Chính quyền thành phố có lắng nghe nguyện vọng của người dân?

0:00 / 0:00

Nhà hát, quảng trường Thủ Thiêm

Chiều ngày 16 tháng 10, trong buổi bế mạc hội nghị lần thứ 18 Ban Chấp hành đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định việc xây dựng nhà hát ở Thủ Thiêm là đúng theo quy định và đúng theo kế hoạch đã đề ra cách đây 25 năm. Vẫn theo ông Nhân, bây giờ mới bắt đầu xây dựng là đã trễ đi so với kế hoạch được đề ra vào năm 1993.

Trước đó, vào ngày 12 tháng 10, Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh đề nghi đặt tên Quảng trường trung tâm và Công viên bờ sông trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm là ‘Quảng trường Hồ Chí Minh’, với tổng kinh phí lên đến 2.000 tỷ đồng.

Mặc dù dự án xây dựng Quảng trường trung tâm và Công viên bờ sông tại khu đô thị mới Thủ Thiêm đã được Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh thông qua vào ngày 29/10/2012, nhưng kiến nghị đặt tên thành Quảng trường Hồ Chí Minh được truyền thông trong nước loan đi vào ngày 12 tháng 10 vừa qua lại khiến dư luận thêm xôn xao.

Bây giờ dân còn đương khó khăn quá trời, đi vay nợ các nơi các nước mà sao còn bỏ tiền ra làm cái đó. Đi vay tiền các nước rồi mắc nợ đầy, mai mốt rồi con cháu trả. - Người dân

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, một người dân bày tỏ bức xúc:

“Bây giờ dân còn đương khó khăn quá trời, đi vay nợ các nơi các nước mà sao còn bỏ tiền ra làm cái đó. Đi vay tiền các nước rồi mắc nợ đầy, mai mốt rồi con cháu trả.”

Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng lại cho rằng những dự án này là hoàn toàn phù hợp với đà phát triển của thành phố, tuy nhiên cần phải lựa chọn thời điểm thích hợp:

"T ôi nghĩ rằng thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố lớn, lớn nhất Việt Nam, cho nên Nhà hát nhạc vũ kịch giao hưởng lớn hay một quảng trường cho xứng đáng thì cũng là cần thiết. Những việc ấy Việt Nam nên có nhưng mà trong tương lai, khi mức sống của nhân dân đã lên cao hơn hiện nay. Ít ra cũng phải là nước thu nhập trung bình ở lớp trên, chứ hiện nay Việt Nam đang là nước thu nhập trung bình ở lớp dưới thấp chứ chưa phải là lớp giữa nữa cơ. "

Đồng tình với Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng việc xây dựng Nhà hát giao hưởng và Quảng trường Hồ Chí Minh hiện đang là vấn đề rất phức tạp:

“Vấn đề hiện nay là trong các ưu tiên về phát triển kinh tế - xã hội – văn hóa, thì các ưu tiên về phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng rất quan trọng. Mà cơ sở hạ tầng chủ yếu là đường giao thông, trường học, trại y tế, những cái đó cấp bách hơn rất nhiều. Còn bây giờ một cái quảng trường như thế trong bản thiết kế thì được, nhưng đưa ra để xây dựng ngay thì cần phải tính toán vì bây giờ còn rất nhiều ưu tiên, mà hơn nữa bây giờ đang là vấn đề về tranh chấp đất đai nữa.”

Tuy nhiên, theo lời Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh trong buổi họp chiều ngày 16 tháng 10, việc xây dựng nhà hát mà mọi người phản đối chỉ tốn kinh phí 1.500 tỷ đồng, tương đương với 4% tiền xây dựng bệnh viện, trường học trong 5 năm qua là 34.000 tỷ đồng. Do đó, xét trên tổng thể thì việc xây nhà hát là điều nên làm vì hiện nay, chỉ duy nhất Nhà hát Thành phố có chức năng một nhà hát đúng nghĩa.

“Thành phố Hồ Chí Minh phải bước sang sông”

Trả lời truyền thông trong nước về dự án nhà hát giao hưởng, Trưởng ban Pháp chế Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ông Trương Lâm Danh cho biết sở dĩ chọn Thủ Thiêm để xây vì thành phố đang phát triển khu phố Đông tại Thủ Thiêm.

