Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 25/4 đã bày tỏ sự ủng hộ của Việt Nam đối với sáng kiến Vành đai con đường của Trung Quốc, một dự án gây nhiều tranh cãi trên thế giới. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều chuyên gia Việt Nam bày tỏ lo ngại về khả năng Việt Nam gia nhập sáng kiến này.
Sáu năm trước đây, trong chuyến công du Kazakhstan và Indonesia, Tổng Bí thư đảng cộng sản Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình lần đầu tiên nhắc đến sáng kiến xây dựng Con Đường Tơ Lụa Mới cho thế kỷ 21, sau đó được chính phủ Bắc Kinh sửa đổi nhiều lần, và mới đây nhất, vào năm 2016, sáng kiến này được đổi tên thành Vành đai – Con đường.
Theo Bắc Kinh, sáng kiến này khởi đầu với sáu hành lang kinh tế mà Bắc Kinh muốn vạch một con đường qua khu vực Đông Á vào tới Âu Châu. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn muốn nối liền mặt biển Đông Nam Á, Úc Châu qua Ấn Độ Dương cho tới Bắc Phi thông qua một loạt các cảng, đường sắt và đường bộ được Bắc Kinh tài trợ dọc theo các hành lang giao thương đường bộ và đường biển.
Hội nghị Thượng đỉnh Bắc Kinh về sáng kiến Vành đai – Con đường lần đầu tiên được tổ chức từ ngày 12 đến 14 tháng 5 năm 2017, với đại diện từ 100 quốc gia tham dự.
Vấn đề 'Một vành đai – Một con đường' từ trước tới giờ đảng cộng sản Việt Nam, chính phủ Việt Nam đã thường xuyên tán thành để tham gia, nhưng tôi nghĩ dù có ký kết hay không cũng không quan trọng, mà quan trọng là thực hiện đến mức độ nào. - Đinh Kim Phúc
Tuy nhiên, 6 nước Châu Âu bao gồm Anh, Pháp, Đức, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Estonia đã không tham gia ký kết bản công bố chung trong buổi bế mạc ngày 15/5/2017.
Tính đến nay, Trung Quốc đã ký thỏa thuận hợp tác Vành đai – Con đường với 126 quốc gia, mới đây nhất là Jamaica vào đầu tháng 4.
Tại Đông Nam Á, có đến 4 nước đã tham gia sáng kiến Vành đai – Con đường bao gồm: Lào, Malaysia, Thái Lan và Indonesia. Chỉ riêng tại Việt Nam tính đến thời điểm này vẫn chưa chính thức có dự án nào liên quan đến sáng Vành đai – Con đường.
Nhận xét về việc này, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc cho rằng:
“Vấn đề ‘Một vành đai – Một con đường’ từ trước tới giờ đảng cộng sản Việt Nam, chính phủ Việt Nam đã thường xuyên tán thành để tham gia, nhưng tôi nghĩ dù có ký kết hay không cũng không quan trọng, mà quan trọng là thực hiện đến mức độ nào thì trái banh nằm trong chân của các nhà lãnh đạo Việt Nam hiện nay. Tôi không nghĩ rằng các nhà lãnh đạo đảng và nhà nước hiện nay dễ dàng bước vào thòng lọng của Trung Quốc đã giăng ra sẵn, mà bài học kinh nghiệm đã có ở Châu Phi và một số nước trên thế giới.”
Nói rõ hơn về ‘cái bẫy’ mà nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc vừa nói tới, Thạc sĩ Hoàng Việt – một chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông cho biết:
“Người ta còn lo ngại trong chính sách ‘Một vành đai – Một con đường’ là chính sách bẫy nợ từ phía Trung Quốc. Trung Quốc cho vay ồ ạt với lãi suất cao, không chỉ vay không mà phải sử dụng nhân công, công nghệ, các công ty của Trung Quốc thực hiện xây dựng các dự án này. Một trong những trường hợp điển hình mà người ta nhắc tới là cảng Hambatota tại Sri Lanka đã phải cho Trung Quốc thuê đến 99 năm. Chưa kể đến tác động về an ninh, trong đó có an ninh về kinh tế, chính trị, an ninh chiến lược… Người ta lo ngại với cách hành xử cũng như thái độ và tham vọng cố hữu của Trung Quốc thì những việc này ẩn giấu đằng sau của dự án ‘Một vành đai – Một con đường’.”
Bên cạnh đó, theo Thạc sĩ Hoàng Việt, ngoài nguy cơ ‘bẫy nợ’, tranh chấp Biển Đông cũng là một phần chính trong sáng kiến Vành đai – Con đường mà Bắc Kinh đưa ra:
“Trong con đường tơ lụa thế kỷ 21 này kết nối các nước Đông Nam Á với Trung Quốc, vì vậy Biển Đông cũng nằm trong đó. Đây cũng là cách mà các nhà nghiên cứu lo ngại rằng Trung Quốc sẽ sử dụng biện pháp kinh tế để trói buộc Việt Nam cũng như các nước ASEAN khác để họ có thể độc chiếm trên Biển Đông.”
