Công an Việt Nam tùy tiện trong quá trình điều tra nghi can?

0:00 / 0:00

Blogger Trương Duy Nhất vừa được gặp luật sư vào cuối tháng 8, sau khi Cơ quan điều tra đã có kết luận điều tra và chuyển hồ sơ qua Viện Kiểm sát. Tuy nhiên, luật sư đại diện cho Blogger Trương Duy Nhất cho biết trong buổi gặp thân chủ đầu tiên này lại có sự hiện diện nhân viên điều tra.

Đài RFA tìm hiểu đây chỉ là trường hợp cá biệt hay Cơ quan Điều tra Việt Nam tùy tiện vi phạm qui định của pháp luật Nhà nước?

Cản trở luật sư

Blogger/nhà báo độc lập Trương Duy Nhất bị cơ quan chức năng của Việt Nam bắt khi đang ở Bangkok, Thái Lan hồi tháng 1 năm 2019 và sau đó vào hạ tuần tháng 3 được Công an Việt Nam xác nhận đang bị giam giữ ở Hà Nội để điều tra liên quan vụ án của cựu sĩ quan công an là Phan Văn Anh Vũ, tức “Vũ Nhôm”, người bị tố cáo “lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Vụ việc Blogger Trương Duy Nhất, từng thụ án 2 năm tù hồi năm 2014 với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước”, bị bắt cóc, bị giam giữ điều tra hồi đầu năm 2019 được dư luận trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm, bởi vì ông Nhất suốt 3 tháng không được gặp gỡ với thân nhân và luật sư bất chấp lời đề nghị từ phía gia đình và luật sư đại diện.

Vào ngày 10 tháng 6, Bộ Công an cho biết Blogger Trương Duy Nhất bị truy tố theo Điều 355-Bộ luật Hình sự 2015, về tội danh “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên đến ngày 8 tháng 8, Báo Tuổi Trẻ Online dẫn nguồn từ lãnh đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an cho biết đã có kết luật điều tra đối với ông Trương Duy Nhất và đã đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ”, theo Khỏan 2, Điều 356-Bộ luật Hình sự 2015.

Luật sư Ngô Anh Tuấn cho Đài RFA biết ông đã được gặp gỡ với Blogger Trương Duy Nhất tại trại giam vào ngày 28 tháng 8 vừa qua, tuy nhiên theo yêu cầu của Cơ quan điều tra thì buổi gặp gỡ này chỉ diễn ra với sự có mặt của nhân viên điều tra.

Luật sư Ngô Anh Tuấn nhấn mạnh rằng yêu cầu của Cơ quan điều tra như thế là “sai luật”, nhưng ông buộc phải chấp nhận để được gặp thân chủ của mình. Luật sư đại diện cho Blogger Trương Duy Nhất nói với RFA về những trở ngại trong buổi gặp gỡ với ông Nhất vào hôm 28 tháng 8, khi có sự hiện diện của nhân viên điều tra ở đó:

<i>Thực tế có một số vấn đề liên quan chuyên môn sâu hơn, chẳng hạn như những việc mà giữa tôi và thân chủ sẽ thống nhất về hướng bào chữa, có nghĩa là những vấn đề trao đổi riêng tư về nghiệp vụ thì chúng tôi không dám đề cập. Bởi vì như thế thì sẽ lộ 'bài' của mình ra và sẽ không tốt. Còn các vấn đề riêng tư khác thì họ cũng đã biết rồi vì ông Nhất là người tương đối cởi mở, ông không giấu diếm điều gì nhiều. Chỉ có liên quan đến nghiệp vụ, chuyên môn của luật sư thì không được thể hiện vào khi gặp thân chủ, mà mỗi lần gặp mỗi khó. Họ gây khó dễ như vậy thì mình cũng phải chịu<br/>-Luật sư Ngô Anh Tuấn</i>

“Thực tế có một số vấn đề liên quan chuyên môn sâu hơn, chẳng hạn như những việc mà giữa tôi và thân chủ sẽ thống nhất về hướng bào chữa, có nghĩa là những vấn đề trao đổi riêng tư về nghiệp vụ thì chúng tôi không dám đề cập. Bởi vì như thế thì sẽ lộ ‘bài’ của mình ra và sẽ không tốt. Còn các vấn đề riêng tư khác thì họ cũng đã biết rồi vì ông Nhất là người tương đối cởi mở, ông không giấu diếm điều gì nhiều. Chỉ có liên quan đến nghiệp vụ, chuyên môn của luật sư thì không được thể hiện vào khi gặp thân chủ, mà mỗi lần gặp mỗi khó. Họ gây khó dễ như vậy thì mình cũng phải chịu.”

Trao đổi với một số vị luật sư ở trong nước, Đài RFA được biết theo quy định của pháp luật Việt Nam thì người bị tình nghi hay bị can khi nhờ luật sư đại diện thì trong quá trình điều tra, luật sư có thể tham gia và trong trường hợp bắt buộc là người bị truy tố tội trong khung hình phạt từ 15 năm tù đến chung thân, tử hình thì phải có luật sư. Một khi có sự can thiệp của luật sư thì luật sư phải có mặt cùng với bị can ít nhất một đến 2 lần trong quá trình điều tra. Thế nhưng, các vị luật sư mà Đà RFA tiếp xúc đều khẳng định hầu hết các trường hợp bị can từ khi bắt đầu bị khởi tố hoặc bị tạm giữ, tạm giam trong thực tế đều bị phía Cơ quan điều tra gây khó khăn đủ điều, không cho luật sư tiếp cận.

