đổi với báo mạng VNExpress cho rằng việc công khai được ưu tiên áp dụng môi trường điện tử như website của cơ quan. Mục đích được nói không chỉ để riêng người được đánh giá mà cả đồng nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức đó, thậm chí cả người dân cũng có thể nắm được, theo dõi.

Người đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết nội dung mới vừa nêu trong Nghị định 90 được quy định nhằm tránh sự nể nang trong công tác đánh giá cán bộ.

Từ Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự bày tỏ ủng hộ của ông đối với quy định mới được áp dụng từ ngày 20/8 vừa qua:

“Nhìn chung nếu minh bạch như thế sẽ có động lực cho họ thay đổi. Tất nhiên cũng sẽ có những người vì đánh giá như thế được công khai thì có thể họ sẽ bực tức nhưng đấy là chuyện con người. Nếu làm được như thế có hệ thống, công khai đối với những công chức hay cán bộ thì tôi nghĩ đấy là việc tốt cho bản thân cán bộ và cả đội ngũ cán bộ.”

Một viên chức ngành giáo dục không muốn nêu tên cũng đồng tình với nhận định vừa nêu. Cô đưa ra nguyên nhân:

“Đã đưa vào đánh giá công khai thì cũng sẽ đi cùng với việc xếp loại công chức theo vị trí việc làm, ai không được sẽ bị ảnh hưởng đến lương bổng, cắt giảm rất nhiều. Từ việc đánh giá công khai này chắc chắn người ta sẽ sửa đổi.”

Tuy nhiên, chính do việc công khai kết quả cho nhiều người biết, có thể nảy sinh thêm vấn đề, vị viên chức ngành giáo dục cho hay:

“Trong bộ máy nhà nước nếu được đánh giá như vậy, muốn được kết quả mà mọi người dân đều biết thì cũng sẽ có những tiêu cực bên trong để công chức, viên chức đó được đánh giá tốt thì người dân mới yên tâm. Mặt nào cũng có sự tiêu cực trong đó nhưng mình chưa hình dung ra nó như thế nào.”

Vẫn theo người viên chức ngành giáo dục, việc đánh giá nơi cô công tác bắt đầu với việc công nhân viên chức tự đánh giá bản thân mình. Ví dụ trọng quá trình làm việc có xảy ra chuyện gì không hay với người dân hoặc những tai nạn nghề nghiệp hoặc bị thưa kiện sẽ bị hạn chế bớt, tức hạ bậc xếp loại. Sau đó, kết quả tự đánh giá được đưa lên theo trình tự:

“Tùy theo từng cơ quan nhà nước, sẽ đi từ bộ phận nhỏ nhất ví dụ như trong một cơ quan sẽ chia ra thành từng phòng, ban, trong những phòng, ban sẽ chia thành tổ, đánh giá từng tổ rồi tổng hợp danh sách đưa lên phòng, ban, rồi từ đó mới tổng hợp lại của cơ quan nhà nước đó mới xếp loại công chức thế nào.”

Hình ảnh cuộc họp Quốc hội.
Hình ảnh cuộc họp Quốc hội. (RFA)

Với kinh nghiệm lâu năm làm việc trong bộ máy nhà nước, ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ truởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương nêu lên thực trạng trong công tác đánh giá cán bộ của chính phủ Hà Nội:

“Lâu nay người ta đánh giá theo cách chỉ có một nhóm người trong lãnh đạo liếc thầm với nhau để đánh giá. Phần lớn họ đánh giá không theo chuyên môn mà theo những tiêu chuẩn chính trị như người ấy có trung thành với đảng hay không… những cái rất mơ hồ. Người ta chưa đánh giá đến nơi đến chốn về công việc, chuyên môn, hành xử.”

Báo VNExpress dẫn lời ông Nguyễn Tư Long cho biết theo quy định, người thực hiện công tác đánh giá phải đảm bảo nguyên tắc khách quan, công bằng, chính xác, không nể nang, trù dập, thiên vị, hình thức. Đồng thời bảo đảm đúng thẩm quyền quản lý, đánh giá.

