Thông tin Liên Minh Châu Âu (EU) vào cuối tháng này sẽ ký Hiệp định Mậu Dịch Tự Do với Việt Nam (EVFTA) khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu EU có đặt thương mại lên trên nhân quyền khi đi đến quyết định như thế hay không?
Hà Nội nhân nhượng để được ký kết
Theo thông cáo báo chí được Ủy ban Châu Âu (EC) đưa ra tại Brussels, Bỉ, hôm 25/6/2019, thì Cao ủy Thương mại của EU, bà Cecilia Malmström và Bộ trưởng Kinh doanh, Thương mại và Doanh nghiệp Romania, Stefan Radu Oprea, sẽ đến Hà Nội và thay mặt EU ký hiệp định này với Việt Nam vào ngày 30/6/2019.
Hồi cuối tháng 7/2018, ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của EU có chuyến thăm Việt Nam và ông đưa ra một số yêu cầu cho phía Việt Nam, như Việt Nam phải ký kết ba công ước của ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế) và sửa đổi, bổ sung một số điều luật.
Đầu tháng 4/2019, Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân đi Pháp và Bỉ vận động cho việc ký kết EVFTA. Bà cho biết Việt Nam sẽ xem xét kỹ lưỡng những khuyến nghị của Liên minh Châu Âu và Nghị viện Châu Âu. Thông tin từ đoàn của bà Nguyễn Thị Kim Ngân được báo chí trong nước loan tải sau đó là ông Bernd Lange - Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của châu Âu đã nói với bà Ngân rằng tháng 6 hoặc tháng 7 năm 2019 sẽ ký và phê chuẩn EVFTA.
Đến hôm 29/5/2019, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thay mặt ông Nguyễn Phú Trọng trình bày trước Quốc hội tờ trình về việc gia nhập Công ước số 98 về quyền tổ chức và thương lượng tập thể của Tổ chức Lao động quốc tế, và ngày 14/6/2019 Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98.
Nhờ phê chuẩn công ước này mà EU mới "khen thưởng khuyến khích" cho ký kết vào ngày 30 tháng 6 tới. Nói là "khen thưởng khuyến khích", tại vì sau khi ký kết Hiệp định thương mại vẫn chưa thể có giá trị vì còn cần phải được Nghị viện EU phê chuẩn (bỏ phiếu thông qua). - Nhà báo Lê Trung Khoa
Gần đây nhất là hôm 19/6/2019, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh có buổi làm việc tại Bỉ để thảo luận về quan hệ hợp tác kinh tế thương mại với EU. Buổi làm việc có sự tham dự của Cao ủy phụ trách thương mại của EU, bà Cecilia Malmström và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Việc làm của Bỉ, Kris Peeters.
Nhà báo Lê Trung Khoa cho rằng việc Hà Nội phê chuẩn công ước 98 là lý do có việc ký kết vào ngày 30/6 tới giữa Hà Nội và EU:
“Nhờ phê chuẩn công ước này mà EU mới “khen thưởng khuyến khích” cho ký kết vào ngày 30 tháng 6 tới. Nói là “khen thưởng khuyến khích”, tại vì sau khi ký kết Hiệp định thương mại vẫn chưa thể có giá trị vì còn cần phải được Nghị viện EU phê chuẩn (bỏ phiếu thông qua). Tức là ký xong để đó, chờ Nghị viện EU quyết định có thông qua hay không?
Hai công ước cơ bản còn lại, trong đó Công ước 87 là quan trọng nhất về lợi ích người lao động và nhân quyền, đề cập đến quyền tự do thành lập công đoàn độc lập của người lao động, thì Việt Nam cam kết với EU sẽ phê chuẩn vào năm 2023.”
Luật sư Nguyễn Văn Đài từ Đức không tin những thiện chí của chính phủ Hà Nội về nhân quyền Việt Nam. Ông cho rằng việc EVFTA được ký kết chẳng qua là do những “thủ đoạn” của Hà Nội:
“Khoảng 5,6 năm trở lại đây thì EU rất quan tâm đến nhân quyền Việt Nam nhưng song song đó thì nhà cầm quyền Hà Nội cũng dùng rất nhiều thủ đoạn hay các lợi ích kinh tế để vận động các doanh nghiệp từ các nước khối EU đầu tư vào Việt Nam. Cho nên bản thân các nước thành viên EU cũng như EU bị tác động rất nhiều. Tất nhiên trong quá trình vừa qua họ cũng đã dùng nhân quyền để gây áp lực lên Việt Nam rất nhiều, thế nhưng mấy năm qua thì nhân quyền Việt Nam không cải thiện, thậm chí có lúc còn tệ hại hơn.”
Nhân quyền có bị coi nhẹ?
Trước khi phê chuẩn EVFTA, ngày 23/2/2017, Phái đoàn Tiểu ban Nhân quyền của Nghị viện Châu Âu tổ chức gặp một số nhân vật hoạt động xã hội dân sự để tìm hiểu thực trạng nhân quyền ở Việt Nam.