Luật sư Võ An Đôn còn đặc biệt lưu ý:

“Đối với các vụ án ‘an ninh quốc gia’, nghĩa là các vụ án ‘tù nhân lương tâm’ thì người ta nói là án ‘an ninh’ cho nên trong quá trình điều tra không cho luật sư tham gia cho đến khi kết thúc và chuyển qua Viện Kiểm sát truy tố thì luật sự mới được tham gia.”

Giới luật sư Việt Nam cũng cho biết pháp luật quy định sau khi kết thúc điều tra và hồ sơ chuyển qua Việt Kiểm sát thì luật sư được gặp với thân chủ, nhưng đó là các cuộc tiếp xúc riêng tư, không có mặt của nhân viên điều tra.

Blogger Trương Duy Nhất. Hình chụp tại văn phòng Đài RFA năm 2015.
Blogger Trương Duy Nhất. Hình chụp tại văn phòng Đài RFA năm 2015. (RFA)

Sẽ khiếu nại vì sai luật

Trở lại vụ án của Blogger Trương Duy Nhất, Luật sư Ngô Anh Tuấn vào tối ngày 3 tháng 9 nói với RFA rằng ông sẽ làm đơn khiếu nại liên quan yêu cầu của Cơ quan điều tra rằng phải có mặt của nhân viên an ninh trong những cuộc gặp với Blooger Trương Duy Nhất là sai luật.

Đài Á Châu Tự Do đặt trường hợp nếu như khiếu nại của Luật sư Ngô Anh Tuấn không được giải quyết, Luật sư Ngô Anh Tuấn quả quyết rằng trách nhiệm của luật sư vẫn phải làm đến cùng, là đấu tranh chống lại những việc làm sai luật của Cơ quan điều tra, đồng thời ông buộc phải làm tròn bổn phận bảo vệ luật pháp cho thân chủ, trong vụ án của Blogger Trương Duy Nhất dù tình thế là sẽ tiếp diễn sự hiện diện của nhân viên an ninh trong những cuộc gặp sắp tới với ông Nhất.

Luật sư Ngô Anh Tuấn nói thêm:

“Án này tuy nói là án kinh tế, nhưng thực tế thì người ta cũng muốn xử án ông ấy vì liên quan vấn đề là ông ấy biết quá nhiều. Đây cũng là liên quan đến tuyên truyền thôi, chả phải là ‘kinh tế’ gì vì chứng cứ cáo buộc liên quan ‘kinh tế’ đối với ông (Nhất) cực kỳ yếu, nhưng người ta vẫn làm một cách khiên cưỡng.”

<i>Luật sư nói lên những điều bất hợp lý trước phiên tòa cũng như bên ngoài công luận. Trong các vụ án đó thì bên phía công an Nhà nước xử không đúng luật, cho nên họ rất sợ dư luận<br/>-Luật sư Võ An Đôn</i>

Qua thông tin lần đầu tiên truyền thông quốc nội vào ngày 29 tháng 8 loan tải Trung tá Nguyễn Việt Cường, cựu điều tra viên thuộc Công an thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên bị Cơ quan Điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can do tự ý viết thêm nội dung vào biên bản hỏi cung một vụ án hình sự liên quan vận chuyển và mua bán trái phép chất ma túy hồi tháng 7 năm 2012, một số vị luật sư diễn dẫn đó là hậu quả từ việc làm sai luật không chỉ mỗi trường hợp cựu nhân viên điều tra Nguyễn Việt Cường được nêu danh mà tình trạng tràn lan tại Việt Nam, không có sự giám sát của luật sư trong quá trình điều tra dẫn tới rất nhiều án oan, đặc biệt là các án tù “an ninh, chính trị”.

Luật sư Võ An Đôn chia sẻ đối với các vụ án "an ninh quốc gia", các vụ án của những tù nhân lương tâm thì giới luật sư gọi là "những vụ án bỏ túi" vì đã có sự chỉ đạo của các cơ quan chức năng từ khi bắt cho đến khi xét xử và sự có mặt của luật sư chỉ là hình thức. Tuy nhiên, Luật sư Võ An Đôn cho rằng giới luật sư không hề bất lực trong các vụ án như thế này, bởi vì: "Luật sư nói lên những điều bất hợp lý trước phiên tòa cũng như bên ngoài công luận. Trong các vụ án đó thì bên phía công an Nhà nước xử không đúng luật, cho nên họ rất sợ dư luận."

Mức độ công an “sợ dư luận” mà luật sư Võ An Đôn đề cập đến được tăng lên, khi mà Internet và các mạng xã hội ngày càng phổ biến khiến việc bưng bít thông tin không còn dễ dàng như trước đây.