Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn vừa ký ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ, có hiệu lực từ ngày 15 tháng 8 năm 2021. Quy chế mới này có một số thay đổi so với quy chế được ban hành năm 2017.
Một trong những thay đổi đó là, theo quy chế cũ, nghiên cứu sinh cần công bố tối thiểu hai bài báo về kết quả nghiên cứu của luận án, trong đó có một bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI/Scopus, hoặc đã công bố tối thiểu hai báo cáo bằng tiếng nước ngoài trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện hoặc hai bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện.
Theo quy chế mới, nghiên cứu sinh chỉ cần có các sách chuyên khảo, những công bố tại các tạp chí trong nước có chất lượng tốt theo tiêu chuẩn đánh giá của Hội đồng Giáo sư nhà nước, là được chấp nhận. Liệu quy chế này có hạ thấp tiêu chuẩn chất lượng chức danh tiến sĩ trong tương lai hay không?
Tôi cho rằng thay đổi này là hợp lý nhưng quan niệm vẫn chưa chuẩn. Chuẩn là phải liệt kê danh sách tạp chí cả nước ngoài lẫn trong nước từng loại tạp chí. Cái nào được công nhận cái nào không. Như vậy nó chuẩn tắc và minh bạch hơn. - Giáo sư Đặng Hùng Võ
Giáo sư Đặng Hùng Võ nêu quan điểm của ông với RFA về việc này:
“Ngay khi ban hành quy chế nghiên cứu sinh phải có bài đăng tên tạp chí uy tín quốc tế thì cũng có những phản ứng trong ngành. Người ta cho rằng như vậy là tự mình hạ thấp giá trị của tạp chí Việt Nam, chỉ căn cứ vào tạp chí quốc tế mà không nói rõ tạp chí nào. Chỉ nên công nhận những tạp chí có mã số uy tín về mặt khoa học. Nhưng hiện nay, người ta chỉ ra một số tạp chí đạt những tiêu chí đó, nhưng lại dưới dạng ăn tiền để đăng chứ không có thẩm định khoa học gì cả.
Trước tình hình đó thì người ta cho là tạp chí quốc tế cũng không là chuẩn mực, không có trách nhiệm gì về mặt khoa học. Đấy là những ý kiến mà tôi cho rằng cũng hợp lý.
Tôi cho rằng thay đổi này là hợp lý nhưng quan niệm vẫn chưa chuẩn. Chuẩn là phải liệt kê danh sách tạp chí cả nước ngoài lẫn trong nước từng loại tạp chí. Cái nào được công nhận cái nào không. Như vậy nó chuẩn tắc và minh bạch hơn.”
Scopus hay ISI không phải là tên tạp chí hay bài báo mà là các cơ sở dữ liệu của các bài báo khoa học từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Scopus là cơ sở dữ liệu của Nhà xuất bản Elsevier (Hà Lan); ISI là cơ sở dữ liệu của Viện Thông tin Khoa học (Institute for Scientific Information) tại Hoa Kỳ.
Trả lời với truyền thông Nhà nước, Giáo sư Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội đồng ý với quy chế này. Ông Giang cho rằng, hình ảnh Việt Nam đang ngày càng gia tăng trên tạp chí nước ngoài như vấn đề ô nhiễm môi trường, các vấn nạn xã hội, hay tiêu cực trong kinh tế - xã hội là những công bố bất lợi cho Việt Nam. Thêm vào đó, quy chế mới này sẽ xóa bỏ nạn thuê viết bài báo quốc tế, bởi trong vài năm trở lại đây, mốt số nghiên cứu sinh tìm mọi cách lách để có bài đăng trên tạp chí quốc tế một cách không thực chất. Ông cho biết, có khi chỉ cần đáp ứng yêu cầu nộp 1.000-2.000 USD là được chấp nhận in rất nhanh ở những tạp chí ISI/ Scopus ít được biết đến.
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng lại có ý kiến khác. Ông nói:
“Đó là những tiêu cực mà chúng tôi cũng đã tích cực xóa bỏ bằng cách tham gia phong trào liêm chính trong khoa học. Hồi đạo tạo thạc sĩ ở Việt Nam, tôi từng phát hiện các sinh viên copy bài trên internet. Tôi không bao giờ cho những sinh viên đó bảo vệ luận văn thạc sĩ. Chuyện cảnh giác các trường hợp như vậy thì nước nào cũng làm. Đừng vì những tiêu cực như vậy mà lại thụt lùi một bước.
Tôi cũng rất quan tâm việc không nên coi thường những bài xuất bản qua báo chí, tạp chí trong nước. Nhưng những bài như thế cũng cần được chấm điểm, cần được kiểm tra. Nên có cả hai, tức là cả quốc tế và trong nước, chứ không chỉ trong nước là đủ. Phải tiến lên chứ không thể đi lùi.”
Theo Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, không thể bỏ qua các căn bản đặt giá trị của các tiến sĩ, giáo sư tương lai là những bài báo quốc tế được thẩm định đàng hoàng. Đó là một tiêu chuẩn bất biến. Không thể bỏ đi những tiêu chuẩn quốc tế bất biến mà trở về với những tiêu chuẩn có thể nói là cục bộ. Những tiêu chuẩn như vậy nó sẽ gây sự thụt lùi và không hay ho gì cho những tiến sĩ tương lai ở Việt Nam.
Tôi cũng rất quan tâm việc không nên coi thường những bài xuất bản qua báo chí, tạp chí trong nước. Nhưng những bài như thế cũng cần được chấm điểm, cần được kiểm tra. Nên có cả hai, tức là cả quốc tế và trong nước, chứ không chỉ trong nước là đủ. Phải tiến lên chứ không thể đi lùi. - Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng
Việc đào tạo tiến sĩ, giáo sư ở Việt Nam lâu nay bị coi là không có chất lượng thật sự mà chỉ chạy theo thành tích. Sau khi nhậm chức Thủ tướng Việt Nam, giữa tháng 5 vừa qua, ông Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, yêu cầu ngành giáo dục phải thực hiện các nhiệm vụ ‘học thật, thi thật và nhân tài thật’.
Bên cạnh chuyện chất lương các giáo sư, tiến sĩ không cao do bệnh thành tích, một vấn nạn nữa cũng chưa có cách giải quyết trong ngành giáo dục Việt Nam, là hiện tượng bằng cấp giả.
Một trong những vụ đình đám xảy ra vào cuối năm 2020 được báo chí chính thống lẫn cư dân mạng xã hội quan tâm, liên quan đến Trường Đại học Đông Đô ở Hà Nội - một trong những đại học ngoài công lập được thành lập sớm nhất tại Việt Nam.
Theo kết luận điều tra của Cơ quan Công an, Trường Đại học Đông Đô đã cấp bằng cử nhân giả cho 193 người không qua tuyển sinh, đào tạo. Trong đó có 55 trường hợp sử dụng bằng giả này để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ.
Bộ Giáo dục và Đào tạo lúc bấy giờ cho biết, quan điểm của bộ là kiên quyết xử lý bằng cách thu hồi và hủy bỏ những văn bằng này. Còn việc công khai hay không công khai danh tính những cá nhân sử dụng văn bằng mà bộ gọi là văn bằng ‘không hợp pháp’ sẽ do cơ quan có thẩm quyền xem xét theo quy định của pháp luật.