Theo báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu thuộc Công ty Chứng Khoán VNDirect Research, chuyên nghiên cứu về tình hình đầu tư kinh doanh, được công bố hôm 28/2, Việt Nam có chịu tác động nhất định khi Nga bị loại khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên Ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) vì đã phát động cuộc tấn công vào Ukraine.
Lúng túng trong thanh toán
Đây là lệnh trừng phạt do Mỹ, Anh, Canada và EU thông báo ngày 27/2, cắt đứt đường nối từ Nga đến một số ngân hàng trong hệ thống SWIFT, tên gọi tắt của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên Ngân hàng Toàn cầu, được thành lập từ 1973, có trụ sở tại Brussel, Bỉ.
SWIFT kết nối trên 11.000 tổ chức tài chính tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ để thông báo cho các ngân hàng về các giao dịch.
Việc Nga bi gạt khỏi hệ thống SWIFT đương nhiên tác động tới Việt Nam, là nhận định đầu tiên của kinh tế gia, nhà nghiên cứu độc lập Phạm Chi Lan, nguyên Phó Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam:
“Việt Nam phải hứng chịu những tác động như nhiều nước khác có quan hệ kinh tế với Nga. Hiện một số doanh nghiệp đang làm xuất nhập khẩu với Nga cũng rất lúng túng về cách thức để thanh toán giữa hai bên. Nếu thanh toán mà nghẽn thì rõ ràng là quan hệ thương mại không thể kéo dài bình thường được”.
Tác động thì có nhưng nhiều thì không chính xác, là khẳng định của chuyên gia bên ngoài, Tiến sĩ Khương Hữu Lộc, Giáo sư ngành Thạc sĩ MBA, giám đốc tài chính (CFO) cho nhiều công ty Mỹ với lợi tức trên một tỷ USD:
"Việt Nam và Nga tương tác về thương mại thực tế không nhiều. Nếu cộng Nga và Ukraine chung vào nhau thì Việt Nam tương tác trực tiếp với hai quốc gia này chỉ khoảng 1% GDP mà thôi. Đó là những dự án về xây cất, những dự án về dầu khí tại Việt Nam do Nga."
“Việt Nam cũng đã mua những tiềm thủy đĩnh (tàu ngầm) của Nga. Một khi đã mua vũ khí của Nga thì phải tùy thuộc vào phụ tùng, vào bảo trì tinh vi lâu dài. Việc thanh toán tiền sẽ không còn dễ dàng nữa, không thể thanh toán qua bank code SWIFT chỉ nhắn một cái thì 30 giây sau bên Nga có thể nhận tiền được.”
Một giả thuyết có thể xảy ra trong trường hợp Nga bị cấm vận, Tiến sĩ Khương Hữu Lộc giải thích:
“Việt Nam vẫn có thể trả tiền qua hệ thống Nhân Dân Tệ. Hiện tại Trung Quốc đang rất mong muốn tiền của mình và dịch vụ giống như SWIFT của họ được sử dụng nhiều hơn. Thành ra nó sẽ làm khó khăn nhưng nó không hoàn toàn tắc nghẽn”.
Vào năm 2012, Iran là nước bị cắt kết nối khỏi SWIFT vì chương trình hạt nhân của nước này. Lúc bấy giờ Iran đã mất 50% doanh thu xuất khẩu dầu mỏ, 30% mậu dịch với nước ngoài.
Việt Nam trong bối cảnh Nga bị cắt đường kết nối với SWIFT nên được hiểu như thế nào? Giải thích vấn đề này, Tiến sĩ Khương Hữu Lộc cho biết nhìn nhận của ông:
"Khi SWIFT bị siết chặt thì tất cả những dự trữ ngoại tệ của Nga dựa trên đồng USD cũng bị mất giá. Đồng Rouble (Rúp) của Nga như nước đá tan chảy rất nhanh, mất giá rất nhiều."
“Việt Nam nếu tương tác với Nga bằng cách trả bằng đồng Việt Nam (VND), và Nga trả lại bằng Rouble (Rúp), mà đồng Rouble không còn tin tưởng nữa thì mọi việc nó sẽ rườm rà. Có thể phải đổi qua tiền của một quốc gia trung gian nào đó và chuyển qua một kênh trung gian khác. Nó làm cho thương mại rất khó nhưng không có nghĩa là không làm được.”
“Đó là lý do mà Iran, Bắc Hàn, trong quá khứ bị Hoa Kỳ phong tỏa hệ thống SWIFT thì họ vẫn có cách họ vẫn sống được. Vấn đề ở đây là Nga có sống đủ để tiếp tục chiến tranh với Ukraine hay không.”
Không để bị lệ thuộc một nguồn
VNDirect Research dẫn lời các chuyên gia rằng lệnh trừng phạt Nga, bao gồm cả việc chặn kết nối SWIFT với hệ thống tài chính Nga, sẽ ảnh hưởng đến các dự án đầu tư của Nga tại Việt Nam, phần lớn là các dự án điện và dầu khí.