Sau buổi gặp này, các tổ chức xã hội ra một tuyên bố chung gửi EU trong đó nêu rõ “Quyền con người căn bản vẫn tiếp tục bị vi phạm tràn lan ở Việt Nam, đi kèm với bạo lực được bảo kê và trấn áp chính trị. Tất yếu điều này làm suy giảm sự thịnh vượng của người dân Việt Nam và về dài hạn, ngăn cản sự phát triển bền vững của đất nước”.
Hiện nay mới chỉ có công ước 98 được phía Việt Nam phê chuẩn mà EVFTA lại sắp được ký. Vậy giữa thương mại và nhân quyền, điều nào được EU coi trọng hơn?
Để trả lời câu hỏi này, nhà báo Lê Trung Khoa từ Đức nhắc lại lời phát biểu của Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier, khi ông có chuyến công du Việt Nam hồi cuối tháng 3 vừa qua rằng “Nhân quyền và kinh tế là 2 mục tiêu song song, và có giá trị ngang nhau. Chúng tôi không chọn cái này hay cái kia, nhưng chúng tôi theo đuổi cả 2 mục tiêu song song”.
Theo nhà báo Lê Trung Khoa thì với Hiệp định thương mại này chính phủ VN càng thêm bị sức ép về nhân quyền, càng thêm có những phương tiện cho những nhà bảo vệ nhân quyền, những người đấu tranh nhân quyền. Ông trích dẫn thông cáo báo chí hôm qua của Liên minh châu Âu rằng: “Hiệp định thương mại này bao gồm một sự ràng buộc pháp lý và mang tính thể chế với Hiệp định khung đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam - EU, cho phép có những biện pháp thích ứng trong trường hợp vi phạm nhân quyền”. Ông giải thích:
"Nói tới EVFTA thì phải nói tới Hiệp định khung về Hợp tác và Đối tác toàn diện giữa Việt Nam và EU (viết tắt là PCA). Hiệp định PCA này đã được ký kết và có hiệu lực từ ngày 01/10/2016. PCA là hiệp định với khung luật và cơ chế hoạt động ràng buộc vững chắc về Nhân quyền.
Như vậy vi phạm nhân quyền là vi phạm đến bản chất của hiệp định PCA và như thế, chiếu theo điều 57 của hiệp định PCA, vi phạm bản chất của PCA có thể dẫn đến việc chế tài, kể cả ngưng thực hiện một phần hay toàn bộ Hiệp định thương mại.”
Ông Vũ Quốc Ngữ, Giám đốc tổ chức Người bảo vệ nhân quyền (Defend the Defenders) lên tiếng với RFA rằng:
Rõ ràng là EU đã đặt quyền lợi về kinh tế lên trước tình hình nhân quyền tồi tệ của Việt Nam khi định ký hai hiệp định thương mại và đầu tư. Hiện tại Việt Nam còn giam giữ hàng chục nhà hoạt động trong giai đoạn điều tra trong nhiều tháng về cáo buộc nghiêm trọng chỉ vì thực hiện ôn hoà quyền công dân. - Ông Vũ Quốc Ngữ
" Rõ ràng là EU đã đặt quyền lợi về kinh tế lên trước tình hình nhân quyền tồi tệ của Việt Nam khi định ký hai hiệp định thương mại và đầu tư. Việc ký kết này diễn ra trong khi nhiều tù nhân lương tâm đang tuyệt thực ở Trại giam số 6 ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An và phiên toà xử 3 người hoạt động ôn hoà ở Sài Gòn hôm 24/6 với mức án tổng cộng 30 năm tù giam cho thấy Hà Nội đã "nhờn thuốc", tức là ko đếm xuể đến chỉ trích về vi phạm nhân quyền từ phía EU và nhiều quốc gia dân chủ.
Hiện tại Việt Nam còn giam giữ hàng chục nhà hoạt động trong giai đoạn điều tra trong nhiều tháng về cáo buộc nghiêm trọng chỉ vì thực hiện ôn hoà quyền công dân.”
Luật sư Nguyễn Văn Đài từ Đức cũng bày tỏ sự ngạc nhiên về việc ký kết này, nhưng ông nhận định rằng cho dù EVFTA có được ký thì vẫn còn cửa cho nhân quyền vì Nghị viện châu Âu rất coi trọng vấn đề nhân quyền:
“Chúng tôi không hiểu lý do vì sao mà EU ký kết EVFTA với Việt Nam vào ngày 30/6 tới đây. Bây giờ vẫn tiếp tục vận động Nghị viện châu Âu, bởi sau khi ký kết vào ngày 30/6 tới đây thì EVFTA phải được chuyển qua Hội đồng lãnh đạo của 28 nước thành viên EU thông qua, rồi sau đó phải qua Nghị viện châu Âu để được thông qua. Mà Nghị viện châu Âu thì quan tâm nhân quyền nhiều hơn vấn đề thương mại nên chúng ta có thể vận động được.”
EU và Việt Nam đã hoàn tất đàm phán EVFTA từ tháng 12 năm 2015 nhưng việc phê chuẩn Hiệp định đã bị trì hoãn nhiều lần. Một trong những quan ngại từ Nghị viện Châu Âu về Việt Nam là vấn đề nhân quyền trong đó có quyền của người lao động.