Ngoài ra, ông Long cũng cho hay con số đánh giá của từng ngành và từng bộ sẽ được báo cáo công khai Chính phủ hàng năm. Người lãnh đạo phải chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá cán bộ, công chức, viên chức của ngành mình.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, quy định công khai minh bạch kết quả kiểm tra cán bộ là bước thay đổi tích cực vì ông cho rằng các cán bộ được phân công tiến hành đánh giá theo sự chỉ đạo của đảng cộng sản hiện nay nên việc đánh giá khách quan hay không phải dựa vào các tiêu chí đánh giá.

“Nếu họ đưa ra ví dụ như 15 tiêu chí, gạch đầu dòng là những gì một cách rõ ràng sau đó đánh giá những người cán bộ và công bố tất cả sự đánh giá để cho không chỉ người đấy mà kể cả bạn bè, đồng nghiệp xung quanh và nhân dân được biết, nếu làm được như thế là một điều rất tốt. Bởi vì như thế thì đồng nghiệp, những người biết người bị đánh giá xem coi đánh giá đó có trung thực hay không. Có thể những đánh giá đó ban đầu lệch lạc, trong quá trình công khai như thế, kể cả tiêu chuẩn đánh giá, cơ quan đánh giá và kết quả đánh giá thì dù sự đánh giá ban đầu chưa được chính xác với thời gian lặp đi lặp lại, tương tác giữa người dân, người đánh giá, và nhân vật đánh giá thì sẽ làm cho giá trị đánh giá như thế ngày càng tốt hơn, trung thực hơn.”

Trong khi đó, ông Nguyễn Khắc Mai lại cho rằng việc công khai kết quả đánh giá cán bộ là tốt nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời giúp hạn chế bớt những sai lầm của đội ngũ cán bộ công chức, tuy nhiên:

“Còn trình độ và năng lực của họ rất thấp, rất kém so với nhu cầu xã hội. Cái này đúng là do đảng cộng sản vì đảng cộng sản tự mình đặt ra yêu cầu chỉ có một mình đứng ra quản lý xã hội, không cần ai. Cách như vậy tạo ra một đội ngũ công chức không coi xã hội ra gì. Nên vấn đề không chỉ là đánh giá mà phải đào tạo lại, sắp xếp lại chứ không phải như thế này làm vài công việc chắp vá.”

Do đó, ông Nguyễn Khắc Mai nhận định rằng vấn đề chính là phải đổi mới thể chế xã hội, thể chế chính trị hiện nay.

“Việc xây dựng chính quyền dân chủ, thật sự tôn trọng pháp luật, thi hành mọi việc theo đúng pháp luật và đạo đức công chức mới là vấn đề lớn của Việt Nam hiện nay nên đặt ra.”

Chất lượng cán độ, công chức, viên chức trong những tuần qua luôn là vấn đề được chính phủ Hà Nội quan tâm và bàn luận đến.

Tuy nhiên, vấn đề mức lương dành cho các cán bộ vào biên chế nhà nước xưa nay vẫn được đánh giá là quá thấp so với mức sống. Vì thế có không ít nhận định cho rằng nhiều người trong nước cố vào biên chế để hưởng ‘bổng’ chứ không phải lương. Đây cũng được đánh giá là nguyên nhân chính gây ảnh hưởng tới phẩm chất và tính hiệu quả trong công tác cán bộ, công viên chức.

Tại buổi hội thảo khoa học ‘Phát triển nhân lực hành chính nhà nước’ được tổ chức hôm 5/8, khi bàn về vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Văn Tất Thu đưa ra ý kiến cho rằng chừng nào đội ngũ cán bộ công chức có một chính sách lương ở mức trung bình khá trở lên, khi đó chính phủ Hà Nội mới kỳ vọng có được khát vọng vươn lên để đề cao trách nhiệm, văn hóa công vụ, đạo đức công chức…