Phối cảnh Quảng trường Hồ Chí Minh.
Phối cảnh Quảng trường Hồ Chí Minh. (Courtesy of Báo xây dựng)

Giải thích rõ hơn về phát biểu này, Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm nhận định thành phố Hồ Chí Minh phải bước sang sông:

" Hiện nay Thành phố Hồ Chí Minh chỉ là thành phố một bên sông, thế nhưng các nước phát triển bao giờ nó cũng ở hai bên sông. Sở dĩ chưa sang sông được vì công trình hạ tầng chưa đáp ứng được. Bây giờ Thành phố Hồ Chí Minh đã làm được một số cầu, một số hầm qua sông rồi, thì phát triển bên kia sông, chuẩn bị một khu vực như vậy cũng là cần thiết. Bởi vì theo tôi hiểu qua sông thì tiện hơn là mở rộng lên Củ Chi, Cần Giờ theo tôi không phù hợp. Trong khi đó phía đối diện trung tâm nay lại có một khoảng đất rộng, tại sao không làm? "

Điều này được nhiều người nhận xét là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, địa điểm Thủ Thiêm và thời điểm công bố dường như chưa hợp lý vì theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Lương Hồng Quang, Thủ Thiêm đang gặp vấn đề về giải tỏa đền bù, vấn đề về quyền của người dân. Tính đến nay, thành phố vẫn chưa đưa ra những phương án đền bù thích hợp cho những người dân bị giải tỏa tại khu vực này.

Trước đó, vào ngày 21/9, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã họp báo thừa nhận trách nhiệm và những sai phạm liên quan đến đền bù và quy hoạch dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tuy nhiên, khoảng 14.600 hộ gia đình với hơn 60.000 người dân gốc ở Thủ Thiêm đã bị ảnh hưởng vì quy hoạch giải tỏa xây dựng khu đô thị này từ suốt 20 năm qua vẫn chưa nhận được phương án giải quyết thỏa đáng.

Ý kiến người dân có được lắng nghe?

Trên trang web của Ban Quản lý đầu tư – Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm thuộc Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trong bài thông tin quy hoạch về Quảng trường trung tâm tại Thủ Thiêm vào năm 2012 có đăng tải nội dung: Nhiệm vụ được tổng hợp dựa trên sự góp ý của các Sở -Ngành-Ban-Hội-Viện và các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực có liên quan (khoa học xã hội, môi trường, lịch sử, kiến trúc, quy hoạch…) dựa trên khảo sát ý kiến của người dân năm 2008.

Vấn đề hiện nay là trong các ưu tiên về phát triển kinh tế - xã hội – văn hóa, thì các ưu tiên về phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng rất quan trọng. Mà cơ sở hạ tầng chủ yếu là đường giao thông, trường học, trại y tế, những cái đó cấp bách hơn rất nhiều. - TS. Lương Hồng Quang

Nhiều người dân tỏ ra bất bình khi đọc được thông tin này, vì theo bài báo thì ý kiến này đã lấy từ cách đây 10 năm trước, nhiều người còn bày tỏ thắc mắc không biết ý kiến này từ đâu ra như lời một người dân ở Thủ Thiêm:

“Ở đây chính quyền địa phương đâu có báo gì với dân, cái đó là chính quyền tự người ta làm chứ người dân có biết đâu.”

Một người dân khác qua việc này cũng bày tỏ thất vọng đối với bộ máy điều hành:

“Không lẽ nói Quốc hội bù nhìn, tự tung tự tác, không hỏi qua nhân dân coi mình thay mặt nhân dân mà mình thông qua, người dân không biết gì hết, để cho người ta phản đối. Rõ ràng là mấy anh tự tung tự tác rồi!”

Những dự án tại khu đô thị mới Thủ Thiêm không phải là trường hợp đầu tiên người dân lên tiếng phản đối vì không hợp lòng dân. Điển hình như những cuộc biểu tình tại những trạm BOT đặt sai vị trí, những buổi tập trung trước cổng các nhà máy, xí nghiệp gây ô nhiễm môi trường nhưng vẫn được phép hoạt động…

Hầu hết những người dân tham gia phản đối khi được hỏi đều cho biết, nếu chính quyền biết lắng nghe hơn, biết điều chỉnh cho hợp lý hơn, thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, theo ý kiến từ một người dân ở Sài Gòn cho rằng lý thuyết là vậy nhưng trên thực tế, quyết định vẫn là từ phía nhà nước, ý kiến người dân vẫn chưa được lắng nghe, hoặc có nghe nhưng chỉ để đó và không áp dụng sửa đổi.