Khi trả lời báo chí trong nước hôm 4 tháng 5 năm 2020, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, để phát hiện những cán bộ tiêu cực, tha hóa, giàu nhanh bất thường, nhiều nhà, nhiều đất thì chỉ dựa vào bộ máy của đảng, nhà nước là chưa đủ, mà phải dựa vào ý kiến của nhân dân, hỏi dân là ra ngay.
Trên thực tế, khi người dân tố cáo hay đưa ra phản ánh gì, lời nói của người dân có được chính quyền lắng nghe?
Một người dân ở huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, không muốn nêu tên vì lý do an ninh, nhận định với Đài Á Châu Tự Do:
“Ở Việt Nam thường hay nói khẩu hiệu này kia, nhưng thực tế hoàn toàn khác. Thường chính quyền ở Việt Nam ít lắng nghe sự đóng góp của người dân. Người dân cũng ít cơ hội hay phương tiện để biểu đạt. Chẳng hạn ở các nước, muốn nói lên tiếng nói thì người dân biểu tình, và theo đó chính phủ sẽ xem xét một quyết sách nào đó. Nhưng ở Việt Nam thì không có được vậy, ai nói gì trái ý đảng là bị chụp mũ là phản động, họ không nghe ý kiến người dân đâu.”
Ở Việt Nam thường hay nói khẩu hiệu này kia, nhưng thực tế hoàn toàn khác. Thường chính quyền ở Việt Nam ít lắng nghe sự đóng góp của người dân. Người dân cũng ít cơ hội hay phương tiện để biểu đạt.<br/>-Một người dân
Còn Nhà hoạt động Trần Bang khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do thì cho rằng, ‘Hỏi dân là ra ngay’ chỉ đúng khi Quốc gia có chế độ chính trị đa đảng, Tam quyền phân lập, Toà án độc lập, dân có tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do biểu tình phi bạo lực... và người dân cũng phải quen với việc thực hiện quyền tự do đó, và coi đó là trách nhiệm công dân, chứ không bị quy chụp vào các ‘tội’, như thường thấy đảng cộng sản vẫn chụp mũ họ. Số lượng lớn tù nhân lương tâm là các nhà báo, Blogger, Facebooker... đã chứng minh điều đó. Ông nói tiếp:
“Còn độc đảng cộng sản toàn trị, còn điều 4 Hiến pháp, không có trưng cầu dân ý, không có ứng cử, tranh cử tự do & công khai... thì câu của ông Túc không đúng. Những người dân phản biện, cung cấp thông tin, nói lại dư luận của dân có thể là sự thật, có thể suy đoán qua hiện tượng thực tế, qua cách nhìn của dân... thì bị cho là ‘phản động, là bôi nhọ lãnh đạo’, vi phạm luật an ninh mạng và các điều luật mù mờ như Điều 109, 117, 331 của BLHS 2015...”
Theo Nhà hoạt động Trần Bang, vì dân nói thì bị chụp mũ, bị tù tội, nên tạo tâm lý cho người dân bàng quan với chính trị, hoặc chỉ chửi nơi quán xá... cho đã miệng... Đa số dân Việt Nam bây giờ có tâm lý ‘mackeno’, ‘mọi chuyện có đảng nhà nước lo’. Dân không quan tâm, hoặc sợ hãi, có hỏi dân, dân cũng cảnh giác và lảng tránh...”
Một người dân ở Hải Phòng, kể lại với Đài Á Châu Tự Do, việc anh bị trả thù sau khi lên tiếng tố cáo những tiêu cực ở nơi Anh làm việc:
“Năm 2010, giám đốc chi nhánh Viễn thông Hải Phòng đã lợi dụng cổ phần hóa doanh nghiệp của nhà nước để đào thải bất hợp pháp công nhân. Nó gần như thay máu bằng cách sa thải một lượng lớn công nhân đã cống hiến rất nhiều năm và thay bằng một đội ngũ bên ngoài hoàn toàn mới. Sau khi bị tố cáo, mình bị công an đánh, Giám đốc Viễn thông Hải Phòng là thành ủy viên Thành phố Hải Phòng nên sử dụng công an đánh mình.”
Theo số liệu được công bố trên cổng thông tin điện tử của Thanh tra Chính phủ năm 2019, có đến 62% số người được hỏi về lý do không tố cáo tham nhũng là do họ sợ bị trả thù.
Luật phòng chống tham nhũng của Việt Nam có những điều lệ quy định cụ thể về quyền tố cáo của người dân và nghiêm cấm những hành vi trả thù người tố cáo, khiếu nại, cũng như luật bảo vệ người lên tiếng tố cáo. Tuy nhiên vì sao người dân vẫn lo ngại?