Điều này được bà Phạm Chi Lan phân tích như sau:
“Tôi không biết các tổ chức liên quan, cả phía Nhà nước lẫn công ty hay ngân hàng sẽ làm thế nào, nhưng mà tôi tin chắc là cũng sẽ có cách thôi.”
“Vả lại cũng phải thấy quan hệ dầu khí giữa Việt Nam với Nga cũng đã giảm đi rất đáng kể trong những năm sau này. Nếu tính về tỷ trọng của dự án dầu khí, như VietsoPetro trước đây, thì đóng góp của nó vào kinh tế Việt Nam càng ngày càng giảm xuống. Và bây giờ nó chỉ ở mức vài ba phần trăm đóng góp vào ngân sách thôi chứ không lớn như trước đây.”
“Đó cũng là điều may của Việt Nam là đã phát triển được rất nhiều nguồn khác, tăng quan hệ hợp tác với các nơi khác và có những dự án của mình. Thí dụ như ngay cả những dự án về lọc dầu chẳng hạn, tất cả những kênh khác nhau cũng giúp cho Việt Nam không bị lệ thuộc vào Nga nhiều về mặt dầu khí. Điều này khác so với các nước EU mà vẫn phải nhập khí đốt của Nga rất nhiều.”
Tuy nhiên, cho dù người ta phụ thuộc tới hơn 30% mà người ta vẫn vượt qua được, thì một tỷ lệ nhỏ bé vài ba phần trăm Việt Nam cũng vượt qua được thôi.”
Theo thông tin của VNDirect Research, dự án nhiệt điện Long Phú 1 do Power Machines của Nga làm tổng thầu đang chậm kế hoạch hai năm do vướng lệnh cấm vận.
Kế đó là dự án điện gió ngoài khơi Vĩnh Phong với liên doanh Zarubezhneft JSC Nga và DEME Concessions của Bỉ, đã ký biên bản ghi nhớ từ tháng 4/2021.
Ngoại trừ dự án điện khí Quảng Trị, hai dự án Long Phú 1 và Vĩnh Phong, đã đưa vào Dự thảo Quy hoạch Điện 8. Trong khi Vĩnh Phong vẫn chưa được khởi công thì dự án Long Phú 1 đang rơi vào bế tắc vì vẫn chưa thể lắp đặt thiết bị.
Đối với Tiến sĩ Khương Hữu Lộc, những điều đó không đáng ngại bằng việc giá xăng dầu trên thị trường nội địa tăng cao và e rằng sắp tới mọi thứ còn lên giá nữa. Thế nhưng chừng như tất cả nằm trong cái gọi là ‘bù trừ’ của nó:
“Việt Nam sản xuất dầu hỏa nhưng không đủ tiêu thụ. Giá dầu xăng, dầu hỏa tăng ảnh hưởng hại cho kinh tế Việt Nam. Nhưng vì sao không ngại?Là vì kinh tế chưa trở lại mạnh, lạm phát chưa tới 4%.”
“Nhưng khi kinh tế Việt Nam trỗi dậy lại như Hoa Kỳ và như các quốc gia khác, mà lại bị áp lực từ sự gián đoạn cung về dầu khí dầu hỏa của Nga, thì chắc chắn lạm phát sẽ tăng. Điều này thì Âu Châu bị nặng nhất, Hoa Kỳ cũng bị ảnh hưởng nhưng Việt Nam thì không đến nỗi nào.”
“Việt Nam là có cái bù trừ. Thứ nhất là những công nghệ như đã nói, rồi phân bón hay cả thép nữa, thì Việt Nam sẽ có cơ hội sản xuất và xuất khẩu nhiều hơn. Giá thành sẽ tăng và khi tăng thì quốc gia sản xuất có lợi. Nhưng bù trừ lại thì lạm phát rồi giá xăng dầu cho công nghệ của Việt Nam tăng thì giá cả tăng.”
Cũng đã có dự kiến là giá cả tăng mà lạm phát không tăng bao nhiêu, là giải thích tiếp theo của kinh tế gia:
“Ngược lại những công trình lớn tùy thuộc vào Nga sẽ bị gián đoạn, những công trình xây cất sẽ không hoàn thành trong thời gian dự tính. Đại khái tác động âm nhiều hơn, nhưng không ngại là vì tương tác với Nga và ngay cả với Ukraine không nhiều, chỉ 1% GDP mà thôi”.
Trung tâm nghiên cứu VNDirect Research vẫn duy trì dự báo lạm phát Việt Nam năm 2022 được kiểm soát ở mức 3,4%.
Việt Nam đã học được bài học là không để mình bị lệ thuộc vào một nguồn, bà Phạm Chi Lan đồng thời khẳng định rằng Việt Nam đã đa dạng hóa, đã phát triển quan hệ thương mại với nhiều nước. Nền kinh tế hiện nay, với các doanh nghiệp Nhà nước lẫn tư nhân đã trưởng thành về nhiều mặt, nên dù có tác động tiêu cực đi chăng nữa thì Việt Nam vẫn có thể chống chọi được.