Vào ngày 28/3 tại Washington D.C., Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu cho rằng sáng kiến Vành đai - Con đường của Trung Quốc giống hệt chuyện họ bồi lấp xây đảo nhân tạo trên Biển Đông.
Ông nhấn mạnh rằng người Trung Quốc xây đảo nhân tạo chẳng phải vì họ muốn tự do hàng hải, họ nổ lực xây dựng các cảng khắp thế giới chẳng phải để trở thành nhà đóng tàu bè giỏi phục vụ các tuyến đường biển, mà tất cả cũng để triển khai chiến lược an ninh quốc gia của họ thôi.
Việc Trung Quốc xây lấp các đảo nhân tạo và triển khai vũ khí ra khu vực Biển Đông đã bị quốc tế lên án. Tuy nhiên, Trung Quốc nói rằng nước này có toàn quyền đối với những thực thể mà Trung Quốc xây lấp ở Biển Đông.
Trung Quốc đã vẽ ra đường đứt khúc 9 đoạn đòi chủ quyền đến 90% diện tích Biển Đông, lấn cả vào vùng nước của các nước láng giềng như Việt Nam và Philippines.
Với Việt Nam, cách đây 5 năm, vào năm 2014, Trung Quốc đã cho triển khai giàn khoan khổng lồ Hải Dương 981 vào khu vực quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp với Việt Nam. Vụ việc đã dẫn đến căng thẳng trong quan hệ hai nước trong nhiều tháng cho đến khi Trung Quốc quyết định rút giàn khoan về.
Ngoài ra, theo nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, vấn đề lớn nhất trong quan hệ Việt Nam với Trung Quốc là vấn đề Biển Đông nơi Việt Nam có các lô dầu khí đang khai thác và dự định khai thác nhưng đã gặp một số cản trở từ Trung Quốc trong thời gian qua.
Mới đây nhất, vào đầu tháng 4, Trung Quốc đưa giàn khoan Đông Phương 13-2 đi khu vực Vịnh Bắc Bộ, nơi mà Việt Nam và Trung Quốc chưa phân định rõ ở cửa Vịnh Bắc Bộ.
Thạc sĩ Hoàng Việt nhận định rằng chính những hành động này của Trung Quốc vô tình đẩy Việt Nam lại gần phía Hoa Kỳ hơn:
“Bây giờ mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ được thúc đẩy rất mạnh mẽ. Đáng lẽ quan hệ Việt – Mỹ chưa được nồng ấm như ngày nay nếu không có tác nhân từ Trung Quốc. Trung Quốc cũng là tác nhân đặc biệt trong những lần tranh chấp, căng thẳng trên Biển Đông, dẫn đến việc Việt Nam và Hoa Kỳ xích lại gần nhau hơn. Tuy nhiên, khi Việt Nam và Hoa Kỳ đang xích lại gần nhau hơn thì Hoa Kỳ đang là tác nhân để Việt Nam phải e dè khi thúc đẩy quan hệ hai nước.”
Việt Nam sẽ phải đi (Trung Quốc) để giải trình, nói cho Trung Quốc hiểu rằng Việt Nam phát triển quan hệ với Hoa Kỳ nhưng không chống lại Trung Quốc, mà chỉ là lợi ích phát triển mà thôi. - Thạc sĩ Hoàng Việt
Trong cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 25/4, Thủ tướng Việt Nam cũng đề cập đến vấn đề Biển Đông. Theo truyền thông Việt Nam, Thủ tướng Việt Nam kêu gọi hai bên tiếp tục tuân thủ nhận thức chung và thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước; kiên trì giải quyết vấn đề trên biển bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật quốc tế. Ông Phúc cũng nói đến việc hai bên tiến tới đạt tiến triển trong việc phân định ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ.
Trước chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trên nhiều trang mạng đã có những thông tin chưa thể kiếm chứng cho rằng hai bên sẽ ký một loạt các văn kiện quan trọng cho quan hệ hai nước.
Theo nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, chuyến đi này của ông Nguyễn Xuân Phúc chỉ mang tính ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc trong lịch trình đã được định sẵn mà thôi.
“Tình hình phát triển kinh tế Việt Nam hiện nay đang rất đuối, nên Việt Nam không muốn lộn xộn trong vấn đề chính trị, kinh tế. Do đó, Việt Nam có tham gia hội nghị kỳ này dù có ký kết 10 văn kiện hay 8 văn kiện hay 6 văn kiện thì vẫn là nguyên tắc ngoại giao của Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay. Còn vấn đề triển khai như thế nào là do tình hình quốc tế và tình hình quan hệ Việt – Trung sẽ quyết định những thực thi của 2 nước.”
Còn theo Thạc sĩ Hoàng Việt, chuyến thăm hữu nghị chính thức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Bắc Kinh lần này là để trấn an Trung Quốc về việc Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thăm Hoa Kỳ vào cuối năm nay theo lời mời của Tổng thống Donald Trump:
“Việt Nam sẽ phải đi (Trung Quốc) để giải trình, nói cho Trung Quốc hiểu rằng Việt Nam phát triển quan hệ với Hoa Kỳ nhưng không chống lại Trung Quốc, mà chỉ là lợi ích phát triển mà thôi.”