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do liên quan vấnđề này, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho biết ý kiến của mình:
“Ở Việt Nam chuyện gì cũng có luật cả. Chuyện khuyến khích nhân dân tố cáo tiêu cực, tham nhũng không chỉ có văn bản quy định mà ngay cả những đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng hô hào. Luật cũng quy định người tố cáo được bảo vệ, nhưng vấn đề là cơ chế để bảo vệ như thế nào thì chưa được cụ thể lắm.”
Chính vì những quy định không rõ ràng, hay những tuyên bố thiếu chính xác của một vị lãnh đạo nào đó, làm người dân dễ hiểu lầm và càng lo ngại trong việc tố cáo tham nhũng.
Đơn cử như trường hợp Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu khi tham dự buổi thảo luận tổ của Quốc hội về kinh tế - xã hội vào cuối tháng 5 năm 2019 cho rằng: “Bây giờ nhà báo cứ nhăm nhăm đi chụp ảnh nhà của ông này, ông kia đưa lên mạng rồi đặt ra câu hỏi tiền ở đâu ra để làm nhà. Trong khi đó, tài sản của cá nhân được pháp luật bảo vệ và việc chứng minh nguồn gốc tài sản là của cơ quan chức năng. Nhưng mạng cứ đưa tràn lan mà không ai xử lý, vi phạm pháp luật mà không ai xử lý!?”
Luật sư Nguyễn Duy Bình, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do trước đây cho rằng, nhận định của ông Thuận Hữu là thiếu chính xác và có tính chất chụp mũ. Nhà báo có đăng và hỏi như vậy cũng chỉ muốn cán bộ giải trình về nguồn gốc tài sản nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, tránh nghi ngờ từ quần chúng nhân dân, chưa có gì vì phạm pháp luật.
Đa số dân Việt Nam bây giờ có tâm lý 'mackeno', 'mọi chuyện có đảng nhà nước lo'. Dân không quan tâm, hoặc sợ hãi, có hỏi dân, dân cũng cảnh giác và lảng tránh...<br/>-Trần Bang
Đại hội đảng lần thứ XIII của Đảng cộng sản Việt Nam sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 1 năm 2021. Thông thường, trước các kỳ đại hội, hay sinh hoạt chính trị của đảng cộng sản, thì các vị lãnh đạo hay có những phát biểu bị cho nhằm lấy lòng dân, mị dân... Cụ thể, ông Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong một tuyên bố gần đây cho rằng, ngoài ý kiến đảng và nhà nước, cần phải hỏi ý kiến người dân, không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII những người có biểu hiện cơ hội chính trị, xu nịnh, tham nhũng, quan liêu, phe cánh, lợi ích nhóm; để nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng hoặc để xảy ra tham nhũng, tiêu cực lớn.
Liên quan vấn đề này, Giáo sư Nguyễn Đình Cống nhận định với Đài Á Châu Tự Do:
“Thực ra hỏi dân cũng chỉ là một phần thôi, chứ họ giàu lên, làm công trình này, công trình kia, thì cơ quan chính quyền phải biết cả chứ, chẳng qua là có quan tâm hay không thôi. Hỏi dân cũng cần, nhưng không nhất thiết, tại sao không hỏi cơ quan chức trách nhà nước, họ có đảng, có đoàn, có công an thì biết cả chứ...
Chỉ có là do các nhóm lợi ích, những ai giàu lên mà không cùng phe nhóm thì họ moi móc ra, còn cùng phe nhóm thì họ bao che cho nhau. Vấn đề là có muốn làm hay không, nhưng hiện nay họ không muốn làm. Muốn làm thì người làm phải là người công minh chính trực, phải là người liêm khiết làm, nhưng bây giờ lấy đâu ra những người đó mà làm. Cũng có vài người bị xử lý, chẳng qua là do thất thế, không được bão lãnh, hoặc có chuyện gì đấy, thế thì người ta tìm cách triệt hạ lẫn nhau thôi.”
Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho rằng, không nhất thiết phải dựa vào dân. Cho dù dân nói đúng, nhưng đó chỉ là dân nhìn bề ngoài, chứ dân không thể đi sâu vào, để biết ‘của chìm, của nổi’ của quan chức. Dân chỉ biết ông này chơi sang, giàu có, biệt thự, nhà cao cửa rộng mà thôi... còn muốn biết cho rõ ràng thì phải các cơ quan chuyên trách của chính phủ phải vào cuộc. Tuy nhiên theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, giới cầm quyền có lẽ không muốn điều đó.